Tình thương và sự hy sinh của cha mẹ đối với con cái quả thật là vô cùng vô tận.
Tình thương và sự hy sinh đó thể hiện một phần qua việc mang thai con và sinh nở. Bởi những ai đã từng làm mẹ mới cảm nhận được sự khổ nhọc và nguy hiểm vô cùng trong thời kỳ này, từ đó sẽ cảm thông và hoài niệm ân đức sâu dày của người mẹ đối với bản thân mình.
Sự khó khổ và nguy hiểm của người mẹ trong thời kỳ khi mang thai và sanh nở như thế nào? Người mẹ mang thai con trong chín tháng mười ngày, thân thể nặng nề mỏi nhọc, tợ như người mang đá nặng ngàn cân bên mình. Trong mỗi hành động đi, đứng, nằm, ngồi của người mẹ đều không được tự nhiên. Khi đi thì chậm chạp, khi đứng bứt rứt khó chịu, khi nằm không được như ý, khi ngồi thật khó khăn. Còn nỗi khổ về ăn uống của người mẹ thì vô tận, có những thức ăn lúc bình thường người mẹ không muốn ăn, nhưng nếu thức ăn đó có lợi cho thai nhi mẹ hiền chẳng từ nan. Hay ngược lại có những thức ăn thường ngày người mẹ rất thích, nhưng nếu thức ăn ấy có hại cho thai nhi mẹ hiền sẵn lòng cam chụi, ân đức nuốt đắng nhổ ngọt của người mẹ quả thật là vô vàn.
Khi thai nhi ngày một lớn người mẹ càng khó khổ. Những lúc thai nhi vùng vẫy người mẹ tợ thấy như có ai lấy cây đánh mạnh vào bụng. Khi thai nhi đói khát cấu xé, người mẹ dường như rách nát tâm can. Trong thời gian mang thai, người mẹ luôn canh cánh nỗi sợ hãi bên lòng, đêm đêm như bịnh nặng ngày ngày tợ hoàng hôn, thận trọng trong mỗi hành động, sợ làm tổn hại đến con mình.
Đó mới chỉ là nỗi khổ về sinh lý, còn nỗi khổ về mặt tâm lý của người mẹ lại càng bội phần. Kể từ khi mang thai con, tâm người mẹ có những biến chuyển rõ rệt. Do sức nghiệp cảm của thai nhi tác động, người mẹ sanh tâm tham đắm các mùi vị bất tịnh, thích ăn những thức ăn cấu bẩn. Do tâm sân của thai nhi ảnh hưởng khiến người mẹ có những cơn nóng giận vô cớ. Do tâm tham dục của thai nhi, trong thời gian mang thai tâm sinh lý của người mẹ có những khát khao hơn lúc bình thường. Tóm lại trong giai đoạn này, tâm người mẹ hay sanh ra sự gắt gỏng, nóng nảy hoặc những tâm tham lam vụng vặt… Lại có nhiều người mẹ trong khi mang thai ưa thích những cảnh ma quái, cảnh đâm chém lẫn nhau, và trong thời gian này thường có vô số ác quỷ đoanh vây phá hại người mẹ.
Đó là những nỗi khổ đau của người mẹ trong mười tháng mang thai, còn nỗi nguy hiểm của người mẹ khi sanh nở lại càng bội phần. Tục ngữ Việt Nam có câu “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình”. Ý câu tục ngữ nhằm nói lên sự cô độc, sự đau đớn và nguy hiểm vô cùng của người mẹ khi sanh con. Bởi không có sự nguy hiểm nào sánh bằng nỗi nguy hiểm tánh mạng ngàn cân treo sợi tóc của người mẹ lúc đang sanh nở. Không chỉ là nỗi đau và sự nguy hiểm vô cùng đe dọa thể xác, người mẹ còn phải chịu sự bấn loạn, sự lo âu hốt hoảng tột cùng của tinh thần.
Mang thai đến tháng thứ mười, là lúc hài nhi lộn ngược, đầu hướng xuống sản môn hình chất lần lần to lớn, thời gian này người mẹ luôn ở trong trạng thái hồi hộp khó thở, ăn không ngon miệng, ngủ không an giấc và không dám đi xa. Trước giờ chuyển bụng, người mẹ đau đớn vô vàn, khuôn mặt nhợt nhạt, mồ hôi tuôn trào, ruột gan cảm nhận dường như bị ai cấu xé, thân thể như bị ai phanh ra. Những cơn co thắt trong ruột, làm người mẹ đứng nằm không yên.
