Chương trình Video

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Các chương trình truyền hình giới thiệu chùa có thể là những video clip vài mươi giây đệm giữa các chương trình truyền hình, là các bộ phim tài liệu có độ dài vài chục phút, hay các đoạn lồng ghép vào các chương trình giới thiệu chung nhiều thắng cảnh tại một địa phương…

 

Xem các kênh truyền hình quốc gia (VTV), và các kênh truyền hình địa phương như HTV, BTV… chúng ta vẫn thấy thường xuyên chiếu các đoạn video giới thiệu phong cảnh các ngôi chùa nổi tiếng như Yên Tử, Thiên Mụ, Trấn Quốc, Thập Tháp, Giác lâm, Giác Viên… Các chương trình truyền hình giới thiệu chùa có thể là những video clip vài mươi giây đệm giữa các chương trình truyền hình, là các bộ phim tài liệu có độ dài vài chục phút, hay các đoạn lồng ghép vào các chương trình giới thiệu chung nhiều thắng cảnh tại một địa phương… Nhưng cho dù trình bày dưới hình thức nào, các chương trình truyền hình giới thiệu chùa hầu hết đều là các chương trình hay, khán giả xem xong cảm thấy dễ chịu, thanh thản, nhẹ nhàng, chừng như được dạo chơi qua các cảnh chùa mà chương trình video giới thiệu.

Như vậy, các chương trình truyền hình giới thiệu chùa chiền là rất hữu ích đối với người xem, cả người theo đạo Phật hay không theo đạo Phật. Tuy nhiên, các chương trình như vậy chiếu trên truyền hình từ trước tới nay hầu hết đều do các đài truyền hình nhà nước thực hiện, Phật giáo chúng ta chưa có sự đầu tư, quan tâm đúng mức để tự thực hiện các chương trình video giới thiệu các tự viện, tu viện của mình, giới thiệu đến công chúng rộng rãi, cũng như phối hợp với các đài truyền hình quốc gia và địa phương cùng thực hiện để gia tăng số lượng và nâng cao hơn nữa chất lượng các chương trình truyền hình giới thiệu các danh lam trình chiếu lên các kênh truyền hình.

Tiềm năng xây dựng các chương trình truyền hình giới thiệu các chùa

Trong số hàng chục ngàn ngôi chùa trên toàn lãnh thổ Việt Nam hiện nay, chiếm một tỷ lệ không nhỏ là các ngôi chùa đẹp, có giá trị về mặt kiến trúc, các ngôi chùa có những tác phẩm nghệ thuật quý báu, các ngôi chùa gắn liền với các thắng cảnh, các ngôi chùa là di tích lịch sử với bề dày truyền thống văn hóa và đạo pháp, các ngôi chùa là kết quả khai sơn và truyền thừa của các bậc danh tăng, thạc đức… Tất cả các ngôi chùa như vậy sẽ là nguồn tư liệu vô tận đối với chương trình truyền hình về chùa chiền. Đây là một ưu thế cần lưu ý đúng mức.

Một Phật tử, dù nhiệt thành đến đâu, cũng không thể đến thăm viếng, lễ bái hết hàng chục ngàn ngôi chùa trên cả nước. Họ chỉ có thể đến hành hương ở một số ngôi chùa. Với số còn lại, các chương trình video sẽ giúp họ đến thăm viếng. Do đó, nhu cầu về các chương trình video giới thiệu chùa chiền sẽ rất lớn. Các nhà nhiếp ảnh và nhà nghiên cứu Phật học đã làm một công việc tương tự như vậy bằng nhiều tập sách ảnh có giá trị như Việt Nam danh lam cổ tự, Danh lam xứ Huế, Những ngôi chùa nổi tiếng ở TP.HCM, v.v… Nhưng tiếc rằng, ở lãnh vực video và truyền hình, việc giới thiệu, giúp người xem có nhu cầu tìm hiểu, thăm viếng đến tham quan chùa chiền bằng hình ảnh động hãy còn quá ít ỏi. Trong khi đó, nhiều trường hợp việc tham quan bằng hình ảnh chỉ có thể thực hiện với hiệu quả cao nhất bằng hình ảnh động, ghi bằng camera video. Chẳng hạn, hình ảnh ngôi chùa trong mối liên hệ đến thắng cảnh mà ngôi chùa toạ lạc, hình ảnh dạo chơi trong khu vườn chùa… thì việc phản ảnh với hiệu quả cao nhất chỉ có thể thực hiện bằng hình ảnh động (video).

