Vượt qua những khác biệt

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Năm 2007 đã khép lại. Thế giới loài người kết thúc một chặng đường với nhiều vấn đề của nó. Một năm trôi qua, con người trên khắp hành tinh, bên cạnh việc đón nhận những lợi ích do sự đóng góp trí tuệ của con người mang lại, cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề gây tang thương nhức nhối do thiên tai và cũng do chính con người gây ra.


Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới có trụ sở tại Geneve cho biết rằng năm 2007 là năm thứ năm liên tiếp nhiệt độ trên toàn hành tinh đã tăng lên đáng kể. Sự nóng ấm lên này đã làm tan băng đến mức kỷ lục ở Bắc Băng Dương. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki-Moon, trong lần đến Nam Cực vừa mới đây đã tận mắt chứng kiến hiện tượng tan băng ở đây, mà theo ông là rất đẹp nhưng cũng rất đáng buồn. Nam Cực chiếm đến 90 phần trăm lượng băng của thế giới, nhưng ở một số nơi ở đây nhiệt độ đã tăng thêm 3 độ, khiến chim cánh cụt không trú được phải tìm đến những nơi khác có nhiệt độ thấp hơn. Và với hiện tượng tan băng như vậy, các chuyên gia đoán định rằng trong thế kỷ tới, ở những vùng đất thấp trên địa cầu sẽ hứng chịu lụt lội và sản xuất nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng tệ hại, trong khi những nơi khác sẽ chịu nguy cơ hạn hán kéo dài.

Khắp nơi trên thế giới đang đối mặt với những hiểm họa do thiên tai mang lại: La Nina ở vùng biển trung và đông Thái Bình Dương; động đất ở Peru khiến hàng trăm người chết và hàng ngàn người bị thương; lũ lụt ở Mexico vào tháng mười và mười một đã khiến cho hai bang của nước này chìm sâu trong lòng nước và chịu thiệt hại vô cùng nặng nề. Giám đốc Chương trình khí hậu thế giới, Omar Baddour nói rằng nhiều nơi trên châu Âu đã trải qua mùa đông và mùa xuân ấm nhất từ trước đến nay. Ông cũng cho biết rằng hạn hán đã hoành hành tại nhiều khu vực rộng lớn ở Mỹ và Canada, trong khi nhiều nơi khác bị lũ lụt và lốc bão tàn phá nghiêm trọng.

Trận lốc quét mới đây ở Bangladesh đã san bằng hàng chục ngôi làng, làm thiệt mạng hàng ngàn người và hơn một triệu người khác mất nơi cư ngụ, thiệt hại hàng tỉ đô la. Các nước ở trong vùng nhiệt đới trong năm qua cũng đã chịu ảnh hưởng lũ lụt nghiêm trọng, nhất là tại các nước ở châu Á như Ấn Độ và Pakistan. Tại châu Phi, trong thời gian qua, đã có đến 25 triệu người gánh chịu tai họa do lũ lụt mang lại, và được ghi nhận là tệ hại nhất từ trước tới nay.

Sự thay đổi khí hậu đã gây thiệt hại cho toàn thể loài người, nhưng những người hứng chịu đầu tiên vẫn là dân nghèo và các nước nghèo. Điều này đã được tổ chức chống nghèo đói Oxfarm đưa ra. Ông Rajendra Pachauri, Chủ tịch Uỷ ban thay đổi khí hậu liên chính phủ nói rằng những người nghèo nhất trong số những người nghèo sẽ là những người bị ảnh hưởng nhiều hơn cả. Và những nước nghèo sẽ khó có đủ điều kiện để chống lại sự thay đổi của khí hậu. Vì để thích ứng được với sự biến đổi khí hậu, những nước nghèo phải bỏ ra 50 tỷ đô la mỗi năm. Và cũng theo các chuyên gia về khí hậu, cụ thể là Martin Parry, có hai châu lục sẽ chịu sự thiệt hại nặng nề của hiện tượng này là Phi châu và Á châu. Tác hại của sự gia tăng nhiệt độ không chỉ dừng lại trên con người mà còn khiến cho một số động vật cũng như thực vật bị tuyệt chủng. Và một điều vô lý nhức nhối là những nước nghèo đã chịu đựng hậu quả đó phần lớn do các nước giàu gây ra.

