Trang 1 / 6(PLO) Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất) là Thánh đệ tử đứng đầu và là người có trí tuệ bậc nhất trong hàng đệ tử của Phật.
(Cuộc đời và ánh đạo của Tôn giả Sariputta - Tiếp theo TSPL.9)
12. Nhập Niết-bàn:
Gần bốn mươi lăm năm hoằng pháp lợi sanh bất quyện, lúc bấy giờ, tôn giả Sàriputta đã 80 tuổi, xác thân tứ đại của Ngài như cổ xe mục sắp hư hoại. Ngài nhận biết rằng nhân duyên hóa độ của mình đã sắp hoàn mãn. Sau một lần tĩnh tọa tư duy, Tôn giả biết được rằng, truyền thống của các vị Đại đệ tử của chư Phật trong quá khứ luôn nhập Niết-bàn trước đức Tôn sư của mình, thọ mạng của mình cũng sắp hết, chỉ trong bảy ngày nữa là đến ngày nhập Niết-bàn. Và Ngài cũng nhận thấy rằng nhân duyên hóa độ mẹ mình đã đến, địa điểm nhập Niết-bàn chính là quê hương của mình, trong căn phòng thuở xưa mà mình đã xuất thế.
Sau khi xuất thiền, Tôn giả đến Đại giảng đường để đảnh lễ đức Thế Tôn và trình bày nguyện vọng nhập Niết-bàn của mình, đức Thế Tôn hứa khả. Tôn giả đã đảnh lễ tri ân đức Thế Tôn với những lời thành kính nhất:
“Ôi! Đệ tử biết nói gì khi vĩnh biệt một bậc vĩ nhân siêu quần bạt tụy? Chính nhờ Ngài mà đệ tử bước ra khỏi bể khổ trầm luân để đi theo dấu chân giải thoát của Ngài. Từ đây, đệ tử sẽ không còn lang thang vô định, tới lui giữa cõi khổ sinh diệt nữa… Thế là gánh nặng muôn đời đã được buông bỏ xuống. Đệ tử sẽ hoàn toàn giải thoát, không còn bất kì một hạt bụi phiền não nào tồn tại. Ân đức ấy thuộc về đức Tôn sư, triệu năm không đền đáp được… Từ khi bước chân vào giáo pháp bất tử, đệ tử đã biết sống một đời có ích, biết phục vụ và biết phát huy, tăng trưởng sung mãn những phẩm chất cao đẹp của con người. Thế nên, biết bao chúng sinh đã được lìa xa khổ não, biết bao chư thiên và nhân loại đã nếm được hương vị của pháp mầu! Giờ đây, đệ tử đi vào Niết-bàn với tâm tư hoàn toàn thanh thản và mãn nguyện. Xin đức Thế Tôn cho phép con được nghỉ ngơi vì cái cỗ xe thân xác này đã đến lúc rã mục. Cho đệ tử được phụng bái một lần nữa, thay mặt chúng sanh tri ân bậc Vô Thượng Giác!”.
Đức Thế Tôn vô cùng xúc động, đợi Tôn giả đảnh lễ xong, Ngài bảo Tôn giả hãy ban cho đại chúng một thời pháp để giáo huấn, thúc liễm chư Tỳ-kheo tinh tấn tu tập trước khi từ giã, ra đi vĩnh viễn. Vâng lời đức Thế Tôn, Tôn giả bước lên một pháp tòa bên dưới đức Thế Tôn, ngồi trang nghiêm, bắt đầu thuyết thời pháp cuối cùng cho đại chúng: “Thời pháp như tiếng gió rì rào bất tận, như hải triều âm xa mù đại dương… Vốn làu thông cả ba Tạng, tôn giả Xá-lợi-phất đã đi từ những pháp cao siêu nhất, xuống những pháp gần gũi và giản dị nhất. Rộng thì đến vô biên, mà nhỏ thì có thể đựng đầu hạt cải. Và cuối cùng, lộ trình hướng thượng ấy, cánh cửa bất tử ấy chỉ còn là đi đứng nằm ngồi, mặc áo, ăn cơm, quét tịnh thất, tôn kính bậc trưởng thượng, tỉnh giác nhu thuận, lặng lẽ, ôn hòa, thuần tịnh, nội tâm trong sạch không có cáu bợn phiền não…!”
