Điểm hữu lợi từ Đại Tạng Kinh chữ Hán và chữ Tibet trong việc học Phật giáo Ấn Độ

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Đại Tạng Kinh, dù là tạng của bộ phái nào, của hệ ngôn ngữ nào hiện còn, đều cũng là ân huệ lớn cho Phật giáo đồ. Và ở phương diện rộng, đương nhiên, các đại tạng kinh của Phật giáo còn là di sản tri thức cho nhân loại nói chung. Đối với người nghiên cứu Phật giáo Ấn Độ, đặc biệt hệ Đại thừa Bắc truyền, vì đặc trưng sử liệu văn bản ở khu vực này hiện còn hạn chế, trong khi đó, các phiên bản của nó bằng chữ Hán và chữ Tây Tạng thì còn nhiều, nên khuynh hướng của người nghiên cứu Phật giáo Ấn Độ là truy tìm dấu tích của Phật giáo Ấn Độ qua các tạng kinh này để lý giải đầy đủ và chính xác hơn.

Điểm hữu lợi từ tạng kinh Tibet là dễ dàng tìm ra sự đối ứng phù hợp với nguyên điển Phạn văn của Ấn độ, do đặc điểm về mối quan hệ của hệ ngôn ngữ này với Phạn ngữ như sẽ trình bày ở sau. Tuy nhiên, tạng kinh Tibet được bắt đầu phiên dịch khoảng thế kỷ thứ 8, tức là đã trải qua một ngàn mấy trăm năm văn bản của Phật giáo đã được hình thành, phát triển và hoàn thiện ở Ấn Độ. Trong trường hợp muốn biết về lịch sử phát triển của văn bản, thì tạng kinh Hán dịch có điểm hữu lợi. Tạng kinh chữ Hán này có đặc điểm là cùng một văn bản lại có nhiều dị bản được phiên dịch trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, đây là chứng cứ cho biết lịch sử phát triển của văn bản ở Ấn Độ. Đây cũng là giá trị của tạng kinh Hán dịch mà học giả ngày nay quan tâm nhất. Bên cạnh đó, trong đại tạng Hán dịch, có nguồn sử liệu quan trọng liên quan đến dịch giả là “Tăng Truyện”, và phần ghi chép về mục lục văn bản đã được phiên dịch đương thời là “Kinh Lục”. Sử liệu trong hai phần này có nhiều liên quan để biết về tung tích của văn bản Phật giáo Ấn Độ.

Tuy nhiên, khoảng từ sau thời Huyền Trang, Nghĩa Tịnh của thế kỷ thứ VII, Phật giáo ở Trung Quốc đã tự triển khai giáo nghĩa riêng, không còn nhiệt tình phiên dịch văn bản của Phật giáo Ấn Độ nữa. Trong khi đó tại Ấn Độ, khoảng thời gian này là thời kỳ hưng thịnh về giáo nghĩa và luận lý của các phái. Do đó, các chủng loại văn bản thuộc luận thư thời trung kỳ trở đi của các học phái Trung Quán, Du già hành, Trung Quán Du Già Hành, hay của Nhận thức luận, Luận lý học, giáo nghĩa Mật giáo, v.v… không mấy được có mặt ở Trung Quốc. Ngược lại, chúng được bảo tồn hầu như trọn vẹn ở tạng Tibet. Do đó, với người nghiên cứu hệ văn bản Phật giáo Ấn Độ thời kỳ này thì đương nhiên tạng Tibet dịch là nguồn tài liệu y cứ quan trọng.

***

Dịch ngữ Tibet thường được biết là rất trung thực với nguyên điển tiếng Phạn, mối quan hệ đối ứng giữa Sanskrit và Tibet có thể nói là rất chặt chẽ. Với người nghiên cứu văn bản Phật giáo Ấn Độ quen đọc dịch ngữ Tibet, đôi khi có thể nhìn thấy được nguyên văn Phạn ngữ thông qua dịch ngữ Tibet. Trong học giới Phật giáo học, có trường hợp văn bản được học giả hoàn nguyên Phạn văn từ dịch ngữ Tây Tạng, là bởi mối quan hệ đối ứng chặt chẽ rõ ràng giữa hai ngôn ngữ này.

Việc dịch ngữ Tây Tạng ứng hợp rõ ràng với nguyên điển Sanskrit là có lý do. Thứ nhất là chữ viết của Tibet vốn dĩ được tác thành dựa vào văn tự của hệ chữ Phạn. Họ đã cấu thành hệ thống ngôn ngữ của quốc gia trong phiên dịch Phạn - Tạng bằng việc điều chỉnh cách sử dụng từ vựng và trợ từ, quyết định rõ ràng sự đối ứng từ vựng, biến cách, tiếp đầu từ v.v… của hai ngôn ngữ, mục đích để dễ dàng phiên dịch trôi chảy các văn bản Phạn ngữ ra Tạng ngữ. Vào năm 814, thời đại của vua Khri Lde Srong Btsan (ཁྲི་ལྡེ་སྲོང་བཙན, đọc là: Chi de son chen, Đường phiên là 墀松徳賛, 761 - 815), Tibet đã lên kế hoạch thống nhất thuật ngữ phiên dịch với quy mô quốc gia, xác lập một cách có hệ thống về sự đối ứng giữa dịch ngữ Tibet và nguyên điển Phạn ngữ, mà kết quả đại biểu là sách Mahāvyutpatti[1]. Do đó, dù tiếng Tây Tạng không khúc chiết như tiếng Phạn, nhưng do tiếp nhận văn hoá Ấn Độ và hệ văn bản chữ Phạn, mà ngôn ngữ của Tây Tạng trở nên có thể ứng hợp với Phạn ngữ dễ dàng. Mối quan hệ giữa Phạn ngữ và Tạng ngữ này nếu ví dụ một cách nôm na cho dễ hiểu thì cũng có thể xem như mối quan hệ giữa chữ Hán của Trung Quốc và chữ Nôm của nước ta.

