Cuộc đời và ánh đạo của Tôn giả Sàriputta - Phần 3

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

(Cuộc đời và ánh đạo của Tôn giả Sariputta - Tiếp theo TSPL.6)

6. Bậc tướng quân Chánh pháp:

Sau khi đảm nhận trọng trách “Đại đệ tử của đức Thế Tôn”, lúc nào đức Phật cũng bảo tôn giả Sàriputta đứng hầu bên phải của mình (lúc này chưa có tôn giả Ananda), do vậy mọi thời pháp của đức Thế Tôn đều được tôn giả Sàriputta lãnh hội một cách trọn vẹn, sự đa văn thông tuệ của tôn giả ngày càng siêu việt hơn. Có những lúc, đức Thế Tôn vừa thuyết pháp cho nhóm Tỳ-kheo này xong, thì những đoàn Tỳ-kheo khác đến. Những lúc như vậy, đức Thế Tôn thường bảo tôn giả Sàriputta thuyết lại thời pháp của Ngài cho những vị Tỳ-kheo mới đến, để Ngài đi kinh hành một lát. Hay có những khi vì sự bất hòa của thân tứ đại, những lúc như vậy Ngài liền bảo tôn giả Sàriputta thuyết hết bài pháp còn lại mà Ngài chưa hoàn tất, hay thuyết toàn bộ những thời pháp để giáo giới, khuyến khích sự tu tập của hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, hàng Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di… Những thời pháp của tôn giả Sàriputta vừa dứt thì cả đại chúng bao giờ cũng vang lên tiếng “Sàdhu” (lành thay) để ngợi khen tôn giả. Những lúc ấy, đức Thế Tôn cũng đã có mặt trên pháp tòa và tán thán tôn giả Sàriputta trước hội chúng:

“Này các thầy Tỳ-kheo! Xá-lợi-phất trước đây là trưởng giáo Bà-la-môn lỗi lạc lúc vừa 18 tuổi, là một học giả Vệ-đà hữu danh, đa văn, bác học, quảng kiến. Ông thông hiểu rành rẽ, uyên bác tất cả mọi loại triết học trong và ngoài truyền thống. Ông cũng là nhà ngôn ngữ siêu việt hai loại diễn ngôn: Bác học và bình dân, thường ngữ và pháp ngữ. Lại nữa, Xá-lợi-phất còn là một nhà thông thiên văn, địa lý, thuật số, vật lý, tự nhiên học… Với kho tàng kiến thức mênh mông ấy, thế nhưng không bao giờ ông ấy thuyết ra một câu thừa, một chữ thừa. Tất cả chỉ cần vừa đủ, trọn ý; vừa văn chương quí tộc, vừa giản dị bình dân, lúc nghiêm túc, lúc dí dỏm. Ai đã từng nghe Xá-lợi-phất thuyết pháp một lần rồi thì dường như đối với họ, trên đời này không có một pháp sư, một giảng sư nào nữa cả.

Này các thầy Tỳ-kheo! Tiếng sóng của trăm con sông, ngàn con sông đổ dồn về biển. Cũng vậy, giáo pháp Như Lai thuyết là hải triều âm. Giáo pháp mà Xá-lợi-phất thuyết lại, cũng là hải triều âm, không hai, không khác”.

Tìm trong Kinh tạng, chúng ta thấy những thời pháp của tôn giả Sàriputta thuyết giảng rất nhiều và đều có sự ngợi khen và ấn chứng của đức Thế Tôn. Do vậy, những thời pháp ấy được xem là những kinh điển mà tôn giả Sàriputta đã thuyết giảng. Những kinh ấy bao gồm nhiều đề tài khác nhau có liên hệ đến đời sống phạm hạnh. Chuyển tải những giáo lý từ đơn sơ, giản dị cho đến những tư tưởng sâu xa, uyên thâm trong Phật Pháp.

Ví dụ như các kinh:
Những kẻ thừa hưởng pháp bảo (Pháp số 3)
Sự chấm dứt tội lỗi (Pháp số 5)
Sammàdhitthi Sutta (Nói về chánh kiến-pháp số 9) v.v…

Quả thật, những kinh như vậy được tìm thấy rất nhiều trong các kinh: Trường Bộ, Trung Bộ, Trường A Hàm, Tạp A Hàm v.v…

Ngoài sự đảm nhận thuyết giảng Chánh pháp, tôn giả Sàriputta còn thay mặt đức Thế Tôn để giải quyết những vấn đề của chư Tăng, tiếp xúc với vua quan, đại thần, hàng cư sĩ, thí chủ v.v… Có lúc, tinh xá Kỳ Viên lên đến 5000 thầy Tỳ-kheo, bên cạnh những tôn giả đức hạnh cao cả, còn có hàng ngàn Tỳ-kheo mới xuất gia, giới hạnh còn yếu kém… Biết bao nhiêu chuyện quan trọng trong Tăng đoàn từ ẩm thực, y phục, phòng thất… cho đến sự phân công mọi công việc, tu tập… nhiệm vụ mà tôn giả Sàriputta đảm nhận rất to lớn và nặng nề. Ấy vậy mà mọi công việc Ngài đều hoàn thành vô cùng tốt đẹp, thời này được gọi là thời “hoàng kim của Chánh pháp”.

