Một bức tranh kỳ ảo

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

(PLO) Bức tranh nghệ thuật (Thangka) của Tây Tạng có những nét đặc sắc về nghệ thuật, tư tưởng và tính ngưỡng.

Đối mặt với quỷ thần ở trong bạn: Một bức tranh kỳ ảo

Xem bức họa vào thế kỷ 19 này, hầu như, chúng ta đang ở trong một thế giới xáo trộn, rối bời, và tăm tối, nơi mà tất cả bên dưới là sự khuấy động, bên trên là thanh tịnh. Đây là nét nghệ thuật đặc sắc của Tây Tạng; một bức tranh Thangka, “bức họa mà người ta đã mở ra” và rồi cuốn lại sau khi đã chiêm ngưỡng. Vì được trưng bày thường xuyên, cho nên màu sắc của chúng được bảo quản khá kỹ lưỡng qua nhiều thế kỷ.

Để tạo thành một bức họa Thangka, thì cần phải có tấm vải bằng bông được trải ra.

Đầu tiên, nó được chuẩn bị bằng bột trắng, đất sét và nước, sau đó đánh bóng khi đã được sấy khô bằng đá hoặc vỏ ốc. Đây là một tác phẩm được thiết kế rất là công phu. Những màu sắc - tất cả hầu như được lấy từ khoáng chất, như quặng mỏ dùng cho màu xanh, châu sa dùng cho màu đỏ, những đầu bút mảnh khảnh dành cho màu vàng, cũng như nhiều thứ khác, được dùng một loạt lông thú. Khi cần sử dụng, những bức họa này thường được ban phước bằng các câu thần chú linh nghiệm, sau cùng an trí nơi chỗ tôn nghiêm.

Tây Tạng là một nước cao nhất thế giới, một khu vực hầu như toàn núi non và khó có thể ở được, với diện tích bằng một phần tư nước Mỹ, nhưng dân số rất ít. Từ những dòng suối đóng băng của xứ sở nầy khởi nguyên ra các đầu nguồn cho nhiều dòng sông lớn tại châu Á. Chẳng có gì ngạc nhiên, khi người Tây Tạng thường tự xem mình như là một dân tộc sống cách biệt nằm giữa Ấn Độ và Trung Hoa, là trung tâm của Á châu, là ngôi nhà của các thần linh: “Đây là trung tâm của thiên đường, cội nguồn của trái đất, trái tim của thế giới, được ngăn cách bởi những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng, những đỉnh núi cao vòi vọi và vùng đất thuần khiết”, một bài thơ vào thế kỷ 19 cho biết.

Các nhà Phật giáo nguyên thủy xem Tây Tạng như là một hình hài khổng lồ của ma quỷ cần phải được trấn áp. Dưới môi trường như thế, họ đành phải quay sang các vị thần hung dữ hầu để được chăm sóc và bảo vệ; và bức họa này trình bày về Mahakala- là một trong những vị thần hung dữ nhất. Mahakala bắt đầu như là hóa thân của thần Shiva Ấn giáo và đã trở thành hình ảnh chủ yếu của Phật giáo Mật tông. Phật giáo Mật tông giảng dạy khả năng đạt ngộ nhanh chóng chỉ trong một đời người thông qua thiền định và sự nghiêm trì giới luật. Nghệ thuật Mật tông miêu tả thế giới hỗn độn, trong đó nó có thể lưu hiện trên chính mỗi chúng ta. Bởi thế, những con quỷ bên trong thường hiển lộ giống như những con quỷ có hình hài bên ngoài, để cho chúng ta dễ dàng chế ngự và trấn áp.

Trong bốn thế kỷ, Tây Tạng đã có một hệ thống chính quyền độc đáo, trong đó đức Đạt Lai Lạt Ma (tiếng Mông Cổ gọi là “Biển lớn của Trí tuệ”) là vị đứng đầu Phật giáo và nhà nước. Đức Đạt-lai-lạt-ma, Ngài là một nhà lãnh đạo tinh thần có ảnh hưởng rất sâu rộng trên toàn thế giới, và có thể được xem như là một Phật tử nổi tiếng nhất trên hành tinh của chúng ta. Ngài là một bậc Thầy khiêm tốn, không những uyên thâm giáo lý mà còn hiểu biết sâu sắc về khía cạnh của cuộc sống thường nhật qua lăng kính của đạo Phật. Ngài đã nhận xét rằng: “Sự thỏa mãn về vật chất có thể làm cho một số người quên bẵng đi giá trị tinh thần; mọi hy vọng về tương lai tuỳ thuộc vào việc duy trì thế cân bằng hợp lý giữa những quan tâm vật chất và tinh thần”.

