Tác dụng của các chương trình ghi âm, ghi hình vấn đáp Phật học
Trong Phật giáo chúng ta, hình thức vấn đáp Phật học trong các chương trình ghi âm, ghi hình chỉ mới xuất hiện ở cấp độ sơ khai. Thông thường, sau buổi thuyết pháp, cử tọa gởi giấy nêu câu hỏi lên bàn giảng sư, và được giảng sư trả lời nhanh nội dung được hỏi. Có rất ít trường hợp cử tọa (hoặc đại diện) nêu các câu hỏi trực tiếp với giảng sư để hình thành một cuộc hỏi đáp có ghi âm, hoặc ghi hình nhằm phổ biến rộng rãi.
Trong khi đó, phương thức hỏi đáp là một phương thức để truyền đạt, phổ biến kiến thức nói chung, kiến thức Phật học nói riêng. Thuở đức Phật còn tại thế, vấn đáp là một trong những phương thức chính mà đức Phật sử dụng để cấu thành kinh điển.
Trong lý luận xây dựng chương trình phát thanh truyền hình, thể loại phỏng vấn (hỏi đáp) là một thể loại được chú trọng đặc biệt và thường xuyên được sử dụng. Đó là một phương thức xây dựng chương trình, đồng thời cũng là thể loại chương trình. Đây là một thể loại cũng như phương thức rất hiệu quả, vì:
- Các chương trình vấn đáp sinh động, dễ theo dõi, thu hút người xem, người nghe hơn, vì thay vì có một người nói (hay thuyết giảng trong Phật giáo) trước ống kính camera (hay micro đối với các chương trình ghi âm), sẽ có hai người trao đổi ý kiến hỏi đáp qua lại.
- Có thể đưa người nghe, người xem chương trình tham gia gián tiếp vào chương trình, bằng cách nêu thắc mắc của họ, từ đó giải đáp thắc mắc của chính họ. Tất yếu, chương trình sẽ lôi cuốn được người nghe, người xem, giúp cho họ dễ dàng tiếp nhận nội dung trả lời.
- Trong đạo Phật, với tiến trình tu tập, Tăng Ni, Phật tử luôn gặp những vấn đề cần phải tham vấn ý kiến từ những bậc cao tăng tôn túc. Nếu có thể tập hợp, hệ thống hoá các câu hỏi thắc mắc mà Tăng, Ni, Phật tử gặp phải trong tiến trình tu tập, xây dựng thành các chương trình vấn đáp Phật học theo từng đề tài, từ rộng đến hẹp, từ bao quát đến chi tiết, chúng ta sẽ có những chương trình vấn đáp Phật học (ghi âm hoặc ghi hình) phục vụ hiệu quả cho hoạt động hoằng pháp, tu học. Người phỏng vấn sẽ là người đại diện cho Tăng, Ni, Phật tử nêu câu hỏi theo từng chủ đề đối với các vị giảng sư, đạo sư.
Các hình thức chương trình vấn đáp Phật học
Chương trình hỏi đáp Phật học (ghi âm hay ghi hình) có thể là chương trình được chuẩn bị trước hoặc là chương trình không được chuẩn bị. Chương trình chuẩn bị trước là chương trình người đứng ra hỏi và người được hỏi làm việc với nhau trước về một nội dung câu hỏi và trả lời nhằm mục tiêu thực hiện cuộc vấn đáp Phật học hoàn hảo, nội dung trả lời đáp ứng được các câu hỏi, tập trung vào chủ đề, thỏa mãn tối ưu nhu cầu được giải đáp, tìm hiểu của người nghe, người xem. Có thể coi đây là một cuộc vấn đáp được “đóng kịch” lại, với nội dung được chuẩn bị sẵn, tất nhiên nội dung chương trình sẽ có chất lượng. Tuy nhiên, hạn chế của cách làm này có thể là sự giả tạo. Việc phải như đóng một “vở kịch” hỏi - trả lời có thể không thích hợp với một số vị tôn túc.
Một chương trình vấn đáp Phật học ghi âm hay ghi hình không chuẩn bị trước có thể sẽ tự nhiên hơn. Ở đây, sẽ là một cuộc vấn đáp bình thường như bao cuộc vấn đáp Phật học khác, có điều thay vì chỉ phục vụ cho một số ít Tăng Ni hay Phật tử có mặt tại phương trượng, chương trình được ghi âm, ghi hình sẽ phục vụ số đông hơn. Nhược điểm của cách làm này là do không chuẩn bị trước, nội dung trả lời sẽ không đạt chất lượng cao nhất. Câu hỏi cũng có thể lan man, không tập trung vào đề tài, gây tình trạng lạc đề cho cuộc vấn đáp ghi âm, ghi hình.
Để có thể tránh được hạn chế của hai cách làm trên, có thể thực hiện phương thức trung gian. Người thực hiện cuộc phỏng vấn tập hợp, hệ thống, chuẩn bị câu hỏi theo sát đề tài đã được xác định. Các câu hỏi được gởi trước đến các vị tôn túc để trả lời chuẩn bị nội dung trước khi có cuộc gặp thu hình (hoặc ghi âm). Cuộc vấn đáp không phải là “đóng kịch” lại một cuộc gặp trước đó, nhưng cũng không phải là không chuẩn bị gì cả. Sau khi ghi hình (hay ghi âm), có thể dựng (edit) lại buổi vấn đáp, bỏ bớt những nội dung có thể là thừa, không thích hợp… làm cho nội dung trả lời câu hỏi tập trung vào đề tài đã xác định, nêu bật được chủ đề. Theo chúng tôi, đây là cách làm thích hợp hơn cả đối với các chương trình vấn đáp Phật học.
