Phật giáo phương Tây

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Cuộc nói chuyện với 3 bạn trẻ quen thuộc A, B và C về đề tài "Phật giáo phương Tây".(PLO)

 

Kính thưa quí vị và các Bạn,

Hôm nay nhóm huynh trưởng trẻ muốn nói về sự du nhập của Phật giáo hay Phật pháp nói riêng vào các nước Tây phương; chúng tôi xin mời quí vị theo dõi nội dung cuộc nói chuyện với 3 bạn trẻ quen thuộc A, B và C sau đây.

A: Chào các em, hôm nay chúng ta nói về đề tài gì đây hở?

B: Thưa anh, ngày nay có thể nói rằng GÐPT đã có mặt trên khắp 5 châu (4 châu thì đúng hơn, vì ở Phi Châu chưa có GÐPT): Âu, Á, Úc, Mỹ; nhưng tại sao trong chương trình dạy Phật pháp cho các em, chúng ta không nói đến sự du nhập của Phật giáo ở Tây phương hở anh? Trong khi đó chúng ta học rất kỹ về sự du nhập của đạo Phật vào Việt Nam?

C: Dạ, đúng vậy, em thấy quý Thượng tọa, Hòa thượng bên Đức, bên Pháp có rất nhiều đệ tử xuất gia người phương Tây: Anh, Pháp, Ðức, Mỹ… điều đó chứng tỏ họ cũng có biết về đạo Phật rất lâu rồi phải không anh?

A: Phải đó! Phật giáo thật ra đã có mặt ở phương Tây từ rất lâu nhưng mãi đến đầu thế kỷ thứ 19 mới có những cuốn sách nói về Phật giáo dưới danh từ Buddhism (Anh) hay Boudhisme (Pháp) hay Buddhismus (Ðức).

B: Phật giáo truyền đến Tây phương là Phật giáo (PG) Ấn Ðộ, PG Trung Hoa, hay PG Nhật bản hay PG Việt Nam hở anh?

A: Như chúng ta đã biết, mặc dù đức Phật Thích-ca bắt đầu giảng dạy Phật pháp tại Ấn Ðộ nhưng đạo Phật đâu có được phát triển mạnh tại Ấn Ðộ; lại nữa, vào thế kỷ thứ 11, PG gần như biến mất ở Ấn Ðộ do Ấn Ðộ giáo tàn sát tín đồ Phật Giáo và đốt phá tất cả kinh sách, chùa chiền và tu viện PG… Mặc khác, chúng ta thấy khi Phật giáo du nhập vào một đất nước nào thì nó liền hội nhập với phong tục, tập quán, văn hoá truyền thống… của nước đó. Vì vậy, PG Việt Nam khác với PG Nhật Bản hay PG Trung Hoa, và cũng không giống PG Tây Tạng… mặc dù cũng Thiền, cũng Tịnh độ, cũng Mật tông, v.v... Do đó, khi vào đến các nước phương Tây (Anh, Pháp, Ðức, Mỹ, Canada, Úc…), Phật Giáo cũng mang sắc thái đặc biệt của Anh, Pháp, Mỹ, Canada… chứ không còn giống hoàn toàn 100% với PG của các nước Việt Nam, Lào, Cao Miên, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Hoa, v.v... nữa.

B: Tại sao người ta nói rằng ngày nay Phật giáo đi vào các cộng đồng xã hội phương Tây một cách dễ dàng và sống động hở anh?

A: Tại vì giáo lý đạo Phật dựa trên căn bản duy lý và thực nghiệm, và đạo Phật giống như một triết lý sống hơn là một tôn giáo thuần túy nên gần gũi với các quan điểm về khoa học thực nghiệm của phương Tây.

C: Anh cho em một ví dụ cụ thể để em hiểu được câu nói này của anh!

