Mời quý vị và các bạn trẻ cùng theo dõi câu chuyện hôm nay với tiêu đề “Bổn phận người Phật tử tại gia” với các bạn trẻ A,B,C.(TM)
Kính thưa quí vị,
Tuổi trẻ, đến với đạo Phật với nhiều bỡ ngỡ như người lạc vào khu rừng đầy hoa thơm cỏ lạ nhưng lại khó tìm lối ra. Tiết mục “Tuổi trẻ với Phật pháp” đến với các bạn trẻ, đặc biệt là những bạn trẻ Phật tử VN ở hải ngoại, trưởng thành tại một nơi mà tiếng mẹ đẻ không được dùng trong sinh hoạt hằng ngày, để giúp nói đến những việc rất bình thường nhưng có thể “khó” với họ. Ngoài ra, “Tuổi trẻ với Phật pháp” sẽ giúp chúng ta cùng tìm hiểu và thực hành Phật pháp, hầu đạt được an lạc, hạnh phúc và thảnh thơi ngay trong cuộc sống trước mặt cho bản thân, gia đình và cho mọi người quanh ta. Kính mời quý vị và các bạn trẻ cùng theo dõi câu chuyện hôm nay với tiêu đề “Bổn phận người Phật tử tại gia” với các bạn trẻ A,B,C.
A: Xin chào các bạn! Người Phật tử là người con Phật, đi theo con đường của đức Phật, học sống theo giáo lý của Ngài, nhưng tại sao lại gọi là “người Phật tử tại gia” hả?
C: Gọi như vậy để phân biệt với người Phật tử xuất gia là quí vị Sa-di, Sa-di-ni, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, v.v… sống ở chùa, “ly gia cát ái” nghĩa là thoát ly khỏi sự ràng buộc của tình cảm gia đình đó.
A: Người Phật tử tại gia có phải còn được gọi là Ưu-bà-tắc (nam) và Ưu-bà-di (nữ) hay “cận sự nam”, “cận sự nữ” hay “thiện nam”, “tín nữ” nữa phải không?
B: Đúng rồi, nói tóm lại, là Phật tử chúng ta có “4 Chúng đồng tu” là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di.
A: Vậy thì các bạn hãy cho biết bổn phận của những người Phật tử tại gia (PTTG) là gì ngay đi!
C: Bổn phận chính của người PTTG là sống đúng với Phật pháp, truyền bá Phật pháp đến mọi người để mọi người được an lạc.
B: Như vậy vấn đề là trước hết, người PTTG phải biết áp dụng Phật pháp vào đời sống hằng ngày để tự mình có sự an lạc, rồi mới đem an lạc cho người khác được, có phải không?
A: Phải rồi! Làm sao để gọi là sống đúng theo Phật pháp và có an lạc?
B: Trong Phẩm “Tịnh hạnh” của kinh Hoa Nghiêm, ngài Văn Thù có trả lời cho Phật tử tại gia, những vị Bồ-tát ở nhà, sống như thế nào gọi là sống đúng theo Phật pháp (sách do thầy Hằng Trường Việt dịch và giảng).
C: Có phải ngài Văn Thù dạy ta nhìn mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc đời này bằng cặp mắt trí tuệ, hướng về chân lý chứ đừng nhìn với cái tâm hẹp hòi, cố chấp...?
B: Đúng rồi! Ngài có đưa ra hơn 10 lời dạy cho người PPTG sử dụng để sống đúng tinh thần Phật pháp trong những hoàn cảnh sinh hoạt bình thường ở gia đình.
A: Thật là hay quá, bạn hãy cho biết những lời dạy ấy đi!
