Truyền thông - "hiện đại hóa" hay thừa tiếp truyền thống Phật giáo?
Truyền thông vốn là vấn đề truyền thống của Phật giáo
Nhiều người vẫn nghĩ truyền thông là internet, là audio, video, là truyền hình, là multimedia… tức là những vấn đề “hiện đại”. Cổ súy cho hoạt động truyền thông chính là tác động vào tiến trình “hiện đại hóa Phật giáo”, một vấn đề được nêu ra từ thập niên 60 của thế kỷ trước, đến nay vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh luận, với các ý kiến còn rất khác biệt.
Thực ra, hiểu truyền thông như vậy là rất phiến diện. Truyền thông là tiến trình làm cho hiểu nhau, chia sẻ quan điểm, suy nghĩ với nhau, thông cảm nhau. Internet, truyền hình… chỉ là phương tiện, công cụ hiện đại của một vấn đề muôn thuở, vấn đề truyền đạt các nội dung thông tin đến với con người.
Vấn đề truyền thông trong Phật giáo đã có ngay từ thời đức Phật. Đó hoàn toàn không phải là vấn đề “hiện đại hóa Phật giáo”. Trong Tiểu bộ kinh, phần truyện tiền thân đức Phật, chúng ta đọc thấy rất nhiều lần đức Phật dùng thiên nhãn thông để tìm trong phạm vi Ngài có thể liên hệ những ai có duyên được độ. Và khi đã phát hiện ra người đã có cơ duyên tu tập đạt thành chánh quả, Ngài lập tức thiết lập liên lạc ngay với những người đó, tìm cách tác động đến họ, thuyết pháp cho họ, độ họ thọ giới, tu tập… Đức Phật cũng quan tâm tới những sự việc mà tăng chúng bàn bạc, nếu những sự việc đó là cơ duyên thuận lợi cho hoạt động hoằng pháp lợi sinh. Có thể tưởng là thô sơ, đơn giản, nhưng hoạt động “truyền thông” của đức Phật thực ra là hết sức vi tế, vì hoạt động đó được xúc tiến dựa trên cơ sở thần thông. Do thần thông, đức Phật xác định khoanh vùng ngay nhóm đối tượng cần thiết lập quan hệ truyền thông và tác động tập trung vào những đối tượng đó. Nhờ vậy, đối tượng được tác động từ đức Phật tiếp nhận nội dung truyền thông ở mức độ hiệu quả nhất, trọn vẹn, tối ưu. Hầu hết được khai ngộ, một số đông thành tựu các quả vị thánh.
Ngày nay, hoằng pháp trong điều kiện không có “thiên nhãn thông”, chúng ta phải hướng đến số đông nhân sinh, không thể chọn lọc đối tượng đặc biệt như ngày xưa đức Phật đã làm. Thế nhưng, cần lưu ý, chính đức Phật cũng tiến hành những hoạt động truyền thông hướng tới số đông. Ngài luôn luôn di chuyển, thay đổi nơi cư trú, mà một trong những mục đích là gia tăng tối đa số người có điều kiện nghe pháp. Ngài tổ chức những chúng hội đông đảo đủ mọi thành phần, đó không gì khác là hoạt động truyền thông hướng tới số đông. Do hướng tới số đông như đức Phật đã làm, các bậc tiền bối đã kết tập, in ấn kinh điển. Đầu thế kỷ XX, các vị cao tăng, cư sĩ hữu công chấn hưng Phật giáo bằng cách làm báo. Đến thời đại chúng ta, việc ứng dụng truyền hình, internet, multimedia… là việc thừa tiếp đương nhiên, không có gì là “hiện đại hóa” cả. Nếu không biết nắm lấy, khai thác, sử dụng những phương tiện truyền thông hiện đại, có khả năng tác động đến số đông, để truyền bá giáo pháp một cách nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm nhất, là chúng ta đã đi ngược lại truyền thống “truyền thông” đến “đại chúng” mà đức Phật khởi xướng, chư Tổ tiếp nối bằng hành động cụ thể, “thân giáo” hết sức rõ ràng. Phật giáo bản chất là tôn giáo “mở”, tôn giáo của truyền thông, tôn giáo quảng bá hiểu biết đến số đông. Nghĩ rằng đạo Phật hiện đại mới có vấn đề “truyền thông”, còn đạo Phật truyền thống là khép kín, là cô lập, là chỉ dành cho một thiểu số có “duyên”, chính là đi ngược lại với tư duy và hành động của đức Phật. Chúng ta không có thần thông như đức Phật, để chọn lọc đối tượng hoằng pháp, nên không thể xác định đối tượng truyền thông giới hạn trong nhóm người có duyên, mà chỉ có thể thực hiện phương thức hướng tới số đông, một trong hai phương pháp mà đức Phật đã tiến hành ở trên. Và như vậy, khai thác các phương tiện kỹ thuật hiện đại là tất yếu và đúng đắn, là thừa tiếp truyền thống Phật giáo từ khởi nguyên.
Nhìn nhận trọn vẹn vấn đề truyền thông
Truyền thông không phải chỉ là internet, là truyền hình, là multimedia…, mà tất cả cơ hội tạo ra tiến trình để mọi người tiếp xúc với Phật pháp, truyền tải Phật pháp đến mọi người đều là truyền thông. Truyền thông hiện đại không khác gì với truyền thông truyền thống, có khác chăng chỉ là sự bổ sung phương tiện kỹ thuật hiện đại mà thôi. Bản chất, mục tiêu vẫn là vậy, như đã có từ thời đức Phật.