A: Ví dụ như giáo lý Nhân quả, giáo lý Duyên khởi, hay Bát chánh đạo, Tứ diệu đế… giáo sư Rhys Davids (người Anh) đã phát biểu rằng: “…khi nghiên cứu các tôn giáo trên thế giới, tôi đã khám phá ra rằng không một tôn giáo nào có thể vượt qua được vẻ đẹp và sự quán triệt Bát chánh đạo và Tứ diệu đế của đức Phật. Tôi rất mãn nguyện đem áp dụng vào cuộc đời tôi theo con đường đó.”

B: Em nghe nói có một vị Ðạt-lai Lạt-ma Tây Tạng đã nói từ cách đây mấy trăm năm rằng Phật giáo nói chung và PG Tây Tạng nói riêng sẽ được truyền bá rộng khắp qua Tây phương phải không Anh ?

A: Đúng vậy, anh có đọc trong một cuốn sách mà anh quên tên sách rồi, có ghi rõ tên của vị Ðạt-lai Lạt-ma đó nữa, và Ngài nói rằng: “Khi những con chim sắt bay lượn trên bầu trời, thì PG Tây Tạng sẽ được truyền giảng khắp nơi ở phương Tây và người dân Tây Tạng cũng đi ra các nước phương Tây.” Hồi đó chưa có máy bay nên người ta không hiểu “chim sắt bay lượn trên bầu trời” là gì, sau này người ta đã hiểu được câu nói của Ngài như một câu “sấm” báo trước những điều sẽ xảy ra trong tương lai vậy đó! Vì sau đó đức Ðạt-lai Lạt-ma 14 cũng như những người dân Tây Tạng bị Trung Quốc xâm chiếm, bắt bớ, phải trốn ra nước ngoài, bây giờ quả thật đã sống ở khắp nơi, từ Ấn Ðộ, Âu châu cho đến Úc, Canada, Mỹ… Những trường học cho Tăng sĩ Tây Tạng cũng có ở khắp nơi và ở đâu, đức Ðạt-lai Lạt-ma 14 cũng được kính mến, ngưỡng mộ như một vị Phật sống. Ngài thường được mời giảng dạy Phật pháp tại các trường đại học, các buổi thuyết giảng của Ngài rất đông người nghe - hàng mấy ngàn người, mà vé vào cửa đã phải đặt mua từ mấy tháng trước mới có.

C: Như vậy người Tây phương có đọc được chữ Ấn Ðộ (Pali và Sanskrit) không anh?

A: Có chứ! người Tây phương sau khi đã biết PG thì tập trung nghiên cứu, học hỏi chứ không phải như dân mình, biết đến PG đã hơn 2000 năm rồi và PG mạnh nhất là từ những triều đại Ðinh, Lê, Lý, Trần... nhưng đến thế kỷ 21 rồi cũng còn rất nhiều người tự cho mình là Phật tử nhưng không biết Bát chánh đạo hay Tứ diệu đế là gì nữa!☺☺!!

B: Vì Ấn Ðộ là thuộc địa của Anh nên người Anh biết đạo Phật sớm nhất phải không anh?

A: Cũng có thể lắm! nhưng tài liệu có ghi là những luận điểm Phật giáo viết bằng tiếng Sanskrit được Brian tìm thấy ở Nepal vào khoảng năm 1820, Christian Lassen thì đọc được tiếng Pali, Jean-Pierre Abel-Rémusat đọc được Kinh Phật bằng chữ Hán, và không lâu sau đó thì Hung Alexandre Csomas de Koros đọc được Tạng ngữ. Từ đó đạo Phật thật sự được đưa vào phương Tây và được các học giả, triết gia... nghiên cứu rất sâu và sách về Phật pháp ở phương Tây cũng rất phong phú và đa dạng.

C: Anh có thể cho chúng em biết sơ lược về sự phát triển PG ở vài nước phương Tây tiêu biểu không?

