Rằm tháng Giêng, ngày lễ kỷ niệm Đại hội Thánh Tăng tại tinh xá Trúc Lâm
Hằng năm vào ngày trăng tròn tháng Magha, tức Rằm tháng Giêng âm lịch, Tăng đoàn Phật giáo các quốc gia theo truyền thống Nam tông đều tổ chức đại lễ kỷ niệm ngày đức Phật thuyết kệ Ovada-patimokkha (Giải thoát giáo) cho 1250 vị Tỳ kheo trong khu vườn Trúc Lâm, thành Vương Xá.
Khi đức Phật còn tại thế, có 1250 vị Tỳ-kheo không hẹn mà cùng đến đảnh lễ Ngài tại tinh xá Trúc Lâm vào ngày trăng tròn tháng Magha theo lịch Ấn Độ (tức ngày Rằm tháng Giêng, Âm lịch). Các vị Tỳ-kheo đó đều là Thánh Tăng A-la-hán. Nhân đây, đức Phật thuyết giảng kệ Ovada-patimokkha, là giới luật căn bản và giáo pháp giải thoát của người xuất gia. Chư Phật quá khứ, đức Phật hiện tại và đương lai Phật Di-lặc cũng chỉ thuyết bài pháp này khi hội đủ bốn điều kiện: Đúng vào ngày trăng tròn tháng Magha, chư Tỳ-kheo không hẹn mà cùng lúc đến đảnh lễ đức Phật, các vị đó đều là Thánh Tăng A-la-hán, và các vị đó thọ Tỳ-kheo giới bằng phương pháp truyền giới “Thiện lai Tỳ-kheo”.
Vì thế, ngày Rằm tháng Giêng được xem là ngày lễ kỷ niệm Đại hội chư Thánh Tăng tại tinh xá Trúc Lâm. Ngày lễ này được cử hành với nhiều nghi lễ khác nhau như: Lễ hội đặt bát cúng dường chư Tăng, lễ thọ giới, thuyết pháp, nhiễu Phật; đặc biệt Lễ thọ đầu-đà, là lễ mà Phật tử đến chùa phát nguyện thọ trì Bát quan trai giới một ngày một đêm, tham thiền, nghe pháp, đàm đạo…
Tại vương quốc Thái Lan, ngày lễ Đại hội chư Thánh Tăng là ngày lễ của quốc gia, toàn quốc được nghỉ lễ. Vì vậy, Phật tử có điều kiện về chùa tham dự những chương trình tu học và những lễ hội. Ngoài những nghi thức nêu trên, Phật giáo Thái Lan còn tổ chức hội thắp nến, gọi là hội “Wien Tien” vào ban đêm khắp vương quốc Thái Lan.
Đại lễ này là một trong ba đại lễ của Phật giáo Nam tông: Rằm tháng Giêng, Đại lễ kỷ niệm Đại hội chư Thánh Tăng; Rằm tháng Tư, Đại lễ Tam hợp: Phật đản, Thành đạo và Đại Niết-bàn; Rằm tháng sáu kỷ niệm ngày đức Phật giảng kinh Chuyển pháp luân.
Thông Tánh.
[Tập san Pháp Luân - số 13, tr.95, 2005]