Bước xuống khỏi pháp tòa, Tôn giả quyến luyến nhìn đại chúng thân thương và kính lễ đức Tôn sư lần cuối, trong lòng Tôn giả, những kỉ niệm từ vô lượng kiếp lại quay về: “Giờ phút này, giữa không-thời-gian vĩnh cửu, bất diệt, không biết đã trải qua bao trăm ngàn đại kiếp, khi ta quì mọp dưới chân đức Phật Anomadassi và phát nguyện được gặp lại đấng Như Lai này? Nguyện vọng ấy giờ đây đã hoàn toàn viên mãn. Lần gặp gỡ đầu tiên với Ngài là sự kiện lớn nhất đối với ta. Còn đây là lần gặp gỡ sau chót, ta chiêm ngưỡng Ngài, để sau này chẳng còn cơ hội nào nữa cả.”
Với tâm thành tri ân vô hạn, sau khi đảnh lễ đức Thế Tôn và đại chúng xong, lui từng bước một, Tôn giả lên đường để thực thi hạnh nguyện cuối cùng ấy. Đức Thế Tôn lặng buồn nói với đại chúng: “Các thầy hãy đi đi! Hãy đi tiễn ông anh cao cả của các thầy đi!”. Và Ngài lặng lẽ bước vào hương phòng đóng cửa lại.
Cả đại chúng bàng hoàng xúc động rơi lệ, hàng Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di đau buồn vô hạn khóc vang lên, thế giới Ta-bà rung chuyển theo sáu cách, nước trong bốn biển dâng cao, cả tầng mây, cả hư không cũng dao động không ngớt, vạn vật u buồn như chít khăn tang để đưa tiễn chân của bậc Đại đệ tử, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đi về cố hương không bao giờ trở lại. Trái đất như ngừng quay để thốt lên lời than thở: “Ôi! Hỡi những hiện thân vĩ đại và siêu việt! Mặc dầu thân thể tôi đây có thể chịu đựng được những vết chém ngang dọc của những con sông to, sông nhỏ. Mặc dù thân thể tôi đây có thể chở mang, gánh nặng những ngọn Meru hùng vĩ, những thần sơn Cakkavàla cao ngất và đỉnh Hymavantu-vua của loài núi, ngút mây! Thế nhưng, tôi đã không chịu đựng nỗi ngày hôm nay, một ngày mà Giới đức, Định đức và Tuệ đức cùng vô lượng phẩm chất cao đẹp khác của con người đồng qui tụ ở tại giảng đường Kỳ Viên tịnh xá này!”
Tôn giả Sàriputta cất bước ra đi. Bên cạnh là thị giả, Sa-di Quân Đầu, sau lưng là năm trăm Tỳ-kheo môn đệ của Ngài, rồi đến cả hàng trăm, hàng nghìn Tỳ-kheo trưởng lão khác. Cho đến hàng trăm, hàng ngàn nam cư sĩ, nữ cư sĩ và dân chúng trong thành Xá-vệ đồng đưa tiễn Tôn giả trong sự bịn rịn, u buồn, quyến luyến, khóc than… không muốn quay trở về. Các con đường như phủ kín màu vàng y của chư Tăng, khắp những nơi Tôn giả đi qua là cả rừng người bao phủ, họ quyến luyến, khóc than, buồn khổ… Tôn giả phải nhiều lần dừng lại để khuyên giảng về sự vô thường, tụ tán, sanh diệt của vạn vật, của kiếp người… Và khuyên họ không nên khóc than đưa tiễn nữa, phải nhiều lần như thế, họ mới dằn lòng, gạt lệ quay về, cuối cùng chỉ còn lại Sa-di Quân Đầu và năm trăm Tỳ-kheo tháp tùng Ngài trở về cố hương.
