Dẫn vào Lịch sử Phật giáo §7. Phật giáo Bắc truyền – Đông Á

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trước tiên Phật giáo bắt đầu từ Ấn Độ đã được truyền đến Gandhāra, và mở rộng đến Trung Quốc thông qua đường Trung Á.

Dẫn vào Lịch sử Phật giáo

Bài thứ bảy: Phật giáo Bắc truyền – Đông Á

Trước tiên Phật giáo bắt đầu từ Ấn Độ đã được truyền đến Gandhāra, và mở rộng đến Trung Quốc thông qua đường Trung Á. Phật giáo lần đầu tiên đến Trung Quốc về mặt văn bản thì thường được biết là vào năm thứ 2 trước Tây lịch. Tuy nhiên, vì trước đó cũng đã có giao thương mậu dịch theo con đường tơ lụa, nên có thể suy đoán rằng có lẽ Phật giáo đã cũng được truyền vào Trung Quốc.

Khi Phật giáo được truyền vào Trung Quốc thì Phật điển vốn được viết bằng ngôn ngữ Ấn Độ hay ngôn ngữ vùng Trung Á đã được dịch thành tiếng Trung Quốc. Trong những nhà phiên dịch đầu tiên nhất có An Thế Cao đã dịch những văn bản của hệ Phật giáo bộ phái, Chi Lâu Ca Sấm đã dịch những văn bản liên quan Phật giáo Đại thừa, v.v… (đều khoảng nửa sau thế kỷ thứ II).

Thời kỳ có tính cách dấu mốc quan trọng trong phiên dịch Phật điển là Cưu Ma La Thập xuất thân từ nước Khương Tư được mời đến Hậu Tần năm 401. Ông đã dịch lại bằng lời văn sắc sảo các kinh điển Đại thừa như Kinh Pháp Hoa v.v…, và đã phiên dịch những luận thư có liên quan mật thiết với tư tưởng không, như là Trung Luận, Đại Trí Độ Luận.

Dịch giả Cưu Ma La Thập này cùng với Chân Đế của nửa cuối thế kỷ thứ VI, Huyền Trang của khoảng giữa thế kỷ thứ VII, và Bất Không của thế kỷ thứ VIII, được gọi là bốn nhà đại phiên dịch của Trung Quốc. Trong đây, Chân Đế là nhân vật xuất thân ở phía Tây Ấn Độ, đến Trung Quốc bằng đường biển, lưu lãng nhiều nơi ở Trung Quốc, và đã phiên dịch ra các văn bản đặc biệt liên quan Duy thức học. Huyền Trang từ Trung Quốc đi Ấn Độ để tìm cầu Phật điển, và khi về nước đã được bố trí ở cơ quan phiên dịch được lập lên bởi sắc lệnh triều đình, và đã phiên dịch rất nhiều kinh luận đại thừa tiểu thừa. Ngoài ông ra, nổi tiếng còn có Pháp Hiển ở thế kỷ thứ V và Nghĩa Tịnh ở thế kỷ thứ VIII là Tăng nhân Trung Quốc đi cầu pháp ở Ấn Độ. Bất Không vốn xuất thân vùng Trung Á, 13 tuổi đến Trường An tu hành Mật giáo, sau đó sang Ấn Độ và đem về Trung Quốc nhiều kinh điển Mật giáo.

***

Phật giáo sau khi được truyền đến Trung Quốc đã được truyền đến các nước trong vùng văn hoá chữ Hán như Triều Tiên, Bột Hải (渤海), Nhật Bản, Việt Nam, Đài Loan. Vào thời Tuỳ Đường đã hình thành nên vùng văn hoá Phật giáo bởi Phật điển Hán dịch.

Trước tiên, Triều Tiên đương thời khi Phật giáo truyền đến là thời đại của ba nước Cao Cú Lệ (高句麗), Bách Tế (百済) và Tân La (新羅). Trong đó, Phật giáo lần đầu tiên truyền đến Cao Cú Lệ là vào năm 372, tượng Phật, kinh điển và tăng lữ đã được gửi đến từ nhà tiền Tần (前秦) của Bắc triều Trung Quốc. Bách Tế lần đầu tiên là vào năm 384, có Hồ tăng tên là Ma La Nan Đà (摩羅難陀) đến từ Đông Tấn (東晋), sau đó, có Khiêm Ích 謙益 đi Ấn Độ, ngoài việc mang luật điển về, cũng đã gửi triều cống cho nhà Lương Trung Quốc kinh Niết Bàn v.v… và những người thợ, nghệ nhân. Phật giáo truyền đến Tân La được nói là khoảng nửa đầu thế kỷ thứ V, một vị sa môn gọi là Mặc Hồ Tử (墨胡子) từ Cao Cú Lệ đến, và Phật giáo được quốc gia công nhận và phổ biến là bởi Pháp Hưng Vương (法興王) năm 527.

Sau này ở Triều Tiên, vào thời đại thống nhất Tân La (năm 676-935), Hoa Nghiêm tông, Pháp Tướng tông được nở rộ, và thời đại Cao Lệ (năm 918-1392) thì Thiền tông hưng thịnh, nhưng những tông phái này là kết quả tiếp nhận và kế tục ảnh hưởng của Trung Quốc.

***

Phật giáo được truyền đến Nhật Bản chính thức là vào năm 538, được vua nước Bách Tế gửi tượng Phật và kinh luận đến, đó được xem là lần đầu tiên. Sau đó có Huệ Từ (慧慈), Đàm Trừng (曇徴) từ Cao Cú Lệ, và Đàm Huệ (曇慧), Huệ Thông (慧聡), Quán Lặc (観勒) v.v.. từ Bách Tế đến truyền Phật giáo và lịch pháp v.v… Và các tông phái Phật giáo của Trung Quốc đã được bén rẽ ở Nhật Bản bởi có Dosho (Đạo Chiêu道昭, 629-700) đến triều Đường theo học với Huyền Trang, hay là Ganjin (Giám Chân鑑真) từ triều Đường đến truyền Luật tông, v.v… Vào thời Hei-an, Mật giáo được truyền vào bởi những nhân vật như Saicho (Tối Trừng 最澄, 767-822), Kukai (Không Hải 空海, 774-835).

(Thư mục tham khảo ở bài kế tiếp)