(PLO) Vãng sanh thế giới Tây phương Cực Lạc là niềm mong ước người tu Tịnh độ...
(Trợ niệm khi lâm chung - tiếp theo TSPL.20)
Như bài trước chúng tôi đã nói, việc vãng sanh hay không, tùy thuộc một phần lớn vào sự trợ duyên niệm Phật khi người bịnh sắp lâm chung. Vì thế, việc phát tâm đến trợ niệm cho người khác, có công đức bất khả tư nghì. Tất nhiên muốn thành tựu trọn vẹn công đức, đòi hỏi người trợ niệm phải làm đúng pháp. Việc làm của người trợ niệm, khi đến trợ niệm cho người sắp lâm chung bao gồm một số công việc cụ thể sau:
A. Việc làm của người trợ niệm:
1. Phải có tâm nguyện Bồ-tát:
Điều kiện cần thiết của người trợ niệm khi cử hành pháp trợ niệm là phải có tâm nguyện của Bồ-tát. Tâm nguyện Bồ-tát là tâm trên cầu Phật đạo, dưới cứu độ vạn loại chúng sanh. Nói chung, Bồ-tát là những vị khi làm một công việc gì đều không nghĩ đến quyền lợi bản thân, mà luôn nghĩ việc làm đó có lợi ích cho chúng sanh hay không. Nếu việc làm đó có lợi ích chúng sanh thì dù tan thân nát mạng, thậm chí phải đọa vào địa ngục, Bồ-tát vẫn hoan hỷ làm.
Vì thế, người trợ niệm khi đến trợ niệm cho người khác, nên đem tâm từ bi, tâm chân thật mà làm, không được ngại khó ngại khổ, không được phô diễn hình thức, không được cầu danh lợi. Đối người bịnh phải có lòng thương yêu trìu mến, xem họ như là người bà con thân thuộc của mình.
Thái độ đối với bịnh nhân nên thương yêu nhẹ nhàng, lời nói từ tốn nhu nhuyến, sao cho người bịnh nghe rõ. Vận dụng hết tâm lực để niệm Phật, cầu nguyện cho người bịnh vãng sanh. Đồng thời khuyên nhủ gia đình làm đúng với tinh thần chánh pháp. Nên biết, phát tâm trợ niệm người khác chính là thay thế đức Như Lai, đảm nhận trách nhiệm cứu độ chúng sanh thoát ly sanh tử. Công việc này vô cùng hệ trọng và có công đức rất lớn.
2. Dặn dò người nhà:
Phần nhiều những gia đình không biết Phật pháp, trước cảnh sanh ly tử biệt khó ai có thể ngăn cản những nỗi đau thương luyến tiếc, và không làm sao tránh khỏi cảnh rối bời. Nếu người trợ niệm không có đôi lời dặn dò chỉ bảo, thì khó có thể thành tựu pháp trợ niệm, người chết khó đạt được sự lợi ích chân thật.
Trước khi trợ niệm, người trợ niệm nên đả thông tư tưởng cho gia đình, đại để gọi gia đình lại dặn dò: “Cuộc đời là vô thường, có sanh tức có tử, có hội họp tất có biệt ly. Giờ phút này các vị nếu có tình thương yêu người bịnh, không được khóc lóc, chỉ nên nhất tâm niệm Phật, cầu nguyện cho người bịnh vãng sanh. Việc vãng sanh hay đọa lạc, trách nhiệm phần lớn tùy thuộc vào các vị. Các vị muốn người thân vãng sanh, từ giờ này nên làm theo sự chỉ đạo của tôi”.
Đồng thời, nhắc nhở gia đình phát tâm ăn chay, không sát hại chúng sanh, không nghe theo những tà thuyết sai lầm của thế gian, khuyến khích gia đình nên vì người bịnh làm các công đức, tuyệt đối không được khóc lóc, mà chỉ hướng tâm theo tiếng niệm Phật, để cầu nguyện cho người chết được vãng sanh.
3. Có tâm thương yêu người bịnh:
Người trợ niệm phải có tâm thương yêu người bịnh, nên quán sát bản thân họ, xem như là người bà con thân thuộc của mình. Bởi vì người bịnh mặc dầu không phải bà con thân tộc trong hiện đời, nhưng hoặc một đời, hai đời, ba đời trước cũng là bà con với nhau, không thể cho rằng chúng ta với họ không có liên quan tình huyết thống. Người trợ niệm nếu xem người bịnh như là người bà con, thì tâm trợ niệm niệm Phật, lúc đó mới thật sự chí thành khẩn thiết.
Khi vào phòng người bịnh, thái độ của người trợ niệm phải hết sức thương yêu thành khẩn, lời nói từ tốn nhẹ nhàng, sao cho người bịnh nghe hiểu rõ ràng, để trong tâm họ không có chút hoài nghi. Trước hết, người trợ niệm nên tán thán những công đức trong đời người bịnh tạo được, khiến bịnh nhân sanh tâm hoan hỷ; kế đến, nói những sự thù thắng vi diệu của thế giới Cực lạc, khiến họ sanh tâm an ổn và khởi lòng chánh tín cầu sanh Tây phương. Đồng thời khuyến khích người bịnh nên buông bỏ mọi duyên, một lòng tưởng Phật niệm Phật cầu nguyện vãng sanh.