Đối với chương trình ghi hình, chỉ cần có một căn phòng yên tĩnh, không bị dội âm thanh (nhiều màn và vật trang trí mềm), đủ ánh sáng (có thể sử dụng ánh sáng trời tự nhiên), là có thể thực hiện việc ghi hình chỉ bằng một camera và hai micro rời (một cho người hỏi, một cho người trả lời), nếu muốn tránh trường hợp phải đưa micro qua lại, gây những tiếng ồn vô ích.
Những điểm cần lưu ý
Để có một chương trình vấn đáp Phật học tốt, đạt hiệu quả tối ưu trong việc truyền đạt kiến thức Phật học đến người xem, đáp ứng nhu cầu học hỏi của Tăng Ni Phật tử, chương trình cần:
- Xác định rõ mục đích, yêu cầu và giới hạn đề tài.
- Người nêu câu hỏi phải đặt mình là đại diện cho một số đông Tăng Ni Phật tử quan tâm đến đề tài được hỏi.
- Người nêu câu hỏi cũng phải nghiên cứu, tìm hiểu trước vấn đề để hỏi, từ đó xây dựng những câu hỏi thích hợp, xoáy được vào trọng tâm đề tài.
- Câu hỏi phải được soạn thảo đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, có tác dụng kích thích người trả lời.
- Câu hỏi phải được xây dựng theo một trình tự hợp lý, từ nhập đề đến triển khai, từ khái quát vào chi tiết, từ đơn giản đến phức tạp hơn, từ giới thiệu đến đào sâu.
- Người đứng ra hỏi phải tham gia tích cực vào cuộc hỏi đáp, điều tiết vận tốc trả lời, chăm chú với câu trả lời.
- Tránh đọc câu hỏi, câu trả lời mà phải đối đáp tự nhiên.
- Trong đạo Phật, người được hỏi về kiến thức Phật học (đạo sư, giảng sư) luôn có vị trí cao hơn người nêu câu hỏi (đệ tử, đại diện Tăng Ni Phật tử) nên phải giữ lễ thầy trò, trên dưới, không ngắt lời, không bình luận đánh giá câu trả lời, cần sử dụng những từ và cách đặt câu thể hiện sự tôn trọng.
- Không đặt hai câu hỏi một lúc, cũng như tránh không đặt nhiều ý trong câu hỏi.
- Không dùng những từ ngữ hay cách diễn đạt khó hiểu trong câu hỏi.
- Tránh trình bày câu hỏi có tính chất liệt kê (“một là…”, “hai là…”), tránh những câu hỏi tương tự nhau, có độ dài đồng đều nhau.
- Không hỏi quá rộng, không hỏi trừu tượng, lan man.
Trong một số trường hợp, bài thuyết pháp ghi hình (hoặc ghi âm) có thể được trình bày dưới hình thức vấn đáp để tạo sự sinh động. Do đó, không nên xem nhẹ phương thức vấn đáp. Một bài thuyết pháp ghi hình (ghi âm) có thể dễ nhớ, dễ tiếp nhận hơn nếu cấu tạo thành một chương trình vấn đáp. Các đài truyền hình Phật giáo như BLTV (Phật Quang Sơn), Life TV (Hải Độ Thiền sư)… vẫn thường sử dụng thể loại chương trình vấn đáp Phật học trong hoạt động hoằng pháp của mình.
Trong hoàn cảnh Phật giáo Việt Nam hiện nay, các vị Tăng Ni trẻ, thị giả hay các đệ tử tại gia của các bậc tôn túc, có thể chủ động xây dựng các chương trình vấn đáp Phật học, ghi âm, ghi hình, tạo điều kiện cho hình ảnh, lời nói của các bậc tôn túc với nội dung chỉ bảo, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc tu học… có thể phổ biến rộng hơn đến số đông Tăng, Ni, Phật tử.
Cuối cùng, phỏng vấn là một thể loại khá đơn giản về kỹ thuật thu hình. Người hỏi và người trả lời nhìn vào nhau mà trao đổi ý kiến, không nhìn vào camera. Vì camera là điểm nhìn của người xem chứng kiến buổi vấn đáp. Tùy lúc, có thể lấy toàn cảnh cả hai người, trung cảnh hai người, hoặc cận cảnh một người (người đang nói)… với một camera đặt trên chân lia qua lại dõi theo người nói. Chỉ cần sử dụng qua camera vài lần là có thể thu hình được, vì camera cơ bản cũng đặt cố định như ghi hình buổi thuyết pháp, chỉ cần đổi qua lại một số cỡ hình nhất định để tạo sự sinh động, trong khi đối tượng ghi hình cố định tại chỗ, trong phòng ánh sáng cố định.
[Tập san Pháp Luân - số 39, tr.67, 2006]