Theo nguồn tin từ báo The Times of India đăng tải ngày 22 tháng 8 năm 2008, một nhóm chuyên gia khảo cổ thuộc khoa Khảo cổ học của Đại học Calcutta vừa phát hiện một tu viện xây dựng cách đây gần 1400 năm đã bị chôn vùi dưới một ngọn đồi tại ngôi làng Moghalmari, cách thị trấn Dantan 5 km, quận West Midnapore thuộc bang West Bangal.
Sau khi thẩm định những di vật tìm thấy trong di tích của tu viện cổ này, các nhà khảo cổ tin rằng tu viện này được xây dựng vào thế kỷ thứ VII trong thời gian ngài Huyền Trang đang chiêm bái tại Ấn Độ. Và nó là tu viện mà ngài Huyền Trang đã đề cập trong ký sự của ngài tại Bangal. Ngoài Ký sự của ngài Huyền Trang, không một nhà chiêm bái hay sử gia nào đề cập về một Tu viện Phật giáo tại ngôi làng này, nên sự ghi chép này, trước đây, đã gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn. Sự phát hiện này củng cố thêm rằng, những gì ghi chép trong ký sự của ngài Huyền Trang là chính xác. Rất nhiều phát hiện khảo cổ Phật giáo tại Ấn Độ được căn cứ vào Ký sự của ngài Huyền Trang và còn một số thánh tích trong Ký sự này vẫn chưa được xác định.
Cách đây hai năm, một nhóm chuyên gia cũng thuộc Đại học Calcutta đã trải qua vài tháng tại nơi này để hoàn thành một dự án do Hội đồng Nghiên cứu Công nghệ và Khoa học tài trợ, nhưng họ đã gặp một số trở ngại nên không thể phát hiện tu viện này. Đối với cư dân địa phương, ngọn đồi cao 10m này đã gắn liền với nhiều truyền thuyết và huyền thoại. Lần này, được sự tài trợ của Cơ quan nghiên cứu Khảo cổ Ấn Độ, đội khảo cổ thuộc đại học Calcutta tiếp tục công việc mà đồng nghiệp của họ chưa thực hiện được cách đây hai năm.
Tờ The Times of India trích lời của ông Asoka Datta, người đứng đầu nhóm chuyên gia này nói, “Sự hiện diện của chúng tôi đã thu hút sự chú ý của người dân địa phương. Họ đưa cho chúng tôi hàng trăm di vật, tượng Phật bằng đá, thạch cao quý, đồ sành, v.v… những đồ vật này đã được sưu tập từ nhiều thế hệ. Người dân địa phương đã thu thập chúng trong nhiều năm để trang trí tại các tư gia, thư viện, trường học, v.v…”
Theo đánh giá của giới chuyên môn, tu viện này là một trong những tu viện rộng nhất tại Đông Ấn cũng như cả nước. Tất cả đồ vật trang trí trên vách tường và mái vòm đều được làm bằng loại thạch cao quý. Cũng theo tờ The Times of India, ông Asoka Datta nói, “Toàn bộ tu viện này được làm bằng loại thạch cao quý. Chưa có một tu viện Phật giáo nào làm toàn chất liệu này, thậm chí Bodhgaya, thánh tích này chỉ làm bằng thạch cao quý này tại chánh điện. Chúng tôi đã khai quật bên sườn phía đông tu viện và rất ngạc nhiên vì chiều dài tu viện dài đến 65m; có thể nói đây là Tu viện Phật giáo có chiều dài dài nhất tại Ấn Độ”.
Tu viện xây theo mô hình: chính giữa là điện thờ đức Phật, xung quanh là những căn phòng nhỏ để các Tỳ-kheo cư ngụ. “Điều khiến chúng tôi thích thú nhất là phát hiện một bệ đá thờ Phật được điêu khắc theo từng tầng. Hai đầu tượng đá, có thể là tượng Phật, cũng được tìm thấy, nhưng chúng tôi vẫn đang đợi sự thẩm định”, ông Datta nói.
Đại học Calcutta đã gởi những di vật cho giáo sư Bratindranath Mukherjee, một chuyên gia về cổ vật. Ông ta cũng đã khẳng định rằng những cổ vật này có niên đại khoảng thế kỷ thứ VII. “Chúng thuộc giai đoạn sau triều đại Gupta, niên đại khoảng cuối thế kỷ thứ VI và đầu thế kỷ thứ VII. Vài trong số những cổ vật có khắc câu ‘Sự truyền bá Chánh pháp không thể không có nhiều hy sinh’”, ông Mukherjee nói. Nghệ thuật điêu khắc của Tu viện này rất giống với nghệ thuật được phổ biến trong các Tu viện ở Tây Bắc Ấn, đặc biệt là nghệ thuật Gandhara.
Hội Asiatic Society đang cung cấp tư liệu cho việc khai quật này. “Đây là một sự khám phá đầy ngạc nhiên. Chúng tôi đã công bố sơ bộ về sự phát hiện này và sẽ công bố chi tiết và toàn bộ trong chuyến viếng thăm đến nơi này của tổng thống Ấn Độ, bà Pratibha Patil, vào ngày 23 tháng 8 này”, Ramkrishna Chatterjee, thư ký của Hội này nói.
Nguyên Lộc
[Tập san Pháp Luân - số 54, tr.94, 2008]