4. Ngăn không cho bà con khóc lóc, thăm hỏi:
Trong phòng bịnh, trừ người khai thị, tất cả mọi người không được phép, đến bên người bịnh hỏi han, trò chuyện, cũng không được ở trong phòng bịnh nói chuyện tạp, nếu bịnh nhân nghe được, sẽ phân tâm, mất chánh niệm. Nếu có bà con, hàng xóm muốn đến thăm hỏi, người trợ niệm nên ngăn lại: “Ông đến đây là để trợ niệm cho người bịnh phải không? Nếu vậy, ông hãy nên nghe theo tôi, hầu tránh chướng ngại cho người bịnh”.
Còn họ không phải đến trợ giúp người bịnh niệm Phật, lúc đó người trợ niệm nên bảo gia đình, mời những người này sang phòng bên tiếp đãi, để tránh cho người bịnh gặp mặt khiến phát sanh tình ái dục niệm, chướng ngại sự vãng sanh.
Gặp tình huống này, người trợ niệm không nên ngại khó hoặc vị tình mà không làm. Có điều gia đình nên tìm cách giải thích cho họ hiểu, hầu tránh sự mất lòng. Nếu để họ gặp người bịnh rồi khóc lóc hỏi han, thì làm cho người bịnh không được chánh niệm và hoàn toàn không phù hợp với tông chỉ trợ niệm.
5. Khai thị trước khi trợ niệm:
Người trợ niệm đến, trước khi cử hành pháp trợ niệm cần có đôi lời khai thị cho người bịnh. Nội dung khai thị đại để như sau:
“Ông nên biết, phàm làm người không một ai có thể tránh khỏi cảnh sanh, già, bịnh, chết. Nay thân ông đang bịnh, nhưng tâm ông không nên sầu khổ, mà hãy chuyên trì danh hiệu Phật A-di-đà, niệm niệm duyên theo câu Phật hiệu, mong cầu vãng sanh Tây phương, như thế ngay đây bịnh khổ sẽ không gây tác hại.
Chúng ta là người tu niệm Phật, không luận sự tình như thế nào, đến lúc lâm chung mọi việc đều nên buông bỏ, trong tâm chỉ có một câu Phật hiệu. Không nên nghe theo những lời chỉ dạy của hạng người không có tri thức, có chút bịnh khổ rồi cầu trời thần, ma quỷ bảo hộ. Giờ phút này trong tâm ông, chỉ duy trì một ý niệm, là mong cầu chư Phật, Bồ-tát đến tiếp độ vãng sanh. Nếu ông nghe theo lời tôi buông hết duyên trần, một lòng tưởng Phật niệm Phật, thì quyết được vãng sanh. Chúng tôi sẽ niệm Phật trợ niệm cho ông, ông hãy duyên theo tiếng niệm Phật mà niệm”.
6. Tiếng niệm Phật cần rõ ràng:
Người bịnh nếu còn tỉnh, trước khi niệm Phật, người trợ niệm nên hỏi qua ý kiến, không được tùy theo ý mình mà niệm, khiến người bịnh khó đạt được sự lợi ích. Hỏi thăm họ thích niệm nhanh hay chậm, cao hay thấp… bốn chữ hay sáu chữ, rồi tùy theo ý người bịnh mà niệm Phật trợ niệm.
Còn như người bịnh mệt không trả lời được, thì tiếng niệm Phật không được quá nhanh, nếu nhanh quá nghe không rõ ràng; cũng không nên quá chậm, nếu chậm quá tiếng niệm Phật sẽ rời rạc; cũng không nên quá cao, nếu cao quá người trợ niệm khó niệm lâu dài; cũng không nên quá thấp, nếu thấp quá người bịnh nghe không rõ. Vì thế, tiếng niệm Phật không nhanh không chậm, không cao không thấp, mỗi câu mỗi chữ trong trẻo rõ ràng, khiến mỗi câu hồng danh Phật đều lọt vào tai, làm cho người bịnh sanh tâm hoan hỷ khoái lạc.
Nên nhớ lúc trợ niệm, là thời điểm mà người bịnh khí lực rất yếu, bản thân họ niệm Phật không nổi, hoàn toàn nương vào câu Phật hiệu của người khác. Nếu tiếng niệm Phật rõ ràng, trong trẻo, câu chữ phân minh, như thế tâm người bịnh sẽ rất dễ đi vào chánh định.
7. Theo dõi thái độ người bịnh:
Trong thời gian niệm Phật, người trợ niệm nên theo dõi thái độ người bịnh. Nếu đang trợ niệm, người bịnh có những biểu hiện như khuôn mặt sầu khổ, người toát mồ hôi, hoặc đầu thân, tay chân cử động, hoặc không hoan hỷ khi nghe tiếng niệm Phật, hoặc có những điều nghi ngờ, hoặc rơi vào trạng thái hôn mê không hay biết... đây là hiện tướng của nghiệp chướng phát khởi, do công phu niệm Phật của người bịnh chưa vững chải.
