Kinh điển đã được truyền như thế nào

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Đây là tựa đề của tác phẩm Kinh Điển đã được truyền như thế nào: Lịch sử thành lập và lưu truyền (経典はいかに伝わったか―成立と流伝の歴史) của tác giả Mizuno Kogen (水野弘元) được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản Kosei (佼成出版社) năm 2004.

Mizuno Kogen (1901-2006) là học giả Phật giáo học chuyên Phật giáo Ấn Độ thời kỳ đầu, là nhân vật có học vấn khá có ảnh hưởng đến thế hệ sau, trước tác nhiều tác phẩm luận văn và sách xuất bản. Những tác phẩm chủ yếu của ông như là 『パーリ仏教を中心とした仏教の心識論』(Tâm Thức luận của Phật giáo trong Phật giáo Pāli), 『原始仏教』(Nguyên Thuỷ Phật giáo), 『釈尊の生涯』(Cuộc đời của đức Thích Tôn), 『修証義の仏教』(Phật giáo Tu chứng nghĩa), 『仏教要語の基礎知識』(Tri thức cơ bản về các thuật ngữ trọng yếu của Phật giáo), v.v…. Ngoài ra, ông cũng là tác giả của một quyển sách được biết đến rộng rãi, đặc biệt được sử dụng cả ở các nước có cùng văn hoá chữ Hán, đó là Từ điển Pāli (『パーリ語辞典』).

Như lời của chính tác giả viết ở phần đầu của sách, đây là tác phẩm được viết lại cho người mới học Phật học dễ tiếp cận. Vốn dĩ nó đã được xuất bản từ trước với tựa đề là Kinh Điển: Sự Thành Lập và Triển Khai (『経典―その成立と展開』). Sách gồm có 4 chương như sau:

1. Kinh điển đã được đản sanh ra như thế nào
2. Kinh điển được viết ra bằng ngôn ngữ gì
3. Những nhân vật truyền trì lời Phật dạy
4. Đại Tạng kinh là gì

Hai chương đầu là nói đến việc thành lập kinh điển, hai chương sau là đề cập đến sự triển khai. Cụ thể hơn, hai chương đầu giải thích một cách tổng thể về kinh điển, giới thiệu các chủ đề như kinh điển là gì? Sự tình thành lập kinh điển Phật giáo Nguyên thuỷ là thế nào? Kinh điển cũng xuất hiện trong Đại thừa Phật giáo, vậy kinh Đại thừa là Phật thuyết hay phi Phật thuyết? Phật thuyết là chỉ cho điều gì? Làm thế nào để có thể phán đoán tính chân-nguỵ của kinh điển? Ngôn ngữ kinh điển từ Ấn Độ vốn dĩ đã là ngôn ngữ gì? Kinh điển được ghi chép bằng văn tự gì? Chất liệu để ghi chép kinh điển là gì? v.v…

Ở hai chương sau là khảo sát về kinh điển Hán dịch từ nhiều góc độ khác nhau. Trước tiên, do vì sự tình phiên dịch của kinh điển Hán dịch có khác nhau về niên đại, nên tuỳ theo thời đại mà việc phiên dịch đã được tiến hành như thế nào. Từ xưa, kinh điển Hán dịch thường được nói là “Nhất thiết kinh hơn năm ngàn quyển” nhưng sự thật nay con số đó đã tăng lên gấp rưỡi, đó là những kinh điển đã được phiên dịch trải dài hơn một ngàn năm, từ thế kỷ thứ hai thuộc thời Hậu Hán đến thời đại nhà Nguyên. Trải qua từng thời đại, những nhân vật nào đã phải lao nhọc thế nào để đem kinh điển từ Ấn Độ về và Hán dịch những kinh điển ấy ra? Những kinh điển này đã được nghiên cứu thế nào, được lý giải thế nào ở Trung Quốc? Dần dần, những kinh điển đã được Hán dịch ấy đã được tập hợp, chỉnh lý, và tác thành mục lục (“Kinh Lục”) thế nào? Khi đã tập hợp thành nhất thiết kinh, kinh điển ấy đã được biên chép, được san hành như thế nào? Và cuối cùng cũng đề cập đến việc san hành Đại tạng kinh ở Nhật Bản.

Trên đây là phần lược dịch từ lời đầu sách của chính tác giả ghi. Đặc biệt để nắm được những điểm quan trọng trong lịch sử truyền thừa kinh điển, lần theo những câu hỏi trên thì có thể nắm được vấn đề. Ví dụ, ở chương 1, “kinh điển đã được thành lập khi nào”, đương nhiên điểm đặc biệt cần chú ý là những thông tin và nội dung liên quan lần kết tập đầu tiên sau khi đức Thích Tôn bát niết-bàn. Cho đến khi đó, lời Phật dạy mới được tập hợp và từ đó được truyền tụng theo hình thức khẩu truyền. Vậy tiêu chuẩn nào để phán đoán một kinh là Phật thuyết, là chân kinh? ở cuối chương này, tác giả đề cập đến trường hợp chứng ngộ trong thực tế của thiền, và nói rằng “nếu chúng ta mở rộng tầm mắt để nhìn kinh điển, thì có thể nghe được lời Phật thuyết pháp, đọc được kinh điển nhà Phật, từ trong các hiện tượng tự nhiên, và cả nơi con người bình thường”.

