Trang 1 / 2(PLO) Vãng sanh thế giới Tây phương Cực Lạc là niềm mong ước người tu Tịnh độ...
(Trợ niệm khi lâm chung - tiếp theo TSPL.20)
Như bài trước chúng tôi đã nói, việc vãng sanh hay không, tùy thuộc một phần lớn vào sự trợ duyên niệm Phật khi người bịnh sắp lâm chung. Vì thế, việc phát tâm đến trợ niệm cho người khác, có công đức bất khả tư nghì. Tất nhiên muốn thành tựu trọn vẹn công đức, đòi hỏi người trợ niệm phải làm đúng pháp. Việc làm của người trợ niệm, khi đến trợ niệm cho người sắp lâm chung bao gồm một số công việc cụ thể sau:
A. Việc làm của người trợ niệm:
1. Phải có tâm nguyện Bồ-tát:
Điều kiện cần thiết của người trợ niệm khi cử hành pháp trợ niệm là phải có tâm nguyện của Bồ-tát. Tâm nguyện Bồ-tát là tâm trên cầu Phật đạo, dưới cứu độ vạn loại chúng sanh. Nói chung, Bồ-tát là những vị khi làm một công việc gì đều không nghĩ đến quyền lợi bản thân, mà luôn nghĩ việc làm đó có lợi ích cho chúng sanh hay không. Nếu việc làm đó có lợi ích chúng sanh thì dù tan thân nát mạng, thậm chí phải đọa vào địa ngục, Bồ-tát vẫn hoan hỷ làm.
Vì thế, người trợ niệm khi đến trợ niệm cho người khác, nên đem tâm từ bi, tâm chân thật mà làm, không được ngại khó ngại khổ, không được phô diễn hình thức, không được cầu danh lợi. Đối người bịnh phải có lòng thương yêu trìu mến, xem họ như là người bà con thân thuộc của mình.
Thái độ đối với bịnh nhân nên thương yêu nhẹ nhàng, lời nói từ tốn nhu nhuyến, sao cho người bịnh nghe rõ. Vận dụng hết tâm lực để niệm Phật, cầu nguyện cho người bịnh vãng sanh. Đồng thời khuyên nhủ gia đình làm đúng với tinh thần chánh pháp. Nên biết, phát tâm trợ niệm người khác chính là thay thế đức Như Lai, đảm nhận trách nhiệm cứu độ chúng sanh thoát ly sanh tử. Công việc này vô cùng hệ trọng và có công đức rất lớn.
2. Dặn dò người nhà:
Phần nhiều những gia đình không biết Phật pháp, trước cảnh sanh ly tử biệt khó ai có thể ngăn cản những nỗi đau thương luyến tiếc, và không làm sao tránh khỏi cảnh rối bời. Nếu người trợ niệm không có đôi lời dặn dò chỉ bảo, thì khó có thể thành tựu pháp trợ niệm, người chết khó đạt được sự lợi ích chân thật.
Trước khi trợ niệm, người trợ niệm nên đả thông tư tưởng cho gia đình, đại để gọi gia đình lại dặn dò: “Cuộc đời là vô thường, có sanh tức có tử, có hội họp tất có biệt ly. Giờ phút này các vị nếu có tình thương yêu người bịnh, không được khóc lóc, chỉ nên nhất tâm niệm Phật, cầu nguyện cho người bịnh vãng sanh. Việc vãng sanh hay đọa lạc, trách nhiệm phần lớn tùy thuộc vào các vị. Các vị muốn người thân vãng sanh, từ giờ này nên làm theo sự chỉ đạo của tôi”.
Đồng thời, nhắc nhở gia đình phát tâm ăn chay, không sát hại chúng sanh, không nghe theo những tà thuyết sai lầm của thế gian, khuyến khích gia đình nên vì người bịnh làm các công đức, tuyệt đối không được khóc lóc, mà chỉ hướng tâm theo tiếng niệm Phật, để cầu nguyện cho người chết được vãng sanh.
