Phật giáo, nói một cách khách quan, là con đường dẫn đến giải thoát, chỉ dành riêng cho những ai muốn đi trên con đường ấy một cách tự nguyện.
Con đường ấy rộng mở cho tất cả mọi người có tâm nguyện trên, không phân biệt chủng tộc, địa vị, hoàn cảnh v.v… Đi trên con đường ấy, hành giả không phải mang nhiều hành trang lủng củng, chỉ có mỗi một món hành lý, không hơn không kém, mà dứt khoát những ai muốn đi trên con đường ấy để thực sự mong đến mục đích giải thoát và giác ngộ. Đó là hành trang “đến để hiểu biết và tin”, chứ không phải “tin để cầu xin ân huệ” từ các lực lượng siêu nhiên huyền bí mà con người chỉ nghe chứ chưa hề thấy bao giờ. Có thể nói sự hiểu biết và niềm tin ấy có thể đạt đến giác ngộ giải thoát nếu con người thực sự trang bị cho mình một tâm lý ổn định và một cuộc sống đạo hạnh nghiêm túc.
Giải thoát giác ngộ là mục tiêu cuối cùng của con đường đạo Phật, trong ấy bao gồm một trạng thái hoàn toàn tĩnh lặng không còn bóng dáng hay tác động nào của tham, sân và si. Một khi đã thoát ra khỏi sự tác động và chỉ huy của các thế lực tham, sân, si, thì giấc mộng “đêm dài sanh tử” hay “bóng tối luân hồi” không còn ám ảnh kiếp nhân sinh nữa. Tất cả những lợi ích đó là hệ quả của “đến để hiểu biết và tin”. Thế nhưng, trước khi cất bước trên con đường ấy, hành giả trước phải nắm chắc là hiểu và tin cái gì? Phật giáo không bao giờ bảo “Bạn cứ đi, cứ hành động rồi sẽ thấy và hiểu, mà Phật giáo khuyên anh/chị hãy đến để tìm hiểu rồi mới tin”. Vì ý nghĩa đó mà đức Phật nêu ra một công thức như sau: “Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. Do đó, một người tự nguyện đi trên con đường ấy, việc đầu tiên phải hiểu và tin Tam bảo - Ba ngôi báu hay Ba nơi nương tựa tinh thần vững chắc.
Khi nói đến Phật giáo thì đã bao gồm ba nhân tố chính để cấu thành Phật giáo. Đức Phật, người khai mở suối nguồn tuệ giác, khai sáng đạo Phật. Thế nhưng, chính mình, Ngài không bao giờ tuyên bố Ngài là người thành lập Phật giáo, Ngài chỉ đơn giản tuyên bố rằng Ngài là người diễn giảng Dharma. Các bạn thử nghĩ đức Phật diễn giảng cái gì? Nguyên tiếng Sanskrit “Dharma”, rải rác đó đây trong các kinh luận, thường được giải thích rất nhiều nghĩa, vì bản thân chữ ấy hàm chứa nhiều nghĩa trừu tượng, ví dụ như: Hệ thống của một quy trình hay chương trình của việc làm v.v… Nếu chữ Dharma chỉ dừng ở đó, thì các bạn có hiểu nó là gì không? Khi nào thế giới này còn chìm đắm trong bạo động, trong đau khổ và mọi hiện tượng còn lừa dối chúng ta, thì chúng ta nhanh chóng hành động. Hành động ở đây là dập tắt ngọn lửa tham chấp và phải tìm cho ra phương pháp giải thoát an lạc. Đó là Dharma. Dharma, bản thân nó vừa là nguyên tắc vừa là hành động. Nếu nhấn mạnh tính thực tiễn của nó, ta có thể dịch là quy luật; nếu nhấn mạnh tính xác quyết của nó, ta có thể dịch là chân lý; nếu muốn nhấn mạnh đến những gì đức Phật dạy và những gì Phật giáo tin tưởng, ta có thể dịch là giáo lý. Chúng tôi xin thưa với các bạn là tất cả những nghĩa đó chỉ áp dụng cho từ Dharma một cách đặc biệt khi nó được viết hoa.
Chắc hẳn các anh/chị không thỏa mãn với các nghĩa trên. Vì xem ra Phật giáo rất dễ dãi trong ý nghĩa và Phật giáo dễ tin và thực hành nhiều phương pháp quá, thì làm sao người ta nhận dạng được thế nào là Phật tử đúng nghĩa? Câu trả lời là những ai muốn trở thành Phật tử phải tự phát nguyện suốt đời nương theo Tam bảo làm chỗ dựa tinh thần và làm mục tiêu cho tiến trình giải thoát giác ngộ. Có nghĩa là người ấy phải tự mình tuyên thệ dâng trọn niềm tin vào Ba ngôi báu ấy để giải thoát mọi khổ đau triền phược trong đời. Nếu vì những mục đích thế gian, thì anh/chị có thể đặt trọn niềm tin của mình vào thiên thần, tinh tú, huyền thuật hay khoa học hiện đại, nhưng nếu vì để tự giải thoát giác ngộ, thì anh/chị nên đặt trọn niềm tin mình vào Phật, Pháp, Tăng.