Gặp các trường hợp đó, người trợ niệm nên đến bên người bịnh răn nhắc: “Cảnh giới Tây phương Cực lạc hiện đang ở trước mặt ông, ông nên cố gắng trì niệm danh hiệu Phật A-di-đà để được vãng sanh”. Lại tiếp tục để ý thần sắc người bịnh, nếu vẫn tương tự như trước, người trợ niệm nên nhắc lại lời đó lần nữa, tối đa không quá ba lần, sau đó chỉ niệm Phật lớn tiếng mà thôi.
Trợ niệm một thời gian, đột nhiên người bịnh tinh thần có sự phân minh, sảng khoái, nói chuyện, hoặc thở dài cho đến tay chân cử động… Lúc đó, người trợ niệm đặc biệt chú ý, tiếp tục khẩn thiết niệm Phật, không để một ai khóc lóc, thăm hỏi, rờ rẫm. Nên biết, kể từ thời điểm người bịnh xảy ra tình huống này, không quá hai tiếng đồng hồ sau bịnh nhân sẽ tắt thở. Tất cả mọi người khi sắp chết, phần nhiều đều rơi vào trạng huống này.
Tóm lại, đối với một số tình huống như thế xảy ra, người trợ niệm phải theo dõi để kịp thời xử lý, như thế người chết mới có được sự lợi ích.
8. Ngăn không cho gia đình làm những việc sai quấy:
Những gia đình rơi vào cảnh có người thân mất, trừ những người có niềm tin Tam bảo, họ sẽ rối bời và hay nghe theo những tà thuyết sai lầm. Người trợ niệm phải có trách nhiệm, chỉ vẽ họ làm những việc phù hợp với Chánh pháp, khiến kẻ còn người mất đều được lợi ích.
Người trợ niệm khuyên gia đình, nếu có lòng thương yêu người chết, thì chỉ một lòng niệm Phật trợ niệm cho người chết được vãng sanh, không nên khóc lóc, rờ rẫm người chết. Trong thời gian cử hành tang lễ cho đến 49 ngày, gia đình nên phát tâm cúng chay, ăn chay, không nên sát hại chúng sanh cúng tế quỷ thần, không được đốt giấy tiền vàng mã...
Đồng thời mời chư Tăng, Phật tử cũng như gia quyến tụng kinh niệm Phật, xuất tài vật làm các việc phước thiện, như cúng dường, bố thí để hồi hướng công đức cho người quá cố, khiến họ nương nhờ phước nghiệp, mà được siêu thăng cõi Phật.
B. Phương thức trợ niệm:
Phương pháp trợ niệm khi lâm chung, qua việc tham khảo kinh nghiệm các bậc cổ đức, chúng tôi xin nêu ra năm điểm sau:
1. Khai thị trước khi trợ niệm:
Trước khi trợ niệm, người chủ lễ ngoài việc có đôi lời dặn dò gia đình, cần phải có lời khai thị cho người bịnh. Chúng ta trợ niệm cho người khác, không được bỏ qua phần khai thị, nếu không, người bịnh không biết mục đích trợ niệm và duyên tâm vào đâu để cầu nguyện vãng sanh.
Vì thế, người chủ lễ trước khi trợ niệm, nhất định đối trước bệnh nhân khai thị: “Ông nên biết, giờ phút này mọi người đang niệm Phật trợ niệm cho ông, ông nên cùng mọi người đồng niệm. Nếu như sức khỏe suy nhược không thể niệm theo, ông nên lưu tâm lắng nghe mọi người niệm Phật, thì cũng như ông đang niệm. Có điều tai ông nghe câu Phật hiệu phải rõ, một câu nghe rõ một câu, một chữ nghe rõ một chữ, trong tâm nên ghi nhớ rõ ràng. Ông nên toàn tâm toàn ý hướng về âm thanh danh hiệu Phật A-di-đà”. Sau khi nói lời khai thị, mới cử hành nghi thức trợ niệm.
2. Phân ban trợ niệm:
Người trợ niệm ban ngày chia thành hai ban, ban đêm chia thành ba ban, số người mỗi ban tối thiểu hai người, hạn định một giờ đồng hồ đổi ban. Phương pháp trợ niệm, ban ngày, ban thứ nhất niệm Phật lớn tiếng, ban thứ hai mặc niệm, qua một giờ đồng hồ rồi đổi ban. Ban đêm, ban thứ nhất niệm lớn tiếng ban thứ hai và ban thứ ba mặc niệm hoặc có thể nghỉ ngơi, niệm một giờ đồng hồ rồi lại đổi ban.
Như thế cứ luân phiên thay ban, không luận là ba ngày, năm ngày, bảy ngày, nửa tháng, một tháng đều có thể trợ niệm lâu dài. Các ban trợ niệm luân phiên theo thứ tự, khiến cho ngày đêm, âm thanh Phật hiệu tương tục. Mỗi ngày ba bữa cơm ăn, nước uống đều phân chia người khác phục vụ. Người trợ niệm sau khi dùng cơm xong, thời gian tiếp ban chưa đến, có thể thay nhau nghỉ ngơi đôi chút, để phục hồi tinh thần.