Ở chương thứ 2 nói về ngôn ngữ của kinh điển, vấn đề đáng quan tâm ở đây đương nhiên là ngôn ngữ kinh điển ban sơ tại Ấn Độ. Với đặc trưng văn hoá và lịch sử của Ấn Độ, có hai nhóm ngôn ngữ chính là nhóm ngôn ngữ Ấn Độ-Ārya và nhóm ngôn ngữ của người bản địa Dravida được sử dụng ở quốc gia này. Trong đó, riêng ngôn ngữ thuộc hệ thống của nhóm thứ nhất hiện có thể tính được, nếu chia nhóm lớn thì có mười mấy loại, chia nhỏ hơn có đến số trăm.

Đề cập đến ngôn ngữ mà Phật-đà đã sử dụng để thuyết pháp, đương nhiên, vùng hoạt động khi sinh thời của đức Phật và đối tượng hướng đến của ngài đã được tác giả chú ý. Ở đây, câu chuyện hai tỳ kheo Yameḷu và Tekula đề xuất sử dụng thánh ngữ Vệ-đà và phản hồi của đức Thế Tôn về điều này cũng được đề cập. Ông cũng chỉ ra, với quan điểm truyền giáo cho người bản xứ, giáo pháp Phật-đà đã được giảng dạy bằng ngôn ngữ của từng địa phương mà không cố định một ngôn ngữ nào. Quan điểm này cũng được các đệ tử kế thừa cả sau khi đức Phật diệt độ. Nói cách khác, việc chuyển ngữ lời Phật đã xảy ra ngay chính tại quê hương Ấn Độ của ngài.

Về ngôn ngữ Pāli, tác giả cũng chỉ ra, về mặt ngôn ngữ học, đó không phải là tên gọi của một ngôn ngữ tại Ấn Độ mà đó là một chủng loại ngôn ngữ được gọi chung là Prakrit, thuộc nhóm Trung kỳ Ấn Độ-Ārya, được sử dụng ở vùng phía Tây Ấn Độ (p.84). Ngôn ngữ này sau khi được truyền đến các nước phương Nam đã trở thành thánh ngữ Phật giáo. Về nguồn gốc của ngôn ngữ này, đương nhiên có liên quan lịch sử truyền giáo đến Tích Lan vào thời vua Ashoka (sau Phật diệt độ khoảng 200 năm), nhân vật mang Phật giáo đến đây đầu tiên là ngài Mahinda (xuất thân ở vùng Vidisha). Thời kỳ này tại Ấn Độ, đã xảy ra sự phân phái trong Phật giáo, mỗi bộ phái đã có hệ thống kinh điển riêng. Và hệ thống Nikāya được truyền bởi ngôn ngữ Pāli là của một bộ của Thượng Toạ bộ. Lúc bấy giờ, phương tiện truyền giáo chủ yếu vẫn còn là khẩu truyền và ghi nhớ. Khoảng 200 năm sau khi Phật giáo được truyền đến Tích Lan, kinh điển Pāli mới chính thức được viết thành văn tự, sự kiện này liên quan đến sự bất đồng giữa hai tự viện Mahāvihāra và Abhayagirivihāra.

Việc biên chép thành văn tự trong hệ thống Phật giáo Bắc truyền thì còn trễ hơn trên.

Tại bổn quốc Ấn Độ, lời Phật dạy được tự do truyền tụng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Và văn tự được sử dụng để biên chép kinh Phật hiện có thể xác định được sớm nhất là được viết bằng văn tự Brāhmī và Kharostī như ở các văn bia của vua Ashoka. Theo truyền thuyết, chữ Brahmī là do thần Phạm Thiên sáng tạo ra. Chữ Kharostī là văn tự được sử dụng ở vùng Tây Bắc và Trung Á kế đó, khoảng từ thế kỷ thứ năm trước tây lịch đến thế kỷ thứ ba sau tây lịch.