Từ cách hiểu mọi cơ hội để truyền tải giáo pháp đến số đông, đều là truyền thông, bài viết này không chỉ nhằm mục tiêu giới thiệu thuyết truyền thông là những phương thức truyền tải thông tin hiện đại như truyền hình, internet…, mà còn nhằm mục tiêu thúc đẩy tất cả những phương thức có thể có, đặc biệt là những phương thức truyền thống của Phật giáo. Do giới hạn phạm vi bài viết, nên ở đây chỉ xin điểm qua một số phương thức mà từ trước đến nay đã góp phần xây dựng Phật giáo thành một tôn giáo “mở”, tôn giáo hướng tới số đông:
- Xây dựng cảnh chùa thành những thắng cảnh đẹp, kiến trúc, vườn hoa mỹ thuật, thu hút đông đảo khách du lịch, mở rộng cửa đón họ, đó chính là hoạt động truyền thông. Trong trường hợp này, bản thân vẻ đẹp, sự trang nghiêm thanh tịnh của ngôi chùa, khu vườn chùa chính là nội dung thông điệp gởi đến công chúng rộng rãi. Một không gian an lạc, giải thoát mà nhiều ngôi chùa đã tạo thành là biểu hiện vật chất, một biểu hiện có thể nhìn thấy, sờ thấy, ngửi thấy… của tư duy Phật giáo. Cảm và hiểu Phật giáo thông qua kiến trúc chùa, vườn chùa, tượng Phật… là một khía cạnh của truyền thông Phật giáo. Đó là tạo duyên để người có thể đến chùa, không phân biệt bất kỳ ai, dù là khách du lịch đến vì tò mò hiếu kỳ hay là người ngoài đạo đến để tìm sự thư giãn, nhẹ nhàng trong phút chốc. Những ai đến chùa đều là đã nằm trong “tầm phủ sóng” của Phật giáo. Đó là cách làm “truyền thông” rất hay của chư Tổ. Vấn đề tiếp theo là phát triển nội dung thông tin đến các đối tượng đã nằm trong “vùng phủ sóng” này. Tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp giữa tăng sĩ với khách viếng chùa, phát hành hay tặng biếu báo chí, ấn phẩm, văn hóa phẩm Phật giáo đến nhóm đối tượng này thực chất là tổ chức một kênh truyền thông, nói theo cách nói hiện đại. Rất tiếc, trong thực tế, có một số chùa tỏ ra dị ứng với khách du lịch nói riêng, với hoạt động du lịch nói chung. Quan niệm chùa chỉ là nơi để Phật tử đến cúng bái sẽ thủ tiêu kênh truyền thông quan trọng và đầy lợi thế này của Phật giáo đối với công chúng rộng rãi, là đối tượng mà Phật giáo hướng đến để tác động. Cũng vậy, mọi việc làm có thể gây tổn thương đến kênh truyền thông này chính là làm tổn thương tới hoạt động hoằng pháp, (Chẳng hạn, như có một chùa ở một tỉnh lân cận Tp. HCM, từ quan niệm “bố thí”, đã lập trước cửa chùa một cơ sở “mai táng từ thiện”, đặt để nhiều quan tài, gây tâm lý phản cảm, lo sợ trong nhiều giới, đặc biệt là thanh niên, khiến cảnh chùa không còn là nơi thu hút khách đến thưởng cảnh, thư giãn. Làm như vậy có khác gì xua đuổi khách thập phương là giới trẻ?).
- Phương thức mà nhiều vị Tổ sư và cư sĩ cũng đã làm trong thời xa xưa và ngày nay vẫn còn tiếp nối: dựng những tượng Phật khổng lồ, khắc kinh Phật trên trụ đá, trên vách núi đá... cũng có thể coi là thuộc phạm vi truyền thông. Mục tiêu của việc làm này không có gì hơn là hướng truyền thông theo chiều thời gian với mong muốn nội dung của thông điệp có thể vẫn còn hiệu quả trong nhiều thế kỷ, thậm chí nhiều thiên niên kỷ. Hiệu quả của cách làm này cũng có thể thẩm định bằng cách không khác gì cách thẩm định của truyền thông hiện nay là: số lượng người được tác động bởi thông tin truyền thống đã được thiết lập. Thời gian tồn tại của ảnh tượng, thạch bản kinh... cũng không ít, hiệu quả thông tin cũng lớn, số lượng người nhận tác động của thông tin cũng nhiều.
- Các phương thức khác tạo thuận lợi cho người đến chùa cũng là phương thức tạo kênh truyền thông. Thí dụ: mời cơm chay rộng rãi đến khách thăm chùa, mở thư viện dành không gian cho sinh viên, học sinh đến học tập, mở lớp dạy Anh văn, Hán văn, mở phòng vi tính, lớp dạy vi tính miễn phí, tổ chức hành hương đến chùa chiền, Phật tích… như một số chùa đã làm có kết quả, đều là hoạt động hỗ trợ truyền thông. Nó tạo ra môi trường để “truyền tin” và “nhận tin”. Phương thức nào thu hút đông đảo số người đến chùa, duy trì được ở mức cao thời gian số đông người có mặt ở chùa, với mức chi phí thấp nhất có thể, được xem như phương thức có hiệu quả.
Truyền thông, đối với Phật giáo, không có gì khác hơn là bố thí pháp, chuyển pháp luân, làm cho “hiểu để thương”... Ấn tống kinh sách, làm báo, tổ chức hội chúng, diễn giảng là truyền thông, và ngày nay trang Web Phật học, chương trình truyền hình, chương trình multimedia Phật giáo... cũng là truyền thông. Tất cả đều từ truyền thống khởi nguyên của Phật giáo: Tôn giáo hướng tới số đông, vì lợi ích của số đông.
Minh Thạnh
[Tập san Pháp Luân số - 42, tr.60, 2007]