Ông Ban Ki Moon bày tỏ lòng kính ngưỡng sâu sắc đối với đức Phật và khẳng định giáo pháp của đức Phật sẽ mang lại hòa bình, hòa giải và hỗ tương giữa các tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa khác nhau trên thế giới. Và giáo lý của đức Phật sẽ thúc đẩy nhân loại theo đuổi một thế giới tốt đẹp, hòa bình và thịnh vượng hơn.
Nepal: Theo Kathmandu Post, ngày 01 tháng 11, Tổng thư ký Ban Ki Moon và phái đoàn Liên Hiệp Quốc đã viếng thăm Thánh địa Lumbini. Phát biểu với báo chí và những người tham dự, người đứng đầu tổ chức lớn nhất hành tinh này nói rằng đức Phật là bậc vĩ nhân điển hình cho sự từ bỏ hạnh phúc cá nhân để đối diện với thực tại khổ đau của cuộc sống, và tìm phương pháp giải thoát khổ đau cho chính mình và người khác. Ông nói: “Với cương vị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, khi đến thăm thánh địa này, tôi được thúc đẩy rất nhiều trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình cho nhân loại”. Ông luôn ủng hộ Dự án Phát triển Lumbini và ngỏ lời hỗ trợ để sớm hoàn thành dự án tâm linh này.
Ông Ban Ki Moon bày tỏ lòng kính ngưỡng sâu sắc đối với đức Phật và khẳng định giáo pháp của đức Phật sẽ mang lại hòa bình, hòa giải và hỗ tương giữa các tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa khác nhau trên thế giới. Và giáo lý của đức Phật sẽ thúc đẩy nhân loại theo đuổi một thế giới tốt đẹp, hòa bình và thịnh vượng hơn.
Phái đoàn của ông Ban Ki Moon đến Nepal trong công vụ của Liên Hiệp Quốc và viếng thăm Lumbini theo lời mời của Thủ tướng Nepal, Pushpa Kama Dahal. Tại thánh địa Lumbini, phái đoàn được Ban quản lý Dự án Phát triển Lumbini và Tăng Ni Phật tử đón tiếp long trọng. Ông Ban viếng thăm tất cả các di tích trong thánh địa và ấn tượng nhất là trụ đá của vua A-dục. Sau khi tóm tắt Dự án Phát triển Lumbini, ông Keshav Shakya, phó ban quản lý Dự án đề nghị Liên Hiệp Quốc hỗ trợ để dự án sớm hoàn thành và đã được ông Ban hoàn toàn ủng hộ.
Đức Phật đản sanh tại tiểu lục địa Ấn Độ hơn 2550 năm trước. Thế kỷ thứ III trước công nguyên, Hoàng đế Phật tử A-dục chiêm bái khu vườn Lumbini và khắc chỉ dụ trên một trụ đá để xác định cho hậu thế biết đức Thế Tôn đã đản sanh tại Lumbini. Từ đó về sau, nhiều vua quan, thức giả, Tăng Ni và Phật tử hành hương chiêm bái thánh địa này. Cho đến năm 1312, sử liệu còn ghi, vua Ripu Malla, trị vì vương quốc Karali, phía Tây Nepal viếng thăm và lễ bái thánh địa Lumbini. Tuy nhiên, từ nửa thế kỷ XIV đến cuối thế kỷ XIX, Lumbini đã bị quên lãng. Mãi đến năm 1896, tiến sĩ Futher phát hiện trụ đá khắc chỉ dụ của vua A-dục và hai năm sau, chỉ dụ này được tiến sĩ Buhler chuyển dịch và công bố tại Anh quốc, thánh địa Lumbini mới được chú ý trở lại.
Năm 1956, Hội nghị Liên hữu Phật giáo thế giới lần thứ 4, tổ chức tại Nepal, đã thảo luận một dự án phát triển khu vực tâm linh nổi tiếng thế giới này. Đến năm 1967, cố Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông U Thant viếng thăm Lumbini. Và ông đã thảo luận dự án phát triển Lumbini với cựu quốc vương Nepal Mahendra. Sau đó, được sự ủng hộ mạnh mẽ của Liên Hiệp Quốc, quốc vương Mahendra đã phê chuẩn Dự án Phát triển Lumbini. Họa đồ của dự án này do kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật, giáo sư Kenzo Tange thực hiện trong thời gian 8 năm, từ năm 1970 đến 1978. Dự án chính thức khởi công vào năm 1978, với diện tích 774 ha, chia thành ba khu vực: ngôi làng mới Lumbini, khu Tự viện và vườn Lumbini. Ngôi làng mới Lumbini gồm viện bảo tàng, thư viện, khách sạn, nhà nghỉ và những dịch vụ phục vụ cho du khách đến chiêm bái thánh địa này. Khu vực Tự viện gồm tự viện của hai truyền thống Bắc và Nam tông từ nhiều quốc gia Phật giáo. Vườn Lumbini là thánh địa chính nơi đức Phật đản sanh.
Từ khi Liên Hiệp Quốc và hoàng gia Nepal phê chuẩn Dự án Phát triển Lumbini, ban quản lý dự án đã tổ chức nhiều hội nghị quốc tế về dự án này, nhưng đã trãi qua hơn 30 năm, dự án vẫn chưa hoàn thành. Ông Keshav Shakya nói với báo chí tại Lumbini rằng, lẽ ra dự án này đã phải kết thúc vào năm1995, nhưng vì tình trạng bất ổn chính trị ở Nepal kéo dài trong nhiều năm, nên thiếu sự hỗ trợ của chính phủ; vì vậy tiến độ dự án bị chậm lại. Hiện nay, dự án đang rất cần sự hỗ trợ của chính phủ Nepal và Liên Hiệp Quốc.
Theo ông Colin Kaiser, trưởng văn phòng Liên Hiệp Quốc tại Nepal, trong 5 vị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc công du đến Nepal, ông Ban Ki Moon là người thứ tư đến thăm thánh địa Lumbini. Ông Kofi Annan có công du đến Nepal nhưng không viếng thăm thánh địa này.
Nguyên Lộc
[Tập san Pháp Luân - số 56, tr.94, 2009]