Phật điển đã được Hán dịch như thế nào?

仏典はどう漢訳されたのか:スートラが経典になるとき

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Đây là tựa đề của một quyển sách của tác giả Funayama Tōru. Sách có tựa đề đầy đủ là “Phật điển đã được Hán dịch như thế nào: Khi Sūtra trở thành kinh điển”, trong nguyên tác tiếng Nhật là 仏典はどう漢訳されたのか:スートラが経典になるとき (Making Sutra into ‘Classics’ (jingdian): How Buddhist Scriptures Were Translated into Chinese), được xuất bản bởi Iwanami Shoten, năm 2013.

Funayama Tōru là nhà nghiên cứu, học giả Phật giáo học, hiện là giáo sư thuộc Sở Nghiên cứu Khoa học Nhân văn, Đại học Kyoto.

Sách này xuất bản năm 2013, năm 2015 được nhận giải thưởng đặc biệt của Suzuki Gakujyutsu zaidan thuộc hiệp hội Ấn Độ học Phật giáo học Nhật Bản. Tính đến năm 2016 tác phẩm đã được in 6 lần. Những điều này cho thấy đó là một quyển sách không những đã được học giới đánh giá cao, mà cũng là một tác phẩm được nhiều người đón nhận.

Nhìn từ mục văn bản tham khảo, loạt bài đã công bố sau đây của tác giả cho phép người đọc tin tưởng vào kiến thức chuyên môn của tác giả để tạo nên nội dung của sách này. Sau đây là thư mục sách, luận văn của tác giả trích từ mục văn bản tham khảo của sách (pp.269-270).

• 1995. Quá trình tiếp nhận Bồ tát giới trong thời đại Lục triều: Tập trung vào thời Lưu Tống và Nam Tề.
• 1998. Nguyên hình và biến thiên của văn bản “Mục Liên vấn giới luật trung ngũ bách khinh trọng sự”.
• 2002. Giữa “Hán dịch” và “Trung Quốc tuyển thuật”: Về hình thái đặc hữu của Phật điển Hán văn.
• 2003. Chư truyền thừa nói về giai vị đạt được của Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân.
• 2004. Sự thọ dung giới luật Phật giáo của Trung Quốc vào khoảng thế kỷ thứ 5.
• 2005. Hai hệ thống quan điểm về Thánh giả: Một thí luận sơ qua về Phật giáo sử thời Lục triều, Tuỳ, Đường.
• 2006. Masquerading as translation: Examples of Chinese lectures by Indian Scholar monks.
• 2007a. Kinh điển Nguỵ tác và biên tập: Di giáo tam-muội kinh và Xá-lợi-phất vấn kinh.
• 2007b. Vấn đề [Phật điển bị] Trung Quốc hoá nhìn từ việc phiên dịch và biên tập kinh điển thời Lục triều.
• 2008. Về tình trạng thành lập Phật điển Hán ngữ thời sơ kỳ.
• 2009. Sự ảnh hưởng của hệ văn tự Ấn Độ lên văn hoá Hán tự.
• 2010. Yếu lược về lịch sử Hán dịch Phật điển.
• 2011a. Khảo sát lại giả thuyết về văn bản trước của kinh Phạm Võng quyển hạ.
• 2011b. Phật điển Hán dịch nhìn từ quan điểm tiếp xúc văn hoá: Khảo sát chung về khái niệm “cách nghĩa” và “thánh”.
• 2012. Đặc trưng cơ bản về hoạt động và trước tác của Tam tạng Chân Đế.
• Từ 2009-2010 Nhật Bản ngữ dịch Cao Tăng Truyện của Huệ Hạo, 4 tập. (dịch chung với Yoshikawa Tadao).