3. Có tâm thương yêu người bịnh:
Người trợ niệm phải có tâm thương yêu người bịnh, nên quán sát bản thân họ, xem như là người bà con thân thuộc của mình. Bởi vì người bịnh mặc dầu không phải bà con thân tộc trong hiện đời, nhưng hoặc một đời, hai đời, ba đời trước cũng là bà con với nhau, không thể cho rằng chúng ta với họ không có liên quan tình huyết thống. Người trợ niệm nếu xem người bịnh như là người bà con, thì tâm trợ niệm niệm Phật, lúc đó mới thật sự chí thành khẩn thiết.
Khi vào phòng người bịnh, thái độ của người trợ niệm phải hết sức thương yêu thành khẩn, lời nói từ tốn nhẹ nhàng, sao cho người bịnh nghe hiểu rõ ràng, để trong tâm họ không có chút hoài nghi. Trước hết, người trợ niệm nên tán thán những công đức trong đời người bịnh tạo được, khiến bịnh nhân sanh tâm hoan hỷ; kế đến, nói những sự thù thắng vi diệu của thế giới Cực lạc, khiến họ sanh tâm an ổn và khởi lòng chánh tín cầu sanh Tây phương. Đồng thời khuyến khích người bịnh nên buông bỏ mọi duyên, một lòng tưởng Phật niệm Phật cầu nguyện vãng sanh.
4. Ngăn không cho bà con khóc lóc, thăm hỏi:
Trong phòng bịnh, trừ người khai thị, tất cả mọi người không được phép, đến bên người bịnh hỏi han, trò chuyện, cũng không được ở trong phòng bịnh nói chuyện tạp, nếu bịnh nhân nghe được, sẽ phân tâm, mất chánh niệm. Nếu có bà con, hàng xóm muốn đến thăm hỏi, người trợ niệm nên ngăn lại: “Ông đến đây là để trợ niệm cho người bịnh phải không? Nếu vậy, ông hãy nên nghe theo tôi, hầu tránh chướng ngại cho người bịnh”.
Còn họ không phải đến trợ giúp người bịnh niệm Phật, lúc đó người trợ niệm nên bảo gia đình, mời những người này sang phòng bên tiếp đãi, để tránh cho người bịnh gặp mặt khiến phát sanh tình ái dục niệm, chướng ngại sự vãng sanh.
Gặp tình huống này, người trợ niệm không nên ngại khó hoặc vị tình mà không làm. Có điều gia đình nên tìm cách giải thích cho họ hiểu, hầu tránh sự mất lòng. Nếu để họ gặp người bịnh rồi khóc lóc hỏi han, thì làm cho người bịnh không được chánh niệm và hoàn toàn không phù hợp với tông chỉ trợ niệm.
5. Khai thị trước khi trợ niệm:
Người trợ niệm đến, trước khi cử hành pháp trợ niệm cần có đôi lời khai thị cho người bịnh. Nội dung khai thị đại để như sau:
“Ông nên biết, phàm làm người không một ai có thể tránh khỏi cảnh sanh, già, bịnh, chết. Nay thân ông đang bịnh, nhưng tâm ông không nên sầu khổ, mà hãy chuyên trì danh hiệu Phật A-di-đà, niệm niệm duyên theo câu Phật hiệu, mong cầu vãng sanh Tây phương, như thế ngay đây bịnh khổ sẽ không gây tác hại.
Chúng ta là người tu niệm Phật, không luận sự tình như thế nào, đến lúc lâm chung mọi việc đều nên buông bỏ, trong tâm chỉ có một câu Phật hiệu. Không nên nghe theo những lời chỉ dạy của hạng người không có tri thức, có chút bịnh khổ rồi cầu trời thần, ma quỷ bảo hộ. Giờ phút này trong tâm ông, chỉ duy trì một ý niệm, là mong cầu chư Phật, Bồ-tát đến tiếp độ vãng sanh. Nếu ông nghe theo lời tôi buông hết duyên trần, một lòng tưởng Phật niệm Phật, thì quyết được vãng sanh. Chúng tôi sẽ niệm Phật trợ niệm cho ông, ông hãy duyên theo tiếng niệm Phật mà niệm”.
