Chuyện về Tôn giả Nan-đà

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Tôn giả Nan-đà, người em cùng cha khác mẹ với Thái tử Tất-đạt-đa, Thầy theo đức Phật chỉ vì thấy dung nhan của đức Phật sao đẹp quá, lại vì nể lời khuyên nhủ của người anh mình nên đành bỏ lại người vợ xinh đẹp, xuất gia ôm bát theo Phật. (TG)

Trong lần đầu tiên quay trở về thành Ca-tỳ-la (Kapila), đức Thế Tôn đã thâu nhận thái tử Nan-đà, người em trai của Ngài vào Tăng đoàn, và sau đó Ngài quay lại thành Xá-vệ (Sāvatthi) và sống ở đấy. Bấy giờ, Tôn giả Nan-đà nhớ lại cám cảnh khi thầy rời gia đình, mang bát, gia nhập Tăng đoàn của đức Thế Tôn; người vợ của Tôn giả là nàng Janapadakayalyāni, một người đẹp nghiêng nước nghiêng thành từ cửa sổ nhìn ra, với mái tóc đang chải dỡ đã nói:

– Thái tử Nan-đà hỡi, tại sao chàng lại ra đi cùng với đức Thế Tôn! Thái tử, mong chàng sớm trở về cùng thiếp!

Nhớ lại điều này, thầy trở nên chán nãn ngã lòng, càng ngày thầy càng vàng vọt xanh xao, gân tay nổi lên khắp tay.

Khi đức Thế Tôn biết được điều này, Ngài nghĩ, “Ta phải kiến lập cho Nan-đà đắc được thánh quả A-la-hán mới được!” Thế rồi, Ngài đi đến phòng Nan-đà, và ngồi xuống nơi dành sẵn cho mình. Ngài hỏi:

– Này Nan-đà, thế nào, Thầy có an lạc trong giáo pháp này không?

Tôn giả Nan-đà trả lời,

– Bạch đức Thế Tôn, con thương nhớ người vợ của con, và con không được an lạc.

– Nan-đà, Thầy đã hành trình đến Tuyết Sơn lần nào chưa?

– Thưa chưa, bạch Thế Tôn, con chưa đến đó.

– Vậy thì, chúng ta hãy đi.

– Nhưng, bạch Thế Tôn, con không có thần thông, làm sao con có thể đến đó được?

– Nan-đà, ta sẽ đưa Thầy đi.

Nói như vậy rồi, đức Thế Tôn nắm lấy tay Thầy, và như vậy bay qua không trung.

Trên đường đi, hai người đi qua một cánh đồng bị thiêu cháy. Nơi đó, trên một gốc cây cháy đen, một con khỉ cái đang ngồi, với cái mũi sứt và cái đuôi cụt, lông lá cháy sém, ẩn núp sau đống than, không còn gì ngoài bộ da bết đầy máu.

– Nan-đà, Thầy có thấy con khỉ đó không? Đức Thế Tôn hỏi.

– Dạ thấy, bạch Thế Tôn.

Hãy nhìn kỹ nó, Ngài nói. Rồi Ngài chỉ cho Nan Đà thấy, trải dài sáu mươi do tuần, ở bình nguyên Hùng Hoàng (Manosilā), là bảy cái hồ lớn, hồ Anottara và những hồ khác; năm con sông lớn, toàn bộ rặng Tuyết sơn, với những ngọn núi tuyệt diệu có tên là Kim sơn, Ngân sơn, Bảo ngọc sơn, và hàng trăm cảnh trí tuyệt đẹp khác. Kế đến Ngài hỏi:

– Nan-đà, Thầy có khi nào nhìn thấy nơi ở của cõi trời Tam Thập Tam Thiên chưa?

– Thưa chưa, bạch Thế Tôn, con chưa bao giờ nhìn thấy. Thầy trả lời.

– Hãy đi, Nan-đà, ta sẽ chỉ cho Thầy nơi ở của cõi trời Tam Thập Tam. Ngài nói.