Những thiên tai mà con người đang đối mặt đã đặt các nhà lãnh đạo thế giới nhìn lại vấn đề phát triển kinh tế dựa trên việc khai thác tài nguyên vô tội vạ và việc làm ô nhiễm môi trường do khí thải gây nên. Một quan chức của Liên Hiệp Quốc, Achim Stainer, cho rằng, 90 phần trăm của sự ô nhiễm môi trường hiện nay là do con người. Những biện pháp nhằm làm giảm đi sự ấm nóng toàn cầu đã trở thành một vấn đề cấp bách, đã đánh động trách nhiệm và đạo đức của con người, và không còn là một vấn đề của riêng ai. Nhưng tuy thế, để thỏa thuận và đi đến giải quyết vấn đề một cách có hiệu quả thì tất cả đều thuộc về những nhà lãnh đạo của các quốc gia, và trên hết là lãnh đạo của các cường quốc.

Nhưng các nhà lãnh đạo vẫn chưa dễ gì đi đến thi hành cắt giảm khí thải một cách hiệu quả vì tất cả đều đặt chủ nghĩa dân tộc và lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Cũng là con người, nhưng một người Mỹ có thân phận hoàn toàn khác với một người da đen Phi châu, và một người Nhật sẽ không giống với một người Bangladesh. Bởi vậy, khi hội nghị Bali tổ chức tại Indonesia để bàn về khí hậu thế giới thì Mỹ vẫn là nước chống lại thỏa thuận cắt giảm khí thải và nước này còn có ý muốn kêu gọi Trung Quốc và Ấn Độ cùng ủng hộ quan điểm của mình. Đến giờ chót của hội nghị, Mỹ mới thay đổi quyết định, chấp nhận đề nghị của các nước G7 là các nước giàu sẽ viện trợ kinh tế cho các nước nghèo để phát triển công nghệ sạch và cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy thế, bản lộ trình Bali do áp lực của Mỹ vẫn không đề ra các mục tiêu giảm khí thải cụ thể, và như vậy việc Mỹ có đặt lợi ích của quốc gia ngang bằng với lợi ích của nhân loại để tuân theo nghị định thư Kyoto hay không thì vẫn chưa thể biết được. Sự khác biệt về quốc gia đã dẫn đến sự khác biệt về thân phận con người. Và dù người ta có đề ra những quy định chung về quyền của con người thì những điều đó chỉ có một bộ phận nào đó có được.

Một vấn nạn lớn khác của loài người hiện nay là chiến tranh và xung đột, điều đang diễn ra mọi lúc mọi nơi trên thế giới. Chiến tranh và xung đột ngày càng trở nên đa dạng, và người ta đang nhân danh nhiều chiêu bài để gây chiến cũng như tàn sát lẫn nhau. Sự khác biệt tôn giáo được coi là một trong những nguyên nhân chủ yếu của các cuộc xung đột hiện nay. Cũng tôn thờ Thượng đế, nhưng lời dạy của Thượng đế trong mỗi tôn giáo có sự khác nhau và vì thế người ta không thể chấp nhận Thượng đế của nhau. Những vụ đánh bom liều chết của một số phần tử Hồi giáo cực đoan vào các nước phương Tây, dù được biện minh bằng bất cứ lý do nào thì vẫn không che đậy được sự xung khắc về văn hóa và đức tin. Sự xung đột tôn giáo không chỉ dừng lại giữa Thiên chúa giáo và Hồi giáo mà còn cả giữa Hồi giáo và Ấn giáo, rồi Ấn giáo và Thiên chúa giáo.

