Lược sử về việc phiên dịch Phật điển ra chữ Hán

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Bài viết này là khái quát nội dung từ chương thứ hai trong sách Phật Điển đã được Hán dịch như thế nào của tác giả Funayama Tōru. Nguyên đề của chương này là “Những nhân vật làm công việc phiên dịch: Lịch sử khái quát của việc dịch kinh”. Trong thực tế manh mối về lịch sử Phật giáo không nhiều, nội dung này có thể trở thành cái tham khảo được cho những ai quan tâm nghiên cứu Phật giáo theo phương pháp văn bản học.

Phật giáo Trung Quốc đã gắn với công việc phiên dịch kinh điển từ thời nhà Hán, đến thời nhà Tống là khoảng một ngàn năm, sau đó cũng còn được phiên dịch lác đác, kể cũng đến một ngàn năm trăm năm. Theo sử truyện của Trung Quốc thì việc phiên dịch bắt đầu từ Thời Hán Minh Đế (năm 67), phiên kinh Tứ Thập Nhị Chương. Tuy nhiên, trong Tứ Thập Nhị Chương, bản kinh vốn được cho là được Ca Diếp Ma Đằng(迦葉摩騰 *Kāśyapa Mātaṅga)và cộng sự lần đầu phiên dịch dưới triều Hán Minh Đế, có những yếu tố cho biết đó là tác phẩm của thế kỷ thứ V. Nên câu chuyện lịch sử Phật giáo liên quan đến Hán Minh Đế chỉ được hiểu rằng, ý của các sử gia xưa có lẽ xem đó là thời điểm Phật giáo lần đầu tiên đã được truyền vào Trung Quốc ở cấp quốc gia (tức là được hoàng gia thừa nhận).

Dù sao, sau đó khoảng một trăm năm, vào thế kỷ thứ II, công việc phiên dịch đã chính thức được bắt đầu bởi những nhân vật đại biểu như An Thế Cao (安世高), Chi-lâu-ca-sấm (支婁迦讖*Lokakṣema). Trong đây, đặc biệt Chi-lâu-ca-sấm Hán dịch Kinh Đạo Hành Bát-Nhã, đây được xem là thời kỳ kinh điển đại thừa lần đầu tiên được phiên dịch ra chữ Hán.

Tăng truyện1 đề cập đến dịch giả có khoảng hơn 60 người. Trong đó được chia ra thành ba dòng đại biểu là cổ dịch, cựu dịch và tân dịch. Từ ban sơ đến trước thời Cưu-ma-la-thập gọi là Cổ dịch, thời Cưu-ma-la-thập (鳩摩羅什*Kumārajīva, 344–413), Chân đế (真諦Paramārtha 499–569) v.v... gọi là cựu dịch, và từ Huyền Trang trở đi gọi là Tân dịch.

Sau thời La-thập, dịch trường (quy mô quốc gia) vốn ở Trường An (Bắc Triều) đã chuyển về Kiến Khương, thuộc Nam triều. Từ nơi này, với hoạt động của các dịch giả tên tuổi như Phật-đà-bạt-đà-la (佛陀跋陀羅 * Buddhabhadra 359-429), Bảo Vân (宝雲, −449), Cầu-na-bạt-ma (求那跋摩 *Guṇavarman, 367–431), Tăng-già-bạt-ma (僧伽跋摩 *Saṃghavarman, -433-), Đàm-ma-mật-đa (曇摩蜜多 Dharmamitra, -424-), Cầu-na-bạt-đà-la (求那跋陀羅Guṇabhadra, 394–468) v.v... một số lượng Phật điển đồ sộ đặc biệt là thuộc Đại thừa và Luật tạng đã được Hán dịch.

Khoảng tiền bán thế kỷ thứ V này, ngoài hai dịch trường chính thuộc Bắc triều và Nam triều trên, vùng phía Tây Trung Quốc cũng có hoạt động phiên dịch như Đàm-vô-sấm (曇無讖 Dharmakṣema, 385–433) ở Cô Tang (姑臧) thủ đô của Bắc Lương, dịch Đại-bát-niết-bàn kinh, Bồ-tát-địa-trì kinh cũng là mốc lịch sử đáng chú ý.

