Xuân Di Lặc, nói chuyện về tượng Bồ-tát Di Lặc từ góc độ truyền thông

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 Câu chuyện hài về tượng Phật Di Lặc

Cô giáo chủ nhiệm lớp 12 của tôi là một Phật tử thuần thành và cô đặc biệt kính ngưỡng với hạnh nguyện của Bồ-tát Di Lặc. Khi còn dạy học cô thường hay đọc cho học trò chúng tôi nghe câu đối về đức Di Lặc:
“Bụng lớn năng dung, dung các điều khó dung trong thiên hạ


Miệng cười thường xả, xả những việc khó xả của thế gian”

Lứa học trò nhỏ chúng tôi ngày đó vẫn tâm niệm bài học vào đời ấy. Cô dạy rằng hạnh của ngài Di Lặc là hạnh “học làm người”, không phải chỉ dành riêng cho Phật tử. Gần đây khi đến nhà thăm, thấy cô có ba tượng Bồ-tát Di Lặc, một bạn học cũ trong chúng tôi có cơ sở làm ăn ở miền Trung bèn thỉnh tặng cô một tượng Bồ-tát Di Lặc khá lớn bằng đá Ngũ Hành Sơn. Và chuyện “tấu hài” xảy ra:

Pho tượng chở tới bọc trong vải vàng trang trọng theo phong cách nhà Phật. Bạn tôi mời cô giở tấm vải bọc tượng. Khuôn mặt ngài Di Lặc cười tươi với xâu tràng hạt trên cổ. Cô cũng cười, thành kính, hoan hỷ. Chúng tôi cùng vui, mừng vì pho tượng đã làm cô có được hỷ lạc. Nhưng, đột ngột, một tay đức “Di Lặc” hiện ra giơ cao nén vàng thỏi kiểu Tàu (!). Nụ cười tắt trên môi cô. Đám học trò ngơ ngác nhìn nhau, không hiểu. Pho tượng xuất hiện toàn thân, không ngồi trên toà sen mà vắt chân chữ ngũ như thể rung đùi, dưới chân quấn đầy những xâu tiền điếu lủng lẳng, như những sợi dây trói khổng lồ. Cô “sốc” trước hình tượng một đức Bồ-tát Di Lặc nặng trĩu tiền vàng, ngập ngừng, khó xử. Hầu hết chúng tôi vẫn chưa biết đã có chuyện gì. Trên những khuôn mặt là những dấu chấm hỏi to tướng. Chỉ nhớ nụ cười gắng gượng khó tả của cô…

Cuộc bàn luận về hình tượng đức Di Lặc

Vài tuần sau, ghé thăm, thấy pho tượng vẫn còn chỗ cũ, nhưng một lần nữa lại được… bọc kín. Hiểu thắc mắc của chúng tôi, cô giải thích: Đây có lẽ là tượng Thần Tài, chứ không phải là Bồ-tát Di Lặc, vì thay vì hỷ do xả, thì đây là hỷ do… chấp! Chấp vì có tiền có vàng.

Một bạn trong chúng tôi buột miệng:
- Đúng rồi, người ta cúng “Phật” bằng cà phê đen, bia, thuốc lá, điếu bốc khói, điếu giắt trên mép tai.
Một ý kiến khác:
- Cũng thấy người ta cúng “Phật” bằng vàng mã, thứ vàng trên tay ngài.
Một bạn thêm:
- Tượng “đức Di Lặc” này chỉ có vàng nén, nhiều tượng khác có vàng lá, vàng cây, tiền thì dán luôn trên bụng!

Qua câu chuyện với cô, có thể hình dung tiến trình phát triển từ đức Di Lặc đến Thần Tài, rồi ông Địa kiểu mới:

Đức Di Lặc là đức Phật vị lai, được Phật Thích-ca Mâu-ni giới thiệu trong kinh điển. Tượng đức Di Lặc dáng mập mạp, bụng lớn, miệng cười tươi hỷ xả như chúng ta thường thấy ngày nay là do Phật giáo Trung Hoa thờ phượng đầu tiên, theo hình ảnh hòa thượng Bố Đại (mất năm 917), tỉnh Triết Giang. Phật tử Trung Quốc cho rằng Ngài là một hóa thân của Bồ-tát Di Lặc. Hòa thượng Bố Đại là một nhà tu hành an nhiên, tự tại, xả ly, ngao du khắp nơi, vai gánh túi vải lớn nhận đồ biếu tặng, rồi mang đi bố thí cho người nghèo.