Bức họa này mô tả một cách sinh động về cuộc chiến đó. Khuôn mặt ở giữa là “khuôn mặt vĩ đại màu đen” (Mahakala). Có lần, nó hóa thành một con quỷ, và bây giờ đã chuyển hóa thành một vị thần đầy tình thương trong Phật giáo. Những con quỷ này chính là những đam mê, ảo vọng và quyến rũ, chúng đã cản trở con đường giác ngộ của chúng ta. Mahakala có ba mắt, bốn tay; vị này bắt quỷ dữ bằng bẫy và thòng lọng, rồi cuối cùng giết chúng bằng rìu và lưỡi giáo nhọn. Mahakala mang chuỗi đầu lâu giống như đồ trang sức truyền thống. Da của một con voi vừa bị giết được quấn quanh người ông ta, mà các bạn có thể nhìn thấy đầu con voi nằm về phía bên trái của ông đó. Cái bụng phệ của ông chỉ cho sự sung túc, và hình ảnh mà ông đang giẫm đạp lên biểu thị cho quyền năng vô song. Điệu múa tử thần này được tỏa sáng ở phía sau nhờ những ngọn lửa, và được tháp tùng bởi những vị thần hộ vệ có miệng mọc lông dài ở dưới, và một vị Nữ thần cưỡi trên lưng con lừa. Nữ thần xuất hiện đặc biệt là để bảo vệ  đức Đạt-lai-lạt-ma, và Lhasa-thủ đô của Tây Tạng, và là người trông giữ các lều trại (đã phổ biến ở Mông Cổ), đồng thời cũng là vị thần bảo vệ khoa học.

Từ chư thiên mà nhìn xuống, thì năm vị thánh Mật giáo biểu tượng cho giáo pháp cần để đạt ngộ, vượt ra ngoài vướng mắc mọi tạp niệm, tham ái và chấp trước, mà tiêu dao với nước biếc non xanh, thấy sự hiện hữu nhiệm mầu, sáng suốt bừng tuệ nhật. Đó là mục đích tối hậu của Phật giáo. Ở giữa là vị trưởng lão; người làm ra các mũi tên (biểu tượng cho sự thông hiểu nhanh chóng), và đồng thời cũng là tác giả của những lời nói dưới đây, trong đó có thể mô tả các khía cạnh của bức họa:

“Nơi, khi mà hơi thở và tâm thức không còn lảng vảng, mặt trời và mặt trăng không xuất hiện, thì ở đó, con người, hãy để cho ý tưởng của mình dừng lại và không còn có sự phân biệt giai cấp, chủng tộc. Hãy xem tất cả vũ trụ chỉ là một”.

Trong khi các nghệ sĩ Tây phương hiện đại bày tỏ tính độc lập, thì các nghệ sĩ Phật giáo xem điều này chẳng bao giờ là mục đích chính; bởi vì, ở đây họ chỉ được huấn luyện để làm việc, cũng như để bắt chước, học hỏi theo người thầy của mình, mà vị này có thể là tu sĩ, hoặc cư sĩ.

Chúng ta không biết nhiều về tác giả của những tác phẩm như thế này, bởi vì họ thường không ký tên, và ghi ngày tháng. Đó là nét độc đáo, thể hiện tính cách, tư tưởng không còn ngôn ngữ, ký hiệu của đối tượng và chủ ý của tác giả. Việc sáng tạo ra một tác phẩm nghệ thuật thế này được xem như đã mang lại công đức lớn không chỉ cho thí chủ mà còn cho cả những họa sĩ, và đặc biệt là các vị tu sĩ nữa.

Nguyên Châu (dịch).
[Tập san Pháp Luân - số 7]