Có dạo tại một số chùa chiền ở Saigon, vấn đề Trai Tăng đã trở thành một cao trào khá phồn vinh phúc lạc. Truyền thống kính Phật trọng Tăng đã nuôi dưỡng làm phát huy cao độ tâm Bồ-đề của Phật tử các giới, nên việc thiết lễ cúng dường Trai Tăng để hồi hướng công đức cho cửu huyền thất tổ đã được tổ chức trang nghiêm trọng thể nhất là vào dịp ba tháng an cư kiết hạ.
Chùa chiền tổ chức Trai Tăng thường xuyên suốt năm, nên một số Tăng nhân đã thông thạo đường lối đến mức trở thành chuyên gia có tay nghề, biết ứng phó trong mọi tình huống – sắp xếp nội dung, hình thức buổi lễ, thậm chí cả bài tác bạch, cả thiệp mời, thiệp thỉnh khách tham dự. Nhiều nơi hiếu chủ là thành phần Đại gia “tầm cỡ quốc tế” (international) thì lại càng rầm rộ đủ nghi thức để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.
Các tăng nhân thượng hạ, nam nữ tứ chúng xa gần, các quan tăng, quan chức từ A đến Z, bất kể có thiệp mời hay không, đều quang lâm rất đúng giờ hành chánh. Đặc biệt, có dạng khách Tăng không mời mà đến, được các chuyên gia mỉa mai gắn cho tôn hiệu là Bồ-tát Bất Thỉnh, xếp vào loại vị tằng hữu hiếm khi xuất hiện. Bậc thượng thừa vô sở trụ và siêu việt tứ tướng đó ít ai nhận ra ngài.
Hòa thượng Vô sở trụ thường làm đại biểu của khách không mời mà đến, không đến mà đến. Ngài đứng vững 70 tuổi đời 50 hạ lạp. Đặc biệt, ngài có đến ba phép mầu an thân: hộ khẩu, sổ đỏ và tăng tịch cho nên ngài đi đâu cũng an nhiên tự tại như tổ Đạt-ma quảy giép lướt nhẹ trên sông. Nhìn dung mạo tăng tướng của ngài ai cũng bái phục, nhất là thành tích ba lần xả thân cầu đạo – ba lần đốt hương trên đỉnh đầu trong lễ nhiên hương. Nhìn 9 cái chấm Tỳ-kheo Bồ-tát giới trên đầu bóng láng của ngài, ai cũng thầm thương trộm mến, kiêng nể bậc tôn túc thâm niên cao hạ. Nếu cứ tính ba chấm là ba mai đại úy (capitaine) theo thời Pháp thuộc, thì ngài đang mang quân hàm đại tướng kỳ lão (géneral), rõ ràng 3x3 là 9, con số may mắn của người Hoa. Ngài đã chọn lựa cho sự nghiệp tu hành của mình thật cao minh diệu pháp. Ngài có phong cách một sa-môn nhàn nhã, tính lại cần cù tỉ mỉ; bất cứ chùa nào, tư gia nào có cúng lễ trai tăng, Ngài đều lưu vào hồ sơ với bộ óc vi tính chính xác của mình. Nhờ vậy mà Hòa thượng Đại tướng lúc nào cũng có mặt trên các hiện trường trăm hoa đua nở “Dù ai nói ngả nói nghiêng, Ta đây cứ vững lập trường Trai Tăng”. Ngài phá chấp triệt để, một dạng hóa thân kỳ cục “không cầu mà cảm, không mời mà đến”. Về phần hiếu chủ thì còn gì phước báo cho bằng “nhất Tăng đáo nhất Phật lai”, ai nỡ nào không kiêng nể chiếc áo nhà sư!
Hình như ngài đã đạt được yếu chỉ trong kinh Kim Cang, lời Phật dạy: “Dĩ vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ giả, tu nhất thiết thiện pháp” (Dùng cái tâm không trụ vào bốn tướng mà làm các việc lành). Dù không ai mời, ngài vẫn đến, bản thân không hề dao động giữa khen chê phê phán, tức là không có tướng ngã; mà nếu có kẻ nào xầm xì bới móc, ngài chẳng cần quan tâm đến đối tượng muốn lập công đó là ai tức là không có tướng nhân; Ngài cũng không sợ thần thánh, ma yêu, mèo chó gì đe dọa khủng bố tức là không có tướng chúng sanh; không cần biết một năm có bao nhiêu lần Trai Tăng lâu, mau, xa gần... ngài vẫn âm thầm tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường phi thời khứ lai là không có tướng thọ giả. Mấy ai đã đạt được tinh thần vô sở trụ như ngài nếu không đọc câu: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (hãy không trụ, không dính vào đâu mà phát tâm Bồ-đề).