3. Nghi thức trợ niệm:
Đối với việc trợ niệm, trước hết người chủ lễ phải nên quán sát bệnh tình người bệnh. Đại để người trợ niệm đến, gặp lúc bịnh tình hệ trọng (chuẩn bị lâm chung), thì khởi đầu niệm bài kệ tán Phật (A-di-đà Phật thân kim sắc...), tiếp theo niệm câu Nam mô Tây phương Cực lạc thế giới đại từ đại bi A-di-đà Phật, rồi niệm bốn chữ hồng danh A-di-dà Phật. Pháp khí sử dụng trợ niệm chỉ dùng khánh, âm thanh mõ quá trầm không nên dùng.
Nếu bệnh đang nhẹ, lúc đó khởi đầu tán bài Liên trì hải hội, tụng một biến kinh Di đà, ba biến Vãng sanh thần chú (tốt nhất 21 biến); kệ tán Phật, tiếp theo niệm câu Nam mô Tây phương Cực lạc thế giới đại từ đại bi A-di-dà Phật, niệm sáu chữ hồng danh Nam mô A-di-đà Phật khoảng mười câu, rồi chuyển sang niệm bốn chữ hồng danh A-di-đà Phật.
4. Thời điểm hôn mê đến khi sắp chết:
Nếu đang trợ niệm, người bệnh rơi vào trạng thái hôn mê không còn hay biết, bấy giờ người trợ niệm đến bên người bịnh nói lời khai thị, đồng thời dùng khánh kê sát tai đánh một vài tiếng. Sau đó niệm lớn Phật hiệu, khiến cho người bệnh thoát lần khỏi sự hôn mê.
Khi người bệnh sắp đến lúc chấm dứt hơi thở, tất cả người trợ niệm nên nhóm lại trợ niệm, tốt nhất cùng bà con đối trước Tam bảo, hoặc quỳ niệm hoặc lễ niệm, đồng thời trong tâm mỗi người đều quán tưởng đức Phật A-di-đà hiện phóng ánh sáng lớn tiếp độ, người chết đang ở trong hào quang của Phật chắp tay trang nghiêm, vãng sanh Tịnh độ. Sau khi đã chấm dứt hơi thở độ mười phút, người trợ niệm chia thành hai ban, mỗi ban luân phiên niệm Phật khoảng nửa giờ đồng hồ, bắt đầu từ thời điểm này trở đi cần phải niệm Phật lớn tiếng, rồi cứ tuần tự đổi ban niệm Phật như trước.
5. Thời điểm tắt thở cho đến khi toàn thân lạnh hẳn:
Người bệnh sau khi đã chấm dứt hơi thở, trước khi thân thể chưa lạnh hẳn, trong giai đoạn này những vị trong ban trợ niệm cần hết sức chú ý, tuyệt đối không được thăm dò hơi nóng và bà con không được khóc lóc, chỉ nên phát tâm niệm Phật trợ niệm. Cần trải qua tám hoặc mười giờ đồng hồ, mới có thể mời một vị có sức tu hành tương đương, dùng tay nhẹ thăm dò hơi nóng, cho đến khi toàn thân người chết lạnh hẳn, việc trợ niệm mới tạm dừng. Lúc đó, người trợ niệm hướng về trước Phật, thay mặt người chết hồi hướng công đức, cầu nguyện người chết vãng sanh Tịnh độ.
Nếu toàn thân người chết vẫn chưa lạnh hẳn, thì không luận một ngày, hai ngày, ba ngày, mọi người đều phát tâm niệm Phật lớn tiếng. Cá nhân mỗi người trợ niệm đều nên nghĩ, đây là lúc chúng ta thay thế đức Như Lai, cứu độ chúng sanh thoát ly sanh tử. Mọi người không nên vì chút thời gian này, mà sanh tâm nhọc nhằn biếng nhác, khiến người chết lạc lối không được vãng sanh. Chúng ta trợ niệm với tâm như thế, mới chân chánh phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo, biểu hiện sự tu hành một cách thực tế.
Tóm lại: Có nhân tức có quả, có quả tức có nhân. Chúng ta phát tâm trợ niệm người khác, tương lai đến lúc lâm chung tự nhiên sẽ có người phát tâm đến trợ niệm chúng ta. Người khác nhờ chúng ta trợ niệm được vãng sanh, tương lai họ sẽ theo hầu đức Phật A-di-đà, đồng đến tiếp dẫn, dùng thần lực gia hộ, khiến chúng ta lúc lâm chung chánh niệm hiện tiền vãng sanh Cực lạc. Do vậy, thường trợ niệm người khác vãng sanh, đối với vấn đề lợi hại lúc lâm chung thật rất rõ ràng. Sau này đến thời điểm lâm chung, chúng ta cũng vận dụng kinh nghiệm quá khứ, khiến tất cả đều như pháp. Do đó sẽ không có các sự tình phát sanh ngoài ý muốn, và quyết định sẽ được vãng sanh.
