Ngôn ngữ của loài hoa là tiếng gọi thiết tha nhất toát lên từ tự tâm.(HC)
Xuân về trăm hoa khoe sắc thắm, mỗi loài hoa như họa cho mình một sắc màu lung linh diệu kỳ, mỗi loài hoa là sự kết tinh tuyệt mỹ của tạo hóa, mỗi loài hoa là biểu trưng của ý nghĩa thâm tình mà con người thường lấy nó để thay cho ngôn từ. Và ai đó đã từng nói: Ngôn ngữ của loài hoa là tiếng gọi thiết tha nhất toát lên từ tự tâm.
Nhớ trong hội Linh Sơn ngày xưa, đức Phật cầm đóa sen tinh khiết đưa lên, cả hội chúng đều ngơ ngác không hiểu thâm ý của Phật muốn dạy gì; duy chỉ có Tôn giả Ca-diếp mỉm cười. Cái mỉm cười nhẹ nhàng mà thể hiện sự cơ cảm giữa thầy và trò, nên sau đó Tôn giả Ca-diếp được phó chúc Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm. Ở đây, Phật ý được thể hiện từ cành hoa bất nhiễm và sự cơ cảm từ nụ cười hàm tiếu của Tôn giả Ca-diếp. Nhân duyên đó đã trở thành giai thoại siêu việt ngôn ngữ mà người đời sau đã có vô số chữ nghĩa diễn bày. Phải chăng, hoa ở đây là biểu trưng cho cái tinh khiết, là con đường thăng hoa đến Thánh đạo và nụ cười hàm tiếu là mùa Xuân chớm nở, là lòng hân hoan tiến bước trên lộ trình giải thoát?
Khi nói về mùa Xuân thì mọi người con Phật trên khắp nẻo hành tinh đều nghĩ đến nụ cười hoan hỷ của ngài Di-lặc. Một nụ cười hàm chứa sức mạnh kỳ lạ của nội tâm, nó có thể đánh tan tất cả sự ưu phiền và dẹp bỏ đi những lợi danh phù phiếm của thế sự để trở về sống trong thực tại hạnh phúc nhiệm màu. Vẫn mãi nụ cười đó, một nụ cười hoan hỷ đầy sức sống như hoa, nhưng tùy thuộc vào hoàn cảnh thực tại và tâm tư cá biệt mà mỗi người nhận thức về ý nghĩa của nụ cười, sự chuyển hóa có khác nhau.
Nay Xuân Ất Dậu lại trở về trên dải đất Việt Nam thân yêu. Ngắm nhìn nụ cười hoan hỷ của ngài Di-lặc, tâm tư của chúng ta có những cảm nhận khác nhau. Vì vậy, Xuân năm nay, chúng ta hãy cùng hòa mình vào lòng dân tộc để “ôn cố tri tân”. Từ những lễ thức đậm nét văn hóa qua ba ngày Tết, đến muôn vẻ trong đời sống thực tại, chúng ta hãy cùng nhau biến tâm tư thánh thiện được nảy mầm từ ý Xuân thành hành động tràn đầy lòng từ bi cao cả, như muôn đóa hoa thơm ngát hiến dâng sắc hương giải thoát cho đời, mà mấy ngàn năm trước đức Thế Tôn đã dùng cành hoa phó chúc.
Thể theo dòng tâm cảm ấy và vẫn biết rằng, Xuân đến Xuân đi là định luật thời tiết, là sự tuần hoàn của đất trời. Tuy nhiên, một sát na nhỏ bé của thời gian, đôi khi cũng là định mệnh thay đổi số phận của đời người. Cho nên, chúng ta hãy dừng lại một khoảnh khắc để sóng lòng được yên ả và lắng nghe chính mình, lắng nghe tất cả. Rồi từ đó nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của mùa Xuân. Nó nói gì, gợi gì cho chúng ta?
