Cuộc triển lãm nghệ thuật tại Học Viện Phật giáo ở Honolulu, Hawaii
Hôm thứ tư ngày 16-2-2005 vừa qua, các tu sĩ đến từ Tu viện Dzindu miền Đông Tây Tạng bắt đầu thực hiện kế hoạch vẽ Mandala bằng cát để triển lãm suốt trong một tuần tại Học viện nghệ thuật Phật giáo ở Honolulu thuộc thành phố Hawaii. Công trình Mandala này là một biểu đồ vũ trụ thiêng liêng và mục đích của cuộc triển lãm là đem đến cho du khách thưởng thức về nghệ thuật truyền thống Phật giáo Tây Tạng, đồng thời cũng là giới thiệu về nét truyền thống văn hóa Phật giáo Tây Tạng cho Phật tử khắp nơi và rộng rãi hơn cho bất cứ ai trên thế giới muốn tìm hiểu về nét đẹp truyền thống Phật giáo. Theo Phật giáo Tây Tạng, Mandala xuất phát từ tư tưởng của hai bộ kinh Đại Nhật và Kim Cương đỉnh. Nó là cơ sở hợp nhất thế giới hiện tượng và thế giới bản thế, là đối tượng của thiền quán. Mandala là đàn tràng thường được làm bằng đất để hành giả bày biện các lễ vật hay pháp khí khi hành lễ, cầu nguyện, tu luyện. Sau khi các vị Tăng thực hiện xong đã tổ chức buổi cầu nguyện hòa bình, thể hiện lòng từ bi nhằm khích lệ tinh thần lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái với nhau của mọi người cùng sống trong thế giới này.
Ông Robert Clark, giáo sư trường đại học Stanford ở San francisco Bay, đã phát biểu rằng: “Đây chính là sự miêu tả về sự hiện hữu bất diệt (Niết-bàn) được làm từ công nghệ thủ công của Phật giáo Tây Tạng.”
Thông Tánh.
[Tập san Pháp Luân - số 12, tr.94, 2005]