Sách “Phật điển đã được Hán dịch như thế nào: Khi Sūtra trở thành kinh điển” này gồm có 9 chương, nếu nêu ra tiêu đề của các chương cụ thể thì có những tên chương như sau.
• Chương thứ nhất: Dẫn vào thế giới Hán dịch: Ấn Độ và Trung Quốc
• Chương thứ hai: Những nhân vật làm công việc phiên dịch: Lịch sử khái quát của việc dịch kinh
• Chương thứ ba: Việc phiên dịch đã được làm như thế này: Phương pháp cụ thể để tác thành Hán dịch và sự phân chia vai trò trách nhiệm
• Chương thứ tư: Năng lực ngữ học của sư tăng nước ngoài và lý luận phiên dịch của Cưu-ma-la-thập và Huyền Trang
• Chương thứ năm: Sự xuất hiện của kinh điển nguỵ tác
• Chương thứ sáu: Giữa phiên dịch và nguỵ tác: Biên tập kinh điển
• Chương thứ bảy: Hán dịch là điều đã có trong tiếng Trung Quốc
• Chương thứ tám: Vì có tính chất căn nguyên nên không thể dịch
• Chương thứ chín: Ý nghĩa lịch sử của Phật điển Hán dịch.

Trong đây, chương đầu tiên và chương cuối cùng là phần dẫn nhập và phần tóm tắt - kết luận về chủ đề này, bảy chương còn lại, tức từ chương thứ hai đến chương thứ tám là các phương diện khảo sát chính của tác phẩm. Về nội dung khái quát cho các chủ đề này, bản thân tác giả đã có mục tóm tắt ngắn gọn trong chương thứ chín, để có cái nhìn tổng thể về nội dung tác phẩm, dưới đây sẽ trích dịch giới thiệu đoạn tóm tắt này (cf. pp. 237-242).

Trong chương thứ hai “Những nhân vật làm công việc phiên dịch: Lịch sử khái quát của việc dịch kinh”, khái quan những kinh điển hay luận thư được phiên dịch bởi các nhà Hán dịch và những sự việc liên quan, theo trục thời gian. Nếu nói từ việc xác minh danh từ riêng thì nội dung được nói trong chương này có nhiều điểm trùng với những khái thuyết của các học giả từ trước đến nay về những vấn đề liên quan lịch sử phiên dịch kinh điển Hán dịch. Tuy nhiên, Nếu nêu ra điểm nhìn mới của chương này thì ở đây đã chỉ ra được việc có sự hưng – suy tuỳ theo thời đại trong sự nghiệp phiên dịch kinh điển. Và ở đấy cũng đã chú ý đến một sự thật lịch sử là có sự di chuyển về địa phương phiên dịch kinh điển, đây cũng là điểm mà các nghiên cứu trước đây chưa để ý đến. Con số nhân sự về các nhà phiên dịch chủ yếu được đề cập có đến hơn sáu mươi người. Nhân tiện nói thêm, các dịch giả đều là nam giới. Không hề có một dịch giả nữ nào. Tức là thế giới của Hán dịch đã thiên trọng về nam giới, tuy nhiên, trong thời đại tiền cận đại, việc không xuất hiện nữ giới làm những công việc này thì không chỉ giới hạn trong Hán dịch.

Trong chương thứ ba “Việc phiên dịch đã được làm như thế này: Phương pháp cụ thể để tác thành Hán dịch và sự phân chia vai trò trách nhiệm”, đã xác minh được việc Hán dịch là một công việc chung, được làm bởi một cộng đồng gồm nhiều người. Có hai loại “dịch trường”, lấy khoảng thời nhà Tuỳ (隋581-619) làm ranh giới thì, trước đó là dịch trường được tổ chức theo hình thức buổi giảng có số đông người tham gia, sau đó chuyển sang hình thức phiên dịch trong không gian khép kín, chỉ có nhóm các nhà chuyên môn thực hiện việc phiên dịch một cách nhanh chóng. Ở thể loại dịch trường nào thì dịch chủ, bút thọ, thông dịch cũng là những người đóng vai trò quan trọng.

Việc dịch kinh được tiến hành theo hình thức là công việc chung được đảm nhiệm bởi nhiều người là một đặc sắc lớn của Phật điển Hán dịch. Nhân tiện nói thêm, trong việc phiên dịch Phật điển từ Phạn ngữ ra Tạng ngữ, về nhân sự liên quan đến việc phiên dịch, thì phần nhiều là tên của một tăng sỹ học giả (pandita) người Ấn Độ và tên của một dịch giả người Tibet được ghi trong lời bạt của bản dịch, còn thực tế của việc phân chia vai trò đảm nhiệm của từng người, hay ngoài ra có còn những ai hỗ trợ hay không thì không rõ. Và dường như không có ghi chép nào về dịch trường có số người tham dự đông như trường hợp Hán dịch.