Thế rồi, đất bằng bỗng nổi sóng! Đúng vào ngày tam nương sát chủ, ngài sực nhớ tới ngày húy kỵ trọng thể của một đại thí chủ nước ngoài cúng Trai Tăng tại một ngôi chùa nọ. Vì đã hơi trễ nên ngài vội “cân đẩu vân” để rút ngắn lộ trình cho kịp giờ. Đến nơi thì vừa lúc đang diễn ra phần tác bạch của hiếu chủ, âm thanh ấm áp của chiếc micro phát ra lời báo hiếu đầy bi thương cảm động. Các tiểu tăng trong ban tổ chức vội xá chào mừng khách tăng và cung thỉnh ngài ngồi vào chiếc bàn đặc biệt dành cho khách đi trễ.
Cũng theo thông lệ, trước khi thọ trai, đại chúng nâng bát cúng quá đường thật trang nghiêm kính cẩn. Lời xướng lễ của vị sám chủ không câu nào là không trót lọt vào tai Hòa thượng Vô sở trụ: “… Phật dạy… Tỳ-kheo khi ăn nên duy trì chánh niệm, nếu tán tâm tạp thoại tín thí sẽ không tiêu. Đại chúng nghe tiếng chuông xin nhiếp tâm quán niệm”. Đồng thanh: “A-di-đà Phật”. Nhiếp ảnh, quay phim, phóng viên liên tục di động khắp nơi. Và rồi… những bao thơ tịnh tài được kính cẩn dâng cúng trước mặt từng vị Tôn đức. Hòa thượng Đại tướng bỗng ửng hồng đôi má lúm đồng tiền bầu bĩnh trông rất dễ thương, hào quang từ 9 chấm trên đảnh đầu phóng ra chẳng khác gì thần tài đã quang lâm ứng báo điềm lành. Ngài vốn có bản chất ăn ngay nói thật, không chịu rụt rè úp mở điều gì cho nên khi cuộc tiệc sắp tan, lời cảm tạ cũng sắp tàn. Ngài tò mò đưa ngón tay vạch nhẹ một góc bao thư, thoáng nhìn thấy một cạnh màu xanh lá tre non với con số 100, giật mình: “Đúng 100 đô rồi, khỏe quá!” Ngài tế nhị xếp lại bỏ từ từ vào đãi xách, lòng đầy hân hoan thầm tán thán: “Bọn này chơi xộp thật! Trình độ quốc tế quá, hèn gì khách dự đông đảo, bá quan văn võ, đủ thành phần đại gia, văn nhân, nghệ sĩ trong và ngoài nước, quan tăng chánh, phó cấp thành, cấp tỉnh, cấp quận đều có đủ”.
Sau bài tụng kiết trai hồi hướng ngắn: “Nguyện đem công đức này…” Hòa thượng Đại tướng tàng hình ngay trong đám đông không màng nghe hồi chuông trống Bát-nhã đang hùng dũng ngân vang đưa tiễn khách tăng. Ngài đi thẳng đến cửa hiệu kim hoàn để đổi lấy tiền Việt cho dễ chi dùng. Cô chủ tiệm cầm tờ bạc 100 đô Mỹ xem qua và mỉm cười: “Thưa Thầy! Thầy nhận tiền này ở đâu vậy?” Ngài tròn con mắt chưa kịp trả lời thì cô chủ tiệm tiếp lời bông đùa: “Xin lỗi Thầy, tiền này là để cúng gửi cho người dưới âm phủ xài, còn trên trần gian này mà dám cả gan chi dùng thì thân bại danh liệt như chơi...!” Ấy vậy mà ngài không một chút biết tàm quí liêm sỉ của bậc vô sở trụ. Ngài cầm lại tờ bạc đô la âm phủ vẫn nụ cười Di-lặc vô chấp: “A-di-đà Phật! Bọn này quá thật, dám gạt cả lão tăng... ha? À...! mà không sao. Rồi mai kia ta đem xài nơi âm cảnh cũng được”.
Câu chuyện này có thật tại Saigon nhưng chưa kết thúc màn bi hài kịch. Và rồi chuyện gì lại xảy ra?
Hôm ấy có vị Thượng tọa trụ trì ở một ngôi chùa gần đó, Ngài cũng thuộc thành phần có Thiệp thỉnh chính quy, nhưng vì bận Phật sự nên đến trễ, đành xề vào ngồi hàng ghế dự bị với ngài Hòa thượng kia. Thế là vị Thượng tọa cũng may mắn nhận bao thư tịnh tài 100 đô la âm phủ. Lúc về chùa, Ngài mới hay cớ sự, đành ngậm đắng nuốt cay, bấm tay mới biết mình xuất hành gặp giờ hắc đạo, đại hung.
Nhưng đâu ngờ sáng sớm hôm sau đám đệ tử của vị Thượng tọa kéo qua chùa Trai Tăng hôm trước để biểu tình, đòi khôi phục danh dự, đòi quyền làm người có nhân phẩm. Màn bi hài kịch tuy không um sùm mấy nhưng cũng đủ trở thành hý thoại trong chốn thiền môn mỗi độ Hạ về.
[Tập san Pháp Luân - số 39, tr.90, 2006]