Thế Tôn đưa Nan Đà đến đó, và cho Thầy ngồi lên trên Hoàng Sắc Thạch Sàng. Đế Thích (Sakka), vua của chư thiên trong hai cõi trời, cùng với đạo quân chư thiên của mình đi đến, đảnh lễ và ngồi xuống một bên. Thị nữ của ngài có đến hai triệu rưỡi người, và năm trăm thiên nữ có bàn chân chim bồ câu, đi đến và đảnh lễ, rồi ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn cho Nan-đà nhìn thấy năm trăm thiên nữ này, thầy nhìn không rời mắt và khởi lòng khát khao mong có được họ. Thế Tôn nói:

– Nan-đà, Thầy có nhìn thấy những thiên nữ chân câu này không?

– Dạ thấy, bạch Thế Tôn.

– Vậy thì, những thiên nữ này so với vợ của Thầy ai đẹp hơn?

– Ôi, bạch Thế Tôn! Như con khỉ cụt đuôi khốn khổ kia đem so sánh với Janapadakalyānī, cô ấy đem so sánh với những thiên nữ này cũng như vậy!

– Thế thì, Nan-đà, Thầy muốn gì?

– Bạch Thế Tôn, làm thế nào có thể có được những thiên nữ này?

– Nan-đà, bằng cách sống đời xuất gia, người ta có thể có được những thiên nữ này. Đức Thế Tôn nói.

- Nếu Thế Tôn cam kết rằng sống đời sống xuất gia sẽ có được những thiên nữ này, thì con sẽ sống một đời sống xuất gia.

– Đồng ý, Nan-đà, ta cam kết với Thầy.

– Vậy thì, bạch Thế Tôn, chúng ta đừng kéo dài việc này nữa. Chúng ta hãy rời khỏi đây, và con sẽ hành trì pháp Sa môn. Thầy nói.

Thế Tôn đưa Thầy về lại Kỳ Viên. Tôn giả bắt đầu thực hành pháp Sa môn.

Thế Tôn thuật lại chuyện này cho Xá-lợi-phất, vị Tướng Quân Chánh Pháp, về cách thức mà người em của Ngài ở giữa chư thiên ở cõi trời Tam Thập Tam, vì yêu thích các thiên nữ đã buộc Ngài cam kết như thế nào. Trong cùng cách như vậy, Ngài đã kể cho Tôn giả Mục-kiền-liên, Tôn giả Đại-ca-diếp, Tôn giả A-na-luật, Tôn giả A-nan, bậc Pháp Tạng, cả thảy tám mươi vị đại đệ tử; và sau đó, chuyền tai nhau, họ kể chuyện đó cho những Tỳ kheo khác. Bậc Tướng Quân Chánh Pháp, Tôn giả Xá-lợi-phất đã hỏi Tôn giả Nan-đà:

– Này Hiền hữu, tôi nghe rằng Hiền hữu đã buộc Thế Tôn cam kết là Hiền hữu sẽ hành pháp sa môn với điều kiện sẽ có được các thiên nữ ở cõi trời Tam Thập Tam, điều ấy có đúng chăng? Vậy thì, đời sống phạm hạnh của Hiền hữu không bị trói buộc bởi nữ giới và tham dục chăng? Nếu Hiền hữu sống phạm hạnh vì mục đích nữ giới, thì có gì khác nhau giữa Hiền hữu và người nhân công làm mướn để lấy lương?

Lời nói này đã dập tắt hết ngọn lửa tham dục trong Thầy và làm cho Thầy cảm thấy hổ thẹn với lương tâm. Cùng cách như vậy, tám mươi vị đại đệ tử, và tất cả những Tỳ kheo khác, đã làm cho Tôn giả cảm thấy hổ thẹn. “Ta đã làm điều sai lầm,” Thầy nghĩ. Quá tàm quý, Thầy đã tinh tấn nỗ lực và bắt đầu tu tập quán niệm tam muội. Không lâu sau đó, Thầy đắc được quả vị A-la-hán. Thế rồi, Thầy đi đến đức Thế Tôn, và nói,

– Bạch Thế Tôn, nay con xin giải bỏ lời cam kết của Thế Tôn.

– Nan Đà, nếu Thầy đạt được thánh quả, thì bằng cách đó ta được giải bỏ lời cam kết của mình. Thế Tôn trả nói.