Việc Thần Tài hóa tượng thành đức Di Lặc có lẽ xuất phát từ Đài Loan, Hồng Kông. Từ một Hòa thượng, người ta đã hình dung Ngài thành một ông trọc phú béo tốt, mang nhiều vàng bạc châu báu, cười theo kiểu cầu tài. Còn ông Địa là tín ngưỡng bản địa Việt Nam, mập mạp với tướng ngồi “thoải mái”, phô bày cái bụng lớn như hình tượng Bồ-tát Di Lặc Trung Hoa. Từ đó, có một số người thờ hình tượng Bồ-tát Di Lặc đã biến dạng thành Thần Tài ở vị trí ông Địa.

Như vậy, Bồ-tát Di Lặc vốn là một vị Hòa thượng với hạnh bố thí, bao dung, xả ly, tự tại bị hiểu lầm thành một vị thần phù hộ cho việc kinh doanh, buôn bán, làm ăn, gắn liền với tiền bạc, vàng vòng.

Nhìn từ góc độ truyền thông

Như chúng tôi đã phân tích trước đây, hình tượng chư Phật, chư Bồ-tát là một hình thức truyền thông độc đáo Phật giáo. Hình tượng chư Phật, chư Bồ-tát đều là những thông điệp bằng đường nét màu sắc, thông qua sự thể hiện nghệ thuật chân dung người. Hình tượng đức Di Lặc với “Bụng lớn năng dung…”, “Miệng cười thường xả…” là một điển hình cho dạng thức truyền thông này. Thông điệp nội dung cơ bản của giáo lý Phật giáo đã được mã hóa thông qua chi tiết, biểu hiện trên chân dung, và các bộ phận trên ảnh tượng. Và Phật tử cũng như tất cả mọi người thông qua việc chiêm ngưỡng ảnh tượng chư Phật, chư Bồ-tát sẽ rút ra nội dung thông điệp. Những khái niệm như từ, bi, hỷ, xả, giải thoát, an lạc, trí tuệ… của đạo Phật, trong trường hợp này, không nói hay viết bằng lời, mà lại truyền tải đến chúng ta thông qua ảnh tượng Phật, Bồ-tát.

Sau khi xác định ảnh tượng Phật Bồ-tát không phải chỉ là đối tượng thờ cúng, mà còn là một hình thức truyền thông giáo lý Phật giáo, thì việc truyền thông phải bảo đảm yêu cầu hàng đầu là chính xác. Chúng ta không thể nào chấp nhận việc truyền đạt những thông điệp hoàn toàn sai lạc với tinh thần đạo Phật, đáng ngại hơn, đó còn có thể là những thông điệp phản Phật giáo, chống lại tư tưởng Phật giáo. Việc biến một Bồ-tát, thị hiện qua hình tướng một nhà sư, thành Thần Tài, rồi ông Địa đời mới, chính là cách làm nguy hiểm như vừa nêu. Thông điệp của chư tổ truyền lại qua hình tượng Bồ-tát Di Lặc “năng dung”, “thường xả” lại được thay thế bằng hình ảnh cũng một vị Hòa thượng, nhưng vị Hòa thượng này lại cầm vàng ngọc, trói chân tay bằng tiền điếu, cười cầu tài, ngồi theo thế hả hê đắc lợi. Điều cần lưu ý đây vẫn là hình tượng một hòa thượng!

Đáng tiếc rằng đa số Phật tử chúng ta vẫn không nhận ra điều đó. Người bạn học “thỉnh” tượng tặng cô giáo cũng là Phật tử. Bức tượng, sau một tháng loay hoay xử lý, đã được một Phật tử khác rước về thờ, dù đã được giải thích Bồ-tát đã bị “thần tài hóa”.