A: Được chứ! ví dụ tại nước Anh thì Hội PG Anh quốc và Ái Nhĩ Lan (Buddhist Society of Great Britain & Ireland) được thành lập từ năm 1907, năm 1923 đổi tên thành The Buddhist Society; một trong những sáng lập viên là giáo sư Rhys Davids, người đã xuất bản nhiều sách nói về kinh điển PG bằng tiếng Pali và dịch ra tiếng Anh. Hiện nay có 340 cơ sở, đoàn thể, tổ chức, hội đoàn PG… trên khắp nước Anh trong đó có 2 tu viện nổi tiếng nhất, đó là: Amaravati và Chithurst. Chương trình Phật Pháp được chính phủ cho giảng dạy từ Tiểu học đến Ðại học và có chương trình truyền bá PG qua các đài truyền hình, truyền thanh BBC nữa.

B: Còn ở Pháp, PG có phát triển như ở nước Anh không?

A: Pháp là nước đã từng chiếm Ðông Dương (Việt Nam, Cambodia và Lào) làm thuộc địa nên đã tiếp xúc với nền văn minh Á Đông sớm nhất. Hơn nữa, sau khi chiến tranh Ðông Dương (1954) kết thúc, làn sóng người Việt định cư trên đất Pháp tăng lên rất cao, và sau năm 1975 thì làn sóng người VN tị nạn càng tăng lên cao hơn nữa. Phật giáo Việt nam theo chân người Việt cũng phát triển và tất nhiên, bên cạnh đó Phật giáo Trung Hoa, PG Nhật Bản và PG Tây Tạng… cũng bành trướng nhanh chóng tại đất nước lớn mạnh nhất Âu châu này. Hiện nay cộng đồng Phật giáo Pháp đã có hơn 200 cơ sở với hơn 600 ngàn Phật tử; có tu viện Monastère Nalanda là nơi đào tạo và huấn luyện chư Tăng Ni cho các nước Âu Châu. Ở miền Nam nước Pháp có cơ sở Làng Mai (Plum Village) của Thiền sư Nhất Hạnh cũng là nơi đào tạo và phát triển phong trào học Thiền kể từ năm 1982. Mặc dù Phật Giáo mới du nhập vào Âu châu vào giữa thế kỷ 19 nhưng số Phật tử tại Pháp đã chiếm 5% trong khi đó tín đồ Thệ giáo chiếm 6% và tín đồ Thiên Chúa giáo La Mã chiếm 12%. Những nhà nghiên cứu Phật học, những học giả, giáo sư đứng hàng đầu trong việc truyền bá đạo Phật tại Pháp là Eugene Burnouf, Sylvan Levi, Paul Demieville và Louis Reneu.

C: Thế còn ở nước Nga có Phật tử không hở anh?

A: Ồ, có chứ, không những có mà Phật giáo hiện diện trên đất Nga rất sớm nữa đó! Từ năm 1908 đã có một ngôi chùa tên là Kuntsechoinei được xây dựng ở St. Petersburg rồi! Em ruột của Nga Hoàng Nicolas II là hoàng thân Ukhtomsky rất uyên bác về Phật học.

Kể từ năm 1917 thì phong trào PG ở đây cũng như các tôn giáo khác đều bị đàn áp và triệt tiêu; mãi cho đến cuối năm 1989 khi Cộng Hòa Liên Bang Xô Viết sụp đổ thì Phật giáo Nga mới được phục hoạt. Chùa Kuntsechoiney được trả lại và được sửa chữa, hiện đang có các vị Sa-di tu học. Hội Phật giáo Estonia (The Estonian Buddhist Association) có 2 ngàn Phật tử với vị lãnh đạo được bầu làm cố vấn trong hội đồng chính phủ. Các cộng đồng PG ở Novosibirsk, Kiev, Khalov và Tashkent cũng được thành lập, 2 ngôi chùa Ivolga và Ago đã được trùng tu, cũng là nơi sinh hoạt cho 20 đoàn thể Phật tử ở Siberia. Ở Kalmykia, một trung tâm PG cũng được thành lập và các hội Phật học trước đây ở Moscow (Mát-scơ-va) và Latvia cũng đang tái sinh hoạt rất tích cực. Các đài truyền thanh, truyền hình đều có chương trình phát thanh Phật giáo hằng tuần, điều này chứng tỏ người Nga đang có sự lựa chọn mới cho cuộc sống tâm linh của họ.