Thêm một lý do về tính phù hợp cao giữa dịch ngữ Tây Tạng và nguyên điển Phạn ngữ là, phần lớn văn điển của dịch ngữ Tây Tạng là được dịch từ thế kỷ thứ IX trở đi, và các thủ bản Phạn ngữ hiện còn cũng không mấy cái cổ, mà phần nhiều được xác định là được viết từ khoảng sau thế kỷ thứ X. Tức là hai hệ thống Phật điển này gần thời đại với nhau.

***

Đối lại với hai điểm trên đây, Phật điển Hán dịch quá khác với Phật điển Tạng dịch. Thứ nhất, vì ở Trung Quốc là dịch Phật điển chứ không phải sử dụng văn pháp và chữ viết của nước này rồi chỉnh hợp với văn bản Ấn Độ. Tức là khác với trường hợp từ Phạn ngữ dịch thành Tạng ngữ, ở Hán ngữ là phiên từ một nền văn minh lớn là Ấn Độ thành một văn minh lớn hoàn toàn khác, đó là Trung Hoa. Nếu xét trên diện rộng thì tiếng Trung Quốc không thay đổi bởi sự truyền lai của Phật điển, nhưng nếu xét cụ thể thì sự việc này có nhiều ảnh hưởng đến ngôn từ và văn minh của Trung Quốc.

Thứ hai là thời kỳ thành lập Phật điển Hán dịch cũng quá khác so với Tạng dịch. Theo truyền thuyết thì Hán dịch đã bắt đầu từ thế kỷ thứ I, chính xác chí ít thì cũng đã từ thế kỷ thứ II. Đây là thời kỳ Phật giáo Ấn Độ vừa trải qua những biến động lớn, từ Phật giáo bộ phái dịch chuyển qua Đại Thừa. Sớm hơn thời kỳ Phật giáo truyền đến Tibet khoảng năm, sáu trăm năm. Thời kỳ Phật giáo đến Tibet là thời kỳ Phật giáo Đại thừa ở Ấn Độ đã xác lập, đã hoàn chỉnh giáo nghĩa và lý luận. Đối lại, nguyên điển làm cơ sở cho Hán dịch là những văn bản vẫn còn chưa hoàn thiện ở bổn quốc Ấn Độ, những loại văn bản này cứ thế được đem đến Trung Quốc, và những bản dịch này được bảo tồn trong Phật điển Hán dịch như đã được hoá đá, cho thấy một giai đoạn đang tiến triển của Phật điển Ấn Độ. Trường hợp văn bản như thế này trong Hán dịch khá nhiều.

***

Với những đặc điểm như trên của Hán dịch và Tạng dịch, học giới ngày nay đều xem rằng, cả hai nguồn đại tạng này đều là những tài liệu cần thiết cho việc nghiên cứu Phật giáo Ấn Độ. Nói chính xác hơn, nếu chỉ dựa vào một nguồn tài liệu nào đó thôi để nghiên cứu Phật giáo Ấn Độ thì sẽ gặp nhiều điểm khó. Đây cũng là lý do một người nghiên cứu Phật giáo Ấn Độ hệ Bắc truyền Đại thừa thì đều cũng phải biết qua hai loại cổ ngữ Hán và Tạng này bên cạnh cổ ngữ Sanskrit.

Thích Nữ Thanh Trì.


Bài viết có tham khảo từ Funayama Tōru 2013 Phật điển đã được Hán dịch như thế nào (仏典はどう漢訳されたのか), chương thứ nhất, và khác.

Chú thích:
[1]. Mahāvyutpatti được người Nhật dịch là Phiên Dịch Danh Nghĩa Đại Tập (翻訳名義大集), đây là tập sách đối chiếu từ vựng Phạn - Tạng, được biên soạn lần đầu tiên bởi các nhà phiên dịch Jinamitra, Yeshes sde, v.v… vào khoảng năm 814. Trong khoảng 10 năm sau đó được thêm vào nữa mới hoàn thiện. Và về sau được kèm thêm phần dịch chữ Hán và chữ Mông Cổ, tạo thành tập từ điển đối chiếu bốn ngôn ngữ là Phạn - Tạng – Hán - Mông. Có khoảng hơn 9500 hạng mục. Hiện tại vẫn được trọng dụng trong nghiên cứu Phật học. (cf. 『榊亮三郎編『梵蔵漢和四訳対校 翻訳名義大集』(『京都帝国大学文科大学叢書第三』京都分科大学蔵版1916).

Về Phật giáo Tibet, xem thêm ở https://phapluan.vn/lich-su/63-phat-giao/1540-dvlspg-8-phat-giao-bac-truyen-tibet