Cuộc hành trình từ Xá-vệ về cố hương của Ngài diễn ra đúng một tuần, suốt cuộc hành trình ấy, Tôn giả cùng phái đoàn có nghỉ lại đêm tại những nơi có hàng cư sĩ nghênh đón. Trong chuyến đi này, Tôn giả cũng đã thuyết pháp, ban bố những ân huệ giải thoát cho rất nhiều người hữu duyên ngay trên đường trở về cố xứ.
Khi phái đoàn đến Nàlakà vào một buổi chiều, dừng chân bên cạnh cây đa ở gần cổng làng, Tôn giả đã gặp người cháu mình, sau khi người cháu đảnh lễ Ngài xong, Tôn giả bảo người cháu về thưa với Bà (mẹ Ngài) là Tôn giả đang trên đường trở về nhà và xin Bà dọn căn phòng thuở xưa Tôn giả chào đời để Ngài ở và cũng xin bà sắp xếp nơi ở cho năm trăm Tỳ-kheo đi cùng Ngài. Phái đoàn Tôn giả về đến nhà đúng vào lúc hoàng hôn đang buông phủ, cả vũ trụ u buồn như đang chít khăn tang. Lúc bấy giờ, Tôn giả đã vào ở trong phòng thuở xưa, toàn thân Tôn giả đau nhức vô hạn, Ngài mắc bệnh tả lỵ, thị hiện bệnh để nhập Niết-bàn, Sa-di Quân Đầu hầu hạ Tôn giả, suốt đêm ra vào liên tục với những cái bô trên tay. Đại Phạm Thiên, thiên chủ Đế Thích, Tứ Đại Thiên Vương… cùng với hàng thiên chúng phóng ánh hào quang chiếu rực cả khu vườn và căn nhà bà Sàri, họ cùng nhau đến viếng thăm và xin hầu hạ Tôn giả lần sau cùng. Nhưng Tôn giả đã từ chối tất cả và cảm ơn thâm tình của họ; Ngài bảo rằng đã có vị thị giả của Ngài làm việc ấy và khuyên họ không nên lo lắng, buồn khổ gì cả vì Ngài chỉ thị hiện bệnh khổ để nhập Niết-bàn, và cho phép họ lui về bổn xứ. Vâng lời của Tôn giả, họ buồn bã lặng lẽ đảnh lễ Tôn giả và biến mất. Chứng kiến được diệu cảnh ấy, bà Sàri, mẹ Tôn giả đã chứng được Thánh quả Tu-đà-hoàn (đã đăng trong số Pháp Luân số 9).
Độ được thân mẫu của mình xong, Ngài nhận thấy nhân duyên hóa độ trên cõi trần này đã hoàn mãn. Bây giờ đã vào canh năm, trời đã gần sáng, Ngài bảo vị thị giả dìu Ngài vào phòng khách lớn của căn nhà và tập hợp tất cả chư Tăng đến. Sau khi an tọa xong, các Tỳ-kheo đã tề tựu đủ, Ngài từ tốn nói với các Tỳ-kheo: “Này các huynh đệ, trong bốn mươi bốn năm, bần đạo đã cùng sống và du hành truyền đạo với các vị, nếu bần đạo có một hành vi hay lời nói nào không vừa lòng, xin chư huynh đệ bỏ lỗi cho nhé.”
Tất cả các Tỳ-kheo vô cùng xúc động đồng thanh trả lời: “Ngài đừng nói thế mà tội nghiệp cho chúng con. Ôi! Quả thật, một sự mếch lòng nhỏ như hạt bụi giữa Ngài đối với chúng con cũng không có! Với chúng con, Ngài là viên ngọc Mani không tỳ vết, là mặt trăng, là mặt trời lồng lộng giữa không trung! Dù Ngài có ra đi, có khuất bóng, dấu chân bất diệt và cao cả của Ngài vẫn còn đó. Chúng con nguyện đi theo dấu chân ấy và ghi khắc hình ảnh của Ngài vào tâm khảm. Phải nói ngược lại mới đúng: xin Ngài hoan hỷ xá tội cho những lầm lỡ của chúng con!”
