BAMIYAN: Dùng tia Laser để phục hồi những pho tượng bị phá hủy bởi chính quyền Taliban
Nghệ thuật gia Nhật Bản, Hiro Yamagata, đang thực hiện dự án dùng ánh sáng tia Laser nhiều màu chiếu lên vách đá để phục hồi những pho tượng Phật 1600 tuổi thọ trong thung lũng Bamiyan.
Nghệ thuật gia 58 tuổi Hiro Yamagata, một cư dân lâu đời của Los Angeles được sinh ra tại Nhật Bản, nói: “Tôi đang làm một công trình nghệ thuật tuyệt tác. Đó là mục đích của tôi, không phải cho nhân quyền, tôn giáo hay chính trị”. Một số tác phẩm nghệ thuật laser khác của ông đang được trưng bày thường xuyên tại viện bảo tàng Guggenheim ở Bilbao, Tây Ban Nha.
Tương phản với không gian của thung lũng Bamiyan, 14 hệ thống laser sẽ phát ra 140 hình ảnh của những bức tường gối chồng lên nhau kéo dài bốn dặm ngang qua vách đá của thung lũng dưới ánh đèn neon màu xanh lá cây, hồng, cam, trắng, và xanh lục. Mỗi một tấm hình sẽ liên tục thay đổi màu và kiểu màu.
Năng lượng được cung cấp bởi những tấm kính nhận ánh sáng mặt trời và những máy phát điện chạy bằng sức gió. Những hình ảnh màu sắc kiểu Day-Glo, cao từ 10 đến 50m cùng kích thước với tượng Phật Thích Ca nguyên thủy.
Vào tháng 3 năm 2001, giới cầm quyền Taliban bất chấp sự phản đối của thế giới đã dùng chất nổ, đạn pháo nổ tung những pho tượng được xây dựng từ thế kỷ thứ 5. Những pho tượng nổi tiếng vì kích thước và vị trí nằm trên con đường Tơ lụa cổ xưa nối liền châu Âu và Trung Á.
Ông Robert Brown nói: “Sự phá hủy hai tháp nhà cao tầng và hai tượng Phật đã liên kết như là một thời điểm trong lịch sử”. Ông là lịch sử gia nghệ thuật của Đại học California ở Los Angeles, và là giám đốc của nghệ thuật Đông Nam Á thuộc Viện Bảo tàng nghệ thuật địa hạt Los Angeles, nói tiếp: “Laser của ông Yamayata sẽ mang nhiều ý nghĩa khi phục hồi những pho tượng này, giống như đài kỷ niệm 9/11 ở New York”.
Các viên chức chính phủ Afghanistan đã tiếp xúc lần đầu tiên với ông Yamagata vào năm 2003 và đã chấp thuận dự án có điều kiện với ông vào năm ngoái. Họ đang chờ đợi sự chấp thuận của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO). Ông Gulam Sakhi Yousafzai, Cựu thủ trưởng điều hành phụ trách nghệ thuật và văn hóa của Afghnistan, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã AP: “UNESCO là cơ quan sẽ có quyết định và thông báo cho chúng tôi. Họ là những chuyên gia. Chúng tôi đang chờ họ trả lời”.
Thống đốc tỉnh Bamiyan, Habiba Sarobi, nói với Thông tấn xã AP rằng bà ta hy vọng UNESCO có thể chứng minh rằng những vách đá không bị tàn phá bởi chùm tia laser 80-100 W sẽ được chiếu thường xuyên vào mỗi tối chủ nhật trong 4 giờ. “Nếu như có cách làm mà không có tác động đến môi trường, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho dự án bởi vì nó sẽ đẩy mạnh du lịch và hình ảnh sẽ gợi chúng tôi nhớ những vách đá đó trông thế nào trước đây”.
Zahir Aziz, Đại sứ Afghanistan tại UNESCO, nói rằng ông sẽ đề nghị và ủng hộ mạnh mẽ dự án của ông Yamagata nếu như dự án được đưa ra UNESCO.
Theo các chuyên gia vật lý và hóa học của Đại học Antwerp và Đại học Công giáo Leuven của Bỉ, cho rằng các chùm tia sẽ không gây hại cho vách đá vì mức độ năng lượng thấp phát ra từ một khoảng cách xa an toàn khoảng từ 6 đến 7 dặm.
Theo ông Yamagata, công trình này đã được sự tài trợ của hãng Mercedes-Benz và sẽ chọn một công ty sản xuất máy phát điện chạy bằng sức gió vào tháng 12 đồng tài trợ; công trình có thể sẽ hoàn thành vào tháng 6 năm 2007.
Lê Thanh (lược dịch)
Theo nguồn tin của CBS
[Tập san Pháp Luân - số 19, tr.93, 2005]