Lại, tư thế người mẹ lúc sanh con thật là bất tiện. Khi đứa con từ từ sinh ra, người mẹ cảm thấy như bị ai banh thịt, đau đớn vạn trạng máu huyết dầm dề. Toàn thân người mẹ co giật, nghe trong người các cơ thịt co rút, lại mỗi lần sanh nở người mẹ phải mất biết bao nhiêu máu và tủy, khiến cơ thể yếu đi và các đốt xương đen và dễ gãy. Vì thế trong kinh Báo hiếu, Phật dạy tôn giả A-nan muốn phân biệt được đâu là xương đàn ông và đâu là xương đàn bà, thì hãy xem xương nào trắng mà nặng là của đàn ông, xương nào đen mà nhẹ là của đàn bà.
Có điều, người mẹ nếu sanh nở dễ dàng, đứa con thuận chiều mà sanh thì nỗi đau vừa phải, còn gặp phải những đứa con khó sanh hay sanh ngược, người mẹ lại càng đau đớn bội phần rên la không xiết, v.v… Đó là nỗi đau sinh lý, còn về tâm lý người mẹ lúc sanh nở, tinh thần người mẹ luôn căng thẳng, luôn sống trong trạng thái đau đớn hoảng loạn tinh thần, sống chết không hay, chỉ mong cầu sao cho mẹ tròn con vuông.
Cảnh tượng lúc sanh nở cả mẹ lẫn con thật hãi hùng. Quả thật đây là ranh giới giữa sống và chết, là nơi biểu hiện cao tột của tình thương và sự hy sinh của người mẹ. Trong khi sanh nở, thậm chí có trường hợp phải mổ người mẹ để cứu hài nhi, có trường hợp hy sinh con để cứu sống mẹ, hay ngược lại hy sinh mẹ để cứu sống con, có trường hợp cả mẹ lẫn con đều chết trên giường sanh. Cảnh đau đớn vạn trạng và nhuốn đầy màu tang tóc lúc người mẹ sanh nở quả thật đáng kinh đáng sợ biết dường nào.
Bởi không có nỗi đau và sự nguy hiểm nào bằng nỗi đau và sự nguy hiểm của người mẹ khi mang thai và sanh nở như thế, nên trong An sĩ toàn thơ quyển Tây quy trực chỉ, phần Khái tín tạp thuyết có bài văn ngắn tựa là “Đại hiếu bất nguyện nhập thai” (Người đại hiếu không nguyện vào thai mẹ) trong đó có đoạn: “Thần thức con người khi gá vào thai mẹ, không những tự mình thọ khổ mà còn làm cho mẫu thân bị đại khổ… Con đường tự tử chính giờ phút này, cơ duyên giết mẹ cũng từ nơi đó… Lúc sanh ra hài nhi chịu khổ đã đành, mà người mẹ cũng muôn vàn thống khổ. Từng phút từng phút gắn liền với cái chết, mỗi niệm mỗi niệm sợ sanh khó được, khi sanh nở bao nhiêu tinh huyết hao mòn, nỗi khổ của từ mẫu nói sao cho hết”.
Ngày nay trên khắp nẽo đường vô số kẻ qua người lại tấp nập như thoi đưa, nhưng trong số người đông đảo đó có được mấy ai biết báo đáp ân đức sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, biết được sự khó khổ và nguy hiểm khi người mẹ mang thai và sanh nở mình! Suy nghĩ cho kỹ, trong vòng luân hồi bất tận này, nếu chúng ta thác thai một lần là làm khổ lụy cha mẹ một đời, thác thai ngàn lần làm khổ lụy cha mẹ ngàn đời.
Vì thế, hôm nay chúng ta đã có duyên lành học Phật pháp, được đức Phật Thích-ca Mâu-ni từ bi thương xót đặc biệt chỉ dạy cho pháp môn niệm Phật, nếu hiện tại chúng ta một lòng niệm Phật A-di-đà, cầu nguyện vãng sanh về thế giới Tây phương, thì khi lâm chung sẽ được Phật A-di-đà hiện thân tiếp dẫn. Một khi đã được sanh về Tây phương Tịnh độ, gá sanh nơi hoa sen ở ao Liên Trì thì tự mình tránh khỏi hoạn nạn về sanh khổ, mà đối với cha mẹ vĩnh viễn không làm khổ nhọc và nguy hiểm tánh mạng cho cha mẹ.
Sau khi được vãng sanh về Tây phương Cực lạc, lần hồi tu tập chứng được Vô sanh pháp nhẫn, chúng ta lại thừa nguyện tái lai hồi nhập Ta-bà, cỡi thuyền đại nguyện cứu độ cha mẹ. Như vậy, nếu chúng ta phát tâm niệm Phật cầu sanh Tây phương, há chẳng phải là đang thực hành hiếu đạo xuất thế hay sao.
Nguyên Liên.
[Tập san Pháp Luân - số 5]