Đặc biệt, tôn giả Sàriputta có công rất lớn trong việc truyền bá Chánh pháp về phương Bắc của xứ Ấn. Tôn giả là người tiên phong trong việc hoằng dương Phật pháp đến xứ này, qua lần đảm trách xứ mệnh kiến thiết đại tinh xá Kỳ Hoàn.

Chính những sự việc to lớn mà tôn giả Sàriputta đã đảm trách và thể hiện, đức Thế Tôn và toàn thể chư Tăng đã ban tặng cho Tôn giả mỹ hiệu là: “Bậc tướng quân của Chánh pháp”

7. Truyền bá Phật pháp về Bắc Ấn hay công cuộc kiến thiết đại tinh xá Kỳ Hoàn:

Nếu tại Nam Ấn có tinh xá Trúc Lâm, thì tại Bắc Ấn có tinh xá Kỳ Hoàn. Đây là tinh xá tuyệt đẹp và rất có công trong việc hoằng dương Chánh pháp. Trong thời đức Phật, tinh xá này do trưởng giả Sudatta (Tu-đạt) dâng cúng.

Ở thành Sàvatthi (Xá-vệ), có vị trưởng giả triệu phú tên là Sudatta. Ông là người rất mực giàu có, lại có lòng thương yêu những người nghèo khổ, cô đơn và thường cung cấp thức ăn, y phục hay những vật dụng cần thiết cho họ, do đó ông được mọi người ban tặng một mỹ danh là: Cấp-cô-độc. Trưởng giả Sudatta có đại thiện duyên hội ngộ với đức Thế Tôn và được đức Thế Tôn thuyết giảng Chánh pháp. Sau khi nghe Pháp, ông chứng được quả vị Tu-đà-hoàn, cảm nhận được pháp lạc vô biên của đạo giải thoát. Với niềm hân hoan sung sướng chưa từng có trong đời, Ông cũng muốn chia sẻ Chánh pháp an lạc giải thoát đến với những người thân của mình và cho cả quê hương mình. Do đó, ông đã cung kính, thỉnh cầu đức Phật cùng đại chúng đến vương thành Sàvatthi, quê hương của ông để hoằng dương Chánh pháp, ban pháp lạc cho chúng sanh.

Được sự đồng ý của đức Phật, trưởng giả Sudatta liền vội vã trở về quê hương tìm một vùng đất như ý để thiết lập tinh xá làm nơi trú ngụ cho đức Phật và chư Tăng. Trải qua mấy ngày tìm kiếm, ông vẫn không tìm được nơi vừa ý, ngoại trừ khu rừng xinh đẹp của thái tử Kỳ-đà. Đây là khu rừng nhỏ rất đẹp, tọa lạc không gần cũng không xa vương thành Sàvatthi, là nơi lý tưởng cho chư Tăng an trú tu tập: “Ở đây có đồi núi nhấp nhô, nước suối ngọt ngào, mát lạnh, tỏa nức mùi hương. Từng khoảng rừng suốt ngày im bóng bởi những tàng cổ thụ xanh um; cây lá phong phú sắc màu, kỳ hoa dị thảo đua nở khắp nơi. Xuyên trong rừng là những khoảng trống lớn nhỏ có thể làm nơi tụ họp hoặc hành thiền cho cả hàng trăm người. Lại có những tảng đá bằng phẳng, nối dài khoảng hai ba chục đòn gánh chạy trong một thung lũng im mát. Suốt ngày gió hát chim ca, mù sương khi đậm khi nhạt, mây trắng vắt ngang đầu núi. Ôi! Quả thật là sơn thủy hữu tình, khí linh thiêng hội tụ từ ngàn năm để chào đón bước chân của đấng vĩ nhân xuất thế!”.

Vẫn biết rằng đây là khu rừng quí giá của thái tử Kỳ-đà, không dễ gì mua được, nhưng vì sự an lạc và hạnh phúc của muôn người, trưởng giả Sudatta cũng quyết định đến gặp thái tử Kỳ-đà để trình bày ước vọng quan trọng nhất trong đời mình và xin thái tử Kỳ-đà bán lại khu rừng ấy cho mình. Trước sự thỉnh cầu tha thiết của trưởng giả Sudatta, thái tử Kỳ-đà rất cảm động, nhưng cũng không muốn mất khu rừng xinh đẹp của mình, do vậy thái tử đã nói một câu đùa vui, để cho Sudatta từ bỏ ý định mua khu rừng: “Nếu ông có khả năng thì cứ lấy vàng mà đổi đất, ta sẽ bán cho.”