Các ngôi chùa cổ, có giá trị về mặt văn hóa lịch sử, có truyền thống tu tập là mảng đề tài đặt biệt quan trọng, có ý nghĩa đối với các chương trình video truyền hình giới thiệu chùa chiền. Ở đây thiết tưởng cần nhấn mạnh đến ưu thế của các chương trình truyền hình - video trong việc chuyển tải một số tác phẩm văn học đặc thù chạm khắc trên các kiến trúc chùa chiền. Giáo sư tiến sĩ Trần Đình Sử trong chuyên luận Thi pháp văn học trung đại Việt Nam (trong Tuyển tập Trần Đình Sử, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội 2005) có nói đến thể loại “văn khắc”, tồn tại ở những nơi sinh hoạt công cộng như đình, chùa, đền, miếu, từ đường, v.v… từ cách phân loại do nhà nghiên cứu văn học Liên Xô Rôgiơđetxtvenxki gợi ý (trong Dẫn Luận ngữ văn học đại cương). Theo Giáo sư Trần Đình Sử, “đây là một phương thức lưu trữ đặc biệt của văn học trung đại trong không gian và thời gian, thể loại đặc biệt này là những thể loại sáng tác không phải để chép vào sách” (sách dẫn trên, trang 430). Như vậy, không thể thưởng thức thể loại đặc biệt này qua các bản in trên sách vở, mà phải thưởng thức trong không gian mà nó tồn tại, tức là đọc tại chỗ hoặc thu hình nó, để nghe lời đọc và lời thuyết minh gắn liền với hình ảnh, với bối cảnh không gian mà nó tồn tại. Để thực hiện điều này một cách gián tiếp, chỉ có kỹ thuật video là mới có thể đáp ứng.

Cũng không thể quên rằng, truyền hình là một phương tiện có khả năng tác động hết sức rộng lớn và mạnh mẽ, và như vậy các chương trình truyền hình và video giới thiệu chùa chiền là một phương tiện hiệu quả để giới thiệu các ngôi chùa đến với công chúng rộng rãi, thu hút khách thập phương đến chùa, tạo cơ duyên với Phật pháp. Chúng tôi đã được biết trường hợp một gia đình không phải Phật tử nhưng thường xuyên đi chùa như những người khách du lịch đến các thắng cảnh đẹp là các ngôi chùa được giới thiệu qua các tập sách ảnh Việt Nam danh lam cổ tự của tác giả Võ Văn Tường. Họ gọi tập sách ảnh này bằng một danh từ rất “thế tục” và buồn cười là... “ca-ta-lô chùa”. Đi chùa nhiều, dần dần gia đình này gắn bó với đạo Phật lúc nào không biết và rồi họ trở thành một Phật tử. Phật giáo chúng ta đã có “ca-ta-lô chùa” bằng hình, nay đã có thể nghĩ đến “ca-ta-lô chùa” bằng video!

Khả năng giới thiệu các chương trình video về chùa chiền trên các kênh sóng truyền hình

Các đài truyền hình, cơ sở sản xuất chương trình video đã làm không ít các chương trình truyền hình về chùa chiền. Chương trình video Chùa cổ Việt Nam của hãng phim Trẻ được thực hiện cách đây mười mấy năm cũng là một chương trình nổi tiếng một thời. Do đó, có ý kiến, chỉ với “chùa đẹp Phật to” là các đài truyền hình sẽ đến quay và chiếu trên TV, Phật giáo chưa cần chủ động tự thực hiện các chương trình video giới thiệu các ngôi chùa của mình cũng như liên kết với các đài truyền hình thực hiện các chương trình truyền hình về chùa chiền để chiếu trên truyền hình.

