Phật điển đã được Hán dịch như thế này

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Tựa đề này được mô phỏng từ chương thứ ba của sách Phật điển đã được Hán dịch như thế nào của tác giả Funayama Tōru. Chương thứ ba ở đấy có tên đề đầy đủ là “Việc phiên dịch đã được làm như thế này: Phương pháp cụ thể để tác thành Hán dịch và sự phân chia vai trò trách nhiệm”.

Ở đấy, tác giả giới thiệu ghi chép của Phật Tổ Thống Ký (佛祖統紀),1 văn bản tiêu biểu mô tả cụ thể những vai trò của các nhà chuyên môn tham gia công việc phiên dịch, trong đó có những chức sắc với những công việc đại khái như sau:

Dịch chủ (訳主): đọc lên lời văn bằng tiếng Phạn,

Chứng nghĩa (証義): thảo luận với dịch chủ về ý nghĩa câu kinh,

Chứng văn (証文): kiểm tra lời kinh văn,

Phạn học tăng (梵学僧): ghi ra tiếng Phạn ấy bằng văn tự Trung Quốc,

Bút thọ (筆受): dịch từng chữ Phạn ra Hán,

Xuyết văn (綴文): xếp lại thứ tự cho đúng nghĩa của câu Hán văn,

Tham dịch (参訳): kiểm tra xem có gì sai không,

San định (刊定): chỉnh đốn từ, câu cho súc tích,

Nhuận văn (潤文): thêm thắt gia giảm câu văn cho người Trung Quốc dễ hiểu.2

Thứ tự trên đây cũng là thứ tự của chuỗi thời gian phiên dịch. Cùng với đó, tác giả cũng đã giới thiệu một thí dụ cụ thể để hoàn thành quá trình phiên dịch Bát Nhã Tâm Kinh theo mô tả của Phật Tổ Thống Ký. Ví dụ này khá thú vị cho những ai quan tâm đến quá trình kinh điển từ ngôn ngữ Ấn Độ được dịch sang Hán văn như thế nào, xin lược trích giới thiệu nó ở đây, cứ mỗi mũi tên (—>) là một giai đoạn, tiến trình ấy được diễn tiến như sau:

[Tiếng Phạn]: vyavalokayati sma pañca skandhās, tāṃś ca svabhāvaśūnyān paśyati sma (Trực dịch: đã quán chiếu rằng, có năm uẩn, và đã nhìn thấy chúng không tự tánh)

—>尾也〈二合〉嚩嚕〈引〉迦底,娑麼〈二合〉.畔左,塞建〈引〉駄〈引〉娑,怛〈引〉室左〈二合〉,娑嚩婆〈引〉嚩戍儞焔〈二合〉,跛失也〈二合〉底,娑麼〈二合〉.(唐梵飜對字音般若波羅蜜多心T0256.08.0851b25−28)

—>照見五蘊彼自性空見

—>照見五蘊見彼自性空

—>照見五蘊見皆空

—>照見五蘊皆空

—>照見五蘊皆空,度一切苦厄.

Đầu tiên, từ tiếng Phạn người Trung Quốc phải phiên âm ấy ra thành chữ Hán, sau đó dịch theo thứ tự từng chữ Phạn-Hán, kế tiếp đảo vị trí các từ cho đúng thứ tự tiếng Trung Quốc, đáng chú nhất là giai đoạn tiếp theo: bỏ những từ đã trực dịch mà người Trung Quốc thấy không cần thiết ra (cho dễ đọc!), và thêm thắt câu văn khác vào (cho người Trung Quốc dễ hiểu!).

Trên đây chỉ là một trường hợp mà Phật Tổ Thống Ký nêu điển hình, có thể tuỳ theo dịch trường mà các phần việc được chia cho các thành viên có khác nhau. Trường hợp ở đây theo ghi chép của Phật Tổ Thống Ký thì nhân vật được gọi là “dịch chủ” không phải là người có ảnh hưởng trực tiếp đến việc phiên dịch, mà điều này dường như là phần được trực tiếp làm bởi “bút thọ”, những chức sắc có phần việc liên quan trực tiếp đến chất lượng dịch phẩm nữa đó là “xuyết văn” và “nhuận văn”.

Dù sao với hệ thống chức trách này cho thấy công việc phiên dịch kinh điển sang Hán văn được làm bởi cả một tổ chức, như tác giả đã chỉ rõ, việc phân chia vai trò trách nhiệm cho mỗi cá nhân là điểm đặc sắc lớn của Phật điển Hán dịch. Điều này cũng cho thấy quy mô và cả tầm quan trọng của công việc này đối với người đương thời là như thế nào.

TN. Thanh Trì ghi.


Chú thích:

1.  Phật tổ thống ký (佛祖統紀) Taisho No. 2035 Chí Bàn (志磐 1220-1275) soạn. Sách này soạn vào năm 1269 đời nhà Tống. Gồm 50 quyển, là sách sử Phật giáo được biên soạn trên lập trường làm rõ tính chính thống của Thiên Thai tông Trung Quốc, theo thể tài chánh sử. Nội dung gồm có: Bổn ký 8 quyển, Thế gia 2 quyển, Liệt truyện 12 quyển, Biểu 2 quyển, Chí 30 quyển. Cấu tạo toàn thể là 5 biến 19 khoa. Đây không chỉ là của Thiên Thai, mà là sách lịch sử Phật giáo có phạm vi rộng, là tài liệu quan trọng về lịch sử Phật giáo nói chung. (cf. 『大蔵経全解説事典』雄山閣出版 1998, p. 607).

2.  Phật tổ thống ký (佛祖統紀) No. 2035 Vol. 49. 398b.