Phật, Pháp, Tăng - cả ba từ này khó mà diễn đạt cho dễ hiểu được. Phật, có nghĩa giác ngộ, là một tính từ dùng diễn tả trạng thái giải thoát, đã thoát ra khỏi sự sai khiến, kìm hãm của tham, sân, si. Đúng hơn là một danh từ, là một danh hiệu chung dùng để tôn xưng những vị đã hoàn toàn giải thoát giác ngộ tự tâm. Pháp thì vừa rồi đã đề cập. Tăng là một đoàn thể xuất gia, sống hòa hợp trong pháp và luật của Phật với một mục đích duy nhất là tìm con đường giải thoát giác ngộ. Trong các kinh điển sớm nhất của Phật giáo, từ Tăng (Sangha) có hai nghĩa chính. Theo nghĩa rộng, Tăng chỉ chung cho tất cả những ai đã lãnh thọ những luật pháp căn bản trong Phật giáo. Họ được gọi là Phật tử. Đó là tứ chúng đệ tử Phật: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Theo nghĩa hẹp, Tăng được chỉ chung cho những vị xuất gia thọ giới: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni. Tuy nhiên, trong một số quốc gia, như Thái land, Cambodia, Lào, Malaysia, Indodesia, v.v… Một số nước Đông nam á, Tăng đoàn Tỳ-kheo-ni đã lâu không còn nữa. Dù Tăng đoàn Ni có hiện hữu hay không trong một số nước đó, thì người Phật tử khi đã phát nguyện quy y Tam bảo, thì trong Tăng bảo đã hàm chứa hàng ngũ nữ giới xuất gia thọ giới rồi. Cho nên, quy y Tăng có nghĩa là quy y tất cả những ai đã từ bỏ gia đình, xuất gia thọ giới, nguyện suốt đời đi theo con đường của đức Phật để phụng sự đạo pháp và chúng sanh. Theo Hòa thượng Nhất Hạnh thì Tam bảo có thể dễ hiểu hơn: Con về nương tựa Phật, đấng giác ngộ hoàn toàn. Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết. Con về nương tựa Tăng, những ai nguyện sống cuộc đời tỉnh thức trong giáo pháp đó.
Chúng ta nên lưu ý một điểm là Phật giáo khác với các tôn giáo khác, nhất là đối với các tôn giáo ở phương Tây. Điểm nổi bật của Phật giáo đã làm cho thế giới phương Tây ngạc nhiên là Phật giáo chủ trương Vô ngã. Với nền giáo lý đó mà họ cho rằng Phật giáo là một hệ thống triết học hơn là tôn giáo, vì họ thấy Phật giáo có khả năng cộng sinh cộng tồn với các tôn giáo khác. Nếu ai đó đã từng hiểu cách sinh hoạt của Phật giáo, sẽ có nhận thức rằng Phật giáo không phải là tôn giáo thuần túy, mà là một con đường đưa đến giải thoát giác ngộ. Một số người suy luận rằng hình như Phật giáo là một sự kết hợp của giáo điều và tổ chức tôn giáo. Trong Phật giáo, một khi đã gia nhập Tăng đoàn tức là tự nguyện khép mình trong khuôn khổ giới luật, dâng hiến trọn đời mình cho lý tưởng giải thoát và cứu độ chúng sanh. Ngược lại các tu sĩ của Thiên chúa giáo được đào tạo và học tập với mục đích phục vụ các nghi lễ tôn giáo cho tín đồ và giáo hội. Tu sĩ Phật giáo có khuynh hướng độc xử nhàn cư, trong khi tu sĩ Thiên chúa giáo phải luôn luôn giao tiếp với tín đồ, những người có nhu cầu nghi lễ tôn giáo. Tu sĩ Thiên chúa giáo phải hoàn thành nhiệm vụ trong vai trò nhất định nào đó. Tu sĩ Phật giáo không có nhiệm vụ hay vai trò phục vụ như thế. Do đó, các tu sĩ Thiên chúa giáo phương Tây họ chê trách Tăng Ni không có hoạt động và thực hiện các chức năng nghi lễ như một nhiệm vụ tôn giáo như các chức sắc của họ.