B: Bài học thứ nhất là Ngài dạy: ở gia đình, người PTTG phải nhường nhịn (không tranh giành), phải bao dung với mọi người, nói năng nhỏ nhẹ, phải biết lắng nghe, chuyện qua rồi đừng có nhắc lại, đừng trách móc, tránh bàn luận chuyện đúng sai, hay dở của các thành viên trong gia đình; nên chia sẻ chân lý, truyền đạt những gì mình học được trong Phật pháp để mọi người biết làm những điều thiện lành tránh điều hung ác.
C: Có phải bài kệ thường nhắc nhở chúng ta mà hôm trước bạn đã nhắc đến hay không?
Bồ-tát ở nhà
nguyện rằng chúng sanh
biết nhà tánh Không
tránh mọi bức bách.
A: Tôi nhớ ra rồi! Nghĩa là mình yêu mến gia đình nhưng đừng quá tham luyến, quá khẩn trương để sinh ra đủ thứ stress - là “bức bách” - phải không?
B: Phải rồi, các bạn đã nhớ đúng rồi đó. Còn đối với cha mẹ thì hiếu thảo, chăm sóc nhưng cũng phải biết rằng đức Phật đã dạy: “Tất cả chúng sanh đều là cha mẹ của chúng ta trong bảy kiếp”; ý nói là thương yêu thờ phụng cha mẹ là hiếu, nhưng phải từ lòng hiếu đó lan rộng ra đến mọi người chứ không phải chỉ biết chăm lo cho cha mẹ mình mà xúc phạm đến cha mẹ người khác, hay vì lòng hiếu mà làm những chuyện sai trái tội lỗi v.v... thì đó lại là bất hiếu. Ngoài ra, phải biết cha mẹ cần mình nhất là những lúc già yếu, bệnh tật, xúc cảm, tuyệt vọng, hãy gần gũi họ, lắng nghe họ và chia sẻ kinh nghiệm tu học với họ. Các bạn còn nhớ bài kệ này chứ?
C: Ừ, nhớ! Bài kệ nhắc nhở chúng ta là:
Hiếu thảo cha mẹ,
Nguyện rằng chúng sanh
Khéo phụng sự Phật,
Chăm sóc hết thảy!
A: Tôi cũng nhớ bài kệ nói về gia đình nhỏ gồm vợ con nhưng 2 câu cuối chưa được thông suốt, các bạn hãy giảng nghĩa giùm nha:
Vợ con sum vầy,
Nguyện rằng chúng sanh
Oán thân bình đẳng
Vĩnh ly tham trước.
B: Đức Phật dạy: “Phải có duyên nợ với nhau trong nhiều đời nhiều kiếp mới thành vợ chồng”, vì vậy phải thương yêu giúp đỡ chia sẻ hạnh phúc hay đau khổ với nhau cho đúng đạo lý. Mặt khác, đừng yêu đương tham đắm quá mà sinh ra ích kỷ, rồi từ đó nghi kỵ, hiểu lầm, ghen tuông, ly dị v.v... kéo theo liền! Phải tập sống theo “trung đạo”-không thắt chặt quá, không thả lỏng quá-thì tình vợ chồng, con cái mới bền vững và dành cho nhau sự tự do đúng mức. Đó cũng là ý nghĩa mấy chữ “vĩnh ly tham trước” và “bình đẳng” đối với kẻ oán, người thân trong 2 câu cuối. Thế còn về “ngũ dục thất tình” các bạn có còn nhớ bài kệ nhắc nhở chúng ta như thế nào không?
A: Đó là:
Được hưởng ngũ dục,
Nguyện rằng chúng sanh
Nhổ mũi tên dục,
Cứu cánh yên ổn.
Nhưng tôi chưa nhớ ra ngũ dục là gì? Và tại sao gọi là “mũi tên dục”?