C: Ở Âu châu còn có nước nào có phong trào Phật Giáo phát triển được nữa không anh?

A: Tại lúc nảy em hỏi các nước tiêu biểu thôi, chứ thật ra, Phật giáo hiện diện ở hầu hết các quốc gia Âu Châu như Ðức, Ý, Hoà Lan, Thụy Sĩ… kể cả ở Bắc Âu (Na Uy, Thụy Ðiển) và Ðông Âu (Ba Lan, Tiệp Khắc); không những thế, chúng ta còn có GÐPT và BHD/GÐPT tại Âu Châu nữa đó!

B: còn Phật giáo ở Úc Châu thì sao hở anh?

A: theo thống kê của báo Sun Herald số Phật tử ở Úc vào năm 1986 là 80.387 người đã tăng thành 200.000 người vào năm 1991. Như vậy là trong vòng 15 năm đã tăng 25%! Hội đồng PG New South Wales (Buddhist Council of New South Wakes) đã ghi nhận: “Phật giáo là tôn giáo phát triển nhanh nhất tại Úc”. Trên toàn nước Úc (và Tân Tây Lan - New Zealand) có khoảng 190 cơ sở Phật giáo, 2 viện Cao đẳng Phật học để đào tạo Tăng tài như thiền viện Wat Buddha Dhamma Meditation center ở New South Wales, thiền viện Bodhinyana ở Perth và chùa Buddhist Vihara ở Auckland (NZ)... đó là những nơi thu hút Phật tử và khách thập phương nhiều nhất. Thượng tọa Pannayavaro người Úc đã từng tu học ở Tích Lan và Miến Ðiện hơn 20 năm và đã thành lập thiền viện Vipassana tại Sydney. Cũng chính vị này đã mở trang báo điện tử giảng giáo lý của đức Phật qua internet và con số người theo dõi chương trình này đã lên tới 50.000 người.

C: Ở Úc và New Zealand không có chùa Việt Nam sao anh?

A: Có chứ và rất nhiều nữa là khác, có cả GÐPT Việt Nam nữa; nhưng đây chúng ta chỉ bàn đến Phật giáo nói chung chứ chưa đề cập đến Phật giáo Việt Nam ở Úc.

B: Ở Úc mà nhiều chùa Việt Nam vậy, huống gì ở Mỹ hở anh? Vì Hoa Kỳ có rất nhiều  người Việt.

A: Đúng vậy, và cộng đồng người Việt hải ngoại đông nhất và mạnh là ở Mỹ. Cứ nhìn vào con số các chùa và tu viện... được xây dựng rải rác khắp các tiểu bang trên đất nước Hoa Kỳ này, cũng đủ thấy sự lớn mạnh của PG Việt Nam ở đây.

C: Chúng em cũng chưa biết hết những Tiểu bang nào có chùa của người Việt Nam và là những chùa nào nữa đó anh, nói cho chúng em nghe đi!

A: Có tất cả 39 tiểu bang trong 50 Tiểu bang của Hoa Kỳ đều có PG Việt Nam hoạt động, và chỗ nào có người Việt thì ở đó có chùa hay tự viện.

B: Wow! sự hiện diện của PG Việt Nam trên đất Mỹ thật là càng ngày càng phát triển đến mức độ không ai ngờ được! Nếu không có anh thì hôm nay em không biết được sự phát triển “phù đổng thiên vương” của PG Việt Nam tại Mỹ rồi!! Em cảm thấy tự hào quá! Xin cảm ơn anh thật nhiều!

C: Em cũng vậy.

A: Thôi, chào tạm biệt các em!

B& C: Tạm biệt! Tạm biệt!

Tâm Minh
[Tập san Pháp Luân - số 20, tr.81, 2005]