Dẫn vào Lịch sử Phật giáo §2. Đức Thích Ca Mâu Ni và các tư tưởng gia đương thời

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Khoảng thời kỳ Phật giáo được đản sinh, đó là thời kỳ đã trải thế hệ lai từ các cuộc hôn phối giữa người Arya và người bản địa vốn đã sinh sống trước đó tại Ấn Độ.

Dẫn vào Lịch sử Phật giáo

Bài thứ hai: Đức Thích Ca Mâu Ni và các tư tưởng gia đương thời

Khoảng thời kỳ Phật giáo được đản sinh, đó là thời kỳ đã trải thế hệ lai từ các cuộc hôn phối giữa người Arya và người bản địa vốn đã sinh sống trước đó tại Ấn Độ. Và với sự phát triển của công thương nghiệp v.v.. nên giá trị quan cũng đã được đa dạng hoá. Từ trong dòng chảy của thời đại mới như thế, đã xuất hiện nhiều tư tưởng gia mà giáo thuyết của họ vốn từ trước đến nay chưa từng được thừa nhận. Đương thời, tư tưởng Phật giáo cũng là một trong số đó.

Trong Kinh Sa Môn Quả có giới thiệu sáu nhà tư tưởng ngoài Phật giáo, gọi là “lục sư ngoại đạo”. Từ “ngoại đạo” này có ý nghĩa là “người bên ngoài đạo của mình”, tuỳ theo góc nhìn, đôi khi đây là một biểu hiện hơi thất lễ, nhưng ở đây tạm thời cứ hiểu là “người ngoài Phật giáo”. Tư tưởng của họ nếu xét theo quan điểm của hiện đại thì được xem là duy vật luận, vận mệnh luận, hoài nghi luận, chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa khổ hạnh, chủ nghĩa hư vô, v.v… Đương nhiên, với ý nghĩa của hiện đại thì nội dung có khi hơi khác, và cũng có trường hợp nhiều tư duy kiến giải chồng chéo nhau, nên không thể gộp trong từ “… luận” “chủ nghĩa…” được. Và sau đây là kiến giải của các nhà tư tưởng này.

***

Vị có tên là Ajita (Ajita Kesakambāla) cho rằng bốn nguyên tố là đất nước lửa gió cấu thành nên con người. Và ông phủ định quan niệm làm lành được quả báo tốt, làm ác bị quả báo xấu, đề xướng thuyết rằng chết đi rồi là không-vô. Pakudha (Pakudha Kaccāyana) cũng có kiến giải tương tợ, nhưng có điểm khác là con số yếu tố, thêm khổ, lạc, linh hồn vào với bốn nguyên tố trên thành ra có bảy. Có thể nói, hai nhân vật này có tư duy giống với duy vật luận. Nhân vật có tên là Pūraṇa (Pūraṇa Kassapa) cũng phủ định quan niệm làm lành được quả báo tốt, làm ác bị quả báo xấu, kiến giải này được gọi là đạo đức phủ định luận. Với điểm phủ định đạo đức này thì giống với hai vị ở trên.

Nhân vật Gosāla (Makkhali Gosāla) thì cho rằng sinh vật được cấu thành từ 12 yếu tố, tức thêm yếu tố hư không, khổ, lạc, linh hồn, được, mất, sinh, tử vào với bốn nguyên tố trên, và đề xướng rằng mọi sự đều được quyết định bởi vận mệnh. Nhân vật Sañjaya (Sañjaya Belathiputta) thì hoài nghi rằng “liệu có đời sau hay không”, và đề xướng rằng đừng phán đoán vấn đề vốn chưa thể trả lời rõ. Thuyết của Sañjaya được gọi là bất khả tri luận, hay hoài nghi luận, còn thuyết của Gosāla được gọi là quyết định luận, vận mệnh luận v.v…, nhưng ở đây cũng có thể cho vào mục đạo đức phủ định luận. Nighaṇṭha Nātaputta thì nghiêm cấm phán đoán một chiều đối với sự vật, thuyết này được gọi là chủ nghĩa đa diện, chủ nghĩa bất định, chủ nghĩa tương đối v.v… Vị này hiện cũng là giáo chủ thực của Jaina giáo. Về Jaina giáo này sẽ có trong bài sau.

***

Trên đây là tóm tắt ngắn gọn tư tưởng của sáu tư tưởng gia. Nếu bạo dạn nói gọn thêm chút nữa thì: “con người được hình thành từ vật chất và sau khi chết sẽ là không-vô (duy vật luận), hay không rõ sau khi chết có tồn tại hay không (hoài nghi luận, bất khả tri luận). Và như thế là dù có làm thiện hay làm ác thì cũng không có quả báo ở đời sau (đạo đức phủ định luận), hay kết quả đều là do vận mệnh quyết định (vận mệnh luận). Nếu thế thì làm gì cũng được, mình thích làm gì thì cứ làm để sống vui vẻ thoả thích (chủ nghĩa khoái lạc)”. Những tư tưởng này ở thời hiện đại cũng có, nhưng ngay cả đương thời ở Ấn Độ, cũng đã bị chỉ trích kịch liệt. Có điều lạ là, dù chủ trương phủ định đạo đức, hay khoái lạc chủ nghĩa v.v… nhưng cũng sống cuộc sống rời xa thế tục.

[堀田和義]