Hội nghị Phật giáo quốc tế lần thứ III và đại lễ Phật đản của Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan khai mạc vào chủ nhật ngày 07 tháng 05 năm 2006 tại công viên Buddhamonthon, thuộc tỉnh Nakhon Pathom, phía Tây Thái Lan.
Hội nghị diễn ra từ ngày 7 tháng 5 đến ngày 10 tháng 5 năm 2006, tại ba địa điểm chính: Trụ sở của Liên Hiệp Quốc đặt tại Thái Lan, công viên Buddhamonthon và công trường Sanam Luang, với sự tham dự của hơn 2500 đại biểu đại diện nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau đến từ 46 quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Hội nghị lần này thảo luận xoay quanh nội dung chính là: “Những đóng góp của Phật giáo cho nền hòa bình thế giới và sự phát triển lâu dài”, nhằm tìm ra giải pháp từ giáo lý Phật-đà để góp phần xây dựng một thế giới hòa bình và tăng cường hòa hợp hơn giữa các truyền thống Phật giáo. Tập trung vào chủ đề chính của Hội nghị, trong 4 ngày hội thảo, tham dự viên thảo luận trong phạm vi sáu chủ đề lớn: Phật giáo và hòa bình thế giới; Vai trò giáo dục Phật giáo; Hoằng pháp trong thời hiện đại; Bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo thế giới và Phát triển sự hợp tác bền vững của Phật giáo thế giới; Vai trò của nữ giới trong Phật giáo.
Bên cạnh những hội thảo khoa học còn có những cuộc triển lãm văn hóa Phật giáo mang bản sắc của nhiều quốc gia; các chương trình văn nghệ: ca nhạc, kịch, sân khấu; đặc biệt, những thời khóa tụng niệm của nhiều nghi thức khác nhau tại chùa Ngọc Phật trong hoàng cung và tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc để kính mừng Phật đản, PL. 2550 và nguyện cầu thế giới hòa bình, đồng thời, chúc lành đức vua Thái Lan 60 năm đăng quang.
Vì đây là một sự kiện quan trọng đối với Phật giáo đồ Thái Lan cũng như các nước Phật giáo trong khu vực nên nhiều nhà lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo Phật giáo, cũng như giới học giả đã gởi đến Hội nghị nhiều thông điệp, diễn văn, tham luận. Từ văn phòng chính của Liên Hiệp Quốc, ông tổng thư ký Cofi Annan cử đại diện đọc thông điệp chúc mừng đại lễ Phật đản và Hội nghị. Theo ông Anan, ngày Vesak được cử hành để kỷ niệm ba sự kiện quan trọng của Phật giáo: ngày Phật đản sinh, thành đạo và nhập Niết-bàn, rất gần lý tưởng của Liên Hiệp Quốc là tạo cảm thông hiểu biết giữa mọi người nhằm theo đuổi sự hoài hòa và mưu cầu hòa bình cho thế giới. Quốc vương Thái Lan cũng có thông điệp nói về vai trò của giáo lý Trung đạo với nền kinh tế tự cung của Thái Lan. Ðức Tăng thống Thái Lan, Ngài Somdet Phra Buddhacharya nói rằng, đại lễ Vesak là sự kiện thiêng liêng nhất của tất cả người con Phật. Vì thế, Phật tử khắp năm châu đều đón mừng lễ hội này. Tham luận của Thủ tướng Thái Lan cho biết, năm nay lễ Phật đản được tổ chức trong tất cả các cơ quan chính quyền và mọi tổ chức Phật giáo trong cả nước với mục tiêu hướng đến hiểu biết và áp dụng Phật pháp trong cuộc sống hằng ngày, để tăng trưởng lòng từ bi, yêu thương lẫn nhau để đem lại hạnh phúc và an lạc cho cuộc sống. Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Đài Loan, ngài Zhing Liang phát biểu rằng: Mục tiêu của Phật giáo là tạo dựng hòa bình và thống nhất. Tôn giáo này làm tăng trưởng lòng từ bi và sự thông cảm. Thế giới sẽ hòa bình nếu mọi người yêu thương, quan tâm và dung hợp lẫn nhau. Chính phủ Úc cũng gởi lời chúc mừng đến Hội nghị và đại lễ Phật đản. Cùng hàng trăm bài tham luận khác của những đoàn Phật giáo đến tham dự…
Về phía Phật giáo Việt Nam, toàn đoàn có khoảng 300 tham dự viên; Giáo sư tiến sĩ Lê Mạnh Thát có bài tham luận bằng tiếng Anh với đề tài: “Vài kinh nghiệm bảo vệ di sản văn hoá Phật giáo Việt Nam”.