Một loạt các vụ đánh bom gần đây của người Hồi giáo vào Ấn giáo tại Varanasi khiến nhiều người chết và bị thương cho thấy sự xung đột giữa hai tôn giáo này chưa có dấu hiệu kết thúc dù đất nước có chia cắt làm hai như là để đáp ứng lại chủ nghĩa ly khai của những người Hồi giáo. Bên cạnh đó, sự bạo động của những người Ấn giáo trong mùa Giáng sinh năm nay tại tiểu bang Orissa lại báo hiệu một sự xung đột khác trong lịch sử tôn giáo của nước này. Những người Ấn giáo ở đây đã đốt cháy nhiều nhà thờ, và cũng chính họ trước đó, vào năm 1999, đã từng treo cổ một nhà truyền giáo người Úc và hai người con của ông. Những người Ấn giáo cáo buộc những người truyền giáo đã cưỡng bách dân chúng địa phương, đa số là hàng bần cùng, từ bỏ Ấn giáo để theo Thiên chúa giáo. Nhưng những người truyền giáo lại bảo rằng những người Hindu thuộc đẳng cấp thấp muốn cải đạo để thay đổi thân phận.

Nhưng xung đột tôn giáo không chỉ xảy ra giữa các tôn giáo mà còn phát khởi ngay chính trong mỗi tôn giáo. Các giáo phái của Hồi giáo vẫn luôn xung đột và giết hại lẫn nhau dù họ đang thờ chung một đấng Thượng đế. Như vậy ngoài một Đấng tối cao chung ra, họ còn có nhiều điểm khác nhau và không thể chấp nhận được nhau. Đó có thể là sắc tộc, cũng có thể là sự xung khắc giữa những người đứng đầu mỗi giáo phái, cũng có thể là đảng phái mà giáo phái đó đang theo… Những vụ đánh bom của người Hồi giáo chính ngay trong nhà thờ của họ để gây áp lực thương thuyết hay nhằm ám sát một nhân vật nào đó là chứng minh cho điều này. Nhưng dù người ta có nhân danh điều gì để tạo nên xung đột, gây chiến và tàn sát lẫn nhau thì điều đó vẫn không thể chấp nhận được. Và không có một đấng Thượng đế nào lại đi ban thưởng cho những kẻ giết hại đồng loại của mình một cách man rợ như vậy.

Những vấn nạn mà loài người đang đối mặt đã làm thao thức nhiều nhà hoạt động xã hội cũng như các nhà tôn giáo có lương tâm. Trong những thập niên của thế kỷ 20 và những năm của thế kỷ 21, những nhà lãnh đạo Phật giáo tên tuổi như đức Dalai Lama, Ni sư Chứng Nghiêm… đã hoạt động rất tích cực trong các lãnh vực bảo vệ môi trường cũng như chống bạo lực trong đời sống cộng đồng. Đức Dalai Lama từng nói đến trách nhiệm phổ quát của con người khi đề cập đến những lãnh vực này. Con người phải biết vượt qua những điểm khác nhau để giải quyết những tai họa mà mình đang đối mặt. Dù con người có khác nhau về quốc gia, nhưng họ vẫn cùng nhau chung sống trên một hành tinh mà nó được xem như là ngôi nhà chung của nhân loại. Dù hiện tại, những nước nghèo chịu nhiều thiệt hại do sự thay đổi khí hậu đem lại, nhưng trong tương lai sẽ không có ai thoát khỏi khi thiên tai ngày mỗi hoành hành khắc nghiệt hơn.

