Đạo và Đời bất nhị

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Ta thường nghĩ rằng, Đạo và Đời là hai lãnh vực khác nhau, Đạo thì cao siêu, rộng lớn mà Đời thì phàm phu, chật hẹp.


Suy nghĩ ấy không sai, nhưng không thực tế và chính xác.

Bởi, khi ta nhìn sâu vào hoa sen, ta thấy gốc rễ của nó không bao giờ tách rời khỏi bùn và nước. Nếu gốc rễ của nó tách rời khỏi bùn và nước, thì hoa sen không còn là hoa sen nữa.

Và hình như ta nhìn cho cùng, thì không có gốc rễ của loài hoa nào tách khỏi đất, bùn và nước. Nếu có chăng, chỉ là loài hoa giấy và hoa nhựa.

Nhưng, ta nghiệm cho đến chỗ thực tế và sâu sắc, thì hoa giấy hay hoa nhựa gì, cũng không thể nào độc lập với đất, nước và bùn và cũng như cùng với những yếu tố khác.

Ở lãnh vực nhận thức nầy, ta thấy nó là hoa giấy hay hoa nhựa, nhưng ta bước qua những lãnh vực nhận thức khác sâu hơn, thực tế hơn, thì trong hoa giấy hay hoa nhựa cũng có mặt của những yếu tố khác, như đất, nước và bùn.

Như vậy, rõ ràng không có cái gì tự có và độc lập.

Cũng vậy, Đạo không thể tự có mà có ngay giữa cuộc đời và đời cũng không thể tự có, mà có ngay trong những biến dịch, thô phù của đạo.

Nếu học đạo, ta chỉ thấy những tinh hoa của đạo là lẽ thường hằng mà không nhận ra được lẽ biến thiên của đạo từ nơi lẽ thường hằng ấy, là cái học đạo của ta bị khuyết tật. Và học đạo, ta chỉ thấy lẽ vô thường, biến dịch của sự sống, mà không thấy lẽ thường hằng trong cái không thường hằng của biến dịch, thì cái học đạo của ta cũng là cái học đạo bị khuyết tật.

Ta học bất cứ cái gì mà cái học của ta bị khuyết tật, chúng sẽ dẫn ta đi tới với những nhận thức bệnh hoạn, những hành động ngớ ngẩn, buồn cười và những kết quả sần sùi, méo mó.

Học đạo mà bị sần sùi, méo mó, nó không những gây tai họa cho ta, mà còn cho nhiều người, không phải một nơi mà nhiều nơi, không phải chỉ một thời mà nhiều thời, không phải chỉ một loài mà nhiều loài.

Nên, ta biết rằng, lẽ thường hằng và sự biến dịch của đạo không phải là một, nhưng lại càng chẳng phải là hai.

Đạo là thường hằng và đời là biến dịch; đạo là chân thực mà đời là hư ảo, nhưng đạo và đời nào có tách rời nhau; chân thực và hư ảo nào đâu có độc lập.

Nên, lẽ thường hằng, chân thực của đời là đạo, cái biến ảo, huyễn hoặc của đạo là đời. Hay chính cái tinh hoa của đời là đạo và cái tục của đạo là đời.

Nên, đạo ở đâu mà đi tìm, đời ở đâu mà tránh? Đạo và đời tuy ta thấy hai, nhưng kỳ thực là “bất nhị”. Đạo ở đâu thì đời ở đó; đời ở đâu thì đạo có mặt ở đó. Kẻ trí thì ngay nơi tục mà chơn, ngay nơi đục mà trong, ngay nơi hẹp mà rộng và ngay nơi tâm mà Phật. Kẻ ngu thì ngay chơn mà tục, ngay nơi trong mà đục, ngay nơi rộng mà hẹp và ngay nơi tâm mà chúng sanh.

Vậy, ta hãy uống một ngụm nước trong hay một tách trà ấm mà cười một tiếng cho văng tục, văng chơn, văng ngu và văng ngay cả trí!

Thích Thái Hòa
[Tập san Pháp Luân - số 40, tr.48, 2007]