Dẫn vào Lịch sử Phật giáo §8. Phật giáo Bắc truyền – Tibet

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Phật giáo được truyền đến Tibet chính thức là khoảng thời vua Srong-btsan sGam-po

Dẫn vào Lịch sử Phật giáo

Bài thứ tám: Phật giáo Bắc truyền – Tibet

Phật giáo được truyền đến Tibet chính thức là khoảng thời vua Srong-btsan sGam-po (phiên cách đọc: Songtsen Gampo, སྲོང་བཙན་སྒམ་པོ་, 581-649. Vua Srong-btsan sGam-po khi thống nhất lãnh thổ Tibet đã lên kế hoạch tiếp nhận văn hoá từ hai nước láng giềng là Ấn Độ và Trung Quốc, cho nên cùng với văn hoá, Phật giáo cũng được truyền vào (cả chữ viết của Tây Tạng cũng được hình thành ở thời đại này).

Sau đó, vào thời của vua Khri Srong lde brtsan(ཁྲི་སྲོང་ལྡེ་བཙན、742-797), phía Tibet đã thỉnh vị đại học tăng người Ấn Độ là Śāntarakṣita về, lập nên chùa bSam-yas (བསམ་ཡས phiên âm đọc: Samye) và tiến hành công việc phiên dịch Phật điển. Khoảng này cũng là thời gian lần đầu tiên người Tibet được trao giới cụ túc. Nơi chùa Samye nầy cũng đã xảy ra một hội nghị để quyết định chọn Phật giáo Ấn Độ hay Phật giáo Trung Quốc làm quốc giáo cho Tibet. Hội nghị này còn được gọi là “Samye tông luận”. Từ phía Ấn Độ có đệ tử của Śāntarakṣita là Kamalaśīla, phía Trung Quốc có vị Thiền tăng được gọi là Đại Thừa hoà thượng tham gia. Kết quả cuối cùng do quốc vương quyết định là chọn Phật giáo Ấn Độ, đặc biệt là triết học Trung Quán của Long Thọ làm Phật giáo chính thống của người Tibet. Liền sau đó, việc phiên dịch Phật điển cũng được thịnh hành, và các sách từ vựng phiên dịch mang tầm vóc quốc gia như Mahāvyutpatti (năm 814) cũng đã được biên soạn.

Tuy nhiên, do vì chính sách bảo hộ Phật giáo đã hơi quá nên tạo thành phản cảm, và đã xảy ra cuộc vận động bài xích Phật giáo, khi vương triều của vua Srong btsan sGam po diệt vong vào năm 842 và Tibet bị phân thành những nước nhỏ, thì một số tăng viện đã bị phá hoại và Phật giáo Tibet đã một thời bị suy thoái. Sự truyền bá Phật giáo của trước thời suy thoái này được gọi là “tiền truyền”.

***

Cuối thế kỷ thứ X đã có cuộc vận động phục hưng Phật giáo giữa các vị vua phía Tây Tibet. Sự truyền bá Phật giáo từ sau cuộc vận động phục hưng Phật giáo này được gọi là “hậu truyền”. Với hoạt động của vị tăng dịch kinh người Tibet là Rinchen ZangPo, và vị giáo thọ lớn thuộc ngôi chùa chuyên học vấn là chùa Vikramaśīla ở Ấn Độ là ngài Atiśa mà Tibet thỉnh mời về vào năm 1042, v.v…. Phật giáo chính thống đã được hưng thịnh trở lại. Và do sự truy đuổi của giáo đồ Hồi giáo ở Ấn Độ, vị tăng viện trưởng cuối cùng của chùa Vikramaśīla là ngài Śākyaśrībhadra đã đến Tibet, và truyền trao cho Tibet truyền thống Phật giáo cuối cùng của Phật giáo Ấn Độ.

***

Sau đó, Phật giáo Tibet cũng đã được truyền rộng ra cho các nước lân cận là Nepal và Butan, hay các nơi như Mông Cổ, Mãn Châu. Vị tăng tên là 'Phags pa (khoảng năm 1235-1280) thuộc phái Sakya (ས་སྐྱ་པ་) của Phật giáo Tibet đã trở thành đế sư của Kublai Khan (bộ tộc trưởng Hốt Tất Liệt) của triều Nguyên, nên sức ảnh hưởng trở nên lớn mạnh. Sau đó, Altan Khan của Mông Cổ quy y Phật giáo bởi Dalai Lama đời thứ 3 (năm 1453-1488) của phái Gelug (དགེ་ལུགས་པ), và toàn thị tộc Mông Cổ đã trở thành Phật giáo đồ Tibet cho đến ngày nay.

***

〈Thư mục tham khảo〉
平川彰『インド仏教史』上、春秋社、1974年
早島鏡正監修『仏教・インド思想事典』春秋社、1987年
長尾雅人、他『チベット仏教』岩波講座東洋思想第十一巻、岩波書店、1989年
末木文美士監修『雑学三分間ビジュアル図解シリーズ 仏教』PHP研究所、2005年
菅沼晃博士古稀記念論文集刊行会編『インド哲学仏教学への誘い』大東出版社、2005年
リチャード・F・ゴンブリッチ『インド・スリランカ上座部仏教史』春秋社、2005年

[一色大悟]