Thế giới đang nỗ lực cứu trợ, khắc phục thảm họa động đất và sóng thần tại các nước ven Ấn Độ Dương
Phật giáo khắp nơi trên thế giới đang nỗ lực trong công tác cứu giúp nạn nhân của thảm họa động đất và sóng thần hôm chủ nhật ngày 26 tháng 12 năm 2004 tại khu vực Ấn Độ Dương.
Phật giáo Sri-lanka, Thái Lan, Myanmar, v.v… đã tổ chức nhiều đại lễ hỏa táng tập thể và cầu siêu cho người tử nạn, thuyết pháp an ủi những người đang đau khổ và tiến hành những đợt cứu trợ với quy mô lớn. Phật giáo Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Hoa Kỳ, Canada, Úc, v.v… đã tiến hành cứu trợ và hiện tại đang vận động rộng rãi quỹ cứu tế. Đặc biệt tại Vancouver, Canada, thầy trụ trì chùa Hoa Nghiêm, đại đức Thích Nguyên Thảo đã loan tin bán khu đất chuẩn bị xây Thiền viện với giá 500.000 USD để gởi đến cho Hội Hồng Thập Tự quốc tế thực hiện công việc khẩn thiết này. Khi tin này chính thức công bố, đã gây sửng sốt và cảm động hàng triệu con tim người Phật tử cũng như không Phật tử.
Tính cho đến ngày 4/1/2005, số người thiệt mạng trong thảm họa sóng thần này lên đến hơn 150.000 người. Indonesia là quốc gia bị thiệt hại về nhân mạng nhiều nhất, gần 100.000 người. Sri-lanka là quốc gia đứng thứ hai; Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, v.v… là những nước cũng nằm trong khu vực bị thiệt hại nặng. Số người thiệt mạng chưa dừng lại ở con số đã nêu, mà vẫn còn gia tăng do bệnh dịch và ô nhiễm nguồn nước gây ra. Hơn năm triệu người đang lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, và rất cần sự cứu giúp. Liên Hiệp Quốc, nhiều chính phủ, các tổ chức từ thiện, các tổ chức Phật giáo khắp năm châu đang nỗ lực cứu trợ để góp phần khắc phục hậu quả thảm khốc này.
Theo nhiều chuyên gia địa chất cho biết, nguyên nhân của những đợt sóng thần khủng khiếp này là do một trận động đất mạnh ngoài khơi hòn đảo Sumatra, Indonesia. Sóng thần di chuyển với tốc độ rất nhanh, 900km/giờ tại tâm địa chấn (ngoài khơi tỉnh Aceh của Indonesia, Ấn Độ Dương). Khi vào gần bờ biển, thì tốc độ sóng giảm dần nhưng sóng lại dâng cao hơn. Hơn nữa, hệ thống dự báo sóng thần tại khu vực Ấn Độ Dương chưa có nên không kịp thời báo động để di tán dân cư cũng như du khách trong phạm vi ảnh hưởng của ngọn sóng.
Lịch sử cho biết vào năm 365, tại Hy Lạp đã có sóng thần làm hàng ngàn người thiệt mạng. Từ đó đến nay rất nhiều cơn sóng thần đã cướp đi hàng trăm ngàn sinh mạng, nhưng đây là thảm họa sóng thần khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại.
Từ Quang.
[Tập san Pháp Luân - số 10]