Các nhà lãnh đạo Phật giáo vẫn biết những lời xin lỗi và hối tiếc của Tổng thống Lee Myung-bak, phát biểu trong cuộc họp nội các ngày 9 tháng 9 và được truyền hình trên toàn quốc, chưa thật sự thành tâm và đủ thiện ý.
Theo nhật báo Chosun, trong một hội nghị Phật giáo toàn quốc để tìm giải pháp cho sự xung đột giữa Phật giáo và chính quyền vào ngày 27 tháng 9, lãnh đạo của các tông phái Phật giáo Nam Hàn đồng thuận chấp nhận lời xin lỗi của Tổng thống Lee Myung-bak và ngưng những cuộc biểu tình chống lại những hành động khinh thị Phật giáo của giới chức trong chính phủ trong lúc những xung đột xã hội đang gia tăng và nền kinh tế nước này đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của sự khủng hoảng tài chánh toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo Phật giáo vẫn biết những lời xin lỗi và hối tiếc của Tổng thống Lee Myung-bak, phát biểu trong cuộc họp nội các ngày 9 tháng 9 và được truyền hình trên toàn quốc, chưa thật sự thành tâm và đủ thiện ý. Điều Phật giáo cần là hành động cụ thể để ngăn chặn những hành động khinh thị Phật giáo, kỳ thị tôn giáo và truyền bá Phúc âm bằng ảnh hưởng chính trị và quyền lực của giới lãnh đạo quốc gia Nam Hàn, chứ không phải là những lời nói chỉ nhằm xoa dịu sự phản đối ôn hòa đang lan ra toàn quốc của tín đồ Phật giáo. Nhưng trong tình trạng nền kinh tế nước này đang gặp khó khăn và xung đột xã hội gia tăng, các nhà lãnh đạo Phật giáo không muốn tình trạng căng thẳng giữa Phật giáo và chính quyền tiếp tục gia tăng. Vì nó có thể là cơ hội để một số tôn giáo cực đoan lợi dụng kích động nhằm gây thêm xáo trộn xã hội.
Trong những năm gần đây đã có nhiều kháng thư ôn hòa của các nhà lãnh đạo Phật giáo vì sự phân biệt tôn giáo trong giới công quyền của các nhiệm kỳ Tổng thống tín đồ Tin Lành. Sự khinh thị Phật giáo ngày càng gia tăng và công khai hơn trong giới công chức kể từ khi ông Lee Myung-bak lên làm Tổng thống hồi tháng 02/2008. Trước khi lên nắm chính quyền, ông Lee đã nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ Tin Lành nhiệt thành như lời tuyên bố dâng thành phố Seoul cho Thiên Chúa khi ông đang làm thị trưởng thành phố Seoul trong năm 2002. Và sau khi trở thành người đứng đầu chính phủ, ông càng thể hiện lòng nhiệt thành của mình bằng cách bổ nhiệm hầu hết các chức vụ quan trọng trong nội các của ông cho những người ngoan đạo và nhiệt thành như ông. Đồng thời ông làm ngơ trước những hành động xúc phạm Phật giáo của những quan chức chính phủ và chính quyền địa phương. Điều này trái ngược với hiến pháp nước này quy định về sự tách biệt giữa chính quyền và tôn giáo.
Mặc dù theo thống kê của chính phủ, năm 2005, số tín đồ Phật giáo chiếm 22,8% nhưng trong thực tế, tín đồ Phật giáo chắc chắn nhiều hơn số lượng mà chính phủ thống kê. Tín đồ Thiên Chúa giáo và Tin Lành chỉ chiếm khoảng 29%, phần trăm còn lại là người theo Phật giáo, các tôn giáo khác và người không tôn giáo. Nếu để tình trạng thiên vị tôn giáo như thế gia tăng sâu rộng sẽ có thể dẫn đến nguy cơ xung đột tôn giáo, vì vậy từ đầu tháng 7, Phật giáo bắt đầu hành động để ngăn chặn một viễn cảnh xấu có thể xảy ra và để các tôn giáo có thể sống chung hài hòa với nhau như trong lịch sử tôn giáo nước này. Sự phản đối bắt đầu chỉ vài chục người, đến ngày 27 tháng 8, đã có hơn 60,000 Tăng Ni Phật tử của 25 Tông phái trong toàn quốc tuần hành phản đối ôn hòa tại thủ đô Seoul, buộc chính phủ của ông Lee phải xin lỗi và hứa hẹn không để những chuyện này tái diễn.
Phật giáo đã tồn tại và đồng hành cùng dân tộc Hàn Quốc gần 17 thế kỷ kể từ khi Tổ sư Thuận Đạo đem Phật giáo từ Trung Quốc đến đất nước này vào năm 372. Giáo lý của đức Phật từng là tư tưởng chủ đạo trong đời sống tinh thần và tâm linh của dân tộc trong những giai đoạn đất nước này hưng thịnh, nhưng không vì thế mà Phật giáo gây cấn hay khinh thị các tôn giáo khác.
Thích Nguyên Lộc
[Tập san Pháp Luân - số 55, tr.94, 2008]