Dẫn vào Lịch sử Phật giáo §4. Lược sử Phật giáo Ấn Độ (1)

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Vào khoảng thế kỷ thứ V (có thuyết là thế kỷ thứ VI) trước Tây lịch, tại thành Kapilavatthu ở phía Bắc Ấn Độ, vị khai tổ Phật giáo là Gautama Siddārtha thuộc dòng tộc Sakya ra đời.

Dẫn vào Lịch sử Phật giáo

Bài thứ tư: Lược sử Phật giáo Ấn Độ (1)

1. Phật giáo thời Sơ kỳ / Phật giáo Nguyên thuỷ

Vào khoảng thế kỷ thứ V (có thuyết là thế kỷ thứ VI) trước Tây lịch, tại thành Kapilavatthu ở phía Bắc Ấn Độ, vị khai tổ Phật giáo là Gautama Siddārtha thuộc dòng tộc Sakya ra đời. Đương thời ở Ấn Độ, ngoài các nhà Bà-la-môn giữ việc tế lễ theo thánh điển Vệ-đà vốn được truyền đến bởi tổ tiên người Arya thì còn có những nhà tu hành xuất gia được gọi là Sa-môn, chủ trương ra nhiều tư tưởng, học thuyết khác nhau. Thích Tôn được sinh ra trong vương tộc thuộc giai cấp Kṣatriya (giai cấp chiến sĩ), 29 tuổi xuất gia làm sa-môn tu hành, 35 tuổi đắc đạo ở Bodhgayā, và nói pháp cho năm nhà sư từng cùng tu hành ở Mrigadāva. Có thể nói, việc nói pháp cho năm nhà tu hành này là sự bắt đầu của Phật giáo Ấn Độ. Từ đó trở đi, đức Thích Tôn đã thuyết giảng rộng rãi khắp nơi, và nhập diệt ở Kusinagara năm ngài 80 tuổi. Những vị đệ tử nổi tiếng của ngài là Śāriputra (Xá Lợi Phất), Maudgalyāyana (Mục Kiền Liên), Mahākāśyapa (Ma Ha Ca Diếp), Ānanda (A Nan) v.v…. Phật giáo thời đức Thích Tôn tại thế và thời các vị đệ tử này đặc biệt được gọi là Phật giáo Căn bản.

***

Ngay sau khi đức Thích Tôn nhập diệt, cuộc kết tập đầu tiên được tiến hành do ngài Ma Ha Ca Diếp chủ trì. Kết tập, trong tiếng Ấn Độ là Saṅgīti, với ý nghĩa là “cùng nhau đọc tụng”, chỉ cho việc cùng đọc tụng để xác nhận những lời dạy mà đệ tử Phật đã nghe và nhớ được. Chủ nhân trung tâm của Phật giáo được di chuyển từ chính bản thân đức Thích Tôn sang chư đệ tử với công việc quan trọng, là bảo tồn và chỉnh lý lời dạy của đức Thích Tôn. Theo truyền thừa, có tất cả là bốn lần kết tập tại Ấn Độ. Khoảng một trăm năm sau Phật diệt độ thì giáo đoàn đã giữ được sự thống nhất, và từ khi Phật giáo được khai sinh cho đến thời còn giữ được sự thống nhất của giáo đoàn sơ kỳ này, gọi là Phật giáo nguyên thuỷ, hay Phật giáo thời sơ kỳ. Và, kinh điển của Phật giáo thời sơ kỳ này đã được tập hợp thành tam tạng. Tam Tạng là chỉ cho kinh tạng, luật tạng, luận tạng. Trong đó, kinh tạng là tập hợp những ngôn hành của đức Thích Tôn, được gọi là “kinh điển A-hàm”, luật tạng là những quy định về sinh hoạt của các thành viên của giáo đoàn và những quy định về việc vận hành giáo đoàn của Phật giáo. Gọi chung là giới luật. Và luận tạng là nhóm văn bản tập hợp các giáo nghĩa Phật giáo lại một cách có hệ thống.

***

Những tư tưởng được coi trọng ở Phật giáo thời sơ kỳ là thuyết duyên khởi, thuyết vô ngã, tứ đế, v.v… Thuyết duyên khởi có nghĩa là vạn vật “do duyên mà sinh khởi”, tức là dựa vào cái khác mà tồn tại chứ không phải là thường trụ; vô ngã có nghĩa là vì tất cả đều nhờ cái khác mà tồn tại nên bản chất của cá thể đang tồn tại ở đó là không thật tại. Tứ đế có nghĩa là bốn sự thật, (1) khổ đế (sự thật rằng hết thảy thế giới này đều là khổ), (2) tập đế (sự thật rằng nguyên nhân của khổ là vọng niệm), (3) diệt đế (sự thật rằng trạng thái chấm dứt nguyên nhân của khổ là niết-bàn khổ diệt), và (4) đạo đế (sự thật về con đường dẫn đến sự diệt khổ). Thời kỳ này hoạt động truyền đạo được diễn tiến trong phạm vi nước Ấn Độ, Phật giáo được mở rộng từ vùng trung lưu vực sông Hằng ra toàn lãnh thổ. Vua Ashoka của vương triều Maurya khoảng sau Phật diệt độ một hay hai trăm năm là vị vua nổi tiếng với việc bảo hộ Phật giáo cùng với các tôn giáo khác.

***

2. Phật giáo Bộ phái

Sau Phật diệt độ khoảng một trăm năm, do có kiến giải khác nhau về giáo nghĩa trong giới luật, nên đã xảy ra sự phân phái đầu tiên trong giáo đoàn Phật giáo. Lần phân phái này được gọi là phân phái căn bản, kết quả được phân lập thành hai phái gọi là Thượng Toạ bộ thuộc phái bảo thủ và Đại Chúng bộ thuộc phái tiến bộ. Và trong khoảng hai trăm năm sau đó, sự phân phái còn xảy ra nơi hai phái chính này, tạo thành mười tám bộ phái ở Ấn Độ. Đây gọi là sự phân phái chi mạt. Phật giáo bị phân ra thành nhiều bộ phái như thế này gọi là Phật giáo Bộ phái. Do vì mỗi bộ phái đều giữ gìn bản tam tạng của riêng mình, nên thánh điển Phật giáo đã được tăng đại và đa dạng hoá.

Trong các bộ phái của thời phân chia chi mạt này có Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ và Chánh Lượng Bộ là có sức ảnh hưởng lớn. Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ có thế lực ở vùng Kashmir, tạo ra ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và hệ thống hoá giáo nghĩa Phật giáo. Họ chuyên nghiên cứu tư tưởng mà trọng tâm là việc giải thích kinh điển, khoảng từ thế kỷ thứ II sau Tây lịch đến thế kỷ thứ V, các văn bản như Đại Tỳ Bà Sa Luận, hay A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận của Thế Thân, v.v… được ra đời. Tư tưởng về giáo nghĩa của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ có đặc trưng là dựa vào tồn tại luận vốn được gọi là “tam thế thật hữu”, hoàn nguyên hết thảy sự vật về với những yếu tố cấu thành nên chúng, và giải thích các vấn đề về giáo nghĩa và cả thế giới hiện tượng bằng mối quan hệ giữa các yếu tố ấy. Chánh Lượng Bộ về sau cũng trở thành một phái rất lớn ở Ấn Độ.

[一色大悟]