Tín ngưỡng Phật giáo và Tâm lý học xã hội

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Tâm lý học xã hội, tín ngưỡng tôn giáo được xem là nền tảng kiến tạo đạo đức, điều chỉnh trật tự xã hội. Trong tâm lý học xã hội, tâm lý giáo dục, tâm lý học đương đại, tâm lý quản lý và tâm lý trị liệu… các học giả đã đề cập vấn đề tín ngưỡng khá phổ biến. Tín ngưỡng trong xã hội học được xem là nhu cầu đáp ứng khát vọng tâm linh cho con người.

Đối với mối quan hệ giao hữu giữa các quốc gia ngày một phát triển thuận lợi thì không thể thiếu yếu tố tín ngưỡng tôn giáo. Đa phần tín ngưỡng tôn giáo đều khiến nhân loại tìm được sự an vui trong cuộc sống. Riêng tín ngưỡng Phật giáo có thể đưa con người đạt đến sự giải thoát bằng khả năng nương tựa, và vượt thoát khỏi bản ngã của chính mình, thỏa mãn nhu cầu tinh thần của tự thân. Phật giáo phủ định quyền lực của Thần linh, chỉ thừa nhận sự giải thoát giác ngộ bằng sự tu tập và chứng đắc từ tự thân con người, con người sẽ không thể tìm được sự giác ngộ từ một người khác hay một vị thần linh nào.

Nguồn gốc hình thành tín ngưỡng Toten

Muốn hiểu tín ngưỡng chúng ta phải tìm hiểu nguồn gốc tín ngưỡng Toten. Toten được dịch là tín ngưỡng “Vật Tổ”, là một từ bắt nguồn từ Bắc Mỹ, xuất hiện từ chủng người Áo-kiết -bố-ngạch, bộ lạc A-nhĩ-hiến -kim. Bộ lạc này còn có tên phương ngôn là Áo-thổ-đắc-man. Ý nghĩa ban đầu của chữ Toten là “mối quan hệ anh em thân thuộc”, cũng chỉ cho loại hình tôn thờ của một Thị tộc. Người Trung Quốc từ rất sớm đã đem từ Toten dịch thành tín ngưỡng “Đồ Đằng”. Đối với việc nghiên cứu tín ngưỡng Toten, 20 năm qua, ngành nhân chủng học và xã hội học đã đạt được thành quả vô cùng to lớn trong việc nghiên cứu này. Đối tượng tín ngưỡng Toten chủ yếu là quần thể thị tộc bộ lạc. Trong ý thức cuộc sống quần thể thị tộc, Toten là khởi nguyên tín ngưỡng sớm nhất. Tín ngưỡng này đã được hình thành từ trong tâm tưởng người cổ đại nguyên thỉ đối với hiện tượng tự nhiên. Tác gia nổi tiếng Durkheim, nhà xã hội học đã nghiên cứu cuốn “Đời sống tôn giáo” và đưa ra lý luận, vấn đề tín ngưỡng Toten và pháp thuật của thầy Phù thủy (Thầy Mo, hay Thầy bùa) hỗn hợp lại làm thành tôn giáo khởi nguyên của nhân loại. Freud trên nền tảng phát triển tín ngưỡng Toten đã nói rõ: không chỉ tôn sùng Toten là khởi nguyên của Tôn giáo mà cũng là khởi nguyên của văn hóa, đạo đức và tổ chức xã hội. Toten là một loại hình của ý thức xã hội, nó đã thâm nhập vào các phương diện cuộc sống của người nguyên thủy, nó đã có ảnh hưởng đến sự phát triển và sáng tạo văn hóa, nó là nền tảng là nguyên lý để hình thành nên văn hóa hiên đại của loài người.

Ban đầu tín ngưỡng tôn giáo người nguyên thỉ, vô cùng đơn giản, chủ yếu là những vấn đề trong tự nhiên trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của họ, là một biểu hiện tiến bộ không có hoài nghi. Do vì trong tôn giáo nguyên thỉ, tư tưởng linh hồn và linh hồn bất tử là một loại hiện tượng thiên phú tự nhiên, khi đó tư tưởng con người còn lạc hậu, nhưng họ cũng đã biết đến mối quan hệ với tự nhiên có tác dụng ảnh hưởng đến sự sanh tồn của loài người như thế nào. Đây là nguyên nhân ban sơ đưa con người cổ đại bước vào lĩnh vực tín ngưỡng.