Chúng ta nghe trong ý Xuân là điểm hội tụ buồn vui của năm cũ, lại nghe cõi lòng mình mang nhiều ước vọng hay đẹp hướng đến trong năm mới. Những gì diễn ra trong năm cũ là đồng thời với quá khứ đã qua, vậy chúng ta hãy lấy đó làm kinh nghiệm trên bước đường thực hành lời Phật dạy. Trong tương lai sắp đến, chúng ta phải có tư lương được vun bồi từ kinh nghiệm cho lộ trình mới được thành tựu hơn. Vì chúng ta biết, trong cái vô thường luôn ẩn tàng cái chơn thường, mà ước vọng luôn là sự lung linh chiếu diệu như những đóa hoa chớm nở muốn vươn mình tỏa hương thơm ngát. Ấy chính là quy luật thăng hoa tâm thức mà chúng ta hãy nắm lấy để thành tựu bằng hành động có định hướng từ kim chỉ nam là niềm tin Chánh pháp.
Trong những ngày Xuân, đứng giữa sự giao thoa của đất trời, lòng người cứ bời bời ra đó nhưng lại hòa trộn thành một niềm riêng. Rồi từ trong sâu thẳm của sự thánh thiện đó, chúng ta nhìn ra thế giới thực tại thấy mọi huyễn tượng tương duyên với nhau như là định luật sinh diệt ẩn hiện nhiệm mầu. Thế nên, trong cái bời bời luôn có cái định luật. Là người con Phật, chúng ta không bao giờ chịu thua cuộc bởi thất vọng, hay chịu khuất phục bất cứ sức mạnh của thế lực vô minh, tham vọng nào đang ngự trị trong tâm thức. Vì chúng ta có đủ niềm tin vào đức Thế Tôn, một bậc Đại hùng Điều ngự; có lòng vị tha học được từ hạnh từ bi, hỷ xả của đức Di-lặc và đặc biệt có lòng tin vào sự sáng suốt của chính mình.
Thấu rõ điều đó rồi chúng ta hãy phát tâm làm lợi lạc quần sanh, cho dù chỉ thể hiện bằng hành vi ban bố đơn giản nhất cũng chính là lòng từ của Bồ-tát sơ phát tâm. Một khi phát tâm rồi, chúng ta còn khéo điều phục chớ để thối thất như hai hạng người mà trong phẩm Chúc lụy đức Phật đã dạy cho ngài Di-lặc: “Một là nghe kinh thâm diệu sanh lòng khiếp sợ, nghi hoặc chẳng tin, không thể tùy thuận, lại phỉ báng rằng: xưa nay chưa nghe kinh, kinh này từ đâu mà có? Hai là gặp có người hộ trì và giải thuyết kinh thâm diệu, chẳng những không chịu thân cận cung kính cúng dường, lại còn theo đó nói xấu người ấy. Do hai pháp này thì biết được Bồ-tát sơ học đó tự tổn hại mình, không thể ở nơi pháp thâm diệu, tự điều phục tâm”. (Kinh Duy-ma-cật)
Bởi vậy, để làm một vị Bồ-tát sơ phát tâm, tự điều phục tâm, chúng ta phải có đủ tuệ giác để tiếp nhận nghĩa lý thâm diệu mà không sanh lòng kiếp sợ, bạc nhược; có đức tin vững chắc vào chân lý tối thượng mà khởi tâm hành động chân chánh; có đủ phương tiện để trở thành người có nhân cách chân chính, làm thân giáo, khẩu giáo nhiếp hóa mọi người. Đó chính là sự thể hiện công hạnh, bản hoài của mình và cũng chính là sự tiếp nối tâm nguyện lớn lao của đức Di-lặc; tâm nguyện đi vào đời, mang theo nụ cười hoan hỷ an nhiên tự tại để chia sẻ những âu lo cho đồng loại. Đó chính là chúng ta đang sống với ý nghĩa của Xuân Ất Dậu năm nay và cũng là góp vào vườn xuân những đóa hoa huyền nhiệm.
Huyền Châu.
[Tập san Pháp Luân - số 11, tr.14, 2005]