Thích Nguyên Liên
[Tập san Pháp Luân - số 22, tr.23, 2006]
Khi nhắm mắt lìa đời được Phật A-di-đà, cùng Bồ-tát Quán Âm, Thế Chí và chư thượng thiện nhân hiện thân tiếp dẫn thần thức, vãng sanh thế giới Tây phương Cực Lạc là niềm mong ước cháy bỏng của người tu Phật nói chung và người tu Tịnh độ nói riêng. Tuy nhiên, muốn đạt được điều đó, đòi hỏi người niệm Phật khi sống phải có công phu tu tập; nghĩa là có tín sâu, nguyện thiết, chuyên trì thánh hiệu Phật và nhất là khi lâm chung phải có sự trợ duyên niệm Phật của người khác.
Do vậy, hành giả ngoài việc bình sanh nhất tâm niệm Phật, thì sự trợ niệm khi lâm chung của bạn đồng tu là điều kiện vô cùng quan trọng, đóng vai trò quyết định cho sự vãng sanh. Có vài người thường ngày tuy có công phu niệm Phật, nhưng khi lâm chung gia đình không biết Phật pháp, y theo những tà thuyết của thế tục, làm cho người bịnh tâm thức rối loạn không thành tựu chánh niệm, khiến việc vãng sanh bị chướng ngại vô cùng.
Trong phạm vi bài viết, chúng tôi xin trình bày về phương thức trợ niệm lúc lâm chung mà chư vị cổ đức đã chỉ dạy, ngõ hầu trợ giúp cho người niệm Phật giữ vững chánh niệm, trong giây phút quyết định sự phân phàm rẽ thánh quan trọng này.
Phần trợ niệm khi lâm chung, được chia thành ba phần lớn.
I. Người thân nên làm những việc gì khi có người thân lâm chung.
II. Việc làm của người trợ niệm và phương thức trợ niệm.
III. Người lâm chung nên chuẩn bị những việc gì.
Bài này chúng tôi sẽ trình bày phần thứ nhất.
I - Người bà con nên làm những việc gì khi có người thân lâm chung.
Trong gia đình khi có người thân bịnh nặng sắp lâm chung, để tỏ lòng thương yêu, đồng thời giúp đỡ cho thần thức người chết được vãng sanh các cảnh giới an lành, gia đình người bịnh cần chú ý những việc sau:
1. Đối với người bịnh phải có tình thương yêu chân thật.
Phàm làm người, tất nhiên đối với cha mẹ, anh em, vợ con, chúng ta đều mang ân nghĩa sâu nặng. Vì thế phận làm con cần phải có hiếu thảo với cha mẹ, làm chồng phải có tình nghĩa với vợ, làm cha phải có trách nhiệm với con cái, làm anh phải có từ ái đối với em. Do vậy, trong gia đình khi có người bịnh nặng, chúng ta cần đem lòng thương yêu chân thật, chăm sóc người bịnh cho tận tình chu đáo. Khi người bịnh sắp lâm chung, phải y theo lời Phật dạy để trợ niệm cho thần thức họ được vãng sanh Tây phương. Làm được như thế, mới thật sự đền ân đáp nghĩa trọn vẹn, đối với người mình đã mang ân.
Thời điểm bịnh nặng là giai đoạn khổ đau nhất của đời người, người bà con cần phải hết mình trong giai đoạn này. Đối với người bịnh nên chân thành, biểu lộ sự quan tâm, chăm sóc, thăm hỏi. Bất luận sự tình như thế nào, chúng ta đều phải tùy thuận ý muốn của người bịnh, tránh cho người bịnh phiền muộn, khởi phiền não. Và nhất là khi sắp lâm chung, người thân phải hết lòng trợ duyên niệm Phật, khiến cho tâm họ duyên theo câu hiệu Phật sớm được vãng sanh.
2. Phòng bịnh cần sạch sẽ, thoáng mát.
Trong phòng bịnh, gia đình nên thường xuyên lau chùi, quét dọn sạch sẽ. Tất cả những vật dụng không cần thiết nên dọn ra ngoài, chỉ để phòng trống không; một mặt là tránh sự chật chội gây chướng ngại người bịnh, kế nữa là tránh sự va chạm cho người trợ niệm ra vào. Nếu thời tiết quá nóng mà trong phòng không có máy điều hòa nhiệt độ, có thể mua nước đá về để quanh phòng, làm cho không khí trong phòng mát dịu.
Trong phòng bịnh trừ người trợ niệm, còn lại bà con đến thăm hỏi, hoặc những người không cầm đặng nét bi ai, sầu khổ; gia đình đều nên ngăn cản, không cho họ vào. Nếu để họ tiếp xúc người bịnh, dễ làm người bịnh loạn tâm, khó giữ được chánh niệm. Tất cả mọi người không được gây ồn ào, không được cười giỡn nói chuyện tạp, cũng như ăn uống trong phòng bịnh.
