Cơ quan văn hóa của Liên Hiệp Quốc sẽ viếng thăm và khảo sát tháp Đại Bồ-đề
Các chuyên gia văn hóa của Unesco sẽ viếng thăm và khảo sát tháp Đại Bồ-đề vào tuần lễ cuối tháng 4 năm 2005, sau khi nhận được báo cáo của một nhóm chuyên gia viếng thăm tuần rồi đã phàn nàn rằng, các kiến trúc bất hợp pháp mọc như nấm trong và chung quanh ngôi chùa.
Nhóm chuyên gia này sẽ đến nghiên cứu tình trạng vật chất của ngôi chùa, nơi được xem là cái nôi khai sinh Phật giáo, để xem những điều kiện duy trì, bảo tồn có bị vi phạm nguyên tắc hay không?
Cơ quan Unesco đã báo động hơn hai năm trước rằng, những ngôi chùa chung quanh sẽ làm hư hoại di sản của ngôi Đại bảo tháp nếu các tiêu chuẩn, nguyên tắc duy trì tiếp tục bị xem thường. Cơ quan Unesco năm vừa qua đã yêu cầu chính phủ Ấn Độ phải chấm dứt những vi phạm.
Chính quyền trung ương và địa phương của Bihar đã bảo đảm với Unesco rằng, các nguyên tắc - kể cả sự tăng cường nghiêm ngặt cấm đoán các công trình xây dựng trong vòng một km bán kính chung quanh ngôi chùa - được tuân thủ chặt chẽ. Nhưng các công trình xây dựng mới vẫn xảy ra trong khu vực bị cấm đoán. Vấn đề này được báo chí địa phường tường trình mỗi ngày.
Một nguyên tắc khác cũng được báo cáo là vi phạm luật của Unesco, là giới hạn chiều cao 11 mét của những công trình xây cất gần ngôi bảo tháp. Một phong trào xây dựng bùng lên tiếp theo, mặc dầu chính quyền đã đồng ý không cho phép bất cứ công trình nào trong khu vực kể trên.
Tháp Đại Bồ-đề (còn gọi là tháp Đại Giác hay Đại Tháp Bồ-đề) tọa lạc gần địa điểm nơi đức Phật thành đạo tại tiểu bang Bihar, cách đây hơn 2500 năm. Ngôi bảo tháp này được xây dựng trên 1500 năm và được Unesco công nhận di sản văn hóa thế giới vào tháng 6 năm 2002, là kiến trúc lịch sử đặc biệt thứ 23 tại Ấn Độ.
Thạch Thảo (dịch)
(Theo Indo-Asian News Service)
[Tập san Pháp Luân - số 14, tr.94, 2005]