Cũng có thông tin cho rằng, kiểu tượng Di Lặc lai thần tài ấy cũng đã xâm lấn được đây đó vào một số chùa, nhất là chùa quê, tượng Bồ-tát được tô quét xanh đỏ. Người ta lại còn đặt đèn chớp tắt đủ màu chạy vòng vòng tượng Ngài, đặc biệt làm lấp lánh vàng trên tay Ngài, và đặt tiền dưới chân Ngài nữa.

Tăng Ni, Phật tử hiểu đạo thì đau xót, còn người ngoài đạo thì nghĩ gì? Đức Phật Di Lặc có khác chi một trọc phú đâu! Làm sao giảng giải với họ đây là hiện thân cho tư tưởng hỷ lạc và xả ly của đạo Phật?

Không thể trách những người tạc tượng. Có cầu ắt có cung. Có người mua thì trách chi họ vẫn cứ làm tượng “Bồ-tát Di Lặc” kiểu như vậy. Vấn đề phải giải quyết trước hết từ khâu nhận thức của Tăng Ni Phật tử. Chúng tôi đề nghị một số biện pháp:
1) Qua các phương tiện truyền thông của Phật giáo cảnh báo cho Phật tử biết hiện tượng pho tượng “Bồ-tát Di Lặc” bị làm biến dạng thành Thần Tài, ông Địa.
2) Công bố trên phương tiện truyền thông Phật giáo, những mẫu tượng Bồ-tát Di Lặc đúng tinh thần đạo Phật để Phật tử thỉnh về thờ phượng. Đồng thời cũng chỉ ra những mẫu tượng lai căng xuyên tạc đạo Phật (“Bồ-tát” cầm vàng, ôm vàng, trói chân trói tay bằng dây xâu tiền điếu…) để Phật tử tránh xa.
3) Vận động Phật tử hạ  bệ xuống tiêu hủy những mẫu tượng “Bồ-tát Di Lặc” theo kiểu Thần Tài hóa, ông Địa hóa, trọc phú hóa như vậy.
4) Biên soạn tài liệu hướng dẫn, phân tích chi tiết ý nghĩa hình tượng Bồ-tát Di Lặc gởi đến các cơ sở sản xuất tượng Phật để họ phân biệt tượng Bồ-tát Di Lặc thật sự với Di Lặc biến thái. Chúng ta mong ở những người tạc tượng sự tự giác, không thể cấm đoán họ, ngăn trở họ.
5) Đề xuất chư vị Tôn túc lãnh đạo Phật giáo Việt Nam có văn thư gởi liệt vị Tôn đức lãnh đạo Phật giáo các lãnh thổ Hồng Kông, Đài Loan trình bày về vấn đề nhằm tìm kiếm sự hợp tác giải quyết phần nào vấn đề nhức nhối này.

Chúng ta không thể yên lặng, bàng quang, mặc kệ cho hình ảnh vị Bồ-tát khả kính, đức Phật vị lai của chúng ta bị xuyên tạc, tha hóa, thông điệp giải thoát và hỷ xả của Phật giáo bị sửa đổi nội dung thành một thứ thông điệp trần tục cổ động trói tay, trói chân vào đồng tiền, nén bạc, điều mà chính đạo đức thế gian cũng không thể chấp nhận.

Hiện nay, báo động việc này có lẽ đã muộn, vì đi đâu cũng thấy nhan nhản kiểu tượng “Di Lặc” mặt hoà thượng, tay cầm vàng, chân buột tiền. Như thế trên bàn thờ không phải là đức Bồ-tát Di Lặc mà theo cách nhìn của truyền thông, thực chất đó là một kiểu biếm họa về Bồ-tát Di Lặc (biếm họa là một thể loại của báo in, truyền hình, thường thì làm biến dạng bằng phương thức trào lộng nhân vật nào đó mà nhà báo muốn châm biếm). Ai đó bị biếm họa thì chỉ qua một kỳ báo, vài đoạn video hoạt hình là hết. Còn thứ biếm hoạ kiểu “Bồ-tát Di Lặc” trói chân trói tay vào tiền bạc thì được thờ phượng cung kính, nhang khói đèn nến quanh năm suốt tháng, để không biết bao nhiêu người chiêm ngưỡng, có thể từ đời ông đến đời cháu… Quả là thật kinh khủng và tác hại không lường hết được.

Diệu Phi
[Tập san Pháp Luân - số 47, tr.62, 2007]