B: Ngũ dục là 5 “đối tượng” (object) của dục vọng: tiền tài vật chất, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống hưởng thụ, ngủ nghỉ (tài, sắc, danh, thực, thùy). Đặc tính của ngũ dục là khiến người ta nghiện ngập chìm đắm-các bạn đừng tưởng chỉ có rượu hay thuốc phiện mới làm người ta nghiện đâu nha-ngay cả danh vọng, địa vị, sắc đẹp cũng làm người ta say đắm và nhận chìm người ta được (“sắc bất ba đào dị nịch nhân” - có nghĩa là “sắc đẹp không có sóng nhưng nhận chìm người ta dễ dàng” đó!)
C: Bạn nói đúng quá! Ai đã nếm mùi ngũ dục thật khó mà buông xả. Cho dù bạn muốn tránh né, nó cũng vẫn còn gốc rễ nằm sâu trong đáy lòng, phải không? Hèn gì đức Phật nói “ngũ dục là gốc rễ của địa ngục đọa lạc” - giống như mũi tên độc đã ngấm vào da thịt, khó nhổ cho ra và dù nhổ ra được thì đau đớn biết bao nhiêu và chất độc đã ngấm vào cơ thể rồi!
A: Như vậy thì nguy rồi! Cuộc sống của người PTTG luôn có ngũ dục vây quanh, làm sao mà tránh đây các bạn?
B: Thì mình phải giữ mình bằng cách “tiết chế” những ham muốn (to bound your desire, to limit) chứ đâu có làm sao hơn! Mình thực hành các hạnh sau đây: biết đủ (tri túc), tịch tĩnh, đạm bạc, buông xả, ít muốn (tránh hưởng thụ).
C: Tôi nghe quý thầy giảng rằng muốn tránh ngũ dục mình phải suy nghĩ như thế này: làm giàu để làm gì? Chết có đem theo được không? (để đối trị với “tài”)
Sắc đẹp làm mê đắm lòng người, có thể dẫn đến tội ác, phạm giới v.v... có đáng cho mình hy sinh mọi thứ để chạy theo “sắc” hay không?
Danh là thật hay là giả, là hình hay bóng? Chạy theo có phí thời gian không? (Tỉnh giấc mộng nồi kê chưa chín”)
Thực (ăn): bệnh là do miệng mà vào, tham thực cực thân, ăn vào dễ, nhả ra khó
Ngủ nghỉ (thùy): hưởng thụ sướng thân, sinh biếng nhác, ham vui, phóng dật; đến lúc giật mình thì thời gian không còn nữa, cái chết đến gần... có phải một đời hối hận không?
A: Thế còn đi xem văn nghệ, ca nhạc v.v... có phải là “ngũ dục” không?
C: Cũng có bài kệ nói về ca nhạc tụ họp đó nha:
Ca nhạc tụ họp
Nguyện rằng chúng sanh
Vui với chân lý
Biết nhạc là giả.
B: Ca nhạc, thơ văn, hội hoạ v.v... nói chung là văn nghệ có tác dụng nuôi dưỡng tinh thần, tâm hồn con người, đặc biệt âm nhạc có sức mạnh thay đổi trạng thái tâm hồn của người nghe. Vẻ đẹp, cái hay, cái kỳ diệu của nhạc và thơ, không chỉ loài người mới có, thật là đa dạng và phong phú, trời cũng có nhạc nữa đấy (nhạc trời) và tiếng chim hót, tiếng suối reo, thông reo v.v... không phải cũng là những khúc nhạc làm êm dịu tâm hồn ta hay sao? Tuy nhiên, âm nhạc có thể cứu người mà cũng có thể hại người; cái chính là chúng ta luôn tỉnh giác để biết rằng tìm vui trong ca nhạc chỉ là tạm bợ, niềm vui chân chính, cứu cánh của an lạc phải là tìm vui nơi Chánh pháp, nơi chân lý.
C: Niềm vui nơi chân lý có phải là vui với Pháp, với sự chấm dứt của vọng tưởng, sự dừng lại của mọi ham muốn tham đắm hay không?
B: Phải đó!
A: Các bạn có muốn nghe câu chuyện về “Bài ca vô thanh” mà đức Phật đã kể ở một cõi trời không?