6. Tiếng niệm Phật cần rõ ràng:
Người bịnh nếu còn tỉnh, trước khi niệm Phật, người trợ niệm nên hỏi qua ý kiến, không được tùy theo ý mình mà niệm, khiến người bịnh khó đạt được sự lợi ích. Hỏi thăm họ thích niệm nhanh hay chậm, cao hay thấp… bốn chữ hay sáu chữ, rồi tùy theo ý người bịnh mà niệm Phật trợ niệm.
Còn như người bịnh mệt không trả lời được, thì tiếng niệm Phật không được quá nhanh, nếu nhanh quá nghe không rõ ràng; cũng không nên quá chậm, nếu chậm quá tiếng niệm Phật sẽ rời rạc; cũng không nên quá cao, nếu cao quá người trợ niệm khó niệm lâu dài; cũng không nên quá thấp, nếu thấp quá người bịnh nghe không rõ. Vì thế, tiếng niệm Phật không nhanh không chậm, không cao không thấp, mỗi câu mỗi chữ trong trẻo rõ ràng, khiến mỗi câu hồng danh Phật đều lọt vào tai, làm cho người bịnh sanh tâm hoan hỷ khoái lạc.
Nên nhớ lúc trợ niệm, là thời điểm mà người bịnh khí lực rất yếu, bản thân họ niệm Phật không nổi, hoàn toàn nương vào câu Phật hiệu của người khác. Nếu tiếng niệm Phật rõ ràng, trong trẻo, câu chữ phân minh, như thế tâm người bịnh sẽ rất dễ đi vào chánh định.
7. Theo dõi thái độ người bịnh:
Trong thời gian niệm Phật, người trợ niệm nên theo dõi thái độ người bịnh. Nếu đang trợ niệm, người bịnh có những biểu hiện như khuôn mặt sầu khổ, người toát mồ hôi, hoặc đầu thân, tay chân cử động, hoặc không hoan hỷ khi nghe tiếng niệm Phật, hoặc có những điều nghi ngờ, hoặc rơi vào trạng thái hôn mê không hay biết... đây là hiện tướng của nghiệp chướng phát khởi, do công phu niệm Phật của người bịnh chưa vững chải.
Gặp các trường hợp đó, người trợ niệm nên đến bên người bịnh răn nhắc: “Cảnh giới Tây phương Cực lạc hiện đang ở trước mặt ông, ông nên cố gắng trì niệm danh hiệu Phật A-di-đà để được vãng sanh”. Lại tiếp tục để ý thần sắc người bịnh, nếu vẫn tương tự như trước, người trợ niệm nên nhắc lại lời đó lần nữa, tối đa không quá ba lần, sau đó chỉ niệm Phật lớn tiếng mà thôi.
Trợ niệm một thời gian, đột nhiên người bịnh tinh thần có sự phân minh, sảng khoái, nói chuyện, hoặc thở dài cho đến tay chân cử động… Lúc đó, người trợ niệm đặc biệt chú ý, tiếp tục khẩn thiết niệm Phật, không để một ai khóc lóc, thăm hỏi, rờ rẫm. Nên biết, kể từ thời điểm người bịnh xảy ra tình huống này, không quá hai tiếng đồng hồ sau bịnh nhân sẽ tắt thở. Tất cả mọi người khi sắp chết, phần nhiều đều rơi vào trạng huống này.
Tóm lại, đối với một số tình huống như thế xảy ra, người trợ niệm phải theo dõi để kịp thời xử lý, như thế người chết mới có được sự lợi ích.
8. Ngăn không cho gia đình làm những việc sai quấy:
Những gia đình rơi vào cảnh có người thân mất, trừ những người có niềm tin Tam bảo, họ sẽ rối bời và hay nghe theo những tà thuyết sai lầm. Người trợ niệm phải có trách nhiệm, chỉ vẽ họ làm những việc phù hợp với Chánh pháp, khiến kẻ còn người mất đều được lợi ích.
Người trợ niệm khuyên gia đình, nếu có lòng thương yêu người chết, thì chỉ một lòng niệm Phật trợ niệm cho người chết được vãng sanh, không nên khóc lóc, rờ rẫm người chết. Trong thời gian cử hành tang lễ cho đến 49 ngày, gia đình nên phát tâm cúng chay, ăn chay, không nên sát hại chúng sanh cúng tế quỷ thần, không được đốt giấy tiền vàng mã...