Trước giường bịnh nên thỉnh một bức tượng Phật A-di-dà (hoặc tượng Tây phương tam thánh), để đối diện sao cho người bịnh trông thấy, để sanh lòng kính ngưỡng, đồng thời cắm bình hoa tươi và đốt lò hương nhẹ. Trừ những khi có người niệm Phật trợ niệm ra, thời gian còn lại gia đình nên mở máy niệm Phật, để người bịnh nhiếp tâm theo tiếng niệm Phật trong máy mà niệm theo.
3. Không được bi ai, khóc lóc.
Giờ phút người bịnh sắp lâm chung, là giây phút quyết định cho sự vãng sanh hay đọa lạc. Nếu giây phút này, tâm người bịnh không luyến ái thế gian, một lòng tưởng Phật, niệm Phật thì quyết định sẽ được vãng sanh. Bằng không, sanh tâm tham luyến vợ con, tài sản... tất sẽ đọa lạc vào cảnh giới khổ đau. Vì thế, khi người bịnh sắp mạng chung, gia đình tuyệt đối không được bi ai khóc lóc, nếu bi ai khóc lóc chính là bản thân mình đã vô tình đẩy thần thức người bịnh đọa lạc vào cảnh giới tam đồ ác đạo.
Trong thân quyến, nếu ai không cầm lòng đặng trước nỗi chia ly, gia đình nên yêu cầu họ tránh xa, không được đứng gần người bịnh. Từ thời điểm người bịnh tắt hơi thở cho đến khoảng tám tiếng đồng hồ sau, những ai nếu khóc lóc thì phải đứng xa, khoảng cách tối thiểu làm sao cho tiếng khóc, không lọt vào tai người chết.
Hoặc như có người bà con, hàng xóm đến thăm, gia đình nên mời họ cùng đến phòng bịnh trợ duyên niệm Phật cho người bịnh. Nếu họ không đồng ý, nên mời họ sang phòng bên và nói: “Giai đoạn lâm chung là giai đoạn quan trọng nhất đời người, các vị đến trợ duyên niệm Phật cho người bịnh trong lúc này là rất tốt. Nếu không, xin các vị thông cảm sang phòng bên uống nước, nếu đối trước người bịnh khóc lóc, sẽ gây chướng ngại rất lớn cho sự vãng sanh của người bịnh. Mong các vị thông cảm cho”.
4. Thay người bịnh sắp xếp mọi công việc.
Có người với một số công việc đang làm dang dỡ, nhưng vô thường lại đến, khiến tâm nguyện chưa thành; từ đó sanh lòng lo lắng, sầu khổ. Ví như người xuất gia, thì chùa chiền xây cất chưa xong, đệ tử chưa thành tài để nối nghiệp; hoặc người tại gia thì gia cảnh bộn bề, con cái còn nhỏ... tất cả những điều đó làm cho người bịnh khi sắp lâm chung bứt rứt không yên, đôi khi miệng tuy niệm Phật, nhưng trong lòng vẫn không chút an ổn.
Với người bịnh nếu còn một số việc quan trọng, mà ngày thường chưa kịp nói, nhân khi tinh thần họ còn tỉnh táo, chúng ta nên hỏi cho rõ ràng. Và tùy theo mỗi việc khúc mắc của họ, cũng như những công việc họ đang lỡ dỡ... gia đình nên tùy nghi giải thích và hứa sẽ cố gắng thay họ nối tiếp công việc, để cho người bịnh trước khi chết có sự an lòng.
Còn khi người bịnh tâm thức đã rơi vào hôn mê, lúc đó gia đình không nên đối trước họ nói các việc thế sự, gia đình… tránh làm loạn chánh niệm. Chúng ta nên nói: “Giờ phút này mong ông đừng bận tâm việc thế sự, mọi công việc chúng tôi sẽ thay ông đảm đương, bây giờ ông chỉ một lòng niệm Phật, cầu nguyện vãng sanh Tây phương mà thôi”.
5. Mời người trợ niệm.
Muốn thành tựu vãng sanh, ngoài việc người bịnh khi sanh tiền có công phu niệm Phật đạt đến chỗ nhất tâm bất loạn, thì việc trợ duyên niệm Phật khi lâm chung là một yếu tố vô cùng quan trọng. Do vậy, người niệm Phật khi còn sống, nên kết bạn với những người đồng tu Tịnh độ, để sách tấn nhau trong việc tu học và khi lâm chung trợ niệm cho nhau, ngõ hầu thành tựu tịnh nghiệp vãng sanh, điều này vô cùng quan trọng.
Thời điểm người bịnh sắp mạng chung, gia đình nên mời chư Tăng hay các vị cư sĩ đồng tu tịnh độ đến trợ niệm. Khi người trợ niệm đến, chúng ta phải nhất nhất nghe theo lời chỉ giáo của họ, bởi những vị này là người chịu trách nhiệm cứu độ thần thức của người thân quyến mình. Người thân quyến có vãng sanh hay không phần lớn là nhờ vào sức trợ niệm của họ. Vì thế gia đình cần hết lòng tiếp đãi các vị đó. Giả sử họ bận việc hoặc chưa kịp đến, lúc này gia đình nên như pháp, đứng ra trợ duyên niệm Phật cho người bịnh.