Khi chư Tỳ kheo nghe được sự kiện này, họ bắt đầu thảo luận trong Chánh Pháp Đường. Họ nói rằng, làm thế nào mà Tôn giả Nan-đà dễ bảo kia, thật được như thế! Tại làm sao chỉ một lời khuyên đã đánh thức được lòng hổ thẹn của Thầy ấy; ngay lập tức Thầy ấy bắt đầu hành pháp Sa môn và bây giờ Thầy ấy là một vị A la hán! Lúc ấy, đức Thế Tôn đi vào và hỏi các Tỳ kheo đang thảo luận với nhau về điều gì. Họ bạch lại sự việc với Ngài. Ngài nói, vào đời trước Nan-đà cũng từng là người biết vâng lời như vậy, và Ngài kể cho các Tỳ kheo nghe một câu chuyện Tiền Thân liên quan về Tôn giả Nan-đà.

Ngài kể:

Vào thuở xưa, khi Phạm Dư (Brahmadatta) là vị vua trị vì ở Ba-la -nại (Benares), lúc ấy, Ngài là một vị Bồ-tát thọ sinh làm con trai của một người huấn luyện voi. Khi Ngài đến tuổi trưởng thành, Ngài được dạy dỗ một cách chu đáo tất cả những điều liên quan đến việc huấn luyện voi. Ngài ở trong đội cận vệ của một vị vua, người có sự thù địch với vua Ba-la-nại. Ngài đã huấn luyện cho quốc tượng của vua này đạt đến sự hoàn thiện.

Nhà vua quyết định đánh chiếm Ba-la-nại. Cỡi lên quốc tượng của mình, ông chỉ huy một đạo quân hùng mạnh đánh Ba-la-nại, và bao vây nước này. Sau đó, ông gởi một bức thư đến vị vua của kinh thành này hỏi là đánh hay hàng. Vua Phạm Dư chọn giải pháp đánh. Thành lũy và cổng thành, tháp canh và pháo đài được ông bố trí với một đạo quân thiện chiến, và chiến đấu chống kẻ thù.

Vị vua thù địch trang bị quốc tượng của mình, tự mặc lấy áo giáp, cầm lấy một cây gậy nhọn trong tay, và cưỡi voi tiến đến trước mặt kinh thành, Ông ta nói, “Giờ đây, ta sẽ xông vào kinh thành này, giết chết kẻ thù của ta, và đoạt lấy vương quốc của y về tay mình!” Nhưng những người chống giữ khi nhìn thấy, họ đã ném bùn sôi, bắn đá, và tất cả các loại tên mác; con voi ấy sợ chết nên không thể đến gần. Bởi vậy, người huấn luyện voi đi đến, kêu lên, “Này Voi, một kẻ anh hùng như ngươi, kẻ đã từng quen thuộc chiến trận! Ở một nơi như thế này mà quay đuôi thì thật là ô nhục!” Và để khuyến khích con voi của mình, Bồ-tát đọc lên hai bài kệ:

Hỡi Voi, bậc anh hùng,
Người đã quen chiến trận,
Giờ đứng trước cửa thành
Sao quay lưng an phận?

Nhanh lên! Phá song sắt,
Trụ cột kia, đập tan!
Phá vỡ những cánh cổng,
Vào thành, thắng vẻ vang!

Voi lắng nghe; chỉ một lời khuyên là đủ làm thay đổi nó. Quấn vòi của mình lấy những cột trụ, nhổ chúng lên như nhổ các cây nấm. Nó đập vỡ cổng thành, phá nát những thanh chắn, đi vào kinh thành và chiếm lấy vương quốc cho vua của mình.

Khi Thế Tôn kể câu chuyện này xong Ngài nói, vào thuở đó Nan-đà là con voi biết nghe lời đó.