Tăng Ni Phật giáo hoạt động theo khuôn khổ giới luật để khép mình vào đó mà loại trừ các yếu tố nguy hại của tham, sân, si. Họ cho rằng giới hạnh là điều kiện tiên quyết của Tăng đoàn để tu tập và chứng thánh. Điểm quan trọng khi hành trì giới luật là ý định. Bố thí được coi như là điểm căn bản của đức hạnh. Càng thí xả thì càng dễ dàng dứt bỏ sự ràng buộc của ngã chấp để đi vào thanh tịnh. Thế nhưng, với các nước như Nhật Bản, Triều Tiên hiện nay còn rất ít Tăng/Ni, đa số là những người phục vụ tôn giáo hay các đạo sư của một tông phái nào đó mà thôi. Họ có gia đình, làm việc xã hội như bất cứ người nào, nhưng bên trong họ là tu sĩ, nhưng mà tu sĩ không xuất gia thọ giới. Họ chỉ có mỗi một công tác là rao truyền giáo lý của Phật đến người khác như một nhà truyền giáo. Nhìn bề ngoài và cách hoạt động của họ giống như những hành giả Mật tông nổi tiếng của Tây Tạng. Nếu ở vào cái xã hội mà Tăng đoàn của Phật giáo dưới hình thức đó, thì xin các bạn hãy nhìn vào nghĩa rộng của Tăng (như trên đã nêu), cũng có thể quy y để tu tập. Dù sao thì Tăng đoàn với hình thức đó cũng có yếu tố hòa hợp thanh tịnh để cùng nhau phát huy giáo nghĩa của Phật. Các bạn không nên cố chấp Tăng đoàn phải như thế này thế kia như mình đã từng thấy ở quốc gia mình, truyền thống mình, văn hóa mình. Nên nhớ một điều là khi phát nguyện quy y Tăng là mình nương tựa vào, tin tưởng vào cái đoàn thể nào có sự hòa hợp và thanh tịnh, chứ không phải cá nhân của ai đó đơn lẻ. Như vậy quy y Phật cũng có nghĩa là tin tưởng và nương tựa vào những vị đã thực sự hoàn toàn giải thoát giác ngộ, chứ không phải một vị nào cá biệt. Quy y Pháp có nghĩa là tin tưởng và nương tựa vào bất cứ những lời dạy nào có thể hướng dẫn đời mình thoát khỏi sự nguy hại của tham sân chấp ngã. Do nghĩa đó mà truyền thống Bắc tông có phát triển ba pháp quy y theo nghĩa quy y vào tự tánh của mình: tự quy y Phật là hiểu rõ các pháp, mở tâm hồn rộng lớn bao dung; tự quy y Pháp là hiểu rõ các kinh điển để trí tuệ vô biên; tự quy y Tăng là dung hòa với tất cả mọi người một cách thông suốt. Quy y vào tự tánh Phật cũng có nghĩa là bảo trì và phát triển tánh giác ngộ sáng suốt của mình. Quy y vào tự tánh Pháp cũng có nghĩa là nhận thức hiện tượng vạn pháp đúng như thật tánh của nó. Quy y tự tánh Tăng cũng có nghĩa là tự mình phát triển tính cách hòa hợp nhu thuận với tất cả chúng sanh.
Đây là tiêu chí đầu tiên mà người ta có thể nhận biết anh/chị là một Phật tử. Thứ đến, để có một lối sống đúng nghĩa với vị thế Phật tử đó, anh/chị còn phải tự nguyện suốt đời thực hiện các nguyên tắc đạo đức:
Tôn trọng sự sống và hạnh phúc của người khác - nghĩa là không sát sanh.
Tôn trọng tài sản và tiền bạc của mọi người - nghĩa là không được trộm cắp và hối lộ.
Tôn trọng quyền bình đẳng nam nữ - nghĩa là không được ngoại tình trong sự chung sống vợ chồng.
Tôn trọng quyền chính đáng phát biểu ý kiến xây dựng và thân ái - nghĩa là không được nói láo và thô bạo.
5. Tôn trọng quyền hưởng thụ và giải trí lành mạnh - nghĩa là không được ăn chơi bừa bãi, dùng các chất tố gây say nghiện.
Thêm vào đó, đã là Phật tử chân chánh, ngoài việc phải duy trì và tôn trọng 3 lý tưởng và 5 nguyên tắc đạo đức trong cuộc sống kể từ ngày phát nguyện quy y Tam bảo, còn phải biết và ứng xử hợp lý với 6 mối quan hệ giữa: cha mẹ với con cái; thầy với trò; chồng với vợ; bạn bè; chủ với tớ; các tu sĩ với tín đồ. Nếu ai thực sự chu toàn các lý tưởng, các nguyên tắc và các mối quan hệ như trên thì bảo đảm trong cuộc sống hiện đời lúc nào cũng an lạc và hạnh phúc; tương lai sẽ được thăng tiến và rạng rỡ hơn. q
Trí Nguyệt.
[Tập san Pháp Luân - số 4, tr.]