Quan niệm tín ngưỡng Toten được sản sanh từ trong sinh hoạt của loài người nguyên thỉ, họ sanh tồn trong trong điều kiện hoàn cảnh thiên nhiên vô cùng ác liệt và khắc nghiệt: sấm, chớp, mưa bão, hồng thủy, mãnh hổ, ác thú, thiên tai, hoạn nạn… từng giờ từng khắc đe dọa mạng sống và sự sinh tồn của loài người. Trước năng lực và sức mạnh của thiên nhiên, con người không có cách nào hơn là lấy thiên nhiên để đối trị thiên nhiên. Dần dần trong ý thức của người nguyên thỉ, việc tôn thờ và sùng bái thiên thiên được xuất hiện, và quan niệm sùng bái Toten được xem như là thần linh có quyền năng bảo bọc họ. Người cổ đại nguyên thỉ ngoài việc tôn sùng Toten là để tránh tai họa thiên nhiên uy hiếp, còn là phương thức tế cầu, khẩn nguyện sự bình yên cho con người. Họ tôn sùng gấu, beo là cha; cọp, hổ là mẹ, và mỗi bộ lạc đều lấy một loại động vật làm vật sùng bái; cũng có bộ lạc lấy thực vật như cây cối, hòn đá hay các vật thể mà họ cho rằng linh thiêng làm thành vật tôn sùng. Họ cũng cho rằng nhờ vào sức mạnh của sự sùng bái đó khiến họ đấu tranh và chống lại các loài cầm thú hung ác phá hoại, tránh được sự hủy diệt của thiên nhiên. Từ quan điểm này người nguyên thỉ cho rằng tổ tiên của họ chính là động vật. Điều này cho đến nay vẫn còn thấy một số quốc gia vẫn còn tôn sùng những loại thú vật như người Trung Quốc, họ xem rồng là biểu tượng tôn thờ của đất nước họ, người Ấn Độ xem bò là loại động vật linh thiêng. Một vài nơi ở Trung quốc vẫn còn ảnh hưởng tín ngưỡng Toten cổ xưa, họ cũng thờ các động vật như rắn, cóc, cọp…Vương Kiến Vũ, giáo sư khoa sử học tỉnh Hồ Bắc đã nói: “Mặc dù trải qua sự tiếp nhận các hình thức nghi lễ, tín ngưỡng phức tạp và không đồng quan điểm nhưng chung quy người nguyên thỉ đều lấy đối tượng tự nhiên làm chỗ nương tựa tinh thần trong hoàn cảnh xã hội chưa có ánh sáng văn minh xuất hiện”. Do đây, một số động thực vật đã trở thành vị Thần ban đầu của xã hội Thị tộc, vị thần bảo hộ đầy quyền uy, và tín ngưỡng Toten đã được xuất hiện kể từ đây.

Nhân tố tâm lý trong tín ngưỡng Phật giáo

Tâm lý học gia Freud từng chỉ ra rằng: “Thượng đế không phải thống trị, chinh phục lực lượng con người, tôn giáo của con người là hình thức quy y, là sự nương tựa nơi tự thân, nhờ vào sự quy y này, người ta tránh được cảm giác cô độc”. Đối với tín ngưỡng Phật giáo, con người cần hiểu rõ tín điều, lễ nghĩa và giáo điều quy định của Phật giáo, có thể lấy thân phận của tín đồ mà luận bàn nhân tố tâm lý trong tín ngưỡng và tiến hành xác chứng giá trị của tín ngưỡng. Tín ngưỡng không chỉ thỏa mãn nhu cầu tâm linh con người mà còn có khả năng làm tăng giá trị tự tôn trong mối quan hệ giao tiếp xã hội. Tác dụng quan trọng của tín ngưỡng làm thỏa mãn nhu cầu tinh thần nhân loại, duy trì trật tự xã hội, xúc tiến xã hội ổn định và hoàn thiện quy phạm đạo đức con người. Tín ngưỡng là hiện tượng đặc thù trong tâm lý học, là một phương thức hoạt động, một loại thái độ, truy tìm giá trị siêu vượt hiện thực. Tín ngưỡng Phật giáo là sự tôn trọng và phụng hành một loại quy tắc chuẩn mực đối với nhân sinh quan và thế giới quan, nó còn là hiện trạng ý thức cao nhất có thể thống nhiếp các loại ý thức. Từ góc độ tín ngưỡng Phật giáo mà nói, chúng ta không thể trực tiếp thực hành trắc nghiệm mà chúng ta có thể thông qua sự lựa chọn của mỗi cá nhân, sự kiên định trong cuộc sống, trong công việc, trong ngôn từ, trong thái độ cư xử và hành vi biểu hiện mà trực tiếp cảm nhận giá trị tín ngưỡng tối cao.