Đồng thời mời chư Tăng, Phật tử cũng như gia quyến tụng kinh niệm Phật, xuất tài vật làm các việc phước thiện, như cúng dường, bố thí để hồi hướng công đức cho người quá cố, khiến họ nương nhờ phước nghiệp, mà được siêu thăng cõi Phật.
B. Phương thức trợ niệm:
Phương pháp trợ niệm khi lâm chung, qua việc tham khảo kinh nghiệm các bậc cổ đức, chúng tôi xin nêu ra năm điểm sau:
1. Khai thị trước khi trợ niệm:
Trước khi trợ niệm, người chủ lễ ngoài việc có đôi lời dặn dò gia đình, cần phải có lời khai thị cho người bịnh. Chúng ta trợ niệm cho người khác, không được bỏ qua phần khai thị, nếu không, người bịnh không biết mục đích trợ niệm và duyên tâm vào đâu để cầu nguyện vãng sanh.
Vì thế, người chủ lễ trước khi trợ niệm, nhất định đối trước bệnh nhân khai thị: “Ông nên biết, giờ phút này mọi người đang niệm Phật trợ niệm cho ông, ông nên cùng mọi người đồng niệm. Nếu như sức khỏe suy nhược không thể niệm theo, ông nên lưu tâm lắng nghe mọi người niệm Phật, thì cũng như ông đang niệm. Có điều tai ông nghe câu Phật hiệu phải rõ, một câu nghe rõ một câu, một chữ nghe rõ một chữ, trong tâm nên ghi nhớ rõ ràng. Ông nên toàn tâm toàn ý hướng về âm thanh danh hiệu Phật A-di-đà”. Sau khi nói lời khai thị, mới cử hành nghi thức trợ niệm.
2. Phân ban trợ niệm:
Người trợ niệm ban ngày chia thành hai ban, ban đêm chia thành ba ban, số người mỗi ban tối thiểu hai người, hạn định một giờ đồng hồ đổi ban. Phương pháp trợ niệm, ban ngày, ban thứ nhất niệm Phật lớn tiếng, ban thứ hai mặc niệm, qua một giờ đồng hồ rồi đổi ban. Ban đêm, ban thứ nhất niệm lớn tiếng ban thứ hai và ban thứ ba mặc niệm hoặc có thể nghỉ ngơi, niệm một giờ đồng hồ rồi lại đổi ban.
Như thế cứ luân phiên thay ban, không luận là ba ngày, năm ngày, bảy ngày, nửa tháng, một tháng đều có thể trợ niệm lâu dài. Các ban trợ niệm luân phiên theo thứ tự, khiến cho ngày đêm, âm thanh Phật hiệu tương tục. Mỗi ngày ba bữa cơm ăn, nước uống đều phân chia người khác phục vụ. Người trợ niệm sau khi dùng cơm xong, thời gian tiếp ban chưa đến, có thể thay nhau nghỉ ngơi đôi chút, để phục hồi tinh thần.
3. Nghi thức trợ niệm:
Đối với việc trợ niệm, trước hết người chủ lễ phải nên quán sát bệnh tình người bệnh. Đại để người trợ niệm đến, gặp lúc bịnh tình hệ trọng (chuẩn bị lâm chung), thì khởi đầu niệm bài kệ tán Phật (A-di-đà Phật thân kim sắc...), tiếp theo niệm câu Nam mô Tây phương Cực lạc thế giới đại từ đại bi A-di-đà Phật, rồi niệm bốn chữ hồng danh A-di-dà Phật. Pháp khí sử dụng trợ niệm chỉ dùng khánh, âm thanh mõ quá trầm không nên dùng.
Nếu bệnh đang nhẹ, lúc đó khởi đầu tán bài Liên trì hải hội, tụng một biến kinh Di đà, ba biến Vãng sanh thần chú (tốt nhất 21 biến); kệ tán Phật, tiếp theo niệm câu Nam mô Tây phương Cực lạc thế giới đại từ đại bi A-di-dà Phật, niệm sáu chữ hồng danh Nam mô A-di-đà Phật khoảng mười câu, rồi chuyển sang niệm bốn chữ hồng danh A-di-đà Phật.
