Trao đổi ý kiến với một vị thượng tọa đã từng làm việc tại Viện Đại học Vạn Hạnh từ những năm ngoài 20 tuổi, tôi được lưu ý không nên bỏ qua vai trò Viện Đại học Vạn Hạnh là một think tank của tổ chức Phật giáo tại miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.
Think tank không có từ tương đương trong tiếng Việt. Thường được sử dụng nguyên tự tiếng Anh. Cá biệt có người dịch think tank là “vựa tư tưởng”, “tổ tư duy”, “túi khôn”, “nhóm tư duy chiến lược”…
Trung Quốc dịch là “trí khố” (theo Nguyễn Lương Hải Khôi, Vietnamnet).
Có thể hiểu think tank là nhóm những nhà trí thức có trình độ cao, giữ nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, đề xuất các chính sách theo nhu cầu của những nhà điều hành, có thể là quốc gia, các cơ quan chính phủ, các tổ chức chính trị, xã hội, tôn giáo, hoặc phục vụ cho các chính khách.
Khái niệm này khá lỏng lẻo, mơ hồ. Vấn đề là khi có những ý kiến, quan điểm đề xuất thì nhóm, cũng có thể là cá nhân, chuyên nghiệp phục vụ cho công việc hình thành chính sách, quan điểm đó, được coi là think tank.
Ở Mỹ, think tank được tổ chức chặt chẽ, chuyên nghiệp, kinh phí đài thọ rất cao.
Tại sao Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất lúc bấy giờ ở miền Nam Việt Nam lại sử dụng Viện Đại học Vạn Hạnh như một think tank phục vụ cho giáo hội?
Trước hết, các nhà lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất lúc bấy giờ ý thức rất rõ những hạn chế của mình trong lãnh vực đối ngoại cũng như điều hành giáo hội giữa hoàn cảnh khá phức tạp lúc bấy giờ. Nhiều lĩnh vực còn quá mới mẻ, các va chạm xảy ra mạnh và thường xuyên.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Phật giáo thường chỉ được đào tạo trong khuôn khổ các Phật học viện, tinh thông nội điển, nhưng các kiến thức về chính trị, xã hội, kinh tế, ngoại giao, khoa học tự nhiên và kỹ thuật… còn khá hạn chế.
Vì vậy, trong sự khôn ngoan của các nhà lãnh đạo Phật giáo lúc đó, yêu cầu có các think tank là điều bắt buộc và think tank đương nhiên phải ngoài giới tu sĩ, có trình độ về nhiều bộ môn, ngành học khác nhau.
Viện Đại học Vạn Hạnh, với đội ngũ giáo sư tinh tuyển từ nhiều ngành khoa học xã hội, đương nhiên, sẵn sàng cho công việc think tank này.
Think tank không giới hạn vai trò là bộ phận tư vấn, cố vấn, tham mưu, mà là bộ phận vận hành song song với bộ phận điều hành, theo công thức trí => trị.
Think tank cũng không chỉ là quân sư, dù họ cũng có thể kiêm nhiệm chức năng quan trọng này. Think tank có vai trò tổng quát hơn, rộng lớn hơn.
Theo lời kể lại, chức năng think tank của Viện Đại học Vạn Hạnh đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã được một số nhà lãnh đạo Phật giáo chú ý đặc biệt.
Thường, những ý kiến trong chức năng think tank có thể được chuyển đến các vị trí lãnh đạo Phật giáo theo nhiều cách, mà theo nhận xét của vị thượng tọa cung cấp thông tin cho chúng tôi, thường là dưới dạng gặp gỡ, trao đổi ý kiến trực tiếp, hoặc trong các cuộc họp Ban Giảng huấn của Viện, chưa đi đến mức hoàn chỉnh thành các tập tài liệu văn bản chuyên đề.
Tuy nhiên, việc đóng góp trong vai trò think tank của các vị giáo sư nhiều ngành của Viện Đại học Vạn Hạnh được coi là giá trị, hữu ích và có được sử dụng trong thực tế điều hành giáo hội lúc bấy giờ.
Tiếc rằng, ngày nay, vì chưa có một viện đại học đa ngành như Viện Đại học Vạn Hạnh, nên Phật giáo Việt Nam hiện nay chưa có được think tank trong tầm mức như Viện Đại học Vạn Hạnh đã phục vụ.
Trước những vấn đề lớn của Phật giáo Việt Nam hiện nay, đối với sự phát triển nhanh chóng, nhiều mặt và phức tạp của thời đại, thiết nghĩ, các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam hiện đại nên nghĩ đến một hình thức think tank mới, trong bối cảnh Phật giáo chưa có một cơ chế tập họp trí thức tinh hoa ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, không phải là tu sĩ, như trường hợp Viện Đại học Vạn Hạnh ngày trước.
Minh Thạnh
[Tập san Pháp Luân - số 79, tr67, 2011]