Quan điểm của Phật giáo là tìm ra con đường thoát khổ cho nhân loại, giải tỏa những cố chấp câu sanh đang tiềm ẩn trong tự thân mỗi con người. Muốn tìm ra bộ mặt thật của nhân sinh thì phải truy nguyên cội nguồn của nhân sinh: “Con người từ đâu sanh ra, và khi chết đi vê đâu?” Nhận thức của nhân sinh đối với thế giới quan còn bị hạn cuộc, vấn đề giải thoát tâm linh và tâm linh bị trói buộc là đề tài muôn thuở. Do vậy, tín ngưỡng Phật giáo là cơ hội giúp nhân sinh tìm ra nơi trở về cuối cùng của họ: Bằng cách con người tự tịnh hóa tâm linh chính mình, có thể đạt được con đường giác ngộ mà các bậc Thánh Hiền đã đi qua. Chính vì thế, Phật giáo chủ trương nhân loại muốn có cuộc sống ý nghĩa, muốn tìm được cảm giác hạnh phúc nên kiến tạo thái độ sống ngay trong hiện tại đầy đủ mỹ đức, thiện hạnh, đồng tình và an tịnh. Mỗi giờ khắc chúng ta nên tự câu thúc mình, thừa nhận năng lực tự thân có hạn tin vào năng lực mà mình đang tín ngưỡng. Điều này có thể đưa chúng ta đến sự an tịnh thân tâm, và đạt được được cảnh giới vô não trong xã hội đầy rẫy phức tạp, thảm họa của thiên tai từng giờ từng khắc đe dọa con người.

Thái độ tâm lý trong tín ngưỡng Phật giáo

Phật giáo chỉ rõ nguyên nhân “Khổ” của nhân sinh trong “Tứ Thánh đế” và “Thập nhị nhân duyên”. Khổ đế và tập đế là một tiến trình phát sanh logic mà Phật giáo đã luận về nhân sinh, đồng thời duyên khởi luận cho rằng: Tất cả vạn vật trên thế gian là do các điều kiện và nhân tố hình thành mà ra, vạn vật hình thành trong mối tương quan tương duyên. “Chư pháp tùng duyên sanh, diệc tùng nhân duyên diệt”, ly khai tất cả các điều kiện và mối quan hệ duyên khởi này ngay lập tức sự vật đều bị hủy diệt và biến hóa. Nguyên thỉ Phật giáo dùng lý duyên khởi để quán sát nhân sinh, con người và sự vật hỗ tương sanh tồn trong điều kiện nhân quả của 12 hoàn tiết: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử. 12 hoàn tiết không ngừng diễn biến và sanh diệt trong mối liên hệ móc xích nhân quả. Trong đó, vô minh, hành là nhân quá khứ; thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ là quả hiện tại; ái, thủ, hữu là nhân hiện tại sanh, lão tử là quả vị lai. Chúng sanh vì thọ báo ứng mà luân chuyển không ngừng trong lục đạo, không có đường ra. Nguyên nhân chúng sanh chịu sự sự luân hồi trong khổ quả là do 12 hoàn tiết câu thúc, nếu đoạn dứt vô minh ngay lập tức 12 hoàn tiết hoàn toàn đoạn diệt. Nếu muốn thoát khỏi khổ cảnh chỉ cần chúng sanh phản tỉnh nội tâm, tự cầu tịnh hóa, phá trừ vô minh, chứng được giải thoát. Trên thực tế cho thấy, cái khổ về tâm linh của con người không phải do nguyên nhân xã hội mà là do con người vô trí đối với cái duyên quá khứ mà đẩy đưa đến quả hiện tại.