6. Khuyến khích người bịnh niệm Phật.
Người bịnh lúc còn khỏe, nếu như bình sanh niềm tin pháp môn Tịnh độ chưa vững, chúng ta nên mỗi ngày đối trước họ có đôi lời khai thị. Đối trước người bịnh nói về nỗi khổ Ta bà và niềm vui thù thắng của Cực lạc, để người bịnh nhận thức được Ta bà là cõi tạm, Tịnh độ mới là chốn quê nhà, từ đó sanh tâm hoan hỷ một lòng chấp trì danh hiệu Phật.
Nếu người bịnh khi sống đã phát khởi tín tâm, dốc lòng niệm Phật, chúng ta không cần khuyến đạo khai thị, mà chỉ khuyên người bịnh nhất tâm niệm Phật là được. Giả sử tâm thức người bịnh đã đến lúc hôn muội, bấy giờ gia đình không cần nói lời khuyến khích niệm Phật, mà chỉ chuyên tâm niệm Phật lớn tiếng, để trợ duyên cho người bịnh.
Người bịnh khi sắp tắt hơi thở, giả sử thân thể có đại tiểu tiện xú uế cũng không cần lau chùi, lúc đó chúng ta chỉ lo niệm Phật trợ niệm. Có điều người bà con trong khi trợ niệm, không nên đứng đối diện mà chỉ nên đứng hai bên người bịnh, cũng như tiếng niệm Phật không được xen lẫn niềm bi ai sầu thảm, bởi người bịnh nếu thấy mặt bà con, hoặc nghe tiếng niệm Phật pha lẫn sầu thảm; dễ sanh niệm quyến luyến khó được vãng sanh.
7. Vì người bịnh tu tạo công đức.
Trong gia đình có người bịnh nặng, cả nhà nên phát nguyện ăn chay, tuyệt đối không được sát hại chúng sanh, đồng thời vì người bịnh tu tạo các công đức. Việc lúc lâm chung có chánh niệm hay không, tùy thuộc rất nhiều vào công đức sâu hay cạn của người bịnh sanh tiền đã tác tạo. Vì thế, thay người bịnh làm các công đức là điều vô cùng quan trọng, đây là việc thể hiện tình thương chân thật đối với người bịnh, đồng thời có ảnh hưởng rất lớn đối với sự giải thoát của họ.
Trong kinh Địa Tạng Bồ-tát bổn nguyện phẩm Như lai tán thán thứ sáu, dạy gia đình nào có người bịnh nặng, rơi vào cảnh cầu sống không được cầu chết không xong; người bà con nên đem những tài vật người bịnh ưa thích, đối trước bịnh nhân xướng lên ba lần, đại để nói nay tôi đem những tài sản của ông để bố thí cúng dường, hồi hướng công đức cho ông. Có điều với người bịnh nào sanh tiền tâm còn đầy bỏn sẻn, chúng ta không nên đối người bịnh xướng lời trên, tránh việc khởi lòng tham tiếc của họ, mà chỉ nên đối trước Tam bảo để xướng lời trên là được.
Người bịnh rơi vào trường hợp cầu sanh bất đắc, cầu tử bất đắc, là do tâm tham ái vật chất quá nặng, vì vậy kinh Địa Tạng dạy đem của cải họ yêu thích ra bố thí, mục đích để xả trừ tâm tham ái cho họ. Thứ nữa, việc làm bố thí lúc này, là để cho người bịnh hưởng trọn phần công đức. Như trong kinh dạy, người nào khi sống làm công đức sẽ hưởng được trọn phần, bằng như đợi sau khi chết gia đình vì họ làm công đức hồi hướng, người chết chỉ hưởng được một phần bảy, sáu phần còn lại thuộc về người sống làm công đức.
8. Đối trị nghiệp chướng phát hiện.
Người bịnh sắp chết nếu nghiệp chướng phát hiện, như họ không hoan hỷ khi nghe tiếng niệm Phật, hoặc khởi tâm tham ái, sân hận, hoặc thấy các oan hồn hiện ra đòi mạng sống… Lúc đó chúng ta nên đối trước Tam bảo trì tụng kinh sám, khẩn thiết chí thành vì họ sám hối nghiệp chướng, khiến nghiệp chướng của họ sớm được tiêu trừ.
Đại để nghiệp chướng phát hiện khi sắp lâm chung có hai phần, một là người bịnh tuy niệm Phật nhưng vẫn sanh tâm nghi ngờ, như pháp sư Từ Chiếu dạy: “Người tu Tịnh độ, khi lâm chung thường có ba điều nghi, hay làm chướng ngại cho sự vãng sanh. Ba điều nghi là: Nghi mình túc nghiệp sâu nặng, thời gian công phu tu hành ít, e không được vãng sanh. Nghi mình bản nguyện chưa thành, tham sân si chưa dứt, e không được vãng sanh. Nghi mình niệm Phật, Phật không đến rước, e không được vãng sanh”.