Thế giới là một sự cộng hưởng. Và vì vậy nhu cầu cho một bầu không khí cởi mở và hợp tác đã trở thành cấp thiết. Trong thời buổi hiện nay, việc giải quyết những vấn đề kinh tế không còn nằm trong phạm vi gia đình hay quốc gia nữa. Từ quốc gia đến quốc gia, từ lục địa đến lục địa, thế giới nối liền với nhau và không thể tách rời. Quốc gia này tùy thuộc vào những quốc gia khác. Một quốc gia để phát triển kinh tế cho chính mình thì buộc phải lưu tâm tới những điều kiện kinh tế của những quốc gia khác. Và rằng một hệ thống kinh tế để tồn tại được lâu dài phải được đặt trên tinh thần trách nhiệm phổ quát. Đây không chỉ là một ý tưởng mang tính tín ngưỡng, đạo đức hay tôn giáo. Mà khác hơn, nó là thực tế hiện hữu của loài người. Vì vậy việc chỉ quan tâm đến lợi ích của quốc gia mà quên đi những trách nhiệm chung không phải là một hành động hợp lý. Và nó ngày càng cho thấy sự phi đạo đức khi những hậu quả mà con người hứng chịu ngày càng tệ hại hơn bởi do sự thối thác trách nhiệm đó mang lại.

Con người dầu có những khác biệt bên ngoài, khác nhau về tôn giáo hay quốc gia, nhưng trên bản chất tất cả đều giống nhau. Tất cả đều muốn được thương yêu và sợ khổ đau. Vượt qua tất cả những điều dị biệt để chung sống với nhau là điều hết sức cần thiết trong việc giải quyết xung đột. Một số nhà lãnh đạo tôn giáo hiện nay cũng đang nỗ lực kêu gọi một sự dung hòa tôn giáo. Họ đối thoại để tìm cách xích lại gần nhau, cùng nhau phát triển mà không gây hại lẫn nhau. Nhưng để có được một sự dung hòa tôn giáo thực sự, trước tiên các thành viên của mỗi tôn giáo phải biết chấp nhận sự hiện hữu của những tín đồ tôn giáo khác trên cùng một vùng miền, và mọi người ở đó có quyền lựa chọn tôn giáo cho chính mình, và phải bỏ đi ý nghĩ rằng chỉ có tôn giáo mình là chân lý, mọi tôn giáo khác đều sai lầm.

Đối với các Phật tử, những người đã học hỏi giáo lý vô ngã và duyên khởi, sẽ thấy ra rằng con người không thể sống tách rời nhau, và tất cả đều có chung trách nhiệm trong việc duy trì một đời sống giữa những khác biệt. Nhưng trước hết họ phải học cách vượt qua những khác biệt về giáo phái, môn phong, chùa viện… vì trên hết họ vẫn có chung một người thầy là đức Phật và cũng đều học những lời dạy từ Ngài. Việc đả kích nhau trong đường hướng tu tập, hạ thấp bôi nhọ nhau đã không còn thích hợp và không phản ảnh được sự chân chính trong việc tu học của mỗi cá nhân.

Chỉ khi các thành viên của mỗi tôn giáo sống hòa hợp được với nhau thì họ mới có thể sống hòa hợp được với những tôn giáo khác. Chỉ khi họ không tạo ra bạo lực trong tổ chức của họ thì họ mới có thể giúp cho xã hội không có bạo lực. Thế giới ngày càng xích lại gần nhau hơn, nên không có lý do gì những người cùng chung một vị thầy lại tìm cách xa lánh nhau. Vượt qua những khác biệt như vậy trước tiên phải được thực hiện từ mỗi cá nhân. Họ cần có một sự thay đổi từ bên trong, cần xem lợi ích của cộng đồng quan trọng hơn lợi ích của cá nhân. Để làm được điều đó mỗi cá nhân phải biết vượt qua tự ngã và vượt qua tất cả những thứ chủ nghĩa gây chia rẽ. Và điều này, nói theo ngài Dalai Lama, như là một trách nhiệm phổ quát để đi đến việc giải quyết những vấn nạn hiện nay từ gia đình cho đến xã hội.

Nguyên Hiệp
[Tập san Pháp Luân - số 46, tr.66, 2007]