Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14, ngài Tenzin Gyatso đã viếng thăm và ủng hộ $150,000 như đã hứa cho Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục về Tâm từ bi và Lòng vị tha (CCARE) tại trường Đại học Y khoa Stanford vừa đi vào hoạt động trong thời gian gần đây, nhằm thực hiện các nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng của những loại suy nghĩ và cảm xúc này lên hệ thần kinh con người.
Đây được biết là số tiền lớn nhất mà Ngài từng đóng góp cho một dự án khoa học. Sự đóng góp của Ngài dẫu không nhiều so với con số 2 triệu USD mà trung tâm này đã quyên góp được. Song, hành động đó cũng giúp cho các tổ chức Phật giáo và Thiên Chúa giáo khác bắt đầu mở hầu bao của họ cho trung tâm.
Trung tâm là sáng kiến của giáo sư, bác sĩ khoa giải phẫu thần kinh Jim Doty và nhà thần kinh học William Mobley cùng các nhà khoa học đồng nghiệp khác tại đại học Stanford. Ý tưởng thành lập trung tâm bắt đầu vào tháng 11 năm 2005, khi đức Đạt-lai Lạt-ma đến Stanford tham dự buổi nói chuyện giữa các khoa học gia và các học giả Phật giáo về những khảo sát mang tính khoa học và tâm linh dựa trên kinh nghiệm của con người về tham ái và đau khổ. Sau chuyến thăm đó của đức Đạt-lai Lạt-ma và cũng dựa trên chính sở thích và kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực này, ông Doty đã tổ chức những buổi gặp gỡ, trao đổi nội bộ giữa các nhà khoa học của Stanford như Mobley, người cùng điều hành trung tâm với ông; Brien Kuntson - tiến sĩ tâm lý học; và Gary Steinberg, bác sĩ, giáo sư khoa giải phẫu thần kinh trong nỗ lực thúc đẩy các công trình nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc về vấn đề tương tác não bộ của hai đức tính bi mẫn và vị tha. Đến năm 2008, đoàn đại biểu từ Stanford đến Seattle, nơi đức Đạt-lai Lạt-ma đang tham dự một cuộc hội thảo liên quan đến lòng bi mẫn, biết được ý định đó của trung tâm, Ngài hứa sẽ quay trở lại Stanford và ủng hộ $150,000 cho những hoạt động nghiên cứu về vấn đề này. Sự kiện này đánh dấu bước chuyển lớn từ chỗ khởi đầu là các hoạt động nghiên cứu chỉ mang tính tự phát nội bộ giữa những nhà khoa học có cùng sở thích và chí hướng sang chính thức thành lập một trung tâm nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Trung tâm đến nay đã quyên góp được hơn 2 triệu USD và đã thực hiện một vài nghiên cứu thí điểm, trong số đó có một vài trường hợp tiến hành khảo sát trên các hành giả tu tập thiền định theo truyền thống Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Trong một cuộc quan sát, người ta nhận ra rằng khi những hành giả này khởi tâm suy nghĩ về những sự việc có liên quan đến lòng từ bi và vị tha thì khu vực não bộ mang tên neuro accumbens (còn được gọi là “vui trung tâm”) hoạt động mạnh mẽ hơn. Người ta còn đang khảo sát về phản ứng của cá nhân đến những nỗi khổ niềm đau của người khác, trong đó có 2 dạng phản ứng tiêu biểu: hoặc là chán ghét, thờ ơ hoặc là thấu hiểu, cảm thông và mong muốn hành động để xoa dịu nỗi đau ấy.
Dĩ nhiên, mục đích của trung tâm không chỉ ngừng lại ở việc nghiên cứu mà còn hy vọng sẽ khám hiện ra nhiều ý tưởng cho khả năng thiết lập mô hình luyện tập tinh thần để giúp mỗi cá nhân trở nên nhân ái, từ bi và vị tha hơn nhằm giúp các đối tượng như: cha mẹ và trẻ em trong những gia đình thường xuyên xảy ra nạn bạo hành trở nên hòa thuận hơn, các tù nhân trong trại giam bớt bạo lực hơn từ đó ngăn ngừa khả năng tái phạm, và tỷ lệ suy nhược thần kinh trong giới công nhân viên chức sẽ ngày càng giảm.
Trung tâm cũng sẽ bảo trợ cho một hội nghị chuyên đề dự kiến diễn ra vào tháng 3, tập họp nhóm các nhà khoa học từ nhiều lĩnh vực khắp nơi trên thế giới về tham dự bao gồm: các triết gia, học giả thiền định, nhà kinh tế thần kinh, khoa học gia về thần kinh. Tất cả họ đều đang làm việc trong phạm vi của cuộc nghiên cứu về tâm từ bi và lòng vị tha.
Một số người quan ngại rằng trung tâm sẽ gặp phải nhiều sự chống đối từ các nhà khoa học khác về sự liên hệ của nó đến một nhân vật tôn giáo và chính trị như đức Đạt-lai Lạt-ma như cách đây vài năm Ngài đã từng gặp phải trong một cuộc họp thường niên về khoa học thần kinh. Song, chính giám đốc trung tâm cũng phản hồi lại rằng đây chỉ đơn giản là công tác nghiên cứu khoa học dựa trên sở thích cá nhân cùng một vài đồng nghiệp và sự đóng góp của ngài Đạt-lai Lạt-ma không đồng nghĩa với nỗ lực nghiên cứu quan điểm của Phật giáo về khía cạnh này.
Ngọc Ánh
Theo bản tin compassion.stanford.edu
[Tập san Pháp Luân - số 60, tr94, 2009]