Thật ra, nếu phía Phật giáo chủ động hơn trong việc thực hiện các chương trình video giới thiệu chùa chiền thì hiệu quả sẽ lớn hơn rất nhiều, từ đó mở ra khả năng gia tăng cả về mặt số lượng và chất lượng các chương trình truyền hình giới thiệu chùa. Đấy thực sự là một cơ hội để hình thành những chương trình “văn hóa Phật giáo” thường xuyên trên các đài truyền hình quốc gia và địa phương. Các kênh truyền hình đều có nhu cầu rất lớn về các chương trình giới thiệu các địa điểm du lịch, các thắng cảnh, các địa chỉ văn hóa lịch sử… Các đài cũng có lợi thế là có nhiều đạo diễn, thu hình viên giỏi. Họ đã quan tâm xây dựng nhiều chương trình truyền hình giới thiệu các cảnh chùa, nhưng nặng về phần giới thiệu cảnh đẹp và giá trị kiến trúc. Phần giới thiệu về truyền thống văn hóa, truyền thống tu tập, giá trị tinh thần, di sản văn học Hán Nôm tồn tại trong một hoàn cảnh đặc biệt với cách thức đặc biệt đã nói ở trên… chưa được các đài truyền hình quan tâm đúng mức. Chính phía Phật giáo phải bổ sung phần còn hạn chế để có được các chương trình truyền hình video - truyền hình Phật giáo có giá trị toàn diện về mặt nội dung. Điều này rất có lợi về mặt hoằng pháp. Bởi các tác phẩm Hán Nôm tồn tại như một “thể loại văn học đặc biệt” ở các chùa đều là các tác phẩm văn học Phật giáo. Giới thiệu những tác phẩm Phật học đặc biệt như vậy đến với công chúng rộng rãi thực sự là một cơ hội để truyền bá đạo Phật. Các chương trình video truyền hình giới thiệu về các chùa chiền càng có giá trị, càng gia tăng về mặt số lượng, thì số lượng công chúng hiểu biết về văn hóa Phật giáo càng nhiều, số người đến chùa thăm viếng lễ bái càng đông. Có thể nghĩ đến khả năng các cơ sở văn hóa Phật giáo hợp tác với các đài truyền hình thực hiện giới thiệu mỗi tuần một ngôi chùa trên các kênh sóng quốc gia và địa phương, nhất là trong bối cảnh xã hội hóa hoạt động sản xuất chương trình truyền hình ngày càng phát triển như hiện nay.

Ngoài khả năng đóng góp để nâng cao giá trị nội dung, trong liên kết hợp tác sản xuất các chương trình video truyền hình giới thiệu chùa chiền, phía Phật giáo còn có thể đóng góp cho đài truyền hình ở khía cạnh cổ động, thu hút khán giả. Hàng chục triệu tín đồ Phật giáo chắc chắn sẽ quan tâm đón xem các chương trình truyền hình giới thiệu chùa chiền phát trên sóng truyền hình. Kênh sóng nào phát các chương trình giới thiệu chùa chiền chắc chắn sẽ thu hút đông đảo khán giả là Tăng, Ni, Phật tử. Đó còn chưa kể đến hoạt động cổ động khán giả về phía tổ chức Phật giáo hướng đến số lượng tín đồ đông đảo của mình thông qua hoạt động trực tiếp tại các chùa một khi các chương trình do phía Phật giáo đóng góp xây dựng được chiếu trên các kênh sóng nào đó. Trong bối cảnh nhiều đài truyền hình khác nhau đang ra sức thu hút càng nhiều khán giả thu xem kênh sóng của mình đây là điều chắc chắn các đài phải nghĩ đến và là một ưu thế đối với Phật giáo. Trong bối cảnh ngày càng nhiều kênh truyền hình ra đời, đặc biệt các kênh truyền hình “công ty” trên các hệ thống công nghệ mới (truyền hình số, truyền hình cáp), thì việc đóng góp khán giả cho các kênh truyền hình từ phía Phật giáo càng có ý nghĩa.