Đức Phật đã từng phủ nhận, Ngài không phải là người sáng thế, cũng không phải là người có thể ban phước giáng họa. Ngài cũng không thừa nhận Ngài có thể vứt bỏ vĩnh viễn nhân quả báo ứng cho con người, cũng không chịu vấn đề thiện ác do con người gây ra. Duyên khởi luận của Phật giáo cũng phủ nhận Thần và tư tưởng Phạm thiên của Bà-la-môn giáo. Tín ngưỡng đặc trưng của Phật giáo là y vào tự thân cải thiện tu hành. Từ lý Duyên khởi mà đưa đến kết luận: tất cả sự vật chỉ tồn tại trong ý nghĩa tương đối, không thể vĩnh viễn trường tồn. Nhân sinh khổ là do vô minh loạn động, chấp trước tự ngã, truy tìm sự vĩnh hằng của sự vật, mà tạo thành đau khổ không dứt. Chúng ta sống quá lâu trong thành kiến và định kiến hẹp hòi cùng với lòng kiêu mạn đứng chen chân trong ngôi nhà bản ngã; đến một lúc, chúng ta cần phải bước ra khỏi cửa để được ngắm nhìn toàn bộ sự mênh mông và bát ngát của đất trời, của vạn vật; do đây, mỗi người chúng ta chỉ cần đối lập với vô ngã, hiểu rõ lý duyên sanh, cái khổ từ đây sẽ chấm dứt. Điều này chứng tỏ, tín ngưỡng Phật giáo không mang tính quyền uy, chỉ thuần nhất tinh thần tự do trong đạo đức, lấy Phật-đà làm biểu tượng, lấy giới luật làm tông chỉ tu hành, lấy tinh thần lục hòa làm quy tắc, cải thiện thái độ và tư tưởng của mình trong đời sống thường nhật. Đức Phật là người thành lập giáo đoàn, trong đó mỗi thành viên Tăng-già điều phải biết tuân thủ trật tự, quy tắc, điều chỉnh thái độ của mình trong tinh thần tôn trọng tập thể, có như thế, mỗi vị Tăng-già sẽ đạt được kết quả mỹ mãn do minh tạo ra, đoàn thể Phật giáo sẽ mang đến cái đẹp cho cộng đồng và làm đẹp bộ mặt Phật giáo trong lòng nhân loại.

Động cơ và giá trị quan trong tín ngưỡng Phật giáo

Giá trị quan do nhiều góc độ, nhiều tầng lớp, và do mỗi suy nghĩ của con người mà cấu thành giá trị quan sai biệt. Các nhà tâm lý học, xã hội học đối với việc nghiên cứu giá trị quan không đồng góc độ, nhưng cũng có thể tổng kết những quan điểm chủ yếu. Kluckhohn cho rằng: Giá trị quan là nguyên lý có đầy đủ mô thức hóa, là ba nhân tố hỗ tương tác dụng: 1) nhận thức của con người; 2) tình cảm con người; 3) phương hướng của con người. Ngoài ra, Dương Đức Quảng cũng cường điệu giá trị quan bao gồm: nhận thức, tình cảm và ý hướng; trong ba loại này phân thành: giá trị mục tiêu, giá trị bình luận và giá trị thú hướng. Học giả Perry đem giá trị quan phân thành: giá trị quan kinh tế, giá trị quan đạo đức, giá trị quan xã hội, giá trị quan chính trị, giá trị quan thẩm mỹ, giá trị quan tôn giáo, giá trị quan vật chất, giá trị quan tri thức, giá trị quan chuyên nghiệp và giá trị quan tình cảm. Hoàng Hy Đình lại phân giá trị quan thành: giá trị quan nhân sinh, giá trị quan chính trị, giá trị quan đạo đức, giá trị quan chức nghiệp, giá trị quan thẩm mỹ, giá trị quan hôn nhân, giá trị quan tôn giáo, giá trị quan tự ngã, giá trị quan trong mối quan hệ và giá trị quan hạnh phúc. Trong đó, giá trị quan tôn giáo là giá trị cao nhất vượt thoát cuộc sống hiện thực tầm thường và đưa con người đến cảnh giới chân thiện.