C: Muốn chứ, bạn hãy kể đi!
A: Có một vị Bồ-tát được mời lên một cung Trời thuyết pháp. Ngài yên lặng nhập định, chuẩn bị giảng kinh. Các Thiên nữ tán hoa, múa hát, nhạc Trời trổi lên ai nghe cũng thấy tâm thần nhẹ nhõm và hoàn toàn bị cuốn hút vào. Sau khi vị Bồ-tát thuyết pháp xong, vua Trời Đế Thích hỏi: “Thưa Ngài, Ngài là bậc đã du hành vô số cõi Trời, đã nghe vô số âm nhạc, phải chăng âm nhạc của chúng tôi ở đây là hay nhất?” Vị Bồ-tát chắp tay đáp rằng: “Thật hổ thẹn, xin Ngài thứ lỗi, theo thiển kiến, chẳng âm nhạc nào xuất sắc bằng bản nhạc của sự im lặng tuyệt đối, chẳng có bài hát nào du dương bằng âm điệu của chân lý, của Pháp!” Vua Trời bỗng nhiên tỉnh thức, học tập lắng nghe bài ca vô thanh.
B: Trên đây là những nhắc nhở chúng ta, những người PTTG về những sinh hoạt bình thường, làm sao để được an lạc và làm cho mọi người thân quanh mình được an lạc. Ngoài ra, về xử thế, chúng ta còn được dạy về “cách cho”, tức là bố thí nữa:
Cho ai vật gì
Nguyện rằng chúng sanh
Cho được mọi thứ
Lòng chẳng ái trước.
Nghĩa là đã cho thì nên thật lòng cho, không hối tiếc, không tính toán hay mong cầu được trả công vì “cho” là thành khẩn muốn làm vui lòng người, không phải là trao đổi, mua chuộc, nịnh bợ v.v... Cho-hay bố thí chính là phương pháp mở rộng lòng từ bi, đối trị bệnh ích kỷ, hà tiện, keo kiệt, tham lam v.v... Các bạn còn gì bổ sung không?
C: Tôi còn nhớ ngài Văn Thù còn dạy bài kệ này cho người PTTG:
Nếu bị ách nạn
Nguyện rằng chúng sanh
Tùy ý tự tại
Việc làm vô ngại!
Tôi có một thắc mắc là tại sao bị ách nạn là việc mình hoàn toàn bị động mà làm sao mình lại “tự tại”, “vô ngại” được hở các bạn?
B: Bạn thắc mắc đúng lắm! Gặp tai nạn, bị áp bức, khống chế, ép buộc, oan ức v.v... là những điều đâu có ai muốn xảy ra cho mình, tất nhiên là mình ở trong hoàn cảnh bị động và bất lực rồi, thế nhưng mình vẫn có thể “chủ động” trong cách tư duy (suy nghĩ, phản tỉnh) để không đi đến tình trạng khủng hoảng, tuyệt vọng, than thân trách phận, oán trời trách đất hay làm những việc điên rồ phải hối hận cả đời như tự tử hay giết người hay nuôi thù oán hằng chục năm v.v...
A: Tôi hiểu rồi! Nghĩa là khi gặp ách nạn, oan ức, mình nghĩ rằng đây là nghiệp nhân quá khứ của mình đã “chín” thành quả rồi-mình đã từng gây nhân hống hách, hiếp đáp người, gây khó khăn cho người, nói oan cho người, nên nay mình gặt quả bị mất tự do, tự tại, tự chủ. Bây giờ mình phải gây nhân lành gieo hạt giống thiện, từ bi hỷ xả để có thể gặt quả “tai qua nạn khỏi ách nạn tiêu trừ” phải không các bạn?
C: Phải rồi! Có còn gì nữa không, các bạn?
B: Còn chứ! Vừa rồi, chúng ta chỉ mới nói về bổn phận đối với bản thân mà chưa nói tới việc hộ trì Tam bảo.
