Lá thư tu học ké

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

(Lớp học Thành Duy Thức Luận của TT. Tuệ Sỹ)

 

Kính thưa Thầy,

Hôm nay con trích vài trang trong Nhật ký tu học ké của con gởi đến Pháp Luân để gợi nhớ về những kỷ niệm thật vui trong những giờ học Duy Thức của chúng con mà giờ đây không còn nữa vì Thầy bận nhập thất, dịch kinh, v.v… nên lớp học đã nghỉ dài hạn và chưa bắt đầu lại được!

Con gọi là “tu học ké” vì lớp này của quý thầy, cô và chỉ một số anh chị em (ACE) cư sĩ chúng con được tham gia mà thôi. Lớp có nhiều hôm học đông, nhiều hôm vắng, nhiều hôm lớp vui, nhiều hôm im lặng… nghĩa là không có buổi học nào giống buổi nào,  nhưng có cái chung là hôm nào cũng vui nhộn hẵng lên khi Thầy “vào lớp” và chùng xuống khi Thầy chào từ giã lớp.

Con không trình bày ở đây nội dung bài giảng của Thầy vì buổi học nào cũng giảng về chủng tử, alaya, sự có mặt của alaya, v.v... chứng minh sự hiện hữu của thức thứ 8, càng lúc càng tinh vi và nhất là những buổi học của chư Tăng Ni mà Thầy dạy cách dịch từ Hán ra Việt… thật khó “nuốt”, khó hơn dịch từ tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Anh… ra Việt văn nhiều! Văn phạm chữ Hán “bí ẩn” quá Thầy ơi!:) :)!! Nhiều hôm con bị Thầy chê: “Tiếng Hán một chữ cũng không biết!”

Con chỉ ghi vào đây những điều Thầy dặn dò phải đào sâu thêm cái gì, phải học như thế nào, và nhất là những câu hỏi của chư Tăng, Ni hay của ACE chúng con.

Ví dụ như bài giảng của Thầy có liên hệ đến Mộng và Thực. Câu hỏi được đặt ra là: Thế nào là Mộng? Tại sao nói đời là Mộng mà mình không tỉnh mộng được?

Thầy dạy: Mộng là thật hay là giả? Có thật hay không có thật? Có nhiều khi mình mộng, nhưng những sự việc xảy ra trong giấc mộng đó có tác dụng lên thực tế. Trường hợp rất thường xảy ra và rất nhiều người đã gặp: Nằm mơ thấy đá banh và giơ chân đá thì tỉnh dậy, thấy chân đá đụng vào vách tường! Hay giấc mơ của Thầy mơ thấy mình đi từ Vạn Hạnh về Già Lam; khi đi qua giàn mướp trước chùa thì giàn mướp sập, Thầy đưa tay lên đỡ, thì tỉnh dậy thấy 2 tay đang đỡ cái giàn mùng rớt xuống!

Dù là “thật” hay “giả” thì mộng vẫn là một quá trình (process) huân tập không phải “tự nhiên mà có”. Những hoài niệm, nhớ nhung, những tư tưởng tình cảm được tích tụ dài ngày dài tháng khi có điều kiện sẽ thành Mộng, có khi một giấc mộng đã được “chuẩn bị” từ 5, 10 năm… Cuộc đời cũng là một giấc mộng mà  muốn “tỉnh mộng” phải được xử lý quá trình huân tập ấy bằng quá trình tu tập chứ không phải một sớm một chiều có thể tỉnh được ngay! Thầy thường liên hệ với những danh từ dùng cho máy tính (computer) để ACE trẻ hiểu dễ dàng như: Giấc mộng (chiêm bao) bao gồm nạp dữ liệu (huân tập), tích lũy vào tâm thức (chứa vào Alaya), dị thục (quản lý, xử lý dữ liệu).

Thầy còn nói, vi tính đối với thời đại chúng ta là thần thông diệu toán. Nó thay đổi từng giờ từng phút; chúng ta học Duy Thức nói riêng, học Phật Pháp nói chung là để áp dụng vào cuộc sống của chúng ta và để tìm ra những phương pháp chữa bệnh, trị bệnh, cứu chúng sanh chứ không phải học để chơi, để nói dốc (hý luận)… Đã có những bác sĩ tâm thần, bác sĩ phân tâm… nghiên cứu từ những giấc mơ để chữa bệnh tâm thần hay tâm lý cho nhiều bệnh nhân… (Thiền và sức khoẻ tâm hồn, tinh thần; Thiền và sức khoẻ thể chất).