Trong Chương thứ tư “Năng lực ngữ học của tăng nước ngoài và lý luận phiên dịch của Cưu-ma-la-thập và Huyền Trang”, trước tiên chú ý đến chi tiết năng lực ngữ học của các vị tăng người nước ngoài, và từ sử liệu đã kiểm chứng được việc trong các nhà phiên dịch, có người không thể hiểu tiếng Trung Quốc, hay ngược lại, cũng có một thiểu số các nhà phiên dịch người nước ngoài có thể sử dụng được tiếng Trung Quốc. Trường hợp này, cũng đã chỉ ra rằng cần phải phân biệt rõ sự khác nhau giữa việc có khả năng hội thoại được tiếng Trung Quốc và việc có thể sử dụng văn viết cổ điển tiếng Trung Quốc.

Và thực tế sử liệu cho thấy cho dù vị tăng người Tây vực không thể nói, hay đọc, hay viết được tiếng Trung Quốc đi chăng nữa, nhưng trường hợp người đó là nhân vật thông thuộc kinh điển, đọc tụng thông thuộc kinh điển trước chúng hội người Trung Quốc, thì vẫn được xem là có quyền uy chính thức là dịch chủ của văn bản Hán dịch ấy. Điều này có vẻ như là vô lý, nhưng cũng có chỗ giống với thời hiện đại. Thử nêu ra một ví dụ gần gũi, như trường hợp biên tập loại sách từ điển, cũng có trường hợp ngoại lệ là tất cả các hạng mục đều do một người tạo ra, nhưng phần nhiều là từ điển được biên tập dưới cái tên của vị biên tập, còn người chấp bút thực tế cho các hạng mục là người khác, chứ không phải bản thân người biên tập. Người biên tập đã tổng quát tổng thể như thế nào, chịu trách nhiệm cho nội dung và cho độc giả niềm tin thế nào, là điều được chờ đợi, hơn là có thực tế viết ra các hạng mục hay không. “Dịch chủ” của Phật điển cũng có điểm giống với trường hợp này.

Nơi nửa sau chương này, đã khảo sát về quan điểm phiên dịch, hay lý luận phiên dịch của các nhân vật có liên quan đến việc dịch kinh, đó là trường hợp của La Thập và Huyền Trang. Cưu Ma La Thập có quan điểm rằng việc phiên dịch từ Phạn ngữ sang tiếng Trung Quốc một cách toàn triệt là điều không thể, vì để truyền đạt ý nghĩa đại khái cho dễ hiểu, nên đã dịch để đạt ý vừa đủ với một chút tự do nhất định, mặt khác cũng chú trọng dịch âm cho trường hợp dù có dịch ý cũng không xong. La Thập quan niệm rằng, dịch là thứ như thức ăn mà người khác nhai rồi nhổ ra. Đó là lời thể hiện quan điểm dịch kinh của La Thập. Vốn dĩ là đề cập đến mức độ khó trong việc phiên dịch bản ý của thơ văn, là chuyện liên quan đến việc phiên dịch một tác phẩm văn học. Sự trôi chảy nhịp nhàng trong nguyên văn có được thể hiện trong dịch văn hay không là yêu cầu trước mắt và thiết thực, La Thập cho rằng phiên dịch sự trôi chảy nhịp nhàng của nguyên văn là điều không thể. Ở cuối chương có giới thiệu nghị luận dịch kinh, chủ yếu là của Thích Đạo An, nghị luận về việc khi không thể đảm bảo được hai phần của văn thể là văn và chất, thì cần phải ưu tiên cái gì.

Nơi chương thứ năm “Sự xuất hiện của kinh điển nguỵ tác”, nêu ra trường hợp kinh điển nguỵ tác vốn được gọi là nguỵ kinh, và xác minh những yếu tố không thể là phiên dịch trong các kinh điển nguỵ tác. Những yếu tố không thể là Hán dịch ấy cụ thể là tên người, hay địa danh của người Trung Quốc, những lý luận vốn là đặc hữu của Phật giáo Trung Quốc. Bối cảnh của việc nguỵ tác thì có mấy yếu nhân, nhưng nói chung, nếu trường hợp không thể nhìn ra trong kinh điển Hán dịch những văn ngôn nói rõ thật thái của Phật giáo Trung Quốc, mà truy tìm ra thật thái của Trung Quốc, muốn kinh điển có quyền uy làm căn cứ, trường hợp đó là phát sinh kinh điển nguỵ tác. Ở đấy cũng đã giới thiệu một vài trường hợp đã bị xử lý thế nào khi bị phát giác là nguỵ tác.