4. Thời điểm hôn mê đến khi sắp chết:
Nếu đang trợ niệm, người bệnh rơi vào trạng thái hôn mê không còn hay biết, bấy giờ người trợ niệm đến bên người bịnh nói lời khai thị, đồng thời dùng khánh kê sát tai đánh một vài tiếng. Sau đó niệm lớn Phật hiệu, khiến cho người bệnh thoát lần khỏi sự hôn mê.
Khi người bệnh sắp đến lúc chấm dứt hơi thở, tất cả người trợ niệm nên nhóm lại trợ niệm, tốt nhất cùng bà con đối trước Tam bảo, hoặc quỳ niệm hoặc lễ niệm, đồng thời trong tâm mỗi người đều quán tưởng đức Phật A-di-đà hiện phóng ánh sáng lớn tiếp độ, người chết đang ở trong hào quang của Phật chắp tay trang nghiêm, vãng sanh Tịnh độ. Sau khi đã chấm dứt hơi thở độ mười phút, người trợ niệm chia thành hai ban, mỗi ban luân phiên niệm Phật khoảng nửa giờ đồng hồ, bắt đầu từ thời điểm này trở đi cần phải niệm Phật lớn tiếng, rồi cứ tuần tự đổi ban niệm Phật như trước.
5. Thời điểm tắt thở cho đến khi toàn thân lạnh hẳn:
Người bệnh sau khi đã chấm dứt hơi thở, trước khi thân thể chưa lạnh hẳn, trong giai đoạn này những vị trong ban trợ niệm cần hết sức chú ý, tuyệt đối không được thăm dò hơi nóng và bà con không được khóc lóc, chỉ nên phát tâm niệm Phật trợ niệm. Cần trải qua tám hoặc mười giờ đồng hồ, mới có thể mời một vị có sức tu hành tương đương, dùng tay nhẹ thăm dò hơi nóng, cho đến khi toàn thân người chết lạnh hẳn, việc trợ niệm mới tạm dừng. Lúc đó, người trợ niệm hướng về trước Phật, thay mặt người chết hồi hướng công đức, cầu nguyện người chết vãng sanh Tịnh độ.
Nếu toàn thân người chết vẫn chưa lạnh hẳn, thì không luận một ngày, hai ngày, ba ngày, mọi người đều phát tâm niệm Phật lớn tiếng. Cá nhân mỗi người trợ niệm đều nên nghĩ, đây là lúc chúng ta thay thế đức Như Lai, cứu độ chúng sanh thoát ly sanh tử. Mọi người không nên vì chút thời gian này, mà sanh tâm nhọc nhằn biếng nhác, khiến người chết lạc lối không được vãng sanh. Chúng ta trợ niệm với tâm như thế, mới chân chánh phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo, biểu hiện sự tu hành một cách thực tế.
Tóm lại: Có nhân tức có quả, có quả tức có nhân. Chúng ta phát tâm trợ niệm người khác, tương lai đến lúc lâm chung tự nhiên sẽ có người phát tâm đến trợ niệm chúng ta. Người khác nhờ chúng ta trợ niệm được vãng sanh, tương lai họ sẽ theo hầu đức Phật A-di-đà, đồng đến tiếp dẫn, dùng thần lực gia hộ, khiến chúng ta lúc lâm chung chánh niệm hiện tiền vãng sanh Cực lạc. Do vậy, thường trợ niệm người khác vãng sanh, đối với vấn đề lợi hại lúc lâm chung thật rất rõ ràng. Sau này đến thời điểm lâm chung, chúng ta cũng vận dụng kinh nghiệm quá khứ, khiến tất cả đều như pháp. Do đó sẽ không có các sự tình phát sanh ngoài ý muốn, và quyết định sẽ được vãng sanh.
Thích Nguyên Liên
[Tập san Pháp Luân - số 22, tr.23, 2006]