Hội nghị Phật giáo quốc tế lần thứ ba và đại lễ Phật đản của Liên Hiệp Quốc đã kết thúc trong không khí hòa hợp, trang nghiêm và an lạc với sự chủ tọa của đức Tăng thống Phật giáo Thái Lan, ngài Somdet Phra Buddhacharya. Hội nghị thống nhất ra thông cáo chung gồm 13 điểm; vài điểm trong 13 điểm: Tăng cường hợp tác giữa các truyền thống khác nhau trong Phật giáo để tạo sự cảm thông, hỗ tương trong việc truyền bá giáo lý từ bi, giải thoát của Phật giáo; Thúc đẩy những hoạt động nhập thế nhằm góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, thương yêu bằng sự hòa bình, thương yêu trong mỗi cá nhân; Thành lập cơ quan Phật giáo quốc tế để giải quyết những vấn đề mang tính Phật giáo quốc tế; Thống nhất chương trình giáo dục Phật giáo cho thanh thiếu niên và người lớn bằng cách thành lập thư viện điện tử Phật giáo, chương trình này sẽ do trung tâm Giáo dục Phật pháp, trang nhà BuddhaNet và trường đại học Phật giáo Mahachulalongkorn đảm nhiệm; Kêu gọi UNESCO, chính phủ các nước, và những cơ quan hữu quan gìn giữ và bảo tồn những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Phật giáo; Thừa nhận sự cấp thiết hiệu chỉnh tình trạng và vai trò của người nữ trong Phật giáo…
Để chuẩn bị sự kiện này, năm 2004, Hội đồng Tăng già tối cao Thái Lan đã ủy nhiệm Viện Đại học Phật giáo Mahachulalongkornrajavidyalaya phối hợp với chính phủ Thái tiến hành thành lập Ủy ban tổ chức hội nghị quốc tế gồm đại diện của nhiều giáo hội, hội đoàn, học giả của Phật giáo từ những quốc gia có đoàn đại biểu tham dự, để tổ chức một Hội nghị Phật giáo quốc tế quy mô và hoành tráng. Theo Phó Thủ Tướng Suwat Liptapanlop, chính phủ đã xuất chi 69 triệu Baht cho sự kiện này.
Để chào mừng sự kiện này, Phật giáo Thái Lan đã khai mạc thư viện Phật giáo với tổng kinh phí lên đến 300 triệu Baht; cung thỉnh xá-lợi Phật từ hoàng cung đến tôn trí tại công trường Sanam Luang; khởi xướng tuần lễ xiển dương Phật pháp; tụng đọc Tam tạng giáo điển liên tục trong suốt ba ngày và nhiều chương trình khác...
Hội nghị Phật giáo quốc tế lần thứ IV nhân ngày Phật đản của LHQ sẽ được tổ chức vào 2007 để chào mừng sinh nhật thứ 80 của quốc vương Thái Lan cũng được ủy thác cho Viện đại học Phật giáo Mahachulalongkorn chịu trách nhiệm phối hợp với Ủy ban tổ chức quốc tế cho Hội nghị lần thứ tư.
■ Từ Quang
(Tổng hợp từ Internet)
[Tập san Pháp Luân - số 27, tr.93, 2006]