Nhà nghiên cứu Đức cho rằng Đức Phật chào đời tại Orissa
Mới đây, giả thuyết cho rằng nơi đức Phật thực sự chào đời chính là Orissa, một tiểu bang của Ấn Độ (hình trang sau) chứ không phải tại Lumbini của vương quốc Nepal, đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận sôi nổi. Sự tranh luận càng gia tăng khi học giả nổi tiếng người Đức mà cũng là chuyên gia về nền văn minh Ấn Độ, Tiến sĩ Hermann Kulke tán thành giả thuyết trên đây.
Tại hội nghị cấp cao nhóm họp ở Viện Bảo Tàng Quốc Gia Ấn Độ về di sản Orissa của Phật giáo, Tiến sĩ Kulke chia sẻ những nhận xét của ông sau khi thực hiện cuộc nghiên cứu sâu rộng về lịch sử và văn hóa Ấn Độ, đặc biệt là tiểu bang Orissa. Ông cho rằng với nhiều chứng cớ về địa chất, Orissa đang dần dần được quốc tế công nhận là nơi đức Phật đản sinh.
Chỉ huy hai công trình nghiên cứu về Orissa do Đức quốc tài trợ, Tiến sĩ Kulke đề nghị nên mở cuộc khai quật khẩn cấp tại vùng Kapileswar để khai phá thêm sự thật. Được biết tấm bia văn từng bị thất lạc trước đây vốn ghi lại nơi đức Phật chào đời sẽ được giải mã và phân tích tại Bảo Tàng Viện Ashutosh ở Kolkata Ấn Độ, Bảo Tàng Viện Quốc Gia Sri Lanka và Bảo Tàng Viện Luân Đôn. Khi bia văn nầy được tìm thấy ở Kapileswar, gần Bhubaneswar (Orissa), người ta đã đưa tấm bia văn đến các Bảo Tàng Viện trên đây để giải mã và kiểm chứng sự thật.
Với uy tín và tính chuyên môn cao của các Bảo Tàng Viện nầy về mặt kỷ thuật kiểm chứng, phân tích địa chất, khả năng am tường các loại cổ tự và các nền văn minh cổ đại, các tôn giáo cổ xưa, người ta hy vọng các khám phá bất ngờ sẽ là những tia sáng bình minh chiếu rọi lên nơi đản sinh của đức Thích Ca Mâu Ni hơn 2600 năm trước.
Cần nhắc lại, thư viện Quốc gia Anh từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2004, đã mở cuộc triển lãm về Con Đường Tơ Lụa (Silk Road), giúp cho công chúng hiểu biết được giá trị và ảnh hưởng của các nền văn minh dọc theo đường Tơ Lụa bắt đầu từ cố đô Samarkhan (Uzbekistan hiện nay) và kết thúc tại Trung Quốc. Các thủ bản và hình tượng được lưu giữ trong gần 1000 năm qua trong cuộc triển lãm là bằng chứng hùng hồn cho quá trình lan tỏa và phát triển rực rỡ của Phật giáo dọc theo đường Tơ Lụa nầy. Đây cũng là chứng tích lịch sử của một thời văn minh Phật giáo Gandhàra cực thịnh. Về thiên văn, một tấm bản đồ tìm được ở Đôn Hoàng, Cam Túc (Trung Quốc) làm người ta ngạc nhiên: toàn bộ 1500 tinh tú mà con người biết đến 8 thế kỷ sau nầy đều giống như những gì được mô tả trong tấm bản đồ thời đó.
Ngoài ra thư viện Anh Quốc, sau khi thu thập được một bộ kinh văn Phật giáo gồm 29 quyển bằng cổ tự Kharosthi, cổ tự chính được dùng trong thời kỳ Gandhàra, đã phối hợp với Đại học Washington, Hoa Kỳ suốt 5 năm trời dày công nghiên cứu, sau đó xuất bản hai bộ tác phẩm quan trọng về Phật giáo, mang tựa đề: “Ancient Buddhist Scrolls from Gandhàra”. Điều đáng chú ý nhất là trong số gần 30 thủ bản được giải mã và phiên dịch ra Anh ngữ, có một số bản kinh lạ, xưa nay chưa hề biết đến so với các bản kinh Phật được lưu truyền từ trước đến giờ.
Như vậy, mỗi khám phá mới ngày nay về văn minh Phật giáo không những là một đóng góp hữu ích cho nền văn minh nhân loại, đồng thời còn khai mở thêm những khung trời còn khép kín của thế giới Phật giáo vi diệu vô biên tế.
Quảng Anh.
[Tập san Pháp Luân - số 12, tr.91, 2005]