Nepal đang trở thành Thánh địa của khoa Phật học
KATHMANDU, Nepal – Đối với nhiều người có lẽ sự kiện Nepal trở thành một trong những nơi được ưa chuộng nhất để theo đuổi khoa Phật học cao cấp là một điều mới lạ. Riêng tại Kathmandu có đến vài chục học viện mở khoa Phật học để đón nhận mức cầu lớn của số sinh viên Tây phương đang tập trung về tìm hiểu Phật giáo tại Nepal hằng năm.
Thú vị nhất là trường hợp ông Greg Whitefield, người Anh, đến Nepal lần đầu vào năm 1991 để thực hiện một dự án phát triển, nay đã trở thành một Phật tử thuần thành. Ông cũng đang điều hành Học viện Rangjung Yeshe, một Phật học viện do Tulku Chokyi Nyima Rinpoche thành lập và làm viện trưởng từ năm 2002.
Ông Greg đã khẳng định với tờ Post: “Tôn giáo trong tương lai của nhân loại sẽ đặt nền tảng trên các định luật khoa học. Phật giáo rất khoa học ở chỗ nó đặt nền tảng trên các định luật nhân và quả. Phật giáo có thể trả lời mọi vấn đề mà bạn đặt ra”.
Ông cũng nói rằng, các Phật học viện tại Nepal mở khoa Phật học bằng ngôn ngữ Hy-mã-lạp-sơn (Tây tạng, Sanskrit và Nepal). Ông nói thêm: “Sở dĩ Nepal thu hút đa số sinh viên phương Tậy là vì các khóa học toàn bằng văn bản gốc của Phật giáo”.
Học viện của ông Greg đang có nhiều khóa học khác nhau kể cả cấp Cử nhân.
Ông Greg nói rằng, phong trào sinh viên ngoại quốc đến đây để nghiên cứu Phật giáo đã bắt đầu từ giữa thập niên 70. Tại thủ đô, hiện nay có từ 5 đến 6 Học viện lớn để đáng ứng cho số sinh viên thích nghiên cứu Phật giáo ngày càng tăng đến từ khắp nơi trên thế giới.
Một người Anh khác, sinh viên John Simpson đang theo học tại Học viện Rangjung Yeshe đã nói: “Các trường đại học phương Tây cũng mở các khóa Phật học, nhưng các khoa Phật học tại Nepal thu hút nhiều người vì nó kết hợp giữa lý thuyết và thực hành”.
Học viện Rangjung liên thông với Đại học Kathmandu mở rộng khóa Phật học ở cấp bậc đại học.
Ông Greg nói Học viện dự định sẽ đảm nhận một chương trình Cao học về Phật học.
Nhiều Phật học viện tại Nepal đã nâng những khóa học ngắn hạn lên cấp bậc đại học trong khoa Phật học.
Ông Simpson nói rằng, người phương Tây đã mất niềm tin vào quá trình hiện đại vì nó cho rằng hạnh phúc có thể được đạt được bằng lợi nhuận vật chất. Ông nhấn mạnh: “Hiện nay con người đang tìm kiếm an lạc nội tâm. Và đạo Phật có câu trả lời cho sự khủng hoảng mà thế giới đang gánh chịu”.
Trung tâm Phât giáo Đại thừa Nepal tại Kapan được thành lập năm 1970, là trung tâm nổi tiếng về khoa Phật học cũng là nơi yên tĩnh để tu tập thiền định. Trung tâm này có các chương trình riêng dành cho khoa Phật học và thiền định. Tỳ khưu Khedup, quản lý sinh viên của trung tâm, nói rằng mỗi chương trình học có từ 5 đến 6 chục sinh viên ngoại quốc và đa số đến từ châu Âu và châu Mỹ tham dự; mỗi năm tổ chức 6 hay 7 lần.
Alex, một sinh viên phân khoa Triết tại đại học Boston đang theo học phân khoa triết học Phật giáo tại Học viện Rangjung nói rằng: “Tôi rất thích nghiên cứu Phật học tại Nepal vì có kết hợp giữa lý thuyết vào thực hành”.
Sinh viên Chhepal Sherpa, người Nepal đang theo học tại Học viện nói: phân khoa Phật học bằng ngôn ngữ Hy-mã-lạp-sơn là hấp dẫn nhất tại đây.
Tâm Từ Tiến (dịch)
Theo Kantipur Online
[Tập san Pháp Luân - số 20, tr.92, 2005]