Ấn Độ: Các nhà khảo cổ công bố rằng đức Phật đã từng viếng thăm và thuyết pháp tại Orissa
KOLDATA- Vào ngày 7 tháng 8 năm 2005, các nhà khảo cổ học ở viện Orissa và viện nghiên cứu Đông Nam Á đưa ra các chứng cứ đã khai quật được ở Tarapur, Deuli, Kayama và Radhanager ở quận Jaipur, tiểu bang Orissa về những mảnh khắc chạm của các bình, lọ, cũng như phát hiện ra những ngôi tháp vuông được làm bằng đá tổ ong, gạch nung, những cột trụ hành lang, các thanh xà ngang và các chỉ dụ của vua A Dục. Những chứng cứ đó cho thấy cách đây hơn 2500 năm trước, đức Phật đã viếng thăm và thuyết pháp tại Orissa. Chính điều này phủ nhận lại các giả thuyết trước đây đã cho rằng đức Phật chưa một lần đặt chân đến khu vực này.
Cuộc khai quật còn là bước đột phá trong quá trình khảo cổ học, một lần nữa khẳng định rằng, những di tích mà vua A Dục để lại có liên quan đến Phật giáo đều là minh chứng hùng hồn cho quá trình hình thành và phát triển Phật giáo có mặt tại Orissa, đồng thời đó là một trong những khám phá đầy ngạc nhiên trong lãnh vực nghiên cứu lịch sử cổ.
Bộ trưởng văn hóa của Orissa, ông Darmodar Rout nói: “Cuộc khai quật ở quận Jaipur đã mang lại một sự khám phá đầy ngạc nhiên trong lãnh vực nghiên cứu lịch sử cổ và nghiên cứu lịch sử Phật giáo mà sự việc này đã giải quyết những điều bí ẩn của lịch sử và đặt ra những đề mục mới”. Trong một cuộc họp báo, ông Darmodar Rout lại nhấn mạnh: “Những sự khám pháp hiếm hoi này có thể giải quyết nhiều vấn đề khảo cổ của Ấn Độ và của lịch sử Phật giáo. Những điều tìm thấy đã gây sự thích thú vô cùng và có tầm quan trọng đáng chú ý cho toàn thể thế giới. Chúng tôi xin mời các nhà học giả, các vị Tăng sĩ và các nhà chuyên môn đến thăm viếng những vùng đất này, cũng như góp phần vào việc nghiên cứu xa hơn nữa”.
Còn ông D.R. Pradhan, thành viên bộ khảo cổ học Orissa, đã nói trong cuộc phỏng vấn báo chí hôm chủ nhật: “Theo lời của ngài Huyền Trang, vua Asoka đã xây dựng các ngôi tháp ở những nơi đức Phật đã thuyết pháp. Do đó chúng ta có thể xác nhận rằng đức Phật đã viếng thăm Orissa vì những ngôi tháp tưởng niệm này đã được xây cất bởi vua Asoka. Ngài Huyền Trang nói có 200 Phật tích ở Orissa. Đến đây chúng ta đã kiếm được 139 vị trí.”
Ông Prahan nói thêm: “Trong tiến trình khai quật, chúng tôi đã khám phá những ngôi tháp vuông được làm bằng đá to ong, gạch nung, những cột trụ hành lang, các thanh xà ngang, và các chỉ dụ của thời Asoka.” Ông nói tiếp: “Các lò sành sứ và gốm còn lại của thời đại Asoka cũng được tìm thấy trong khi khai quật. Kích thước của những viên gạch đã chứng tỏ nó thuộc về vương triều Mauryan. Không có những tượng thần được tìm thấy ở những ngọn đồi này, do đó có thể chắc chắn rằng những ngôi tháp này được xây dựng vào thời kỳ đầu của hệ phái Tiểu Thừa (Hinayana) hoặc hệ phái Thượng Tọa Bộ (Theravada) của Phật giáo trong thời hoàng đế Asoka trị vì.”
Ông Prahan lại nói: “Những câu khắc chữ cổ ở Tarapur đã cho thấy hai nhà buôn ở Ukkala (Utkala hay là Orissa) trên con đường đi đến Madhyadesa (phía Bắc Ấn Độ) cùng với 500 xe hàng hóa đã gặp được đức Phật ngay sau ngày thành đạo. Họ dâng cúng đức Phật gạo và mật ong. Đức Phật đã trao cho họ 8 nhúm tóc của Ngài. Sau đó, hai thương gia tôn trí những nhúm tóc này trong ngôi tháp Kesa ở trú xứ của họ tại Asitanjana”.
Tháp Kesa đã được phát hiện cùng với các vị trí Phật tích gần đây ở Tarapur, có thể xem như là ngôi tháp đã được xây dựng bởi Tapusa, một trong hai vị thương gia.
Ngoài ra, những chữ khắc cổ ở trên các mảnh vỏ sò lớn được giao cho giáo sư B.N. Mukherjee ở viện đại học Calcutta, đã giải mã và đưa ra giả thuyết rằng đức Phật đã viếng thăm nơi này.
Qua đó chúng ta có thể thấy, ngành khảo cổ học có những đóng góp rất tích cực trong quá trình truy nguyên tìm về những di tích của Phật giáo, thẩm định lại sự hiện hữu của đức Phật tại Orissa, đặc biệt là những dấu ấn kiến tạo còn để lại của vua A Dục qua những bảo tháp giúp cho Phật giáo càng ngày càng sáng tỏ hơn. Hầu hết những sự khám phá này gợi ý cho chúng ta thấy còn có nhiều vấn đề sẽ được khảo cứu trong tương lai.
Diệu Hảo
(Tổng hợp từ internet)
[Tập san Pháp Luân - số 18, tr.93, 2005]