Để biết một kinh điển nào đó chân tác hay nguỵ tác, phương pháp hiệu quả nhất là kiểm tra xem kinh đó có những yếu tố đặc hữu của Trung Quốc hay không. Yếu tố mang tính chất Trung Quốc có khi được thể hiện trực tiếp trong câu văn, nhưng ngoài ra cũng có trường hợp vì lấy kinh điển Hán dịch vốn đã thành lập trước đó làm tố chất, sử dụng câu văn với hình thức hoàn toàn giống từng câu từng chữ với kinh điển ấy, vì nguồn tài liệu sử dụng là tài liệu chữ Hán, mang yếu tố đặc hữu của Trung Quốc nên cũng có thể phán đoán là nguỵ kinh.

Liên quan vấn đề nguỵ tác ở chương thứ năm đã nói trong phạm vi quan điểm chân nguỵ theo truyền thống như thế, tiếp theo ở chương thứ sáu “Biên tập Kinh điển: Chặng giữa phiên dịch và nguỵ tác”, cho thấy phương pháp phân chia chân nguỵ, thật ra là không phản ánh trung thực thực tế lịch sử Phật giáo Trung Quốc. Có nhiều trường hợp kinh điển vốn không có ý làm nguỵ kinh, tức là những trường hợp tác thành kinh điển bằng thiện ý. Những kinh đó trong kinh lục cũng không bị xem là nguỵ kinh, mà còn chiếm vị trí trọng yếu trong Phật giáo Trung Quốc. Như thế, có khá nhiều kinh không thể là chân kinh hay nguỵ kinh theo ý nghĩa truyền thống. Sách này gọi loại có hình thái trung gian này là “Kinh Điển Biên Tập”. Loại này có số lượng khá nhiều, và ở đây cũng biết được việc có một số chủng loại đặc biệt dễ sinh ra kinh điển biên tập.

Trong chương thứ bảy “Hán dịch là điều đã có trong tiếng Trung Quốc”, đã khảo sát vai trò của Phật điển Hán dịch trong văn hoá chữ Hán từ sáu loại góc độ khác nhau. Như thường được biết, những từ ngữ được gọi là Phật giáo ngữ như “duyên khởi” (縁起), “thế giới” (世界), “luân hồi” (輪廻), v.v... là những từ được tạo ra sau khi Phật giáo du nhập, nhưng nếu sử dụng biểu hiện hiện đại để giải thích thì những từ vựng này là một chủng loại từ vay mượn để phiên dịch (calque). Ngoài ra, những từ như “ma” (魔), v.v... cũng là từ được tạo mới để phiên dịch Phật điển. Những từ tân Hán tự này nói chung là để dịch âm. Nói theo cách thông thường thì đó là từ vay mượn (loanword). Sự thật, Phật điển sáng lập ra Hán tự mới này cũng ẩn đằng sau ý nghĩa rằng, chỉ có những từ ngữ mà Trung Quốc hiện có thì không thể xử lý hết vấn đề từ ngữ vay mượn. Việc dịch âm Phật điển cũng có đặc trưng không phải là dịch âm về mặt biểu ý.

Và trong chương này cũng đã chỉ ra những việc như, với những ngữ pháp đặc trưng của Phật điển liên quan đến văn thể, các từ ngữ như “cố” (故), “ư” (於), “do” (由), v.v… được sử dụng thể hiện sự trực dịch, hay việc hình thành cấu trúc 4 chữ 1 câu, thành lập nên âm điệu lặp lại trong Hán dịch, và điều này đã tạo ra ảnh hưởng lên cả ngữ pháp và văn thể do người Trung Quốc trước tác. Cuối cùng, có đề cập đến truyền thuyết về nhân vật “Thương Hiệt” (蒼頡) vốn được cho là đã sáng tạo ra chữ Hán, và truyền thuyết về người sáng tạo ra chữ viết ở Ấn Độ (chữ Brāhmī và chữ Kharostī), nhìn thấy sự thành lập quan điểm tương đối hoá trong thế giới quan của đương thời từ cả hai phía Ấn Độ và Trung Quốc vốn đã thành lập nên văn hoá chữ Hán.

