Ví như một ngọn đèn có thể được dùng để mồi sáng hàng trăm ngọn đèn khác, do đó bóng tối sẽ được soi sáng và ánh sáng này sẽ vô tận. (Duy-ma-cật)
Bằng tất cả niềm tin vào Chánh pháp, vận dụng phương tiện thiện xảo để chuyển hóa những tâm hồn còn đang đắm chìm trong vũng lầy của si mê tham dục, Kinh Duy-ma-cật đưa ra mô hình giáo hóa thật đặc biệt. Với trí tuệ siêu việt, Duy-ma-cật đã làm cho Ma Ba-tuần và toàn thể ma nữ đều cải tà quy chánh. Ông còn giáo hóa họ, làm cho họ “phát tâm Bồ đề, có thể tìm thấy niềm vui nơi pháp thay vì ngũ dục thế gian”.
Sau khi đưa ra một loạt các phương thức tu tập để có niềm vui với Chánh pháp, các thiên nữ đều tỏ lòng tôn kính theo Duy-ma-cật tu tập.
Các thiên nữ hỏi Duy-ma-cật: “Ở ma cung chúng tôi, chúng tôi phải sống như thế nào?”
Duy-ma-cật đáp: “Này các chị, có pháp môn được gọi là ngọn đèn vô tận; các chị nên học. Ví như một ngọn đèn có thể được dùng để mồi sáng hàng trăm ngọn đèn khác, do đó bóng tối sẽ được soi sáng và ánh sáng này sẽ vô tận. Cũng vậy, các chị, một Bồ-tát hướng dẫn và chuyển hóa hàng trăm ngàn người khác khiến cho họ phát tâm cầu giác ngộ tối thượng; mà đạo ý của Bồ-tát không hề tắt ngúm. Cứ mỗi lần thuyết Pháp là mỗi lần tăng thêm tất cả pháp thiện cho mình. Cho nên gọi là Vô tận đăng. Dù các chị có ở nơi cung điện của ma, các chị hãy nên dùng pháp Vô tận đăng này để dẫn dắt vô lượng con trai, con gái của trời khiến phát tâm cầu giác ngộ, vừa để báo ơn Phật vừa làm lợi ích chúng sanh”.
Từ khi đức Thế Tôn thành tựu đạo quả dưới cội Bồ-đề, ánh sáng giác ngộ của Ngài được lưu truyền rộng rãi khắp nơi và phát triển cho đến ngày nay. Điều này không phải ngẫu nhiên có được mà là một quá trình hoằng hóa kế thế của chư vị Tổ sư. Và giờ đây, làm thế nào để cho ánh sáng Chánh pháp tồn tại và phát triển trên thế gian này, đó là nỗi lòng cưu mang đầy trĩu nặng của những bậc tôn túc có tâm huyết cho sự hưng vong của đạo pháp. Bởi lẽ, muốn thắp sáng ngọn đèn Chánh pháp, những vị sứ giả Như Lai không chỉ đơn thuần bằng trí năng mà còn phải bằng cả tâm-hạnh-nguyện của chính mình. Qua bao biến cố thăng trầm phong ba của lịch sử, có lúc ngọn đèn Chánh pháp dường như tắt lịm trước trận cuồng phong tàn bạo, nhưng rồi ngọn đèn huyền diệu ấy vẫn hiện hữu giữa cõi đời. Qua mỗi biến cố, ngọn đèn như được tăng thêm năng lượng để thắp sáng. Năng lượng kì diệu ấy, cứ lần lượt được trao truyền từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế khác. Đó chính là tính kế thừa mang yếu tố quyết định trong việc duy trì và phát triển mạng mạch Phật pháp, thế nên mỗi người con Phật cần phải ý thức về trách nhiệm thiêng liêng cao cả này.
Thực tế mà nói, giáo lý nhà Phật có nhiều đóng góp thiết thực vào đời sống xã hội ở những nơi mà Phật giáo đã và đang chung sống. Điều này lịch sử nhân loại không thể chối từ. Người con Phật hoằng truyền Chánh pháp không vì những ích lợi cá nhân mang tính vụ lợi mà vì hạnh nguyện độ sanh, sẵn sàng dấn thân vào hiểm nguy không hề từ nan trước bao khó nhọc, thậm chí hy sinh cả tánh mạng mình. Và giờ đây, sự hoằng truyền Chánh pháp không chỉ mang cả tính tiếp nối hạnh nguyện, ngoài ra còn thể hiện lòng tri ân, báo ân đối với các bậc tiền nhân.
Đức Bổn sư chúng ta đã thực hành vô lượng hạnh nguyện, bỏ đầu mắt tủy não như bỏ đàm dãi, coi ngai vàng như đôi dép rách bên đường, để dấn thân tìm ra con đường giác ngộ giải thoát cho tự thân và tha nhân, thể hiện tính khả thi mà mỗi con người luôn luôn có, có khả năng thành Phật, có khả năng giác ngộ của mỗi hữu tình. Làm cho ngọn đèn Chánh pháp luôn tỏa sáng, đó tức là kế thừa cả di sản vô giá mà những trân bảo trên cuộc đời này không thể nào sánh được. Vì vậy, lẽ nào người hậu thế không đón nhận gia tài đồ sộ của cha ông đã để lại mà đi làm kẻ tiểu phu thấp hèn hay sao? Chúng ta chỉ có quyền tự hào chớ không được ỷ lại vào di sản của cha ông; vì tất cả những thứ ấy sẽ trở thành sản phẩm của lịch sử nếu như chúng ta không đủ tư cách, tài đức để kế nghiệp. Cho nên, muốn thành tựu hạnh nguyện tự thân cũng như để đáp đền ân đức của đức Như Lai, mỗi người con Phật cần phải kiện toàn tài đức, cùng nhau làm ích lợi thăng hoa cho cuộc đời.