Những tả bản được phát hiện ở Nepal là hệ văn tự Brahmī phương Bắc, được viết vào khoảng sau thế kỷ thứ 10. Ngoài ra, ở phương Bắc Ấn Độ khoảng từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 12 còn có chữ Tất-đàn, tả bản được truyền đến Trung Quốc thời Đường phần nhiều bằng chữ này, và lúc bấy giờ trong Phật giáo hệ Hán tự gọi “Phạn tự梵字” là chỉ cho loại chữ này. Trong những tả bản được phát hiện ở Nepal, cũng có loại sử dụng văn tự Devanāgarī, đây là loại chữ được xuất hiện và sử dụng từ khoảng thế kỷ thứ 12, 13 trở đi, dạng thức chữ viết này được hình thành từ chữ Brahmī. Trong khi đó, Phật giáo phương Nam Pāli khi biên chép kinh điển, đã sử dụng chữ viết của Srilanka là chữ Sinhala, ngoài ra còn có chữ của Myanma, hay chữ của Thái, hoặc chữ của Campodia.

Nơi chương thứ hai này, tác giả đã cung cấp nhiều tri thức và thông tin hữu ích về ngôn ngữ và chữ viết của kinh điển Phật giáo hệ Ấn Độ.

Chương thứ ba và chương thứ tư chủ yếu những tri thức liên quan kinh điển Hán dịch. Về hệ thống kinh điển này có ba giai đoạn quan trọng là: phiên dịch - tạo mục lục - ấn hành. Từ nơi ba hạng mục này có thể nhìn thấy được một phương diện nỗ lực của Phật giáo đồ dành cho sự nghiệp truyền trì kinh điển. Có thể nói, đó là sự nghiệp song hành xuyên suốt chiều dài lịch sử của Phật giáo, và luôn mang tầm vóc quy mô quốc gia.

Sự nghiệp phiên dịch Phật điển sang Hán tự có thể tính chính thức bắt đầu từ thế kỷ thứ 2 sau tây lịch cho đến thời nhà Tống. Tức khoảng một ngàn năm. Người dịch kinh ban đầu chủ yếu là những nhà truyền giáo người Ấn Độ và Tây vực, sau đó ở Trung Quốc dần dần xuất hiện nhân lực hiểu biết Phật học và có khả năng Phạn ngữ, cũng đảm nhiệm công việc này. Trong đó sự nghiệp phiên dịch của các nhà cầu pháp từ Ấn Độ trở về cũng là các điểm son trong lịch sử phiên dịch kinh điển Hán tự. Có ba thuật ngữ đặc trưng thể hiện các thời kỳ phiên dịch, đó là cổ dịch (từ ban sơ cho đến trước thời La Thập (344-413)), cựu dịch (từ La Thập dịch cho đến trước Huyền Trang (602-664)), tân dịch (chỉ cho sự phiên dịch mới của Huyền Trang).
Về việc dịch kinh này còn một chi tiết quan trọng để hiểu về bản chất kinh điển Hán dịch, đó là việc phiên dịch không phải được đảm nhiệm bởi một người, mà cả một ban được tiến hành tại dịch trường. Ban phiên dịch đại khái gồm có dịch chủ, bút thọ, độ ngữ, chứng Phạn ngữ, nhuận văn, chứng nghĩa, Phạn bối, hiệu khám và đại sứ giám hộ.

Khi kinh điển từ Ấn Độ được đem về và dịch ra Hán tự đủ nhiều, thì có nhu cầu cần phải tổng hợp chúng lại. Thể loại sách Phật chỉ cho loại này gọi là “Kinh lục”. Kinh lục là một loại sách ghi chép những thông tin về kinh điển Phật giáo hiện có ở thời kỳ đó. Đây là nguồn tài liệu quan trọng để xác định một văn bản nào đó đã từng có mặt trong lịch sử Kinh điển Hán tự từ bao giờ. Kinh lục sớm nhất trong lịch sử Phật giáo Hán tự được biết là của Đạo An (312-385) gọi là Tổng Lý Chúng Kinh Mục Lục (綜理衆経目録), ở đấy nêu ra khoảng hơn 500 kinh được phiên dịch từ ban sơ cho đến khoảng nửa đầu thế kỷ thứ tư.

Sau hoạt động tác thành kinh lục, Phật giáo Hán tự bắt đầu sự nghiệp ấn hành nhất thiết kinh. Phần này, tác giả dành trọn chương thứ tư để mô tả hoạt động này, cả ở Trung Quốc và Nhật Bản. Ấn bản đầu tiên của Nhất Thiết Kinh là bản nhà Tống bắt đầu khắc từ năm 971. Với bản khắc gỗ này, kinh điển có thể được in ra nhiều bản để lưu hành nhiều nơi mà không lo có sự sai sót. Từ khi có kinh điển cho đến lúc này, kinh điển được lưu bố là nhờ sao chép tay, san bản này là một thành tựu lớn của Phật giáo Trung Quốc. Từ sau đó còn có các san bản khác. Để cho tiện tham khảo, dưới đây xin trích lên hai bảng tóm tắt thông tin về kinh lục và đại tạng kinh của Trung Quốc (từ 仏教の事典) và khép lại bài giới thiệu này.