Trưởng giả Sudatta vui mừng liền hỏi: “Thưa Thái tử đổi như thế nào ạ!”. Thái tử Kỳ-đà nói: “Suối không kể, đá không kể, chỉ tính đất thôi, Ngài lấy vàng lát cho đầy mặt đất, vàng lát đến đâu là ta bán cho Ngài tới đó.”

Trưởng giả Sudatta liền theo lời nói ấy mà làm. Không ngờ một câu nói đùa mà thành hiện thực, thái tử Kỳ-đà vì trọng tín nghĩa nên không thể rút lại lời hứa. Trong lúc lấy vàng lát đất, còn những gốc cây chưa trải được, trưởng giả Sudatta dừng lại suy nghĩ. Thấy vậy, tưởng Sudatta đã thối tâm, thái tử Kỳ-đà liền hỏi lý do. Sau khi hiểu được lý do và nghe danh về bậc Thánh vĩ đại, thái tử Kỳ-đà đã phát tâm cúng phần gốc cây mà Sudatta không lát vàng được. Từ đó về sau, tinh xá này thường được gọi là: “Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên” (Cây của thái tử Kỳ-đà, khu vườn (đất) của trưởng giả Cấp-cô-độc).

Có được khu rừng như ý, trưởng giả Sudatta liền trở lại tinh xá Trúc Lâm để thỉnh ý đức Thế Tôn chỉ đạo phương pháp xây dựng đại tinh xá, đồng thời ông cũng thưa rằng: “Vương thành Sàvatthi là nơi chưa từng có Phật Pháp, lại là nơi có nhiều bàng môn tả đạo đang lộng hành, mê hoặc quần chúng. Kính thỉnh đức Thế Tôn quang lâm đặt viên đá đầu tiên và hàng phục các tà phái ngoại đạo ở đấy”.

Trước sự việc vô cùng quan trọng ấy, đức Thế Tôn đã cử tôn giả Sàriputta sang Bắc Ấn để kiến thiết đại tinh xá, đồng thời hàng phục hàng ngoại đạo tà giáo ở đấy. Vâng lời đức Thế Tôn, tôn giả Sàriputta cùng với trưởng giả Sudatta lên đường sang Bắc Ấn. Đúng như lời thưa thỉnh của Sudatta, những ngoại đạo ở đây khi biết được việc Sudatta dâng cúng khu rừng và ủng hộ một tôn giáo xa lạ nào ấy ở Nam Ấn, họ vô cùng ganh tị, tức giận tìm mọi cách để quấy phá. Họ sử dụng những năng lực thần thông và giáo lý của họ để tranh biện, xô dẹp không cho tôn giáo mới tồn tại, phát triển làm lu mờ, mất uy tín tôn giáo của họ… Chính vì thế mà tôn giả Sàriputta đã gặp rất nhiều khó khăn ở xứ này. Tuy nhiên, bằng tất cả tài năng, đức hạnh của mình, Tôn giả đã dần cảm hóa mọi tầng lớp thần dân ở đây. Với năng lực thần thông đã chứng đắc, với trí tuệ tuyệt vời, sự uyên thâm về giáo điển cũng như sự thông tuệ mọi tư tưởng, triết lý… Tôn giả Sàriputta đã hàng phục các ngoại đạo, học phái ở đây. Một số lượng rất đông ngoại đạo vô cùng kính phục, đã trở về qui y với Chánh pháp.

Ngay từ thuở còn tại gia, Tôn giả đã thông tuệ về thiên văn, địa lý… với năng lực này, Tôn giả đã kiến thiết đại tinh xá một cách hoàn hảo, từ cách thiết kế hương phòng của đức Tôn sư, các đại giảng đường để thuyết pháp, hành thiền v.v… cho đến những am cốc nhỏ của chư tăng, nhà khám bệnh, suối tắm… Không bao lâu, một tinh xá kỳ vĩ và huy hoàng đã được hoàn thành. Ngày khánh thành tinh xá cũng chính là ngày vương thành Sàvatthi đón tiếp đức Thế Tôn và hàng ngàn vị Tỳ-kheo từ Nam Ấn, tinh xá Trúc Lâm quang lâm đến xứ này. Trong Kinh tạng, tinh xá này mang nhiều tên gọi như: tinh xá Kỳ Hoàn, tinh xá Kỳ Viên, Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên… Tinh xá này được đánh giá là một trong những tinh xá đẹp nhất, lớn nhất và là nơi đức Thế Tôn thuyết pháp nhiều nhất. Kinh điển của Phật giáo được hình thành nhiều nhất. Cũng chính vì thế mà trong Kinh tạng, chúng ta thường bắt gặp câu mở đầu: “Như thị ngã văn… Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên…”.

Trí Lộc. (còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 7]