Đến thế kỷ này, kinh tế xã hội có phần khả quan, con người có thể thỏa mãn hơn về vật chất so với 20 năm về trước. Thế nhưng, khổ đau của con người, vấn nạn của xã hội, môi trường ô nhiễm… ngày càng tăng. Ở các quốc gia chậm cũng như đang phát triển ngày càng có nhiều dịch bệnh, đói nghèo, trẻ em bỏ học… vẫn đầy dẫy những tệ nạn con người như hàng hóa, bị phân biệt đối xử, v.v… Tiện nghi vật chất trong sinh hoạt ngày càng nhiều nhưng môi trường bị hủy hoại trầm trọng, làm cho khí hậu thay đổi, địa cầu nóng lên, thiên tai bất thường, động đất sóng thần thường xảy ra làm thiệt hại mạng sống và tài sản con người không thể kể siết... hơn nữa một số người vì công việc không thuận lợi hay vì mâu thuẫn gia đình, tuổi trẻ tình duyên trắc trở họ bèn nghĩ đến tự viện hay giáo đường là nơi họ có thể tìm được sự nguôi ngoai tâm hồn. Điều này cũng có thể xem là động cơ khiến con người bắt đầu tìm đến tín ngưỡng. Vì tín ngưỡng có nhiều hình thức và góc độ cảm nhận khác nhau. Nếu như con người không hề gặp phải những trở ngại tinh thần hay những khúc mắc tâm lý, không trắc trở công việc người ta ít khi tìm đến tín ngưỡng, chỉ khi cùng đường, họ liền nghĩ đến năng lực của Phật, Bồ-tát có thể khiến họ thoát khỏi tâm trạng bất an. Nhưng giá trị quan Phật giáo cho rằng: Con người muốn thoát khổ không cần tìm đến bất kỳ đối tượng nào mà chỉ cần biết khống chế hành vi, thái độ của mình từng giờ từng khắc ngay trong cuộc sống thường nhật, lựa chọn cho mình phương hướng tốt đẹp, phân biệt thiện ác, chánh tà, chân ngụy mới có thể ly khổ đắc lạc. Nơi bình yên và an ổn nhất mà con người có thể quay về là “tâm linh”, chỉ cần con người quay về tâm linh là đến được bến bờ hạnh phúc. “Đến một lúc nào đó, chúng ta hiểu được sự thật của niềm vui không phải là ở đỉnh vinh quang, hay ngon núi ngập hoa vàng mà chính là từng bước chân thảnh thơi và được ngắm hoa cỏ dại trên đường, chúng ta chợt nhận ra rằng: hạnh phúc không phải ở đâu xa mà chính là sự mãn nguyện trong từng phút giây hiện tại.”

Công năng tín ngưỡng Phật giáo ảnh hưởng trong xã hội đương đại

Mặc dù có nhiều đạo giáo và hình thức tín ngưỡng khác nhau, nhưng hình ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm trong Phật giáo vẫn là biểu tượng của sự tín ngưỡng cao độ. Những thanh thiếu niên hiện nay,  phần nhiều các em chưa có tín ngưỡng và chưa cảm nhận được giá trị tín ngưỡng thế nhưng vẫn xem Phật, Bồ-tát là những người có thể bảo vệ các em tránh những điều bất như ý. Trong tín ngưỡng dân gian hình ảnh Bố-tát được xem là “lạc thiện hảo thí” nghĩa là ban bố niềm vui. Do vậy, thói quên của người dân khi chuẩn bị làm một việc gì, họ điều thắp hương khấn cầu chư Phật phù hộ cho họ thuận buồn xuôi gió. Giới kinh doanh lại càng xem việc tín ngưỡng Phật tổ là điều may mắn đem lại phước lành, mua may bán đắc; những người đi biển cầu Bồ-tát chở che tai qua nạn khỏi; các em học sinh đến kỳ thi cử rủ nhau cùng đến chùa thắp hương cầu Phật phù hộ… Tất cả hình ảnh ấy đều là hình thức của việc tín ngưỡng.

Ngoài những điều trên, tín ngưỡng Phật giáo còn là động lực khiến con người thoát ly khổ não, công năng tín ngưỡng Phật giáo tìm đến thú vui tinh thần cho cuộc sống. Từ trong bản chất của cuộc sống mà nói, con người có thể chấp nhận cái khổ vật chất nhưng lại không thể chịu đựng cái khổ tinh thần, cái khổ tinh thần dễ dàng đưa con người vào đường cùng không có lối thoát, thậm chí có thể khiến con người dễ dàng mất đi sinh mạng khi họ không tìm ra chỗ nương tựa. Giáo lý đạo Phật cung cấp cho ta cái nhìn trí tuệ qua mọi hình thức trong xã hội. Phật giáo không cố chấp, bảo thủ cứng nhắc để xa cách quần chúng; cũng không mù quán bám theo đức tin lệch lạc của quần chúng để mình tồn tại. Đạo Phật có thể  chuyển hóa xã hội, chuyển hóa tín ngưỡng quần chúng theo một tuệ giác chính đáng. Với tuệ giác đó, Phật giáo mới tồn tại và phát triển khắp mọi nơi. Nắm vững như thế, một tu sĩ sẽ không cảm thấy có chướng ngại khi hoằng pháp, đặc biệt là nơi vùng sâu vùng xa, không bị chống đối bởi ngoại pháp còn xa lạ với đạo Phật, mà còn hòa nhập, hóa giải đồng hành như từng đồng hành với Khổng và Lão giáo. Thế nên tín ngưỡng Phật giáo là sự chuyển hóa. Sự chuyển hóa của đạo Phật là chuyển hóa tâm hồn con người, chuyển khổ đau thành hạnh phúc, chuyển phiền nào thành an lạc, chuyển hận thù thành tình thương, hóa giải và đưa con người đến sự cảm thông, để từ đó mỗi người đều biết mở rộng lòng đón nhận những điều không như ý đến với mình. Giá trị quan Phật giáo là đưa con người đến con đường tâm linh tuyệt vời, nơi mảnh đất tâm linh ấy không có bóng dáng của sầu bi, chỉ toàn là cảnh sắc tươi đẹp và tâm hồn trở nên thanh thản nhẹ nhàng. Tín ngưỡng Phật giáo còn là dòng nước thanh lương có thể cuốn trôi bao hệ lụy tinh thần giúp con người thanh thản trong công việc và hoàn thiện mình trong cuộc sống.