Từ nửa sau thế kỷ thứ V đến đầu thế kỷ thứ VI việc dịch kinh ở Nam triều giảm hẳn, tình trạng này cũng tương tợ ở Bắc triều, thêm vào đó từ năm 446 Phật giáo phương Bắc hứng chịu pháp nạn2, việc phiên dịch trong giai đoạn này hầu như không.

Đầu thế kỷ thứ VI, nơi thủ đô mới của Bắc Nguỵ là Lạc Dương có Lặc-na-ma-đề (勒那摩提 Ratnamati), Bồ-đề-lưu-chi (菩提流支 Bodhiruci -527) đến Trung Quốc, phiên dịch những văn bản liên quan đến tư tưởng Như lai tạng và Du-già hành duy thức như Nhập Lăng-già kinh, Thâm mật Giải thoát kinh hay Thập địa kinh luận, mở ra một Phật giáo mới. Cùng thời này ở thủ đô Nghiệp (鄴) của Đông Nguỵ cũng có những hoạt động phiên dịch của Phật-đà-phiến-đa (佛陀扇多 Buddhaśanta), Bát-nhã-lưu-chi (般若流支 Prajñāruci), v.v... Trào lưu Phật giáo mới về Du-già hành duy thức này cũng có mặt ở phương Nam với hoạt động nổi bật của Chân Đế (Paramārtha, 499-569), đặc biệt là dịch phẩm Nhiếp Đại Thừa Luận của ông có ảnh hưởng lớn đến Phật giáo Trung Quốc thời kỳ này. Đó là sự ra đời của Nhiếp Luận Tông, tông phái lấy Nhiếp Đại Thừa Luận làm y cứ, đối lập lại với Phật giáo vùng Hoa Bắc có sự ra đời của Địa luận tông, lấy Thập Địa Kinh Luận làm y cứ. Giáo nghĩa Phật giáo được triển khai bởi hai tông phái này đã trở thành yếu nhân đóng vai trò thôi thúc Huyền Trang lên đường sang Tây Trúc cầu pháp, mở ra vĩ nghiệp dịch kinh của thời nhà Đường ở thế kỷ thứ VII.

Sau thời Huyền Trang Nghĩa Tịnh, từ cuối thế kỷ thứ VII trở đi, kinh điển được Hán dịch mang một đặc trưng mới, đó là kinh điển Mật giáo, với hoạt động của các dịch giả như Địa-bà-ca-la (地婆訶羅 *Divākara), v.v... hay sau đó là Bảo Tư Duy (宝思惟, −721), Thiện vô uý (善無畏, 637−735), Bất Không (不空, 705−774) v.v...

Trên đây là lược sử về những điểm mốc trọng yếu của lịch sử phiên dịch Phật điển ra chữ Hán, qua đó, độc giả cũng có thể nhìn thấy một phương diện của lịch sử Phật giáo Trung Quốc. Góc nhìn mới ở đây là sự phiên dịch kinh điển thịnh suy theo thời đại. Việc di chuyển về địa lý dịch trường cũng là điểm được đặc biệt chú ý. Những thông tin lịch sử này cho thấy cả xu hướng biến động của Phật giáo Ấn độ đương thời, và tình trạng tiếp nhận, dung hoá Phật giáo của Trung Quốc.

Về ý nghĩa lịch sử này, bản thân tác giả đã dành trọn một mục trong chương kết để nói rõ. Để trực tiếp hiểu về ý nghĩa mà tác giả muốn nói, dưới đây là phần trích dịch về đoạn này.

................................................

