Để Phật tử thế giới có duyên lành chiêm bái những Thánh vật thiêng liêng này, từ tháng 3 năm 2001, ban quản lý Dự án Di-lặc đã cung tống xá-lợi ra nước ngoài và đã triển lãm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã hội đủ thiện duyên được cung nghinh và triển lãm ngọc xá-lợi Phật và Thánh Tăng.
Ngày 6/3, hàng ngàn Tăng ni và Phật tử đã cung nghinh và chiêm bái ngọc xá-lợi Phật và Thánh Tăng tại chùa Phước Huệ, Đà Lạt. Ước tính có hàng chục ngàn lượt người đến chiêm bái xá-lợi tôn trí tại chùa Phước Huệ, Đà Lạt trong bốn ngày (từ 6-9/3).
Theo Lạt-ma Zopa Rinpoche, giám đốc tinh thần Dự án Di-lặc và là chủ sở hữu ngọc xá-lợi này, bộ sưu tập xá-lợi vô giá này gồm nhiều ngọc xá-lợi Phật; xá-lợi tôn giả Xá-lợi-phất, tôn giả Mục-kiền-liên, tôn giả A-nan cùng nhiều xá-lợi của hàng trăm vị cao Tăng Trung Quốc và Tây Tạng. Bộ sưu tập 500 viên xá-lợi này đã được đức Đạt-lai Lạt-ma và Lạt-ma Zopa Rinpoche thẩm định và xác quyết.
Để Phật tử thế giới có duyên lành chiêm bái những Thánh vật thiêng liêng này, từ tháng 3 năm 2001, ban quản lý Dự án Di-lặc đã cung tống xá-lợi ra nước ngoài và đã triển lãm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã hội đủ thiện duyên được cung nghinh và triển lãm ngọc xá-lợi Phật và Thánh Tăng.
Theo chương trình dự định, sau triển lãm tại chùa Phước Huệ là Huế từ ngày 12 đến 15/3; tại Hà Nội từ ngày 19 đến 22/3 và TP. HCM từ ngày 27 đến 30/3. Từ ngày 9 đến 26/3, không thấy thông tin về việc cung nghinh và triển lãm xá-lợi.
Tuy nhiên, báo chí Bình Dương và một số ít trang điện tử đưa tin, ngọc xá-lợi Phật và Thánh Tăng được tôn trí tại chùa Châu Thới Sơn, Dĩ An, Bình Dương từ ngày 27-29/3 với hàng chục nghìn lượt Phật tử đến chiêm bái.
Được biết, sau đó xá-lợi được cung thỉnh sang Indonesia và tiếp tục cuộc hành trình triển lãm trên thế giới. Sau cùng là về lại Ấn Độ và tôn trí vĩnh viễn trong Đại Phật Di-lặc tại Câu-thi-na. Dự kiến tượng Phật này cao 152 m, làm bằng đồng và có thể tồn tại trên 1000 năm.
Nguyên Lộc
[Tập san Pháp Luân - số 61, tr93, 2009]