A: Phải rồi, Phật có dạy Chúng xuất gia thì trụ trì ngôi nhà Phật giáo còn hàng Phật tử tại gia phải hộ trì (protect, sponsor) Tam bảo đó nha!
C: Cho một ví dụ cụ thể đi! Tôi thường nghe Tam bảo hộ trì mình, bảo vệ mình chứ đâu có nghe mình mà bảo vệ và hộ trì (sponsor) cho Tam bảo đâu anh!
B: Tam bảo hộ trì mình là hộ trì về tâm linh, về kinh điển, về Phật pháp, còn mình hộ trì Tam bảo là về vật chất, về phương tiện và chống lại “thú dữ” giữa cuộc đời làm hại chư Tăng, Ni… Tại bạn không nhớ đó thôi! Hồi Pháp nạn 1963, các chùa trên toàn quốc miền Nam Việt Nam bị lính tấn công vào đánh đập chư Tăng Ni và Phật tử, hồi đó Phật tử chùa nào tụ họp về chùa đó để bảo vệ chư Tăng, Ni... Người Phật tử, bao gồm GÐPT của anh chị em chúng ta, cũng có mặt với quý Thầy, quý Sư cô của mình trong cơn biến động đó. Hằng ngàn hàng vạn Tăng Ni, Phật tử đã bị bắt bớ giam cầm, có vị đã tự thiêu để cầu nguyện, có vị bị chết vì súng đạn đàn áp hay chết trong tù…
C: Hồi nãy chúng ta mới nói đến các pháp tu, nhưng chưa nói hết, chỉ mới nói đến Bố Thí tức là thực hành hạnh Từ Bi, các bạn nhớ không?
B: Nhớ chứ, thực hành Bố thí là thực hành 1 trong 4 nhiếp sự (Four Assistant Methods): Bố thí (Donation_ donation of Goods, of Dharma, of Encouragement), Ái ngữ (Friendly Speech), Lợi hành (Benificial Actions), Ðồng sự (Collaboration) - Những điều này chúng ta đã biết rồi.
A: Chúng ta cũng cần nhắc nhau rằng chúng ta không chỉ biết hộ trì Tam bảo lúc Chùa gặp nguy hiểm mà ngày thường cũng vậy, không những chúng ta hộ trì bảo vệ chư Tăng Ni mà chúng ta còn quan tâm những việc như xây cất tu bổ chùa, việc ăn ở của chư Tăng Ni, việc tổ chức tu học cho Phật tử, việc chi phí cho các đại lễ Phật Ðản, Vu Lan, Tết Nguyên đán v.v… cũng cần có tài chánh. Chúng ta cũng phải quan tâm đóng góp phần mình; bởi vì nếu không có Chùa, chúng ta làm sao “làm quen” với Tam bảo được, phải không?
C: Phải rồi, nhưng đó là việc của Ban hộ trì Tam bảo ở các Chùa phải không?
B: Đúng vậy; nhưng có nhiều Chùa nhỏ, ít chư Tăng, ít Thiện nam Tín nữ thì họ phải tự túc, nếu biết được, chúng ta cũng phải có bổn phận quan tâm hộ trì Tam bảo ở những nơi đó.
A: OK. Vậy cũng tạm đủ rồi. Nếu PTTG chúng ta làm được những điều như chúng ta vừa học tập và thảo luận trên đây thì cũng đủ đem lại hạnh phúc, an lạc cho bản thân, cho gia đình và cho mọi người quanh ta, đó cũng là cách hoằng dương Phật pháp một cách hữu hiệu nhất, phải không các bạn?
C: Phải rồi, vậy bài học hôm nay tạm đủ, xin tạm biệt nha!
A và B: Tạm biệt! Tạm biệt!
Tâm Minh
[Tập san Pháp Luân - số 19, tr.9, 2005]