Ý nghĩa của việc phiên dịch kinh điển hưng thịnh và đình trệ

Có hai điểm cần chú ý khi xét theo nghĩa rộng về lịch sử Hán dịch. Trong đó, điểm thứ nhất là có chút biến đổi về chủng loại văn bản đã được phiên dịch qua các thời đại. Thời kỳ của La Thập đã phiên dịch ra nhiều kinh điển đại thừa, có nội dung tư tưởng tánh không và văn bản của học phái Trung quán, tuy nhiên những kinh điển có nội dung tư tưởng Như lai tạng và văn bản của học phái Du-già hành duy thức thì phải đến thời Đàm Vô Sấm (thuộc Bắc Lương) hay Cầu-na-bạt-đà-la (Tống Nam triều) mới được Hán dịch. Cũng thế, kinh điển Mật giáo được dịch ra chữ Hán khoảng từ cuối thế kỷ thứ 7 trở đi. Những điều này có lẽ nên xem là sự phản ảnh xu hướng biến động của Phật giáo Ấn độ.

Tuy nhiên, cần lưu ý không nhất thiết việc Hán dịch kinh điển của Trung quốc chỉ dựa vào sự tình của phía Phật giáo Ấn độ mà còn một mặt phản ảnh phía Trung Quốc đã tiếp nhận Phật giáo như thế nào. Một ví dụ phù hợp cho điều này là thực tế một số lượng nhiều văn bản luật (vinaya) được mang về và Hán dịch vào khoảng đầu thế kỷ thứ V.

Cuối thế kỷ thứ IV, với nhiều hoạt động của Thích Đạo An, từ tư tưởng Tăng chúng cần phải sinh hoạt dựa vào quy định của luật, ý hướng muốn học luật kỹ hơn đã mạnh dần. Nhưng đương thời, ở Trung Quốc không có đủ các văn bản về luật. Cuối thế kỷ thứ IV, Pháp Hiển quyết chí đi Ấn Độ cầu luật cũng chính là kết quả được thôi thúc bởi các thông tin của thời đại.

Pháp Hiển xuất phát khỏi Trường An năm 399, ngay sau đó có Cưu-ma-la-thập đến Trường An, cùng với Phất-nhã-đa-la, Đàm-ma-lưu-chi, Tỳ-ma-la-xoa dịch Thập Tụng Luật của Tát-bà-đa bộ, từ đây lần đầu tiên bộ luật hoàn chỉnh của Phật giáo Trung Quốc được thành lập. Ngay sau đó, cũng tại Trường An, Tứ Phần luật của Pháp Tạng Bộ được phiên dịch. Khoảng 10 năm sau, ở Kiến Khương Nam triều, Pháp Hiển từ Ấn Độ mang về thủ bản mới, Ma Ha Tăng Kỳ Luật của Đại Chúng bộ, và Ngũ Phần Luật của Hoá Địa bộ được phiên dịch.

Như thế, trong vòng 20 năm, 4 bộ luật được lần lượt phiên dịch, tạo nên nhiều thay đổi trong việc hiểu biết về luật học. Đương nhiên trong Phật giáo Ấn Độ, luật của các bộ phái đã tồn tại và đã được hệ thống hoá sớm hơn thời kỳ này. Phải hiểu việc phiên dịch là do nhu cầu từ phía Trung Quốc, trước đó, có lẽ ở Ấn Độ nhiều nguyên điển về luật đã tồn tại nhưng phía Trung Quốc đã không tích cực tìm cầu, và cũng có lẽ trước thời La-thập, kỹ thuật phiên dịch một cách chính xác về các quy định cụ thể của luật chưa được chín muồi, nên đã không đi đến trạng thái cần phải phiên dịch ra các loại luật.

Tóm lại, sự dao động mang tính lịch sử về các thể loại văn bản Hán dịch có mối liên hệ đến việc thành lập kinh điển từ phía Ấn Độ, đây là một phần, nhưng ngoài ra cũng còn có phần phản ảnh nhu yếu từ phía Trung Quốc.

Về xu hướng Hán dịch nói chung còn thêm một điểm đáng lưu ý. Đó là từ Hậu Hán đến Bắc Tống, việc dịch kinh có khi rất hoạt náo nhưng có khi bị đình trệ. Đặc biệt là cùng với sự diệt vong của Hậu Tần (417), sau thời hoạt bát của Cưu Ma La Thập thì việc dịch kinh ở Trường An hầu như bị đình chỉ mãi cho đến thời nhà Tuỳ (581-618). Hay ở Nam triều, thời đại Tề Lương khoảng cuối thế kỷ thứ V đầu thế kỷ thứ VI không có những kinh điển gì nổi bật. Và nói đến sự đình trệ trong Hán dịch, phải nói đến thời Đường từ nửa đầu thế kỷ thứ IX đến thời Bắc Tống cuối thế kỷ thứ X.