Phần thứ hai là cảnh giới khủng bố trong tâm, như người bịnh thấy các oan hồn đến đòi mạng, hoặc chúng sanh các cảnh giới khác đến khuyến dụ người bịnh về với họ. Những điều này làm cho người bịnh phân tâm, dễ đọa lạc. Nếu gặp phải những chướng ngại trên, gia đình nên y theo kinh điển để phá trừ nghi chướng cho họ, cũng như thành tâm vì họ sám hối, khiến cho các cảnh giới bất như ý không hiện khởi trong tâm người bịnh.
9. Gia đình không nghe theo tà thuyết.
Thông thường với gia đình không biết Phật pháp, hoặc tuy biết Phật pháp nhưng không thông hiểu giáo lý, thường rơi vào những việc làm mê tín dị đoan. Trong nhà khi có người chết, họ thường tin theo các phong tục tập quán sai lầm, gây sự tác hại cho người chết không ít. Vì thế, người Phật tử khi gia đình có người thân lâm chung, cần nên phân biệt tà chánh, tránh các việc làm tác hại cho người thân của mình.
Những tà thuyết, những phong tục sai lầm của người thế tục đối với người sắp chết rất nhiều. Đại để, như có người nói: “Trong nhà có người mới chết, con cháu cần phải khóc lóc, nếu không khóc lóc, thần hồn người chết không ra khỏi nhà”. Lại có người nói: “Người mới chết lúc thân thể còn ấm, xương thịt mềm mại, thời điểm này tắm rửa thay áo quần là rất tốt”.
Lại nói: “Người chết rồi phải nên dời sang giường khác, kẻo không thần giường quở trách”. Hoặc có người bảo: “Muốn báo ân người chết, cần phải giết heo, gà cúng tế, để cầu thần thánh gia hộ”. Hoặc có người bảo: “Gia đình nên mời những vị pháp sư bùa chú, đến cúng cấp siêu độ cho người chết”...
Tất cả những tà thuyết của thế gian, không những không chút lợi ích, mà gây tác hại đối với người chết rất nhiều, gia đình không nên làm theo. Giờ phút này gia đình chỉ có một việc duy nhất, là nghe theo lời chỉ bảo của các vị trợ niệm, không được khóc lóc, một lòng niệm Phật trợ niệm cho người quá cố mà thôi.
10. Những việc cần chú ý sau khi người bịnh tắt hơi thở.
Người bịnh sau khi chấm dứt hơi thở, trước lúc thân thể còn chưa lạnh hẳn, ở giai đoạn trung gian này người bà con cần đặc biệt chú ý. Gia đình nên tiếp tục niệm Phật, từ thời điểm này cho đến sau tám giờ đồng hồ. Đồng thời không được khóc lóc, rờ rẫm vào thân xác người chết, và cử người canh phòng không để cho chó, mèo chạy nhảy đụng vào người chết.
Nên biết, ở thời điểm này, người chết tuy đã chấm dứt hơi thở, nhưng cơ thể vẫn còn hơi nóng, nếu có người rờ rẫm hoặc chó mèo đụng vào, người chết sẽ rất đau đớn, sầu khổ; dễ sanh tâm sân hận, luyến ái, làm nhân tố đọa lạc sanh tử luân hồi. Gia đình không nên thăm dò hơi nóng của người chết, để xác định cảnh giới tái sanh, bởi việc này đối với người chết hoàn toàn không chút lợi ích.
Sau tám giờ đồng hồ, như muốn thăm dò thân thể người chết đã lạnh hẳn hay chưa, cũng nên mời một vị có công phu tu hành tương đương, dùng tay nhẹ nhàng thăm dò. Nói chung ở vào thời gian này, gia đình nên nghe theo lời chỉ giáo của vị trợ niệm, ngõ hầu tránh sự tác hại cho người chết. Nếu không có người trợ niệm, gia đình có thể cẩn thận, nhẹ nhàng thăm dò hơi nóng thân thể người chết; đợi khi toàn thân lạnh hẳn, mới tiến hành các thủ tục tắm rửa, thay quần áo.
Tóm lại tri ân và báo ân là công hạnh của người Phật tử. Tri ân là chúng ta phải biết nhớ nghĩ đến ân đức người đã sanh thành cưu mang mình, báo ân là tìm mọi cách để đáp đền ân đức của người mà mình đã chịu ân. Chúng ta sống trên cõi đời, bản thân mỗi người không ai là không mang nặng ân nghĩa của cha mẹ, vợ chồng, anh em và bà con quyến thuộc.
Biết được ân nghĩa sâu nặng đó; người Phật tử cần phải tìm cách báo đáp. Muốn báo đáp trọn vẹn, không gì hơn là chúng ta phụng hành theo lời Phật dạy, người bà con đối với người bịnh, khi họ còn sống thì phụng dưỡng vật chất, khuyến khích họ quy hướng Tam bảo, bỏ ác làm lành ăn chay niệm Phật, và khi lâm chung thì tạo mọi điều kiện trợ duyên cho họ đạt được chánh niệm, nhất tâm niệm Phật để thanh thản ra đi về nơi cõi Phật.
Thích Nguyên Liên (còn nữa)
[Tập san Pháp Luân - số 20, tr.33, 2005]