Chúng tôi đã xem nhiều tác phẩm điện ảnh thể hiện sự đau khổ của kiếp người, nhưng có lẽ, phim Cánh đồng bất tận, chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, là bộ phim khiến chúng tôi phải suy nghĩ nhiều nhất. So với tác phẩm văn học, cái khổ trong phim Cánh đồng bất tận được đẩy lên một tầng nấc mới, nặng nề và đau xót hơn nhiều.
Xem Cánh đồng bất tận, trong nước mắt của khán giả khi rời khỏi khán phòng, người viết muốn ghi nhận một số suy nghĩ của mình về bộ phim từ góc nhìn đạo Phật, để chia sẻ cùng bạn đọc.
Đức Phật nói đến 8 loại khổ, mở đầu là sinh, lão, bệnh, tử. Phim Cánh đồng bất tận lại thể hiện những cái khổ sau, là “Ái biệt ly khổ”, “Cầu bất đắc khổ”, “Oán tắng hội khổ”…
Phim Cánh đồng bất tận hầu như không có nỗi khổ của sự chết, cái già, cơn bệnh… Những nỗi đau đó, những vết thương trên thân thể gây ra từ xung đột, thù hận, cũng đều qua rất nhanh, chỉ trong vài ngày, dù là man rợ đến mức dùng keo dán sắt đổ vào chỗ kín của người phụ nữ, trong một cuộc thanh toán giữa những người đàn bà với nhau.
Trong phim, những nỗi đau khổ về mặt tinh thần, dù thoáng qua trong phút giây, cũng đều là những nỗi đau đớn đến tận cùng.
Bộ phim cắt lát những nỗi khổ của đời người, rồi soi lên từ nhiều góc cạnh, đường nét, trong sự chân thật, không khuyếch đại, không tô nhấn, từng chi tiết đều như xát muối vào những vết thương trong lòng nhân vật.
Nếu chỉ có chút ít kiến thức Phật giáo cơ bản, đạo mà cốt lõi nói về cái khổ, thì người xem có thể cảm nhận bộ phim không chỉ là sự chồng chất nặng nề, u uất, mà còn sáng rõ về những lời đức Phật nói về sự đau khổ.
Đó là cái đau khổ từ ái dục, đau khổ từ ái biệt ly, từ cầu bất đắc, từ oán tắng hội…
Trong bộ phim, chính cái đẹp của khuôn mặt, của hình thể, của “sắc” là nguyên nhân của đau khổ, đúng như lời Phật nói.
Một người vợ vì đẹp nên sa ngã vào vòng tay của người đàn ông khác, rồi dằn vặt đau đớn bỏ chồng, bỏ con.
Một người đàn ông, vì người vợ đẹp bỏ đi, đã chỉ “gầm gừ” trong gần một chục năm sau, với bao nhiêu tấn bi kịch từ việc đó.
Một đứa bé gái, vì đẹp giống như mẹ, mà bị người cha thù hằn, trút lên đó bao sự căm giận.
Những người đàn bà xao xuyến trước một người đàn ông đẹp trai, nam tính, sẵn sàng đi theo, để rồi chìm đắm trong sự đau khổ của thực tế phũ phàng tàn nhẫn.
Phim có nhiều chi tiết thể hiện thân xác, nhục dục, thì y như tức thời, ngay sau đó, là sự đau đớn trong tức tưởi, hất hủi, thất vọng, ghen tuông, phủ phàng, thậm chí những cơn điên ngắn vì nhục dục không thể thỏa mãn.
Cứ một thoáng yêu đương, thèm khát thân xác nổi lên, là ngay sau đó, nỗi đau ập tới, lạnh lùng, tàn nhẫn. Yêu càng nhiều, nỗi đau càng lớn, cú sốc càng mạnh, tức thời, hiện tiền. Như liếm vào những giọt mật trên một lưỡi dao bén (ý từ kinh Phật).
Khó có thể nói nhân vật nào khổ hơn nhân vật nào. Nhiều người nói rằng khổ nhất là người cha, người chịu đau khổ vì mất vợ, một người vợ rất đẹp, để sống chai đá, tật nguyền tâm hồn, lạnh lùng, tàn nhẫn, là ái biệt ly khổ!
Trong phim, cảnh đau đớn nhất là cảnh nhân vật Nương bị hãm hiếp, là oán tắng hội khổ!
Nhưng chúng tôi lại nghĩ Điền, cậu con trai mới lớn, yêu trong điên dại người đàn bà đã ngủ với cha mình, yêu mà không thể nói, để ấm ức phát ra thành những tiếng gào thét hoang dại, phải nhảy xuống sông để kiềm chế, rồi tình yêu kết thúc bằng một vụ giết người. Cái khổ của cầu bất đắc!
Yêu đương, nhục dục và đau khổ trong bộ phim là những đại lượng song hành, quấn quýt chặt chẽ với nhau. Đó là lời đức Phật dạy về cái khổ thể hiện qua những câu chuyện cụ thể, hình tượng chân thật sống động.
Cái chết thoáng qua, những vết thương chỉ vài giọt máu. Nhưng, những nhân vật chỉ yêu nhau, thèm khát có nhau, chỉ bấy nhiêu thôi đã là đau đớn tột cùng. Cuộc đời những người đàn ông và những người đàn bà trong phim không được như đàn vịt bơi lội từng đôi dưới nước hay những đàn chim từng cặp trên trời.
Khi tác phẩm văn học Cánh đồng bất tận mới phát hành, có ý kiến phê bình tại sao tác giả Nguyễn Ngọc Tư lại vẽ nên bức tranh miền quê Nam Bộ Việt Nam tối tăm, đầy dẫy những khổ sở đớn đau như thế, khiến tác phẩm, dù không nói ra, lại mang màu sắc hiện thực phê phán nặng nề.
Chúng tôi nghĩ rằng, sự đau khổ mà Cánh đồng bất tận phản ánh, là nỗi đau muôn đời, muôn thuở. Nói như kinh Phật, ái dục là nguyên nhân hàng đầu của đau khổ.
Minh Thạnh
[Tập san Pháp Luân - số 78, tr79, 2011]