Tuy nhiên, ở Nam triều từ cuối thế kỷ thứ V, hay thời nhà Đường từ sau nửa đầu thế kỷ thứ IX không có sự nghiệp dịch kinh mang tầm cỡ quốc gia nhưng điều này không có nghĩa là Phật giáo bị suy yếu. Như có nói ở chương hai, thời kỳ Tề Lương Nam triều không phải là Phật giáo bị đình đốn mà là thời kỳ rất hưng thịnh. Liên quan đến việc thành lập kinh điển mà nói thì đó là thời kỳ hấp thụ nội dung kinh điển rồi những hoạt động biên tập kinh điển được hoạt bát hoá. Và trường hợp Hán dịch bị đình trệ khoảng thế kỷ thứ IX – X, thì đây là thời đại Phật giáo dung hợp với tín ngưỡng nhân gian và với những quan niệm mang tính Đạo giáo tại bản địa. Đặc biệt thời kỳ bức hại Phật giáo gọi là “Hội Xương phế Phật” bởi Võ Tông (842-845), mặc dù bị bức hại nhưng có Thiền Phật giáo “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” vốn không mấy dựa vào việc phiên dịch kinh điển, đã bành trướng thế lực ở phương Nam. Chính khi này Phật giáo đã hình thành nên những yếu tố mang tính chất của Trung Quốc.

Như thế, thời đại Hán dịch hưng thịnh là thời kỳ thịnh hành những thông tin mới từ bên ngoài được đưa vào, còn thời kỳ đình trệ Hán dịch là thời kỳ cho ngủ yên và làm chín muồi những thông tin đã du nhập, là thời kỳ biến mạo tôn giáo ngoại lai từ Ấn Độ thành tôn giáo của Trung Quốc. Đương nhiên, việc biến dung này cũng xảy ra khi việc dịch kinh thịnh hành, nhưng đặc biệt khi việc dịch kinh bị đình trệ thì việc Trung Quốc hoá này được gia tốc.

Thích Nữ Thanh Trì


Chú thích:

1. Tăng Truyện là một thể loại sách nhà Phật ghi về truyện của các cao tăng. Là tài liệu sử Phật giáo quan trọng. Trong Phật thư Trung Quốc, thể loại này thường được biết đến gồm có 4: Lương Cao Tăng Truyện 梁高僧伝 của Huệ Kiểu 慧皎 (497-554), Tục Cao Tăng Truyện 続高僧伝 của Đạo Tuyên 道宣 đời Đường, Tống Cao Tăng Truyện 宋高僧伝 của Tán Ninh 賛寧 nhà Tống, Đại Minh Cao Tăng Truyện 大明高僧伝 của Như Tỉnh 如惺 nhà Minh. Tổng gọi là tứ triều cao tăng truyện. Trong đó, Lương Cao Tăng Truyện được soạn xong năm 519 là ghi chép sớm nhất, thu thập các truyền ký về cao tăng từ Hậu Hán đến đời nhà Lương.
2. Phật giáo Trung Quốc trong lịch sử có 4 lần pháp nạn, gọi là Tam Võ nhất Tông, đó là: (1) Thái Võ Đế 太武帝 thuộc Bắc Nguỵ 北魏(tại vị năm 423- 452)niên hiệu Thái Bình Chân Quân 太平真君. (2) Võ Đế武帝 thuộc Bắc Chu 北周(tại vị năm 560 - 578)niên hiệu Kiến Đức 建徳. (3) Võ Tông 武宗thuộc nhà Đường 唐(tại vị năm 840 - 846)niên hiệu Hội Xương 会昌 (gọi là Hội Xương phế Phật). (4) Thế Tông 世宗thuộc Hậu Chu 後周(tại vị 954 - 959)niên hiệu Hiển Đức 顕徳.