Freud cũng giải thích về những giấc mộng do ẩn ức (refoulement) mà ra, và cũng đã phân biệt tính chất những sóng não (brainwave) với những giai đoạn của giấc mộng: REM, SLOW-WAVE,  NON-REM…

Những điều Thầy giảng và đề cập đến, khi “học bài” con đều tìm lại những tin tức liên hệ đến qua sách vở và trên net, thật rất thích thú. Ví dụ như về nghiên cứu và áp dụng Phật Pháp (Thiền) vào việc cứu giúp chúng sanh. Có một bản tin nói rằng từ năm 1992 ngài Đạt-lai Lạt-ma (ĐLLM) thứ 14 đã mời tiến sĩ Richard Davidson nghiên cứu về trạng thái thần kinh (tức hoạt động của não bộ và các tế bào thần kinh) khi thực hành Thiền; tiến sĩ Davidson cũng là một người thực hành thiền nên ông đã nhận lời đến vùng chân núi Hy-mã-lạp-sơn với các máy vi tính, máy điện não đồ, máy họa hình các chuyển động trong bộ não… khảo cứu bộ não các vị thiền sư Tây Tạng khi thực hành Thiền, qua các tiếng dội từ trường (Functional Magnetic Resonance Imaging). Công trình nghiên cứu này không những chỉ cho thấy hoạt động của bộ não trong thời gian thiền mà còn biết được cả ảnh hưởng tốt đẹp tồn tại sau nhiều tháng kế tiếp. Đã có nhiều nhà khoa học khác người Mỹ như Paul Ekman, Stephen Kosslyn, người Pháp như Mathieu Ricard, v.v… tham gia chương trình này. Cứ 2 năm 1 lần, các nhà khoa học cùng họp nhau ở dưới chân Hy-mã-lạp-sơn (nơi cư ngụ của ĐLLM 14) hay một nơi hẹn trước, dưới sự chủ tọa của đức ĐLLM 14 để hội luận về lợi ích của Thiền, và của những cảm xúc tích cực (từ, bi, hỷ, xả, an lạc…) cũng như các phương thức chuyển hoá những cảm xúc tiêu cực (giận dữ, hận thù, bất an, phiền muộn…) Ngoài ra, hiện nay có khoảng 250 trường đại học áp dụng chương trình hướng dẫn Thiền để phát triển sức khỏe và tạo đời sống an vui của tổ chức Giảm Căng Thẳng Bằng Tỉnh Thức (Mindfulness-Based Stress Reduction hay MBSR) do tiến sĩ Jon Kabat-Zinn thuộc viện đại học Y khoa  Massachussetts Umass Medical School thành lập trên 25 năm qua. Tiến sĩ Kabat Zinn và các đồng nghiệp của ông (bác sĩ, y tá, cán sự xã hội, bác sĩ tâm thần…) trong chương trình MBSR đã chữa trị cho trên 16 ngàn người và đã đào tạo được trên hai ngàn chuyên viên có thể hướng dẫn bệnh nhân về chương trình này.

Trở lại với bài học, để trả lời câu hỏi của một học viên: mộng có thật hay không có thật? và cuộc đời là giả hay thật? Thầy phân biệt rất hay và vui. Thầy cho một ví dụ: Một người ngồi coi phim (vidéo) và một con kiến bò trên màn hình TV. Người coi phim biết những vở kịch, những chuyện phim… đều là giả, nhưng vẫn khóc, vẫn cười, vẫn buồn, giận, lo lắng… theo như tâm trạng của các diễn viên; con kiến bò trên màn hình không biết gì cả, không vui không buồn, cứ bò… Như vậy, giả hay thật, là tùy xử lý của người quan sát.  Sơn hà đại địa, thế giới, vũ trụ này cũng vậy, cũng như những biến hiện trên màn hình nếu chúng ta là những người ở trên rừng mới về thành phố, không biết gì đến văn minh, nên khi nhìn vào màn hình thấy sư tử cọp beo, thấy bắn súng, thấy người chết, tưởng thật phát sợ; còn Bồ-tát như những kỹ sư điện toán biết đó chỉ là phim ảnh, các diễn viên đóng tuồng có sống có chết, nhưng tất cả không phải thật, diễn xong vở tuồng, các diễn viên lại nói cười vui vẻ, không có gì xảy ra hết!

Không khí các buổi học  đều rất trang nghiêm, không ai ngắt lời Thầy và rất sợ Thầy dừng lại hỏi (mà “bí” thì quê lắm!) Gần hết buổi học, nhờ những câu hỏi và trả lời của Thầy mà không khí đã có pha tiếng cười và những câu nói chuyện ngắn qua “tấm bảng” Thầy giảng bài. Thỉnh thoảng có thầy cô hay ACE cư sĩ ngâm thơ, ca hát… tặng Thầy, nhất là lúc Thầy sắp nhập thất.

Buổi học cuối trước khi Thầy nhập thất được ban điều hành lớp gọi là “buổi học chót” lúc nào cũng buồn! Có nhiều thầy ở xa gọi vào thăm và nói lời tạm biệt Thầy, khiến con nghĩ ngay đến câu “nhất nhật bất kiến như tam thu hề” (một ngày không gặp mặt dài như 3 năm) huống chi là nhiều tháng, rồi lại “khoảnh khắc thành thiên thu”. Con tự nhủ: với lý “không” của nhà Phật, mình cũng có thể nói “thiên thu thành khoảnh khắc” để thấy bây giờ và 3 tháng nữa không khác, chỉ thoáng qua như là một giấc mộng thôi. Nghĩ như vậy để bớt thấy buồn vì sau hôm nay không còn được học với Thầy mỗi tuần hai lần nữa!

Tâm Minh
(Trích đoạn Buổi học chót viết ngày 30.09.2005 trong tập Những trang nhật ký của Tâm Minh)
[Tập san Pháp Luân - số 25, tr.79, 2006]