Trên môi Ngài mĩm nụ cười yếu ớt, qua giọng nói nhỏ yếu, Tôn giả đã sách tấn các Tỳ-kheo hãy tinh tấn nỗ lực tu tập và hoằng pháp lợi sanh, luôn lấy đức Phật làm ngọn tuệ đăng để soi đường, lấy Pháp làm kim chỉ nam để thanh lọc thân tâm tiến về bến giác và luôn nương vào chư Tăng để làm áo giáp kiên cố vượt mọi khó khăn trong cuộc sống… Sau những lời căn dặn đầy thâm tình, Ngài bảo các Tỳ-kheo lui ra ngoài. Trong phòng khách to lớn chỉ còn lại vị thị giả và ba trưởng lão A-la-hán: A-nậu-lâu-đà, Ly-bà-đa, và Cunda đang đứng hầu bên cạnh. Ngài nằm nghiêng người xuống bên hữu, duỗi thẳng chân, nằm đúng theo dáng nằm của sư tử vương, sau đó Ngài nhiếp tâm vào sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, vào không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ và đi vào diệt thọ tưởng định. Từ diệt thọ tưởng định, Ngài trở lại sơ thiền… và lên đến tứ thiền, đi sâu vào đại định viên mãn hướng vào Niết-bàn. Khi vầng thái dương xuất hiện phía chân trời thì Ngài đã hoàn toàn vào Niết-bàn vĩnh cửu, đạt đến cảnh giới không còn dư sót bất cứ sự dính mắc khổ đau nào. Hôm ấy là ngày trăng tròn tháng Kattika, theo dương lịch là ngày 15 tháng 10.
Qua tuệ nhãn, trưởng lão A-nậu-lâu-đà biết rằng Tôn giả đã hoàn toàn vào Niết-bàn nên thông báo cho toàn thể các Tỳ-kheo hay biết. Bà Sàri, mẹ Ngài, khi hay tin, vô cùng sửng sốt và bất tỉnh, sau khi tỉnh lại Bà vô cùng ăn năn vì từ trước đến giờ chưa làm gì để phụng sự Tam Bảo. Bà đã sai gia nhân mở tất cả các kho báu để cúng dường chư Tăng và kiến thiết một đại lễ trà tỳ trọng thể nhất, lớn nhất chưa bao giờ được thấy xưa nay. Một giàn hỏa vĩ đại làm bằng các loại hương liệu quí giá, gỗ thơm, trầm hương… với muôn ngàn hoa thơm, diệu hương và hàng ngàn tràng phan, lọng phướn… được bố trí khắp nơi. Hàng trăm, hàng ngàn Tỳ-kheo xúc động, rưng rưng dòng lệ trong tiếng kinh cầu; trầm hùng vang xa cả một vùng. Hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn các Sa-môn, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, đại thần, Sa-môn, Bà-la-môn… cho đến dân chúng ở trong làng và các làng kế cạnh đều kéo nhau về tham dự đại lễ Trà-tỳ nhục thân của Tôn giả. Ngọn lửa bốc cao, chiếu sáng khắp cả một vùng trời, hương thơm vang xa đến mấy ngôi làng.
Sau lễ Trà-tỳ, các trưởng lão Tỳ-kheo thu lấy Xá-lợi đặt vào một vuông vải lọc, giao cho Sa-di Quân Đầu và cùng nhau thỉnh Xá-lợi về trình lên đức Thế Tôn.