Lời bàn:

Người ta đến với đạo có nhiều lối khác nhau. Có người theo đạo vì truyền thống gia đình, có người đến với đạo vì thấu hiểu được giáo lý, có người đến với đạo vì cảm tình một điều gì đó nơi đạo, có người đến với đạo vì cảm thấy cuộc đời sao lắm khổ đau lụy phiền, muốn tìm đến đạo như là một nơi nương tựa, nơi an ủi cho những nỗi đau khổ của phận người, cũng có người tìm đến đạo vì muốn cầu sự bình yên cho bản thân, cho gia đình, cầu mua may bán đắt v.v… Dù con đường đến với đạo đa dạng như vậy, nhưng một khi người ấy bước chân vào đạo, nếu có cơ may gặp được thầy hiền bạn tốt, được hướng dẫn đúng đắn và chu đáo, dù người ấy đến với đạo bằng lối nào thì kết quả mà họ nhận được không khác nhau, nếu không đạt được giác ngộ giải thoát thì ít ra họ cũng tìm được một sự an lạc, một thái độ thanh thản khi sống giữa đời.

Trong câu chuyện này, Tôn giả Nan-đà, người em cùng cha khác mẹ với Thái tử Tất-đạt-đa, Thầy theo đức Phật chỉ vì thấy dung nhan của đức Phật sao đẹp quá, lại vì nể lời khuyên nhủ của người anh mình nên đành bỏ lại người vợ xinh đẹp, xuất gia ôm bát theo Phật. Tôn giả xuất gia với một động thái như vậy nên khi vào Tăng đoàn rồi thầy vẫn còn tương tư đến người vợ của mình, sống trong Tăng đoàn mà lòng hướng về thế tục, tâm trí bấn loạn, bất an.

Đức Phật là một người có trí tuệ thông suốt, là một người thầy hiểu thấu tâm trạng đệ tử. Xét thấy được căn cơ của Nan-đà, Ngài đã dùng phương tiện để dẫn dắt Nan-đà, đưa Nan-đà từng bước đến với đời sống xuất gia, và cuối cùng Tôn giả đã chứng được thánh quả.

Qua câu chuyện, chúng ta thấy rằng, vai trò của vị thầy đối với người đệ tử là rất quan trọng. Một vị thầy, nếu có trí tuệ, hiểu thấu được những vấn đề của người đệ tử, thì có thể đem lại lợi lạc rất lớn cho người đệ tử khi họ đến với đạo, dù họ đến với đạo bằng con đường nào. Ở đây, ta cũng cần đề cập đến vai trò của những người bạn đồng đạo, nếu một đạo tràng mà ở đấy có những người có trí tuệ, có tu tập, có tinh thần giúp đỡ lẫn nhau, thì người học đạo gia nhập vào nơi ấy hẳn sẽ dễ dàng thăng tiến trong con đường tâm linh của mình, điều này thể hiện rất rõ qua những gì mà Tôn giả Xá-lợi-phất và những vị Tôn giả khác đã làm đối với Nan-đà.

Khi đọc câu chuyện này, ta liên tưởng đến một câu chuyện khác trong Phật giáo Nhật Bản.

Có một thanh niên rất chánh tín với Tam bảo, nhưng cha của anh là một người keo kiệt và không hề biết Phật là gì. Anh ta muốn cha mình quy y theo Phật nhưng anh ta không thể nào thuyết phục được cha mình. Anh ta rất khổ tâm về điều đó, và đem điều này bạch với người thầy của mình. Người thầy bảo anh ta về thưa lại với cha của mình, là nếu ông ấy chịu niệm Phật thì vị thầy sẽ trả tiền công cho ông, số tiền được trả tùy theo số lần xâu chuỗi được niệm. Anh thanh niên về thưa điều đó với người cha của mình, người cha vì tham tiền nên đã đồng ý. Từ hôm đó, ông bắt đầu niệm Phật, và vì muốn có được nhiều tiền, nên ông đã niệm liên tục suốt ngày suốt đêm. Vị thầy rất chật vật trong việc tính chuỗi trả tiền cho ông ta, Ngài phải vay mượn tiền của tín đồ để trả cho ông già tham lam này. Nhưng rồi việc gì đến đã đến, một hôm nọ, người cha tham lam này cho gọi con trai của mình đến, sai đem toàn bộ số tiền mà ông có được bấy lâu nay nhờ niệm Phật trả lại cho vị thầy, và từ đấy ông trở thành một người Phật tử thuần thành.

Quang Sơn.
[Tập san Pháp Luân - số 2, tr.60]