Nếu như vào năm 2001, cả thế giới phải chịu một cú sốc lớn về việc hai bức tượng Phật cổ khổng lồ ở Bamiyan – Afghanistan bị Talibans đánh sập, thì ngày nay người ta còn kinh ngạc hơn khi phát hiện ra đằng sau hai tượng Phật ấy là một hang động được trang trí bởi nhiều bức họa quý có niên đại từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 9 sau Tây lịch.
Nhờ những thí nghiệm của cơ quan nghiên cứu khả năng bức xạ Xicrotron ở châu Âu (ESRF), các nhà khoa học đã chứng minh được rằng những bức tranh này được làm từ dầu. Điều đó có nghĩa là tranh sơn dầu đã có mặt ở khu vực này hàng trăm năm trước khi kỹ thuật vẽ tranh bằng dầu được “phát minh” ở châu Âu.
Trong nhiều sách về lịch sử và hội họa châu Âu, người ta cho rằng kỹ thuật vẽ tranh bằng sơn dầu xuất hiện lần đầu tiên ở châu lục này vào thế kỷ 15. Tuy nhiên, các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu ở Nhật Bản, Pháp, Mỹ và châu Âu đều cho rằng họ đã xác định được thành phần dầu khô trong những mẫu mà họ đã nghiên cứu tại hang động ở Bamiyan.
Các nhà khoa học cũng khám phá ra rằng những bức tranh trong 12/50 hang động mà họ nghiên cứu, tinh chất dầu được lấy từ quả óc chó và hạt cây anh túc. Ông Yoko Taniguchi – dẫn đầu nhóm các nhà khoa học cho biết: “Đây rõ ràng là những bức tranh sơn dầu sớm nhất trên thế giới, mặc dù dầu khô đã được người La Mã và Ai Cập cổ sử dụng, nhưng chỉ dưới hình thức thuốc men hoặc mỹ phẩm.”
Mãi cho đến thế kỷ thứ 13, chất liệu dầu mới được thêm vào để vẽ ở châu Âu và tranh sơn dầu đã không được sử dụng rộng rãi cho đến đầu thế kỷ 15.
Bamiyan từng là một trung tâm Phật giáo phát triển thịnh vượng – nơi mà các tu sĩ thường xuyên sống trong các hang động được tạo thành từ những vách đá.
Những bức tranh trong hang động rõ ràng là tác phẩm của các họa sĩ đã từng đi dọc trên con đường tơ lụa, con đường thương mại cổ giữa Trung Hoa và các nước Trung Á và Tây Phương, vẽ về hình tượng đức Phật trong y phục áo choàng màu đỏ son và các câu chuyện thần thoại khác.
Vào tháng 3 năm 2001, với lý do là những bức tượng này không thuộc về đạo Hồi, chính quyền Taliban ở Afghanistan đã sử dụng hàng tá chất nổ để phá hủy 2 bức tượng Phật khổng lồ cổ nhất thế giới (hơn 600 năm tuổi).
Trở về với những bức tranh sơn dầu, các nhà khoa học hy vọng rằng các cuộc nghiên cứu sau này sẽ cung cấp những hiểu biết sâu hơn về kỹ thuật tranh sơn dầu ở khu vực con đường tơ lụa này. Và qua đó, mọi người sẽ thấy rõ hơn sự đóng góp của kiến trúc Phật giáo đối với nền kiến trúc mỹ thuật thế giới như thế nào. Qua kiến trúc mỹ thuật, mọi người cần tìm hiểu và trân quý những giá trị của Phật giáo đã để lại, vì nơi đó bảo tồn những di sản thế giới mà bất cứ ai cũng phải tôn trọng và duy trì.
Maika tổng hợp
[Tập san Pháp Luân - số 51, tr.95, 2007]