Dẫn vào Lịch sử Phật giáo §3. Phật giáo và Jaina giáo

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Jaina (Kỳ Na) giáo là tôn giáo có vị khai tổ trong lịch sử thực tế là Nighaṇṭha Nātaputta, một trong sáu vị sư ngoại đạo ở bài trước. 

Dẫn vào Lịch sử Phật giáo

Bài thứ ba: Phật giáo và Jaina giáo

Jaina (Kỳ Na) giáo là tôn giáo có vị khai tổ trong lịch sử thực tế là Nighaṇṭha Nātaputta, một trong sáu vị sư ngoại đạo ở bài trước. Tôn giáo này nổi tiếng với việc nghiêm cấm làm tổn thương sinh vật (bất sát sanh). Tín giả tại gia cũng ăn chay một cách triệt để. Và cũng được biết đến nhiều bởi có ảnh hưởng lớn đến cuộc vận động phi bạo lực (nguyên ngữ là ahimsā, đồng nghĩa với bất sát) của Mahātmā Gāndhī, người đã nỗ lực trong cuộc vận động độc lập của Ấn Độ.

***

Sự thật thì giữa Phật giáo và Jaina giáo có khá nhiều điểm chung. Đương nhiên là vì cả hai tôn giáo này đều được đản sinh cùng thời đại và cũng cùng khu vực. Bên cạnh đó, cả vị khai sáng Phật giáo là đức Thích Ca và vị khai sáng Jaina giáo là Mahāvīra đều cùng xuất thân từ giai cấp quý tộc. Những điểm giống nhau đó ví dụ như là: giới mà tín giả phải giữ gìn, tên gọi của vị khai sáng, những nhân vật xuất hiện trong kinh, những ví dụ và biểu hiện từ ngữ trong kinh, v.v… Đặc biệt có sự tương tợ về những biểu hiện từ ngữ trong kinh rất thú vị, xin kể ra một ví dụ như sau.

Trong kinh Dhamma-pada (kinh Pháp Cú), kinh điển thuộc hàng cổ nhất của Phật giáo, có những cụm từ ngữ biểu hiện như: “người tự chiến thắng bản thân mới là người thật sự chiến thắng, hơn cả việc chiến thắng trăm vạn người nơi chiến trường. (Pháp cú 103)”. Còn trong kinh Uttarajjāyā, kinh điển cổ của Jaina giáo, thì có cụm biểu hiện như: “Tự chiến thắng được bản thân là thắng lợi tối cao, hơn cả người chiến thắng trăm vạn quân địch nơi chiến trường khó chiến thắng (9.34)”. Chắc chắn nhiều người sẽ rất kinh ngạc vì hai biểu hiện này quá giống nhau. Khoảng thời kỳ học vấn Phật giáo và Jaina giáo vừa mới được bắt đầu ở phương Tây, nghe đâu cũng đã có học giả đã nhầm giữa hai tôn giáo này.

Thế thì khi thấy hai điểm giống nhau này chúng ta nên hiểu thế nào? Có lẽ ai cũng nhận ra ngay mối quan hệ hoặc là A → B, hoặc là B → A (tức là Phật giáo → Jaina giáo, hay Jaina giáo → Phật giáo). Đương nhiên có lẽ cũng đã mối quan hệ ảnh hưởng thế này. Nhưng trong trường hợp có điểm chung giữa hai tôn giáo này thì chúng ta phải xét đến cái cổ hơn. Tức là mối quan hệ “mẫu thể chung (X) → A, B”. Nói cách khác, “anh và em giống nhau bởi vì cùng cha mẹ”. Và trong trường hợp này, “cha mẹ” là tương đương với cái được gọi là “tôn giáo sa môn”. Như thế, do vì Phật giáo và Jaina giáo được xem là có cùng mẫu thể, nên cũng được gọi là “cặp song sinh” hay “cặp chị em”.

***

Tuy nhiên, hai tôn giáo này cũng có nhiều điểm khác nhau. Nếu nêu ra một ví dụ thì, Phật giáo đã có sự triển khai rộng lớn, có sự đản sinh của Phật giáo Đại thừa, đã được truyền đi khắp nơi xuyên suốt cả chiều dài lịch sử, từ Trung Á, Trung Quốc đến các vùng văn hoá chữ Hán, mở rộng đến cả Tibet, Mông Cổ, Đông Nam Á, v.v…, tuy nhiên, Phật giáo tại bổn quốc Ấn Độ đã bị suy vong từ thế kỷ thứ 13. Trong khi đó, Jaina giáo không có sự phát triển gì lớn, cũng không được mở rộng ra thế giới bên ngoài Ấn Độ, tuy nhiên, đã không suy vong mà sống còn, cắm rễ tại xã hội Ấn Độ cho đến ngày nay. Cũng có nhiều nhân duyên phức tạp đưa đẩy vận mệnh khác nhau của hai tôn giáo thế này, nhưng có thể nói, đó là kết quả mà mỗi tôn giáo đã tự mình xác lập như thế. Cũng giống như hai người trưởng thành cũng giống mà cũng khác nhau, dù là anh em chị em cùng cha mẹ, nhưng vì khi trưởng thành đã có những cá tính khác nhau.

[堀田和義]