Tín ngưỡng Phật giáo là niềm tin trên cơ sở khoa học. Bản chất của cuộc đời không hề nhuốm màu đau khổ, con ngươi sở dĩ đau khổ là do tâm thức đối diện với sự vật mà phát sanh khái niệm sai biệt, chấp ngã chấp pháp, chấp chân ngụy, chấp bỉ thử, thành ra khổ đâu triền miên. Tín ngưỡng Phật giáo là nơi con người có thể nương tựa, một sự nương tựa có giá trị cao nhất, sự nương tựa không chỉ xoa dịu nỗi đau tâm lý cho con người mà còn là hòn đảo bình yên nhất không có sự hơn thua, thù hận. Giá trị tín ngưỡng chân chánh giúp con người tìm thấy trí tuệ nơi tự thân, khi trí tuệ đã khai mở là con người bắt đầu thay đổi tham vọng của mình bằng sự rộng lượng, thay đổi sân si bằng đức từ bi, ngay lập tức con người sẽ cảm nhận hạnh phúc không ở đâu xa mà là ngay nơi hành động đã được thay đổi và cải thiện. Đạo Phật kêu gọi con người “hãy mang tài nguyên vô tận về lòng từ, bi, hỷ, xả của bạn ra để xoa hết tất cả những nỗi khổ đau mà chúng ta đã vô tình hay cố ý tạo ra cho nhau từ bấy lâu nay. Thế giới này sẽ đẹp biết bao khi chúng ta mang những thứ sẵn có ấy trong ta để làm cho bạn và thế giới chung quanh được trở nên hạnh phúc”.

Tài liệu tham khảo:
[1]任俊.佛教对当代心理学发展的影响[J].浙江:浙江师范大学教育学院教授,2007:113-116.
[2] 楼宇烈. 中国佛教思想资料选编[M].北京: 北京中华书局,1992,第四卷(第1册).
[3] 方立天.佛教哲学教义[M].中国人民大学出版社,2002.
[4] 张纪梅,许树村,常存库.佛教—— 一种特殊方式的心理治疗[J].医学与哲学,2002.
[5]陈超.论佛教伦理对构建和谐社会的价值[J].福建:福建教育学院政史系,2009: 27-30.
[6]李向平.佛教信仰与社会变迁[M].北京:北京宗教文化出版社,2007.
[7]汪建武.论佛教的信仰特征[J].哲学社会科学版,2005: 53-57.

Chú Thích:
1. Cố Vận, Sùng bái đồ đằng và công năng đồ đằng (J). Đại Học Liên Hợp Bắc Kinh, khoa Triết xuất bản, năm 1999.
2. Ma-nhĩ-căn, Vương Minh dịch. “Đời sống xã hội cổ đại”, Thư viện Thương vụ ấn hành, Bắc Kinh, Trung Quốc. xuất bản năm 1995.
3. Vương Kiễn Vũ, “Luận đặc trưng của tín ngưỡng Phật giáo”, khoa sử Đại học Sư phạm Hồ Bắc, Trung Quôc xuất bản, năm 2005
4. Dương Quang Đức, Giáo dục quản lý, NXB Giáo dục Thượng Hải, Trung Quốc,1997
5. Hoàng Hy Đình, Nhận thức tâm lý học, NXB Giáo dục Tứ Xuyên, Trung Quốc, 1994

Lam Yên
[Tập san Pháp Luân - số 71, tr52, 2009]