Dẫn vào Lịch sử Phật giáo §1. Phật giáo là gì?

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn, cùng với Ki-tô (Thiên Chúa) giáo và Hồi giáo. Tuy nhiên, nếu truy về khởi nguyên thì Phật giáo có điểm khác với hai tôn giáo này.

Dẫn vào Lịch sử Phật giáo

Bài thứ nhất: Phật giáo là gì?

Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn, cùng với Ki-tô (Thiên Chúa) giáo và Hồi giáo. Tuy nhiên, nếu truy về khởi nguyên thì Phật giáo có điểm khác với hai tôn giáo này.

Phật giáo được đản sanh ở Ấn Độ cách nay khoảng hai ngàn năm trăm năm. Ki-tô giáo thì khoảng sau kỷ nguyên Tây lịch, và Hồi giáo được đản sanh khoảng nửa đầu thế kỷ thứ VII. Từ điểm này mà xét thì Phật giáo có lịch sử dài nhất trong ba tôn giáo lớn. Cũng giống như tên gọi của Ki-tô giáo có nguồn gốc là “giáo thuyết của Ki-tô”, Phật giáo cũng có nguồn gốc là “giáo thuyết của Phật”. Phật là Buddha, chỉ cho người đã giác ngộ, có tên thật là Gautama Siddhārtha, đó là người khai sáng ra đạo Phật. Cụ thể về Gautama Siddhārtha sẽ có ở bài thứ hai.

Gautama Siddhārtha có nhiều tên gọi khác, Buddha là một trong những tên gọi đó, đó là từ tôn xưng, có ý nghĩa là “người đã giác ngộ”, “người đã lý giải thông suốt chân lý về cuộc đời”. Buddhism chỉ cho Phật giáo trong tiếng Anh cũng là từ phái sinh từ từ “Buddha” này, mang ý nghĩa “giáo thuyết của Buddha”. Ngoài ra còn có tên gọi là Thích Ca (Sakya), đây là tên gọi bắt nguồn từ dòng tộc xuất thân của Gautama Siddhārtha.

***

Kế đến, “giáo thuyết của Phật” là gì? Phật giáo cho rằng cuộc đời này đầy những khổ đau. Góc nhìn này mới nghe qua thì có vẻ hơi tiêu cực, nhưng nếu xét kỹ trong cuộc sống thường ngày thì, “người mình yêu quý có khi cũng phải xa lìa”, “điều không vừa ý vẫn cứ thường xảy ra”, v.v… đó là sự thật mà con người trong cuộc đời này luôn phải đối diện. Sự thật này trong Phật giáo gọi là “khổ”, và đặt mục đích giải phóng khỏi cái “khổ” này để đạt được tâm an ổn.

Về phương pháp giải phóng khỏi khổ, Phật giáo có nói đến việc “đạt được chánh kiến”, tức “hiểu rõ”, hay “lý giải đúng đắn”. Trước tiên, “hiểu rõ” về hiện trạng khổ, sau đó, “hiểu rõ” về nguyên nhân mình khổ, và sau cùng là “hiểu rõ” phương pháp đúng đắn để làm lắng dịu cái khổ này, và có được tâm an ổn.

***

Chuỗi “hiểu rõ” trên đây rất giống với phương pháp trị bệnh. Biết mình bị bệnh, khi bác sĩ khám tìm ra nguyên nhân, và cho thuốc, và nếu theo hướng dẫn của bác sĩ mà sử dụng thuốc, thì bệnh được lành. Phật giáo rất coi trọng việc “hiểu rõ”, có thuật ngữ là “chánh kiến”. Đây cũng là lý do tôn giáo này được gọi là “tôn giáo của trí tuệ”.

[近藤隼人]