Nhận bọc vải vuông có Xá-lợi của tôn giả Sàriputta từ Sa-di Quân Đầu, tại Đại giảng đường có đông đủ các Tỳ-kheo, đức Thế Tôn đặt Xá-lợi lên tay trái của Ngài và nói: “Này các thầy Tỳ-kheo! Đây là di cốt có màu sắc sáng trắng như ngọc trai của một vị Tỳ-kheo có phẩm hạnh trinh bạch như một vỏ ốc. Đây là anh cả của các người! Ông đã tích lũy Ba-la-mật như cát của con sông Đại Hằng. Quả vị mà Ông đạt được rất gần với Như Lai. Là một Tỳ-kheo xứng đáng được Tứ chúng tôn trọng và ngưỡng mộ. Trí tuệ của Ông không ai bì kịp, trí tuệ ấy sáng suốt, quảng bác, rực chói như hàng triệu ngôi sao tụ lại. Ông ấy là một người sống đời biết đủ, ít ham muốn, điềm đạm, không dính bụi trần, ưa tĩnh cư, ưa tạo sự hòa hợp giữa Tăng chúng, không mệt mỏi trong Phật sự, không chán nản trong việc giáo huấn môn đồ, là người bạn khả kính, khả ái của mọi người, là một thiện tri thức vĩ đại.”
Thời pháp về công hạnh của tôn giả Sàriputta vừa dứt, đức Thế Tôn nhìn đại chúng với đôi mắt trầm buồn, thầm nói với đại chúng rằng: “Khi Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đi rồi, thì đối với Như Lai, hội chúng này hoàn toàn trống rỗng!” (Lúc này, tôn giả Mục-kiền-liên cũng vừa nhập Niết-bàn).
Sau khi nghe đức Thế Tôn ca ngợi công đức, phẩm hạnh tuyệt vời của tôn giả Sàriputta, hàng cư sĩ tại gia, vua chúa, trưởng giả, đại thần… cùng dân chúng thành Xá-vệ đồng góp tiền của, công đức kiến tạo một ngôi tháp kì vĩ để tôn thờ Xá-lợi của tôn giả Sàriputta ngay trên ngọn đồi tuyệt đẹp nằm sâu trong vườn cây của thái tử Kỳ-đà.
Cuộc đời và ánh đạo cùa tôn giả Sàriputta như thế ấy: ra đời trong sự hân hoan, đón chờ của hàng ngàn người; xuất gia, tầm đạo, hoằng pháp lợi sanh cứu độ hàng vạn người và nhập Niết-bàn trong một trạng thái kì diệu, tự do, tự tại, giải thoát hoàn toàn, nhưng để lại sự nhớ thương, luyến tiếc trong hàng triệu con tim. Để rồi hôm nay và cả tận mai sau, không bút mực nào ca ngợi hết được, dù đó là bút của đại lâm, là mực của đại hải. Ai đã đọc qua trang sử của Ngài, Thánh hạnh hay vạn hạnh của Ngài, không thể không kính, không yêu, không thán phục một cuộc đời, một ánh đạo vĩ đại như thế!
Tài Liệu Tham Khảo:
1. Một Cuộc Đời Một Ngôi Sao (Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
2. Cuộc Đời Ngài Xá-Lợi-Phất (Vị Tăng Đệ Nhất Trí Tuệ - Nguyễn Điều)
3. Thập Đại Đệ Tử (Thích Tịnh Vân)
4. Lịch Sử Đức Phật Tổ Cồ Đàm (Maha ThôngKham Medivongs).
5. Phật Và Thánh Chúng (Cao Hữu Đính).
6. Cuộc Đời Đức Phật (A.F Hrold - Tịnh Minh Dịch).
7. Trên Đường Hoằng Pháp Của Phật Tổ Gotama (Cuộc Đời Đức Phật-Trùng Quang Nguyễn Văn Hiểu).
8. Đức Phật Lịch Sử (The Historical Buddha), Nguyên Tâm-Trần Phương Lan dịch.
Trí Lộc.
[Tập san Pháp Luân - số 10]