Những Kinh Lục hiện còn 
Tên nhân vật soạn Tên kinh lục Tên khác Năm soạn
梁僧祐 Lương-Tăng Hựu 出三蔵記集Xuất Tam Tạng Ký Tập, 15 quyển Tăng Hựu Lục 502-515
 隋 法経 Tuỳ-Pháp Kinh và các cộng sự  衆経目録 Chúng Kinh Mục Lục, 7quyển  Pháp Kinh Lục  593
 隋 彦琮 Tuỳ-Ngạn Tông  衆経目録 Chúng Kinh Mục Lục, 5 quyển  Ngạn Tông Lục/ Nhân Thọ lục  602
 隋 費長房Tuỳ-Phí Trường Phòng  歴代三宝紀 Lịch Đại Tam Bảo Ký, 15 quyển  Tam Bảo Ký  597
 唐 静泰 Đường-Tĩnh Thái  衆経目録 Chúng Kinh Mục Lục, 5 quyển  Tĩnh Thái Lục  666
 唐 道宣 Đường-Đạo Tuyên  大唐内典録Đại Đường Nội Điển Lục, 10 quyển  Nội Điển Lục  664
 唐 靖邁 Đường-Tĩnh Mại  古今訳経図紀 Cổ Kim Dịch Kinh Đồ Ký, 4 quyển  Dịch Kinh Đồ Ký  664-686
 唐 明佺 Đường-Minh Thuyên và cộng sự  大周刊定衆経目録 Đại Chu San Định Chúng Kinh Mục Lục, 15 quyển  Đại Chu Lục  695
 唐智昇 Trí Thăng  開元釈教録 Khai Nguyên Thích giáo lục, 20 quyển  Khai Nguyên lục  730
 唐円照 Đường-Viên Chiếu  貞元新定釈教目録 Trinh Nguyên Tân Định Thích giáo Mục lục, 30 quyển  Trinh Nguyên lục  800
 元慶吉祥 Nguyên-Khánh Kiết Tường và cộng sự  至元法宝勘同総録 Chí Nguyên Pháp Bảo Khám Đồng Tổng Lục, 10 quyển  Chí Nguyên Lục  -1285-

 

 Các Đại Tạng Kinh chủ yếu được san hành ở Trung Quốc   
 Triều đại  Tên Tạng  Tên gọi khác  Năm khắc
 1 Bắc Tống 北宋  Khai bảo tạng 開宝蔵  Thục bản 蜀版, Sắc bản 勅版  971-983
 2 Bắc Tống 北宋  Sùng ninh tạng 崇寧蔵  Phúc Châu bổn 福州本,Đông Thiền Tự bản 東禅寺版,Tống bản 宋版  1080-1112
 3 Bắc Tống 北宋  Tỳ Lô tạng 毘盧蔵  Phúc Châu bổn 福州本,Khai Nguyên tự bản 開元寺版,Tống bản 宋版  1112-1151
 4 Nam Tống 南宋  Tư kê tạng 思渓蔵  Hồ Châu bổn湖州本,Viên Giác Tự bản円覚寺版,Tống bản宋版  Cuối Bắc Tống - đầu Nam Tống
 5 Nam Tống南宋  Tích Sa tạng磧砂蔵  Tô Châu bổn蘇州本, Diên Thánh Viện bản延聖院版, Tống bản宋版  1216-1234
 6 Liêu 遼  Khiết Đan tạng 契丹蔵  Đan bổn 丹本  916-1125
 7 Kim金  Kim tạng 金蔵  Triệu Thành tạng 趙城蔵  1149-1178
 8 Nguyên元  Hoằng Pháp tạng 弘法蔵    đầu thời Nguyên
 9 Nguyên 元  Nguyên Quan tạng 元官蔵    1336
 10 Nguyên 元  Phổ Ninh tạng 普寧蔵  Hàng Châu bổn 杭州本,Phổ Ninh Tự Bản 普寧寺版,Nguyên Bản 元版  1277-1290
 11 Minh 明  Hồng Vũ Nam tạng 洪武南蔵    1372-1414
 12 Minh 明  Vĩnh Lạc Nam tạng 永楽南蔵    trong thời Vĩnh Lạc
 13 Minh 明  Vĩnh Lạc Bắc tạng 永楽北蔵    1421-1440
 14 Minh 明  Gia Hưng tạng 嘉興蔵  Vạn Lịch tạng 万歴蔵,Kính Sơn bản 径山版,Lăng Nghiêm tự bản 楞厳寺版,Minh Bản 明版  1589-1676
 15 Thanh 清  Long tạng 龍蔵  Càn Long tạng 乾龍蔵  1735-1738
 16 Thanh 清  Tần gia tạng 頻伽蔵    1909-1913

 

TN. Thanh Trì giới thiệu.