Về phần các chùa, mỗi chùa đều có thể tự thực hiện, hoặc liên kết với các đài truyền hình thực hiện các chương trình video truyền hình tự giới thiệu về chùa mình. Chỉ khi chính nhà chùa nỗ lực đầu tư cho chương trình quảng bá chùa nhà thì chương trình đó mới có thể đạt giá trị cao nhất về mặt nội dung, vì chính từ mỗi chùa mới có điều kiện cao nhất để sưu tập, lý giải, giới thiệu, thuyết minh về các di sản văn hóa cũng như truyền thống tu tập của chính mình. Lợi ích của các chương trình tự thực hiện như vậy đối với riêng mỗi chùa là rất lớn. Ngoài giá trị giới thiệu, thu hút khách thập phương đến chùa, những chương trình video về từng chùa cụ thể có thể đóng vai trò là những vật kỷ niệm văn hóa giá trị đối với khách thập phương sau mỗi chuyến viếng chùa. Các chương trình video tự thực hiện và xin phép xuất bản dưới dạng băng dĩa còn mở ra không gian để nhà chùa giới thiệu nhiều hơn về tăng chúng, về hoạt động tu tập, về môn phái nhà chùa… những điều mà việc giới thiệu các chương trình phát sóng rộng rãi không được thích hợp cho lắm.

Một ngôi chùa đẹp, và cũng vậy, một ngôi chùa lưu trữ nhiều bảo vật văn hóa không chỉ là tài sản riêng của Phật giáo, mà là tài sản chung của toàn xã hội. Các chương trình giới thiệu chùa chiền đã làm được công việc giúp toàn thể khán giả có thể cùng chia sẻ tài sản tinh thần quý giá của Phật giáo và của cả dân tộc: Các danh lam, cổ tự. Việc mỗi ngôi chùa tham gia thực hiện quảng bá, giới thiệu hình ảnh các di sản văn hóa của chính mình đến với công chúng rộng rãi là một bước đẩy mạnh hoạt động chia sẻ giá trị tinh thần đến toàn xã hội như đã nói. Có thể xem đây như là hoạt động bố-thí pháp. Đông đảo khán giả truyền hình được đến viếng cảnh chùa qua màn ảnh truyền hình, được hiểu biết nhiều hơn về các tác phẩm văn học Hán Nôm lưu giữ ở các chùa bằng hình thức đặt biệt (bi, ký, đối, liễn, v.v…), về truyền thống lịch sử văn hóa và tu tập của các chùa được truyền bá dưới hình thức sinh động nhất. Chưa nói đến việc đọc lên trên kênh sóng truyền hình các câu kinh Phật Hán văn khắc ở các chùa, mà chỉ riêng ở việc đọc trong bối cảnh hình ảnh liên hệ các bài thi, kệ, câu đối, liễn, bài bi, minh… khắc chạm trên kiến trúc chùa và các cổ vật ở chùa, thể loại tác phẩm văn học đặc biệt tồn tại lưu trữ trong một không gian đặc biệt mà giáo sư Trần Đình Sử đã nói đến, đã là một hình thức bố thí pháp sinh động và là sự đóng góp vào hoạt động quảng bá, gìn giữ các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc.

Và cũng chưa cần được như vậy, mà chỉ cần khán giả viếng thăm các cảnh chùa qua màn ảnh TV, mà trong lòng cảm thấy bình yên, an lạc, thanh tịnh hơn, thì cũng có nghĩa là đạo Phật đã có ích cho cuộc sống, cho toàn xã hội…

Minh Thạnh
[Tập san Pháp Luân - số 40, tr.64, 2007]