Những điểm được nói trên đây đều cho thấy việc Phật điển đã có ảnh hưởng đến tiếng Trung Quốc, tuy nhiên, nếu hỏi liệu sự thành lập của Phật điển Hán dịch có làm biến đổi tiếng Trung Quốc hay không, thì có lẽ cần phải trả lời theo kiểu phần thì theo khẳng định, phần thì theo phủ định. Sự thành lập của Phật điển Hán dịch cũng có trường hợp làm biến đổi tiếng Trung Quốc, và cũng có trường hợp không thể. Trường hợp làm biến đổi thì như đã nói bên trên, và sự thành lập của tứ thanh như được giới thiệu ở cuối chương, có thể nói là có ảnh hưởng của Ấn Độ trong mối quan hệ ở tầng sâu của tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, đó chẳng qua là Phật điển đóng vai trò cơ duyên để rút ra một cách tự giác những yếu tố vốn đã nội tại của Trung Quốc. Những từ ngữ Phật giáo được tạo ra mới, hay những tân Hán tự, rõ ràng đều là quan trọng, dù không thể nói đó chỉ là ảnh hưởng về bề mặt bên ngoài, nhưng cũng không thể nói là nó đã cải cách một cách căn bản ngôn ngữ Trung Quốc trên ý nghĩa cả chất và lượng.

Nơi chương thứ tám “Vì có tính chất căn nguyên nên không thể dịch”, là khảo sát về việc liệu phải xử lý thế nào với những nguyên ngữ khó dịch. Về vấn đề này, trong Phật điển Hán dịch có ba phương pháp xử lý là: cứ để dịch âm, dịch bằng cách tạo ra từ vựng mới, và nghiêm túc mà nói thì là không phải dịch mà ghép vào với sự vật tương ứng trong văn hoá Trung Quốc. Sách này gọi cách xử lý thứ ba này là “từ dịch có hình thức đối ứng với văn hoá”, và đã xét về đặc trưng cùng với ví dụ cụ thể của trường hợp này. Trong trường hợp là từ ngữ tôn giáo, do vì việc từ vựng có liên quan đến tôn giáo là có liên quan đến những yếu tố vô cùng căn để trong văn hoá của quốc gia ấy, và nơi những từ ngữ cơ bản của tôn giáo, giữa các tôn giáo khác nhau có những tính chất trùng lặp nào đó hay tính chất chung giữa nhau, nên nơi các từ ngữ tôn giáo thường khá có những từ dịch có hình thức đối ứng văn hoá, đặc biệt đã nêu ra ví dụ từ “thánh” (聖) để giải thích. Và cũng đã chỉ ra những từ ngữ cùng loại như thế này như các từ “đạo” (道), “kinh” (經), “chân nhân” (真人), v.v… hay những từ ngữ liên quan đến sự vật là “long” (龍), “thiên” (天), “cam lộ” (甘露), v.v…

Phần tóm tắt các chương trên đây toàn bộ là trích dịch từ tóm tắt của chính tác giả trong chương thứ chín. Với bảy chủ đề mà tác giả đã nêu nơi bảy chương trên, đó là sự bao quát một cách tổng thể các vấn đề liên quan lịch sử phiên dịch kinh điển Hán dịch. Sự bao quát và sâu sắc này cho thấy, không những do tác giả đã quán thông nội dung, có góc nhìn sắc sảo để đặt ra vấn đề và xử lý tốt các vấn đề từ các tài liệu cổ, mà còn cho thấy đàng sau đó, là một nền tảng học vấn vững vàng.
Cùng trong vùng văn hoá chữ Hán, nội dung sách này hầu như đều cũng là mối quan tâm của người Việt trong việc học Phật giáo. Bài viết này chỉ trích dịch giới thiệu những nội dung vắt tắt khái quát, nhưng hy vọng cũng có thể khơi gợi được ít nhiều điều gì đó cho người đọc.

TN. Thanh Trì trích dịch và giới thiệu.