Trong kinh văn, Duy-ma-cật ân cần phó chúc cho chính cả Ma Ba-tuần cũng như các ma nữ, đây là một thế lực không cùng tồn tại trong môi trường của Chánh pháp. Thế nhưng khi đã thuần hóa họ, Duy-ma-cật còn giao trọng trách cho họ là phải truyền bá giáo pháp của đức Như Lai; huống chi những người mang dòng họ Thích, và đã bao năm mang trong mình chí nguyện làm lợi lạc hữu tình. Duy-ma-cật, chính là mô hình gương mẫu, là người đã thay thế cho Phật để truyền trao Phật pháp. Thật cao cả thay, chính ngay những người chống đối, hãm hại mình mà đức Phật vẫn luôn mở rộng đại từ tâm để đón nhận. Điều đó thể hiện rõ mục đích xuất hiện của Ngài. Sự xuất hiện của Ngài trên cõi đời này không gì khác hơn là dùng năng lực tự thân chứng ngộ, rồi sau đó giúp đỡ con người có được cuộc sống hạnh phúc chân thật. Hạnh phúc chân thật ấy luôn tiềm ẩn trong mỗi con người, nhưng vì tâm thức có quá nhiều tham dục u tối nên không thể nhận ra. Và mỗi khi ngọn đèn Chánh pháp được thắp lên thì bao nhiêu bóng tối của vô minh đều được tiêu trừ. Mỗi cá nhân thắp sáng ngọn đèn Chánh pháp là tự thân mình thắp sáng hiện hữu chính mình, làm cho bản thân mình trước nhất được an lạc. Nhân tố này sẽ là tiền đề để phát huy những điều tốt đẹp cho những người kế tiếp.
Từ đây, chúng ta không còn sợ Chánh pháp bị mai một; những công hạnh của các bậc tiền bối sẽ không trôi vào quên lãng, vì đã có những người hậu thế tiếp nhận và phát huy được những việc làm của thế hệ trước. Ngọn đèn vô tận sẽ được thắp lên bằng nhiều nguồn năng lượng khác nhau, năng lượng tình thương, trí tuệ, hạnh nguyện của người con Phật.
Từ đây, khoảng cách giữa thế hệ này và thế hệ khác hiểu nhau hơn, thế hệ trước tin tưởng vào khả năng của thế hệ sau hơn, và những người sau có nhiều cơ hội kế thừa những kinh nghiệm quý báu của các bậc tiền nhân đã để lại. Điều đó được vận hành theo quy luật tất yếu, nếu như giữa người này với người khác, thế hệ này với thế hệ khác đều có sự nối kết chặt chẽ với nhau thì sự thanh tịnh, hòa hợp của Tăng đoàn càng thêm vững mạnh, sẽ kiện toàn được nguồn năng lực từ nội dung đến hình thức.
Mặt khác, phương pháp Vô tận đăng còn nhấn mạnh mô hình tu tập của người Phật tử tại gia. Chánh pháp của Phật còn tồn tại đến ngày hôm nay là do sự đoàn kết hòa hợp của tất cả bốn chúng đệ tử Phật. Trong đó, Phật tử là một phần tử nắm giữ vai trò hết sức trọng yếu. Ngoài trách nhiệm gia đình, xã hội và tạo dựng cuộc sống vật chất ra, người Phật tử còn phát huy yếu tố tâm linh nội tại. Sống giữa cuộc đời nhưng không bị đời làm hoen ố ngược lại còn tỏa hương thơm cho đời. Đây là một lối sống lý tưởng không dễ thực hiện, đòi hỏi người Phật tử cần có một nghị lực vững chãi và có một niềm tin bất hoại đối với Chánh pháp.
Tiếp nối ngọn đèn Chánh pháp là đồng nghĩa góp phần trao cho đời những giá trị chân thật của cuộc sống. Vì trong cuộc đời, nhất là cuộc sống cơ giới hiện nay, đa phần con người dễ có xu hướng sống theo bản năng, nếu như không có một định hướng cho đời mình, không sống một cuộc sống có ý nghĩa thì dễ dàng rơi vào cạm bẫy của khổ đau. Dùng hạnh nguyện của tự thân để cho người nhận thức được giá trị đích thực của Chánh pháp là điều cần thực hiện của một hành giả học Phật. Chính giá trị chân thật này là nguyên nhân, là động lực cần thiết cho con người tô điểm hương sắc cuộc đời. Muốn làm được điều đó, người truyền trao phải có chất liệu thật sự, phải có tâm nguyện lợi tha, và tất nhiên người tiếp nhận cũng phải có tấm lòng đồng điệu, tương ứng.
Tịnh Lạc.
[Tập san Pháp Luân - số 4, tr.]