Trả lời với BBC, ông Michael Eisenriegler, người đứng đầu nhóm tìm kiếm này, cho biết, trong hai thùng này chứa nhiều tranh tượng nghệ thuật Phật giáo, nhiều bản kinh viết tay, một số pháp khí và pháp phục của Đại Lạt-ma Danzan Ravjaa (1803-1856)...
Ngày 1 tháng 8, một nhóm những người Áo và Mông Cổ đã khai quật hai thùng chứa kinh sách, tranh tượng, pháp khí và pháp phục được chôn giữ hơn 70 năm tại sa mạc Gobi.
Trả lời với BBC, ông Michael Eisenriegler, người đứng đầu nhóm tìm kiếm này, cho biết, trong hai thùng này chứa nhiều tranh tượng nghệ thuật Phật giáo, nhiều bản kinh viết tay, một số pháp khí và pháp phục của Đại Lạt-ma Danzan Ravjaa (1803-1856). “Tôi gần như kiệt sức, nhưng khi khai quật được những di vật này tôi thật sự ngạc nhiên và vui mừng”, ông nói. “Nó rất có ý nghĩa đối với văn hóa của Mông Cổ, bởi vì phần lớn di sản văn hóa của Phật giáo Mông Cổ (văn hóa Phật giáo ảnh hưởng chính vào văn hóa Mông Cổ) đã bị tiêu hủy trong thập niên 30 của thế kỷ trước”.
Năm 1937, quân đội Mông Cổ tấn công và thiêu hủy Tu viện Khamariin Hiid, Lạt-ma viện trưởng Tuduv đã thoát nạn. Ngài bất chấp nguy hiểm, di chuyển được 60 thùng trong số 1500 thùng lưu trữ kinh sách và tranh tượng của tu viện, chôn giữ trong sa mạc Gobi, gần tu viện Khamariin Hiid, thuộc thị trấn Sainshand, cách 450 km về phía Đông Nam thủ đô Ulan Bator.
Lạt-ma Tuduv giữ kín bí mật này hơn 20 năm. Năm 1960, ngài tiết lộ nơi chôn giữ những di vật này cho người cháu, Zundoi Altangerel. Lạt-ma Tuduv viên tịch năm 1987. Năm 1989, ông Altangerel tiến hành tìm kiếm những di vật này và thành lập viện bảo tàng The Danzan Ravjaa để trưng bày những di vật đã tìm thấy.
Năm 2008, ông Eisenriegler, người Áo, viếng thăm viện bảo tàng The Danzan Ravjaa. Tại đây, ông gặp Altangerel và biết được nhiều thùng chứa di vật còn bị chôn vùi trong lòng đất. Đầu tháng 8 này, ông Altangerel, được sự hỗ trợ của những người địa phương, đã tìm thấy hai trong số những thùng còn bị chôn vùi. Hiện những di vật này đang được trưng bày tại viện bảo tàng The Danzan Ravjaa tại thị trấn Sainshand.
Tu viện Khamariin Hiid được xây dựng lại năm 1991. Hiện có khoảng 20 tăng sĩ đang tu học tại đây.
Phật giáo Mông Cổ ảnh hưởng chính từ Phật giáo Tây Tạng. Phật giáo Tây Tạng truyền đến Mông Cổ vào đầu thế kỷ XIII, trong giai đoạn trị vì của Thành Cát Tư Hãn. Phật giáo nhanh chóng thấm nhuần vào đời sống tâm linh, văn hóa, xã hội và trở thành quốc giáo tại Mông Cổ trong nhiều thế kỷ. Đầu thế kỷ XX, vì những biến cố lịch sử, Phật giáo bắt đầu suy thoái. Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Phật giáo Mông Cổ có dấu hiệu phục hưng. Ngày nay, bên cạnh sự phục hưng, Phật giáo Mông Cổ cũng đang phải chứng kiến ngày càng nhiều Phật tử bỏ đạo Phật theo đạo Tin Lành. Tuy nhiên, một số Tăng tín đồ Phật giáo tin rằng khi kinh tế phát triển, người dân không còn cần sự cứu giúp của các hội Tin Lành Tây phương, họ sẽ quay về với Phật giáo.
Nhiều Tự viện và Hội đoàn Phật giáo Mông Cổ đang nỗ lực tìm giải pháp tốt nhất trong sứ mệnh hoằng pháp để làm sống lại tinh thần Phật giáo trong xã hội nước này.
Nguyên Lộc
[Tập san Pháp Luân - số 64, tr95, 2009]